CAO BẰNG ĐẦU NĂM 1979 (kỳ 15) Cập nhật lúc 09:23 Tác giả Trọng Bảo (bên trái) Trận đánh quyết liệt buổi chiều ngày 20-2, các đơn vị của Tiểu đoàn 3 đã đẩy lui tất cả các cuộc tấn công của bọn bành trướng vào thị trấn Sóc Giang và các trận địa phòng ngự của mình. Các đơn vị trong tiểu đoàn đã thể hiện được quyết tâm: "Chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, người lính cuối cùng, kiên quyết không rời trận địa khi chưa có lệnh!". Đại đội 10 sau cuộc cận chiến bằng lưỡi lê, báng súng tuy chịu rất nhiều tổn thất song đã đánh bật bọn địch xuống mặt đường, đẩy lui lượng lượng đặc nhiệm của chúng trở ngược lên điểm cao 505, cơ bản lấy lại được trận địa. Đại đội 9 vẫn giữ vững được trận địa Kéo Nghìn và khu vực ủy ban nhân dân huyện Hà Quảng, Bộ phận chốt chặn của Đại đội 11 vẫn bảo vệ được đoạn đường hẹp "cổ chai" phía dưới trường cấp 1+2 ngăn chặn quân địch từ hướng cửa khẩu Bình Mãng tràn xuống thị trấn Sóc Giang. Trong ngày, sáu chiếc xe tăng địch bị bắn cháy, bắn hỏng, hơn bốn trăm tên địch bị tiêu diệt. Xác xe tăng, xác bộ binh chúng nằm rải rác khắp thị trấn Sóc Giang, trên cánh đồng bản Nà Nghiềng. Bọn địch từ hướng Mỏ Sắt, Thông Nông nống lên phải co cụm lại. Không một tên địch nào bám được vào chân núi đá lên hang huyện ủy, sở chỉ huy của Tiểu đoàn 3. Bọn chúng bị chặn đứng ở ngay phía trước nhà bưu điện và trong khu chợ thị trấn. Những khẩu súng trên tay xác những tên giặc chết nằm trên đám ruộng ngô non bản Nà Nghiềng, khu chợ thị trấn và nòng pháo trên những chiếc xe tăng bị bắn cháy vẫn hướng về phía cửa hang huyện ủy, nơi chúng không thể đến và là nơi chúng tôi đang trụ vững. Khi các hướng tiếng súng tạm lắng thì màn đêm buông xuống. Trừ bộ phận cảnh giới, chúng tôi rút vào trong hang tránh đạn pháo của bọn địch. Chính trị viên Hoàng Quốc Doanh ngồi dựa vào thành hang. Trông anh có vẻ mệt mỏi. Chúng tôi ngồi nằm ngổn ngang xung quanh, nhiều người quần áo còn bê bết bùn đất, dính máu thương binh. Trợ lý tham mưu Bùi Đức Thọ tranh thủ báo cáo tình hình địch, sau đó tôi tổng hợp điện của các đơn vị báo cáo về quân số thương vong, về trang bị vũ khí đạn dược. Nét mặt của chính trị viên tiểu đoàn Hoàng Quốc Doanh thêm tối đi mỗi khi tôi đọc số lượng, tên người hy sinh, mất tích, bị thương. Anh em trong hang cũng lặng đi khi nghe thấy tên các đồng đội, bạn bè của mình vừa ngã xuống. Không khí trong hang trầm lắng hẳn đi... Hồi lâu, chính trị viên Hoàng Quốc Doanh mới lên tiếng: - Chúng ta đã chịu nhiều tổn thất, hy sinh. Nhưng hôm nay chúng ta đã đánh một trận làm cho quân thù phải khiếp sợ. Thị trấn Sóc Giang hôm nay đúng là một "tọa - độ - lửa" các đồng chí ạ. Nhiều người đã hy sinh nhưng chúng ta đã hoàn thành nhiệm vụ, bảo vệ được trận địa. Hôm nay, các đồng chí ấy anh dũng ngã xuống để cho chúng ta còn sống ngồi đây... không ai được quên điều ấy... Lặng đi một lát anh nói thêm, giọng nhỏ hơn: - Nếu buổi chiều hôm nay chúng ta không giữ vững được trận địa, hoặc có một đơn vị, một bộ phận nào rút lui tháo chạy thì tất cả chúng ta sẽ bị tiêu diệt không ai còn sống đâu. Bọn địch đã quay đặc kín xung quanh cái thị trấn nhỏ bé này rồi... Chính trị viên Hoàng Quốc Doanh biểu dương tình thần chiến đấu của các đơn vị trong tiểu đoàn. Anh bảo tôi điện báo khen ngợi các đơn vị. Anh cũng không quên nhắc đến sự chi viện của một khẩu đội 12ly7 thuộc Đại đội 16 của trung đoàn. Khẩu đội này bố trí trên mỏm núi đá bên phải các bản Cốc Sâu, Kép Ké, ngay giữa đội hình xuất phát của quân địch khi tấn công vào chốt của Đại đội 10 sáng nay. Các chiến sĩ khẩu đội 12ly7 này đã dũng cảm nằm im giữa đội hình của bọn giặc chờ đợi. Bọn giặc sẽ không phát hiện ra nếu họ vẫn nằm im hoặc lặng lẽ trèo lên núi cao theo đường mòn rút đi. Nhưng các chiến sĩ khẩu đội 12ly7 này đã không làm thế. Họ nằm im khi quân địch tập trung quân xung quanh ngay dưới chân mình. Khi bọn địch bắt đầu tấn công vào thị trấn thì họ lập tức nhả đạn xối xả vào lưng, vào gáy bọn chúng để chi viện cho Đại đội 10 giữ chốt. Bọn địch bị bất ngờ. Sau phút hoảng loạn chúng tổ chức một lực lượng quay lại bao vây tấn công lên mỏm núi tiêu diệt khẩu đội 12ly7 ngay sau lưng đội hình của chúng. Sau này chúng tôi được biết, các chiến sĩ khẩu đội 12ly7 này đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Họ phá hỏng khẩu 12ly7 trước khi bọn địch xông đến rồi dùng lựu đạn và súng bộ binh quyết tử với chúng. Tôi xúc động khi nghe những lời chính trị viên tiểu đoàn Hoàng Quốc Doanh vừa nói. Là người phụ trách thông tin liên lạc, nhận những bức điện trong những tình huống cam go nhất nên tôi hiểu. Có bộ phận bị đánh ác liệt, bị thương vong thiệt hại nặng nề xin rút lui, có đơn vị chết gần hết chỉ huy, có đại đội không còn đạn dược. Tình huống dồn dập, cấp bách, bọn địch tấn công khắp nơi có lúc tôi nghe điện đã hoang mang vậy mà chính trị viên Hoàng Quốc Doanh vẫn bình tĩnh xử lý. Anh còn luôn động viên, căn dặn tôi bình tĩnh giữ vững thông tin liên lạc. Tôi đã cố gắng xử lý được tất cả các tình huống để đảm bảo liên lạc thông suốt trong các trận đánh, nhất là khi bị bọn giặc phá sóng. Nhiều lần cứ mở máy liên lạc là bọn giặc xen vào làm nhiễu sóng và nghe lén thông tin. Loại máy vô tuyến 884 chúng tôi đang sử dụng là do Trung Quốc sản xuất viện trợ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ vì thế chúng rất hiểu khi gây nhiễu, phá hoại. Để chuẩn bị cho các trận đánh ngày hôm sau, cơ quan tiểu đoàn bộ tổ chức một trung đội sang tăng cường cho Đại đội 10. Tiểu đội trưởng hữu tuyến Hà Trung Lợi được bổ nhiệm giữ chức vụ trung đội trưởng. Lực lượng của trung đội này gồm hơn chục chiến sĩ thuộc các ở các bộ phận thông tin, vận tải, nuôi quân. Sau khi nhận đủ người, Hà Trung Lợi liền dẫn bộ đội đi ngay. Ngày 21-2, Hà Trung Lợi đã cùng bộ phận của mình chiến đấu rất dũng cảm cùng anh em Đại đội 10 giữ vững trận địa. Trung đội trưởng thông tin Phạm Hoa Mùi cũng được giao phụ trách một bộ phận chiến đấu. Thấy tôi cứ nhấp nhỏm vì chưa biết mình sẽ được giao nhiệm vụ gì, đi tăng cường cho bộ phận nào thì chính trị viên Hoàng Quốc Doanh hỏi: - Có chuyện gì thế! Có đơn vị nào điện khẩn về à? Tôi đứng dậy nói: - Báo cáo thủ trưởng không ạ! Em chỉ muốn biết mình sẽ được tăng cường về đơn vị chiến đấu nào thôi ạ? Anh Doanh lừ lừ nhìn tôi rồi bảo: - Mày vẫn phải ở lại cơ quan tiểu đoàn bộ lo việc bảo thông tin cho chỉ huy, hiểu không? Ngày mai tình hình sẽ còn căng thẳng ác liệt đấy! Tôi ngồi xuống ôm súng tựa vào vách hang. Nhiều người trong cơ quan tiểu đoàn bộ đã lên đường tăng cường cho đơn vị chiến đấu, tại hang huyện ủy còn rất ít, chủ yếu là thương binh và một số chiến sĩ trinh sát, thông tin, hậu cần, vận tải làm nhiệm vụ đảm bảo cho chỉ huy tiểu đoàn. Đến khoảng hơn tám giờ tối thì chúng tôi nhận được lệnh rút lui khỏi thị trấn Sóc Giang. Chính trị viên tiểu đoàn Hoàng Quốc Doanh lập tức họp cùng các cán bộ bàn phương án rút lui. Một tấm bản đồ địa hình trải xuống ngay nền hang đá. Ánh đèn pin mờ ảo soi không rõ những đường bình độ trên bản đồ. Các chỉ huy đang bàn kế hoạch rút khỏi thị trấn. Những cái đầu bù xù. Những khuôn mặt hốc hác vì gần tuần nay chiến đấu ác liệt, đấu trí, đấu sức với quân giặc và chứng kiến bao sự hy sinh rồi mất ngủ, đói khát. Với một đơn vị đã thiệt hại nặng, gần như kiệt sức chiến đấu cùng rất nhiều thương binh nặng việc tìm một phương án rút lui làm sao cho đỡ tổn thất thêm sinh lực quả là không đơn giản. Vị trí hang chỉ huy của tiểu đoàn đã bị lộ. Bọn địch bao vây chặt thị trấn. Lực lượng của chúng ở điểm cao 505 và đồn công an vũ trang trên mỏm đồi đối diện hang huyện ủy và ở bản Nà Nghiềng khống chế chặt chẽ mọi hành động của tiểu đoàn. Chúng bắn không tiếc đạn vào cửa chính của hang và các vị trí phòng ngự của tiểu đoàn ở khu vực thị trấn Sóc Giang. Sau một lúc trao đổi, chính trị viên tiểu đoàn Hoàng Quốc Doanh đi đến một quyết định táo bạo: - Chúng ta sẽ rút lui theo hướng cửa hang chính xuống phía trước nhà bưu điện rồi qua con mương nước phía bên trái bản Nà Nghiềng, sau đó băng qua cánh đồng sang dãy núi đá vượt lên trên Lũng Vỉ. Nếu bị bọn địch phát hiện ngăn chặn thì chúng ta sẽ nổ súng mở đường máu rút quân. Có nhiều tiếng xì xào. Bởi nếu rút lui theo hướng cửa hang chính thì đúng là một cuộc phá vây, mở đường máu thực sự. Bọn địch đã chiếm bản Nà Nghiềng, xe tăng chúng nằm lổm ngổm chặn khắp các ngõ ngách thị trấn Sóc Giang. Con đường rút lui của đơn vị sẽ đi qua giữa đội hình quân địch. Biết thế nhưng không ai có ý kiến phản đối. Bởi vì ai cũng hiểu đường rút qua cửa hang phụ an toàn hơn, bọn địch khó phát hiện được. Nhưng cửa hang phụ hẹp, vách núi đá dựng đứng, người khoẻ leo lên, leo xuống đã khó đừng nói là khênh cáng thương binh. Tiếp theo, trợ lý tham mưu tiểu đoàn Bùi Đức Thọ bắt đầu trình bày kế hoạch cụ thể cho tất cả cán bộ, chiến sĩ đang có mặt trong hang nghe. Theo kế hoạch, các bộ phận sẽ chia nhỏ thành từng tổ ba bốn người, vũ khí, trang bị, khiêng cáng thương binh thật gọn gàng, để có thể trong vòng hai đến ba phút, là khoảng cách thời gian giữa hai đợt pháo địch bắn cầm canh vào cửa hang, phải vượt được một quãng đường gần hai trăm mét từ cửa hang xuống đến con mương nước bên phải bản Nà Nghiềng rồi thoát ra cánh đồng. Tiểu đội trinh sát đi trước ém quân dọc theo con mương sẽ bảo vệ cho đội hình rút lui. Tốp rút ra trước yểm hộ cho tốp đi sau. Khi bị địch phát hiện thì từng bộ phận sẽ tổ chức đánh địch, vừa đánh vừa rút dần sang phía bên kia cánh đồng, bám vào chân núi đá để chiến đấu. Đại đội 12 sẽ cử người xuống chi viện chặn địch khi cần thiết và đón cơ quan tiểu đoàn bộ và thương binh lên núi. Tôi hiểu, việc chia nhỏ ra như thế nếu bị trúng đạn pháo hoặc quân địch phát hiện truy kích thì tổn thất sẽ ít hơn. Bộ phận mở đường do trợ lý tham mưu Bùi Đức Thọ và các chiến sĩ trinh sát nắm tình hình địch, công binh để phát hiện mìn, xử lý vật cản... Cao Bằng-1979 Ghi chép của Trọng Bảo Theo Báo điện tử Tầm nhìn |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét