Kéo điện lưới ra Côn Đảo: Năng lượng tái tạo làm gì?Cập nhật lúc 09:49Theo PGS.TS Lê Văn Doanh, bởi thiếu ổn định nên năng lượng tái tạo chỉ là phương án bổ sung, còn đối với Côn Đảo, điện lưới phải là chủ đạo.Tại cuộc làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hôm 20/3, đề cập đến vấn đề cấp điện cho Côn Đảo, đại diện Bộ Công thương cho biết, Bộ đã tính toán phương án đưa điện lưới quốc gia ra đảo bằng đường dây 110 kV, đi ngầm dưới biển. Tổng vốn đầu tư khoảng 4.800 tỷ đồng. Nhất trí chủ trương, Thủ tướng đã giao Bộ Công thương đề xuất phương án cụ thể về cấp điện cho Côn Đảo. Về chủ trương này, nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn tại sao phải kéo điện lưới từ đất liền ra đảo mà không sử dụng các loại hình năng lượng khác, tại chỗ như điện gió, điện mặt trời? Trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Lê Văn Doanh, nguyên Trưởng khoa Điện, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, năng lượng tái tạo (như điện mặt trời, điện gió) không phải là hoàn hảo, trái lại nguồn năng lượng này khá phập phù, không ổn định. Do vậy, nó chỉ có thể là nguồn điện bổ sung chứ không thể là nguồn điện chủ đạo. "Một đám mây đi qua cũng có thể làm sụt giảm công suất điện mặt trời, một trận mưa cũng đủ khiến điện mặt trời "sập nguồn", chưa kể ban ngày có mặt trời còn có điện, còn ban đêm thì hết sạch. Với điện gió, có lúc các tuabin gần như đứng im và lặng gió, có lúc gió lại mạnh, thậm chí mạnh quá thì còn phải tìm cách hạn chế bớt để không ảnh hưởng đến hệ thống. Cho nên, không nên lạc quan quá đối với năng lượng tái tạo, đó chỉ là nguồn điện bổ sung, còn nguồn điện lưới mới đóng vai trò chủ đạo vì đảm bảo tính ổn định và tin cậy", PGS.TS Lê Văn Doanh chỉ rõ, đồng thời khẳng định, muốn phát triển lâu dài ở Côn Đảo thì bắt buộc phải kéo điện lưới từ đất liền ra.
"Khi đề xuất giải pháp cung cấp điện cho Côn Đảo, đương nhiên các nhà kỹ thuật và EVN đã phải tính toán rất kỹ. Chi phí để kéo điện lưới ra đảo bằng cáp ngầm rất cao, dự kiến 4.800 tỷ đồng, nhưng hiệu quả mang lại là rất lớn, phục vụ cho sự phát triển của Côn Đảo", PGS.TS Lê Văn Doanh nhận xét Đối với nguồn điện khí hóa lỏng LNG, PGS.TS Lê Văn Doanh cho biết, nguồn điện này rất hiệu quả, nhưng phải đi kèm điều kiện. Khí LNG cần tàu chở và cần công nghệ. Về lâu dài, khí LNG sẽ là nguồn năng lượng chủ lực, có thể thay thế cho nhiệt điện than, do than của Việt Nam hiện đã cạn kiệt và phải nhập khẩu, dự báo ngày càng nhập khẩu càng nhiều. Tại vùng Biển Đông của Việt Nam có nhiều mỏ khí đốt lớn, trong đó mỏ Kèn Bầu mới phát hiện được đánh giá là nguồn nhiên liệu bổ sung quan trọng, giải quyết bài toán cân đối cung, cầu năng lượng trong dài hạn cho Việt Nam. Thế nhưng, theo PGS.TS Lê Văn Doanh, Côn Đảo không thể làm nhà máy điện khí vì nhà máy nhiệt điện khí cực lớn, lại cần rất nhiều nước ngọt để làm nguội, do vậy trong tương lai, có thể xây nhà máy nhiệt điện khí ở đất liền và chuyển điện ra Côn Đảo. Nhìn rộng ra, vị chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần cấp tốc xây dựng một số nhà máy khí hóa lỏng với sự giúp đỡ về công nghệ của Mỹ và một số nước quốc gia phát triển để tránh khó khăn về nguồn năng lượng sau này. "Thay vì nhập khẩu than thì Việt Nam cần nhập khẩu khí hóa lỏng, mà khí hóa lỏng có một ưu thế là: tuy là nhiệt điện, nhưng khi đốt lên nó không gây ô nhiễm môi trường nhiều như nhiệt điện than và cũng không phập phù như năng lượng tái tạo", PGS.TS Lê Văn Doanh cho biết. Trong một tương lai xa hơn, vị chuyên gia cho rằng, việc chế ngự được phản ứng nhiệt hạch sẽ tạo nên nguồn năng lượng sạch, vô tận và đây chính là động lực của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Hiện nay các nhà khoa học trên thế giới đang tập trung nghiên cứu loại năng lượng rằng và hy vọng có thể giải quyết được vào những năm 2040-2050. Theo PGS.TS Lê Văn Doanh, phản ứng nhiệt hạch xảy ra khi 2 nguyên tử đồng vị của Hydro là Deuteri 2H và Triti 3H còn gọi là nước nặng kết hợp với nhau tạo nên nguyên tử Heli 4H và neutron cùng với việc giải phóng năng lượng khổng lồ. Vì Deuteri và Triti có điện tích dương cùng dấu nên chịu lực đẩy tĩnh điện và lực này càng lớn khi chúng càng sát gần nhau. Phản ứng nhiệt hạch có tiềm năng tạo nên nguồn năng lượng vô tận nhưng rất ít tác động đến môi trường. Một gram hỗn hợp Deuteri-Triti trong quá trình tổng hợp hạt nhân tạo ra năng lượng tương đương với việc đốt 80.000 tấn dầu mà không phát sinh khí dioxit carbon và các chất độc hại khác. "Nguyên liệu Deuteri có rất sẵn trong nước biển, còn Triti sẽ được tạo ra từ Lithium sử dụng neutron từ chính phản ứng tổng hợp này. Vì vậy, có thể coi phản ứng nhiệt hạch tạo nên nguồn năng lượng sạch và vô tận, chỉ có điều khống chế nó tương đối khó và hiện nay các nhà khoa học đang cố gắng làm được việc này. Chỉ khi chế ngự được phản ứng nhiệt hạch thì nhân loại mới không còn phụ thuộc vào các nguồn năng lượng sơ cấp", vị chuyên gia kỳ vọng. Một diễn biến đáng lưu ý là tháng 7/2020, tại Pháp đã diễn ra lễ khai trương lắp đặt thiết bị cho lò phản ứng tổng hợp hạt nhân thí điểm quốc tế ITER. Đây là đại dự án năng lượng trị giá 20 tỷ euro do 35 nước tài trợ với mục tiêu tạo nên nguồn nhiệt năng thương mại 500 MW.
(Theo Đất Việt) Thành Luân |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét