Thứ Tư, 31 tháng 3, 2021

Ai đã vấy bẩn tâm hồn những đứa trẻ?

 

Ai đã vấy bẩn tâm hồn những đứa trẻ ở Tiểu học Sài Sơn B?

Cập nhật lúc 10:01     

Ai cũng mong câu chuyện được kết thúc nhanh nhất, rồi đây ai có lỗi sẽ bị xử lý nhưng những đứa trẻ ở ngôi trường này vẫn là đáng thương và chịu nhiều thiệt thòi.

Vụ cô giáo Nguyễn Thị Tuất, giáo viên Trường Tiểu học Sài Sơn B huyện Quốc Oai thành phố Hà Nội tố mình bị nhà trường trù dập đang được cơ quan chức năng làm rõ hiện vẫn chưa có kết luận cuối cùng.

Ai cũng mong ngóng câu chuyện được kết thúc nhanh nhất, rồi đây ai có lỗi sẽ bị xử lý nhưng những đứa trẻ ở ngôi trường này vẫn là đáng thương và chịu nhiều thiệt thòi nhất.

Để thật sự khách quan, chúng tôi đề nghị cần phải làm rõ: Chất lượng rèn luyện đạo đức cũng như chất lượng học tập 2 môn học này của học sinh trước và sau khi cô Tuất nhận lớp thực sự thế nào? Học sinh viết bậy trên bài kiểm tra và vở bài tập sao không bị xử lý mà dồn trách nhiệm vào mình giáo viên bộ môn?

“Học sinh rất ngoan và mặt bằng kiến thức của các con tốt”

Đó là khẳng định của một giáo viên đồng nghiệp cô Nguyễn Thị Tuất tại Trường Tiểu học Sài Sơn B, Quốc Oai, Hà Nội với Báo Vietnamnet trong bài viết "Vụ cô giáo tố bị 'trù dập' ở Quốc Oai: Nghi ngờ về clip học trò láo, hỗn" đăng ngày 30/3/2021 [1].

 

Ảnh chụp màn hình ý kiến của một người được cho là giáo viên Trường Tiểu học Sài Sơn B chia sẻ với VietnamNet về vụ việc đang gây bão dư luận liên quan đến tố cáo của cô Nguyễn Thị Tuất.

Chia sẻ với VietNamNet, một giáo viên khác của Trường Tiểu học Sài Sơn B cho hay tâm lý của bản thân bị ảnh hưởng rất nhiều trong thời gian vừa qua, đặc biệt sau khi các thông tin về vụ việc liên quan đến trường được lan truyền trên mạng, khiến dư luận "dậy sóng".

“Việc này cũng ảnh hưởng rất nhiều đến các phụ huynh, học sinh của trường”, cô giáo này nói.

Theo cô giáo này, khi xem các hình ảnh trên các trang mạng, cô nghi ngại liệu có được cắt ghép hay không. Bởi khi xem kỹ thì thời gian ghi hình vào buổi trưa mà buổi trưa là thời gian các con ăn bán trú. Chưa kể thời gian vào ngày 20/5 - mốc thời gian rất xa thời điểm hiện tại.

Hay hình ảnh học sinh trùm chăn trong giờ học, đây là tấm chăn mà các con sử dụng trong giờ nghỉ trưa những ngày trời lạnh hoặc đắp thêm khi bật điều hòa, chứ không phải học sinh mang đi để làm việc gì đó nhằm mục đích xấu.

Cô giáo này cho hay, trong các giờ dạy của mình, các học sinh đều rất ngoan, lễ phép, lắng nghe và lớp học luôn trong tầm kiểm soát, không ảnh hưởng đến các lớp học bên cạnh.

“Tôi không hiểu sao cô Tuất luôn nghĩ xấu cho học sinh trong khi tâm hồn của các con rất non nớt, ngây thơ như một tờ giấy trắng như thế. Tại sao không lắng nghe, chia sẻ việc tại sao các con lại không muốn học cô, không muốn nghe cô giảng. Học sinh khối 4 và 5 đã có những bước phát triển tâm sinh lý nhất định, tôi nghĩ ngoài việc truyền thụ kiến thức, giáo viên khi lên lớp cần phải lắng nghe, chia sẻ với các em”.

Theo cô, sự việc dù chưa rõ đúng sai nhưng ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường lẫn bản thân cô cũng như các đồng nghiệp. Do đó, cô giáo này mong muốn các cơ quan chức năng sớm làm rõ mọi việc.

Một thông tin khác về chất lượng rèn luyện đạo đức, học tập của học sinh Tiểu học Sài Sơn B

Tìm hiểu về Trường Tiểu học Sài Sơn B, chúng tôi vô tình đọc được bài viết "Trường tiểu học Sài Sơn B: Học sinh viết bậy vào bài kiểm tra, coi thường giáo viên" của tác giả Đỗ Hùng/Sở hữu Trí tuệ đăng trên Tạp chí Sở hữu Trí tuệ & Sáng tạo ngày 16/12/2020 [2].

Bài viết dẫn lời cô N.T.T, giáo viên tại Trường tiểu học Sài Sơn B cho hay, thời gian qua, học lực của học sinh tại trường xuống mức rất thấp. Cá biệt, một số em còn vò nát bài, viết, vẽ bậy lên kiểm tra và vở bài tập.

Cụ thể, trong quá trình giảng dạy môn Lịch sử và Địa lý của khối lớp 4, cô T. phát hiện nhiều học sinh “hổng” nặng về kiến thức. “Đối với môn Lịch sử, cả khối lớp 5 rất ít học sinh đạt điểm hoàn thành (trên trung bình). Cá biệt, tại một lớp 4, qua khảo sát có tới 100% học sinh đạt điểm dưới 5”, cô N.T.T chia sẻ.

Theo phản ánh của cô T. và ghi nhận thực tế của phóng viên, trong các bài kiểm tra 2 môn Lịch sử và Địa lý của học sinh lớp 4, lớp 5, nhiều em có dấu hiệu “mất gốc” kiến thức.

Điển hình, bài kiểm tra môn Địa lý của em H. T. H. lớp 4 viết sai khá nhiều lỗi chính tả cơ bản như “rệt vải” (dệt vải), “chồng lúa” (trồng lúa),…

Không dừng lại ở đó, một số học sinh khác thể hiện sự nhầm lẫn, không phân biệt được các đơn vị đo lường. Trong bài kiểm tra môn Địa lý của em N. P. Y. N lớp 5, học sinh này viết “Diện tích nước ta dài 3300 km2”.

Điều đáng nói, ở câu hỏi cuối cùng trong bài kiểm tra nói trên, học sinh này còn thể hiện thái độ coi thường, thách thức giáo viên khi viết: “Tại sao em phải trả lời cô?”

Ngoài các bài kiểm tra, trong vở bài tập của học sinh trường tiểu học Sài Sơn B cũng đầy rẫy các ngôn từ viết rất “bậy”. Cụ thể, trong vở bài tập của em N.V.T lớp 4, học sinh này viết những từ ngữ như: “không biết”, “đ… biết”, “không nói”, “cút”,….


Ngôn từ “bậy” thể hiện ngay trong vở bài tập được cho là của học sinh Trường Tiểu học Sài Sơn B, ảnh chụp màn hình bài viết đăng trên Tạp chí Sở hữu trí tuệ)

Trước tình trạng nói trên, cô N.T.T cho biết đã phản ánh vấn đề này với Ban giám hiệu (BGH) nhà trường. Tuy nhiên, không những nhận được cảm thông và chỉ đạo khắc phục, BGH lại cho rằng cô N.T.T đang đi ngược với thông tư hướng dẫn của Bộ giáo dục & Đào tạo.

“Vừa qua, BGH giao cho tôi phải dạy và thực hiện với bản chất lượng quá cao, hơn ½ số học sinh hoàn thành tốt. Điều này là bất thường so với lực học của học sinh. Cũng qua kiểm tra, tại lớp 4 của trường có duy nhất 01 em đạt điểm 5, còn lại đều dưới trung bình” – cô T. chia sẻ.

Theo nhà quản lý, tất cả lỗi thuộc về giáo viên?

Liên quan tới vấn đề này, PV (tác giả bài viết đăng trên Tạp chí Sở hữu trí tuệ & Sáng tạo, người viết chú thích) đã liên hệ làm việc với ông Nguyễn Khắc Thắng, Trưởng Phòng giáo dục huyện Quốc Oai để làm rõ thông tin phản ánh. Theo đó, ông Thắng cho biết, cô N.T.T đã có nhiều lần phản ánh tới Phòng giáo dục huyện,lãnh đạo phòng cũng đã nắm được vấn đề này.

Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng, tất cả vấn đề nói trên nằm ở chỗ giáo viên không nắm được phương pháp, giảng dạy học sinh sai. Về việc học sinh viết bậy, coi thường giáo viên là do cô giáo dậy không “đến nơi đến chốn” nên chỉ có 1, 2 học sinh viết “linh tinh”.

“Cô T tự ý khảo sát, cô ấy không nắm được phương pháp dạy. Thế bây giờ cô đọc kỹ hướng dẫn chưa, đi dự giờ chưa, học hỏi đồng nghiệp chưa?....

Làm gì có chuyện chất lượng, chỉ có 1-2 đứa học sinh cá biệt, cô ấy dạy không đến nơi đến chốn thì học sinh mới viết linh tinh vào đấy”, ông Thắng khẳng định.

Tuy ông Thắng cho biết, việc hổng kiến thức, viết, vẽ bậy vào bài kiểm tra chỉ là tình trạng cá biệt nhưng theo ghi nhận của PV, có rất nhiều bài kiểm tra, vở bài tập có dấu hiệu nói trên.

Bên cạnh cách giải thích thiếu hợp lý với thực tế PV ghi nhận, với tình trạng nêu trên, ông Thắng không nêu lên được trách nhiệm của lãnh đạo ngành giáo dục của huyện. Cùng với đó, các giải pháp để giải quyết tình trạng trên cũng không được đưa ra.

Để xác minh, làm rõ vụ việc nói trên, PV đã liên hệ tới BGH Trường Tiểu học Sài Sơn B nhưng chưa nhận được phản hồi [2].

Ai đang vấy bẩn tâm hồn trẻ?

Viết bậy, chửi bậy vào bài kiểm tra, vào vở bài tập với những lời lẽ ai nghe cũng sốc “Đ… biết"; “không nói”, “cút”,….Ở góc độ giáo dục là không thể chấp nhận được. Do đó, thiết nghĩ ông Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quốc Oai - Nguyễn Khắc Thắng cần cho công luận biết, có đúng là ông đã trả lời tác giả Đỗ Hùng/Sở hữu Trí Tuệ như trong bài viết "Trường tiểu học Sài Sơn B: Học sinh viết bậy vào bài kiểm tra, coi thường giáo viên" hay không?

Bởi nếu đúng như vậy, thì với tư cách là một nhà giáo, người viết cho rằng đây là một sự việc nghiêm trọng trong giáo dục đạo đức, nhân cách học sinh.

Rõ ràng, những ngôn từ học sinh viết bậy lên bài kiểm tra, nó không còn dừng lại ở việc thiếu sự tôn trọng giáo viên mà là sự xúc phạm, coi thường chính người thầy đang dạy dỗ mình hằng ngày trên lớp. Một báo động về sự xuống cấp trầm trọng đạo đức của học sinh trong nhà trường.

Học sinh vi phạm nhưng không bị nhắc nhở, răn đe. Những đứa trẻ tiểu học dễ dàng ngộ nhận những hành vi của mình đối với giáo viên như thế là đúng, là không hề gì.

Và cứ như thế, lần này rồi còn nhiều lần khác sẽ trở thành thói quen, thành chuyện bình thường, dẫn đến hậu họa thật khôn lường. Sự thờ ơ của nhà trường sẽ đào tạo ra những đứa trẻ chẳng coi ai ra gì thì thật nguy hiểm cho xã hội.

Nguy hại hơn, nếu thông tin trong bài viết "Trường tiểu học Sài Sơn B: Học sinh viết bậy vào bài kiểm tra, coi thường giáo viên" là chính xác, phản ánh đúng câu trả lời của ông Trưởng phòng Giáo dục huyện, thì còn gì để nói, khi người đứng đầu ngành giáo dục huyện Quốc Oai cho rằng đó chỉ là "viết linh tinh" và lỗi do giáo viên không biết dậy.

Học sinh tiểu học luôn được ví như tờ giấy trắng. Đây là giai đoạn vàng để hình thành nhân cách một con người. Cha mẹ, thầy cô chính là những người vẽ những nét chữ đầu tiên.

Nếu các em được dạy dỗ nghiêm túc sẽ trở thành những đứa trẻ ngoan. Ngược lại, những đứa trẻ hư, hỗn láo phản ánh sự dạy dỗ chưa đến nơi đến chốn mà trách nhiệm chính từ phía gia đình, sau mới là nhà trường.

Lẽ ra, trước tình trạng xuống cấp về mặt đạo đức của học sinh, nhà trường sẽ mời phụ huynh lên thông báo và tìm cách phối hợp giáo dục. Và, chính nhà trường cũng phải chịu một phần trách nhiệm trong việc này.

Cụ thể là, giáo viên chủ nhiệm, Ban giám hiệu nhà trường và sau cùng mới đến giáo viên bộ môn.

Bởi, một giáo viên chủ nhiệm bậc tiểu học sẽ có ít nhất 23 tiết dạy trong lớp/tuần. Hầu như ngày nào, giáo viên chủ nhiệm cũng có mặt trong lớp.

Còn giáo viên bộ môn chỉ có vài ba tiết một tuần, dạy lớp này vài tiết sẽ qua dạy lớp kia. Thời gian dạy để hoàn thành kiến thức còn chưa đủ thì lấy thì giờ đâu mà ngồi giảng dạy đạo đức cho các em?

Cô Tuất có sai sẽ có nhà trường giải quyết. Nhưng học sinh hành xử thế này cần phải có biện pháp răn đe nghiêm khắc. Mọi sự dung túng đều làm hại con trẻ.

Không xử lý học sinh nghiêm, hậu quả sẽ là khôn lường

Trong thực tế giảng dạy của chúng tôi, khi một học sinh hư, có những biểu hiện không tốt, giáo viên bộ môn sẽ trao đổi sự việc với giáo viên chủ nhiệm.

Thầy cô chủ nhiệm sau nhiều lần phối hợp với gia đình không đạt kết quả sẽ báo cáo với nhà trường.

Ban giám hiệu mà trực tiếp là hiệu trưởng sẽ có nhiều buổi làm việc với học sinh và phụ huynh. Sẽ có nhiều biện pháp giáo dục, răn đe để các em thấy sai mà sửa chữa cũng là làm gương cho những học sinh khác không dám vi phạm.

Những hành vi của học sinh trong video cô Tuất cũng cấp hay thông tin được cho là học sinh Tiểu học Sài Sơn Bị viết bậy vào sách là không thể chấp nhận được.

Trước khi làm rõ các thông tin này có đúng hay không, nhà trường và phòng giáo dục vội dồn trách nhiệm vào một giáo viên một tuần cũng chỉ có một hoặc vài tiết lên lớp, liệu có bất thường?

Nhiều câu hỏi thắc mắc được đặt ra: Tại sao hành vi hư hỏng của học trò lại được bao che, dung túng đến mức như thế?

Tại sao lại dồn trách nhiệm vào mỗi một giáo viên bộ môn? Còn trách nhiệm giáo chủ nhiệm? Trách nhiệm người quản lý nhà trường ở đâu?

Tài liệu tham khảo:

[1]https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/giao-vien-truong-sai-son-b-nghi-gi-vu-co-vu-co-giao-to-bi-tru-dap-723395.html?fbclid=IwAR3vK-yXM4O1DiXQqecFTNO83ZXhO4aSaxUbnqmU-HO5WQ6g5bItAbNxOhw

[2]https://sohuutritue.net.vn/truong-tieu-hoc-sai-son-b-hoc-sinh-viet-bay-vao-bai-kiem-tra-coi-thuong-giao-vien-d86263.html?fbclid=IwAR0SL9Gat6JHjri_CaauVwv8lhQQXYtgUFXrDXBoRjMFItyfeUtlcHQYMck

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

(Theo GDVN) Phan Tuyết

Thứ Ba, 30 tháng 3, 2021

Vụ cô giáo ở Sài Sơn tố bị trù dập

 

Vụ cô giáo tố bị trù dập: Thanh tra xác minh thông tin học sinh trùm áo đánh, bắn đạn giấy

 Cập nhật lúc 10:27  

 Ông Hoàng Nguyên Ưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai, Hà Nội cho biết, đã yêu cầu thanh tra toàn diện vụ cô giáo Nguyễn Thị Tuất tố bị nhà trường trù dập. Trong đó có thông tin phản ánh việc học sinh đánh, bắn đạn giấy vào người cô.

Sáng 30/3, trao đổi với PV Dân Việt, ông Hoàng Nguyên Ưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai, Hà Nội cho biết, UBND huyện này vừa công bố quyết định thanh tra liên ngành liên quan đến các nội dung trong đơn thư phản ánh của cô Nguyễn Thị Tuất, giáo viên Trường Tiểu học Sài Sơn B đang gây xôn xao dư luận mấy ngày qua.

 

Cô Nguyễn Thị Tuất - cô giáo tố bị trù dập.

Ông Ưng cho biết, đã yêu cầu thanh tra toàn diện vụ cô giáo Nguyễn Thị Tuất tố bị nhà trường trù dập. Trong đó có thông tin phản ánh học sinh đánh, bắn đạn giấy vào người nữ giáo viên.

"Thanh tra huyện Quốc Oai sẽ thực hiện việc kiểm tra xác minh toàn diện tất cả các vấn đề, ai sai phải chịu trách nhiệm", ông Ưng nhấn mạnh.

Trong đơn thư phản ánh, cô Nguyễn Thị Tuất, giáo viên Trường tiểu học Sài Sơn B nói rõ thông tin học sinh khối 5 do cô giảng dạy liên tục quậy phá, hành hung cô giáo.

 

Hình ảnh học sinh trùm áo đồng phục cầm thước đánh cô giáo được nữ giáo viên quay lại

.

Hình ảnh học sinh cầm vòng chun bắn lên bục giảng

"Chủ yếu là học sinh khối 5 lấy thước, lấy dép ném vào mặt tôi. Tôi không chửi mắng, tôi bảo các con không được làm thế. Có em còn trùm áo đồng phục cướp đồ, lấy thước đánh khiến tôi phải lùi lại. Thậm chí dùng vòng chun bắn vào mắt làm tôi phải đi Bệnh viện mắt trung ương khám.

Cứ đến tiết học của mình, các học sinh đồng loạt làm việc riêng, không học bài, gây mất trật tự… Thậm chí, có những em còn mang theo chăn đến lớp, chơi bài trong giờ học...", cô Tuất nêu.

Một số hình ảnh học sinh cầm gậy và ảnh đạn giấy cũng được đăng tải trên mạng, cô Tuất cho rằng các em đánh và cướp điện thoại của cô ngay trong lớp học.

Theo cô Tuất, việc học sinh quậy phá không hợp tác với cô nên chất lượng học sinh đạt kết quả thấp, cô giáo đã báo cáo tình hình học tập của học sinh với Ban giám hiệu nhà trường, giáo viên chủ nhiệm, tổ chuyên môn.

Nữ giáo viên cho rằng, sở dĩ học sinh hư, quậy phá trong giờ học như vậy vì các em được Ban giám hiệu nhà trường "chống lưng" và xúi giục nhằm gây mất uy tín của cô.

Bên cạnh đó, một số phụ huynh của học sinh được cho là có hành động bắn đạn giấy và cầm thước đánh cô Tuất theo tố cáo của cô giáo này cũng mong muốn các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ sự việc.

(Theo Dân Việt) Gia Khiêm

Dùng học sinh làm công cụ gây mất uy tín giáo viên, có lẽ trò đê hèn và dã man này còn hơn của bọn tội phạm đường phố. Nếu thanh tra làm rõ và đúng là trách nhiệm của lãnh dậo nhà trường thì cần loại ngay họ khỏi môi trường giáo dục, nếu không họ sẽ gây họa cho nền giáo dục.

Thương Giang

Tạm đình chỉ phát hành sách mê tín dị đoan

 

Tạm đình chỉ phát hành sách của Câu lạc bộ Tình người

 Cập nhật lúc 10:06  

Hôm nay 29-3, Nhà xuất bản Hồng Đức đã có văn bản gửi Câu lạc bộ Tình người yêu cầu ngừng phát hành cuốn sách ‘Tạo hóa ban tặng nền tảng trí tuệ cho nhân loại’ để thẩm định lại nội dung.

 

Sách 'Tạo hóa ban tặng nền tảng trí tuệ cho nhân loại' bị bạn đọc cho là có nhiều nội dung mê tín dị đoan - Ảnh: Facebook

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online tối 29-3, ông Bùi Việt Bắc - giám đốc Nhà xuất bản Hồng Đức - cho biết, sáng nay 29-3, nhà xuất bản đã nhận được công văn từ Cục Xuất bản, in và phát hành ký ngày 26-3 yêu cầu đình chỉ phát hành cuốn sách Tạo hóa ban tặng nền tảng trí tuệ cho nhân loại để thẩm định về nội dung.

Ngay sau đó, nhà xuất bản đã làm văn bản gửi Câu lạc bộ Tình người yêu cầu ngừng phát hành cuốn sách trên. Trước đó vài ngày, nhà xuất bản đã gửi sách cho Ban Tuyên giáo trung ương đọc và thẩm định nội dung cuốn sách.

Ông Bắc cho biết đây là cuốn sách do Nhà xuất bản Hồng Đức thực hiện xuất bản dưới hình thức liên kết xuất bản trong năm 2020. Giấy phép ghi số lượng xuất bản là 60.000 cuốn.

Ông Bắc dự đoán theo kinh nghiệm cá nhân nhiều năm làm xuất bản thì ít có khả năng câu lạc bộ này đã in và phát hành 60.000 cuốn sách trong năm qua mà sẽ in rải rác trong nhiều năm.

Ông khẳng định mọi thủ tục xuất bản cuốn sách nhà xuất bản đã thực hiện đầy đủ, đúng luật. Nội dung cuốn sách cũng được biên tập kỹ, tuy nhiên có thể không tránh khỏi sai sót, như bất cứ công việc liên quan tới chữ nghĩa, xuất bản nào khác. 

Đặc biệt, với những nhận định "mê tín dị đoan" thì lại càng khó bởi tùy vào quan điểm của từng người hoặc thậm chí tùy vào quan niệm xã hội của từng thời đại. 

Cùng với các cơ quan quản lý, hiện nhà xuất bản cũng đang đọc để thẩm định lại nội dung cuốn sách này.

Ông Bắc cho biết cuốn sách của tác giả Nguyễn Thị Thuận (bút danh Nguyễn Kính) chủ yếu viết về tín ngưỡng của người Việt, phong tục thờ cúng, các công việc, biện pháp phải làm để thực hiện tín ngưỡng. Tác giả có tham khảo nhiều sách về chủ đề tín ngưỡng dân gian, đạo Lão, Phật giáo, đạo Khổng.

Trước đó, theo phản ánh của báo chí, Câu lạc bộ Tình người (thuộc Công ty TNHH Phát triển trí tuệ cộng đồng, có địa chỉ trụ sở tại tầng 3 - tòa nhà số 68 Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) có những hoạt động mang tính chất mê tín dị đoan với nhiều thành viên tham gia.

Ngày 27-3, Thành ủy Hà Nội đã ban hành công văn trong đó Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ giao Ban cán sự Đảng UBND TP Hà Nội chỉ đạo Công an TP, Sở Văn hóa - thể thao, các ngành liên quan tiến hành kiểm tra, làm rõ nội dung thông tin, xử lý nghiêm việc vi phạm các quy định pháp luật (nếu có), báo cáo kết quả với thường trực Thành ủy.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cũng giao Ban tôn giáo TP chủ trì, phối hợp Công an TP, UBND quận Cầu Giấy khẩn trương kiểm tra sự việc nêu tại nội dung bài báo trên; xử lý, giải quyết theo quy định pháp luật...

(Theo Tuổi trẻ) THIÊN ĐIỂU

Thời buổi xuất bản quá lộn xộn. Sách mê tín dị đoan mà dễ dàng lọt cửa thẩm duyệt của Nhà xuất bản. Liệu chỉ tạm đình chỉ rồi sẽ cho phát hành tiếp sao. Người có trách nhiệm có chịu hình thức xử lí gì hay không? Chắc lại “rút kinh nghiệm nghiêm túc” là xong?

Thương Giang

Kéo điện lưới ra Côn Đảo

 

Kéo điện lưới ra Côn Đảo: Năng lượng tái tạo làm gì?

Cập nhật lúc 09:49  

Theo PGS.TS Lê Văn Doanh, bởi thiếu ổn định nên năng lượng tái tạo chỉ là phương án bổ sung, còn đối với Côn Đảo, điện lưới phải là chủ đạo.

Tại cuộc làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hôm 20/3, đề cập đến vấn đề cấp điện cho Côn Đảo, đại diện Bộ Công thương cho biết, Bộ đã tính toán phương án đưa điện lưới quốc gia ra đảo bằng đường dây 110 kV, đi ngầm dưới biển. Tổng vốn đầu tư khoảng 4.800 tỷ đồng.

Nhất trí chủ trương, Thủ tướng đã giao Bộ Công thương đề xuất phương án cụ thể về cấp điện cho Côn Đảo.

Về chủ trương này, nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn tại sao phải kéo điện lưới từ đất liền ra đảo mà không sử dụng các loại hình năng lượng khác, tại chỗ như điện gió, điện mặt trời?

Trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Lê Văn Doanh, nguyên Trưởng khoa Điện, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, năng lượng tái tạo (như điện mặt trời, điện gió) không phải là hoàn hảo, trái lại nguồn năng lượng này khá phập phù, không ổn định. Do vậy, nó chỉ có thể là nguồn điện bổ sung chứ không thể là nguồn điện chủ đạo.

"Một đám mây đi qua cũng có thể làm sụt giảm công suất điện mặt trời, một trận mưa cũng đủ khiến điện mặt trời "sập nguồn", chưa kể ban ngày có mặt trời còn có điện, còn ban đêm thì hết sạch. 

Với điện gió, có lúc các tuabin gần như đứng im và lặng gió, có lúc gió lại mạnh, thậm chí mạnh quá thì còn phải tìm cách hạn chế bớt để không ảnh hưởng đến hệ thống.

Cho nên, không nên lạc quan quá đối với năng lượng tái tạo, đó chỉ là nguồn điện bổ sung, còn nguồn điện lưới mới đóng vai trò chủ đạo vì đảm bảo tính ổn định và tin cậy", PGS.TS Lê Văn Doanh chỉ rõ, đồng thời khẳng định, muốn phát triển lâu dài ở Côn Đảo thì bắt buộc phải kéo điện lưới từ đất liền ra.

 Keo dien luoi ra Con Dao: Nang luong tai tao lam gi? 

Cần kéo điện lưới quốc gia ra Côn Đảo để phát triển kinh tế và bảo đảm an ninh - quốc phòng. Ảnh: PLO

"Khi đề xuất giải pháp cung cấp điện cho Côn Đảo, đương nhiên các nhà kỹ thuật và EVN đã phải tính toán rất kỹ. Chi phí để kéo điện lưới ra đảo bằng cáp ngầm rất cao, dự kiến 4.800 tỷ đồng, nhưng hiệu quả mang lại là rất lớn, phục vụ cho sự phát triển của Côn Đảo", PGS.TS Lê Văn Doanh nhận xét

Đối với nguồn điện khí hóa lỏng LNG, PGS.TS Lê Văn Doanh cho biết, nguồn điện này rất hiệu quả, nhưng phải đi kèm điều kiện. Khí LNG cần tàu chở và cần công nghệ. Về lâu dài, khí LNG sẽ là nguồn năng lượng chủ lực, có thể thay thế cho nhiệt điện than, do than của Việt Nam hiện đã cạn kiệt và phải nhập khẩu, dự báo ngày càng nhập khẩu càng nhiều. Tại vùng Biển Đông của Việt Nam có nhiều mỏ khí đốt lớn, trong đó mỏ Kèn Bầu mới phát hiện được đánh giá là nguồn nhiên liệu bổ sung quan trọng, giải quyết bài toán cân đối cung, cầu năng lượng trong dài hạn cho Việt Nam.

Thế nhưng, theo PGS.TS Lê Văn Doanh, Côn Đảo không thể làm nhà máy điện khí vì nhà máy nhiệt điện khí cực lớn, lại cần rất nhiều nước ngọt để làm nguội, do vậy trong tương lai, có thể xây nhà máy nhiệt điện khí ở đất liền và chuyển điện ra Côn Đảo.  

Nhìn rộng ra, vị chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần cấp  tốc xây dựng một số nhà máy khí hóa lỏng với sự giúp đỡ về công nghệ của Mỹ và một số nước quốc gia phát triển để tránh khó khăn về nguồn năng lượng sau này.

"Thay vì nhập khẩu than thì Việt Nam cần nhập khẩu khí hóa lỏng, mà khí hóa lỏng có một ưu thế là: tuy là nhiệt điện, nhưng khi đốt lên nó không gây ô nhiễm môi trường nhiều như nhiệt điện than và cũng không phập phù như năng lượng tái tạo", PGS.TS Lê Văn Doanh cho biết.

Trong một tương lai xa hơn, vị chuyên gia cho rằng, việc chế ngự được phản ứng nhiệt hạch sẽ tạo nên nguồn năng lượng sạch, vô tận và đây chính là động lực của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Hiện nay các nhà khoa học trên thế giới đang tập trung nghiên cứu loại năng lượng rằng và hy vọng có thể giải quyết được vào những năm 2040-2050.

Theo PGS.TS Lê Văn Doanh, phản ứng nhiệt hạch xảy ra khi 2 nguyên tử đồng vị của Hydro là Deuteri 2H và Triti 3H còn gọi là nước nặng kết hợp với nhau tạo nên nguyên tử Heli 4H và neutron cùng với việc giải phóng năng lượng khổng lồ.

Vì Deuteri và Triti có điện tích dương cùng dấu nên chịu lực đẩy tĩnh điện và lực này càng lớn khi chúng càng sát gần nhau. Phản ứng nhiệt hạch có tiềm năng tạo nên nguồn năng lượng vô tận nhưng rất ít tác động đến môi trường. Một gram hỗn hợp Deuteri-Triti trong quá trình tổng hợp hạt nhân tạo ra năng lượng tương đương với việc đốt 80.000 tấn dầu mà không phát sinh khí dioxit carbon và các chất độc hại khác.

"Nguyên liệu Deuteri có rất sẵn trong nước biển, còn Triti sẽ được tạo ra từ Lithium sử dụng neutron từ chính phản ứng tổng hợp này. Vì vậy, có thể coi phản ứng nhiệt hạch tạo nên nguồn năng lượng sạch và vô tận, chỉ có điều khống chế nó tương đối khó và hiện nay các nhà khoa học đang cố gắng làm được việc này. Chỉ khi chế ngự được phản ứng nhiệt hạch thì nhân loại mới không còn phụ thuộc vào các nguồn năng lượng sơ cấp", vị chuyên gia kỳ vọng.

Một diễn biến đáng lưu ý là tháng 7/2020, tại Pháp đã diễn ra lễ khai trương lắp đặt thiết bị cho lò phản ứng tổng hợp hạt nhân thí điểm quốc tế ITER. Đây là đại dự án năng lượng trị giá 20 tỷ euro do 35 nước tài trợ với mục tiêu tạo nên nguồn nhiệt năng thương mại 500 MW. 

Kéo điện lưới ra Côn Đảo phục vụ nhiều mục tiêu

Chia sẻ trên báo Người lao động, ông Hoàng Trung Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương), cho biết bộ đã nhiều lần làm việc với tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng như các cơ quan liên quan để tìm phương án tối ưu cấp điện cho Côn Đảo.

Phương án cung cấp điện cho Côn Đảo được lựa chọn trên cơ sở xem xét các yêu cầu cung ứng điện ổn định liên tục, bảo vệ chủ quyền, biên giới quốc gia, an toàn môi trường, giảm thiểu tiếng ồn và ô nhiễm do khí thải.

"Việc cấp điện cho Côn Đảo cũng đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đơn vị tư vấn nghiên cứu kỹ lưỡng, trong đó có tính đến các phương án nguồn điện tại chỗ như điện than, khí, năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, phương án cấp điện từ lưới điện quốc gia bằng cáp ngầm là phù hợp nhất, bảo đảm tính ổn định và tin cậy nhất. Tất nhiên, chúng ta vẫn phát triển nguồn điện mặt trời, điện gió để bổ sung. Nhưng đó vẫn không phải là nguồn chủ đạo; chủ đạo vẫn là cấp từ lưới điện quốc gia", ông Dũng nói.

Báo Tuổi trẻ dẫn lời ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, khẳng định, với mục tiêu đảm bảo an ninh - quốc phòng đặt lên hàng đầu thì điện lưới đưa từ đất liền ra ổn định hơn nhiều so với các hình thức khác.

"Qua phân tích, đánh giá, so sánh ưu nhược điểm của các phương án cấp điện cho Côn Đảo thì giải pháp dùng cáp ngầm kéo điện lưới từ Sóc Trăng ra đáp ứng được yêu cầu ổn định, lâu dài, đảm bảo quốc phòng - an ninh và giảm thiểu sự tác động đến môi trường, sinh thái của Côn Đảo", ông Thọ nói.

(Theo Đất Việt) Thành Luân

Thứ Hai, 29 tháng 3, 2021

Nghìn tỷ vốn vay cho thử nghiệm thất bại

 

BRT Hà Nội: Nghìn tỷ vốn vay cho thử nghiệm thất bại

Cập nhật lúc 14:36 

 Tuyến buýt nhanh (BRT) 01 của Hà Nội được đầu tư hàng ngàn tỷ đồng từ vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB). Sau 5 năm hoạt động, BRT không đem lại hiệu quả như mong đợi.

 

 Khi đầu tư xây dựng tuyến BRT 01, TP Hà Nội đặt kỳ vọng BRT có sức chuyên chở lớn, tốc độ nhanh, vận hành liên tục và có khả năng thay thế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, sau 5 năm đưa vào hoạt động các mục tiêu trên đều không đạt được.
 
Hàng ngày vào giờ cao điểm (7h30 đến 8h30) đường Lê Văn Lương và đường Tố Hữu do phương tiện dồn về trung tâm TP quá cao nên thường xuyên ùn tắc. Điều đáng nói là làn đường ưu tiên dành cho BRT phương tiện cá nhân (ô tô, xe máy) tràn vào chiếm hết làn đường khiến BRT không thể di chuyển được nếu không có lực lượng chức năng điều tiết giao thông.
 
Chị Lê Thị Lĩnh ở Khu đô thị Văn Khê (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, thỉnh thoảng chị vẫn đi BRT từ nhà lên phố Giảng Võ. Tuy nhiên, vào giờ cao điểm BRT thường xuyên ùn tắc do phương tiện cá nhân lấn vào đường ưu tiên vốn chỉ dành riêng cho BRT.

 

 

Đầu tư ngàn tỷ cho tuyến buýt nhanh: Giá quá đắt cho thử nghiệm thất bại

 
Anh Lê Ngọc Minh, một người dân ở Ba La (Hà Đông) cho rằng, đến thời điểm này có thể thấy  BRT là thất bại lớn của TP Hà Nội.  Đây là thất bại tổng thể từ tầm nhìn đến quy hoạch giao thông đô thị.
 
Theo anh Minh, việc bố trí BRT hoạt động trên tuyến đường có lưu lượng lớn với nhiều nhà cao tầng san sát nhau, trong khi diện tích đường dành cho giao thông quá chật hẹp với nhiều nút giao cắt thì BRT không thể phát huy được hiệu quả.


“BRT chiếm 1/3 làn đường và đi qua nhiều ngã tư giao cắt nên tất cả những con đường BRT đi qua đều trở thành những điểm ùn tắc. Ngoài ra, việc một số nhà ga BRT không có cầu bộ hành sang đường, nhiều hành khách bất chấp băng qua đường cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông", anh Minh nói.
 
Trên thực tế, Hà Nội đã đưa ra các giải pháp để giải quyết những bất cập cho BRT, trong đó có việc cho buýt thường đi vào đường dành riêng cho BRT.

Tuy nhiên, hệ thống nhà chờ của buýt thường lại nằm bên phải đường. Nếu đi vào đường ưu tiên của BRT khi sang đường đón khách xe buýt thường phải cắt ngang dòng xe cộ khiến cho giao thông thêm hỗn loạn. 
 
Giá đắt cho thử nghiệm thất bại
 
Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, sở dĩ tuyến BRT Hà Nội không phát huy được hiệu quả là do TP đã áp dụng máy móc mô hình từ nước ngoài mà không dựa trên điều kiện giao thông thực tế của Hà Nội. 
 
Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội nhìn nhận, BRT là phương tiện tiên tiến, trên thế giới được người dân ủng hộ vì đây là một hình thức vận tải công cộng có tốc độ nhanh, an toàn, vận chuyển lớn. 
 
Tuy nhiên, khi Hà Nội đưa vào hoạt động trên tuyến đường hẹp, BRT lại đòi hỏi làn đường ưu tiên thì đã xuất hiện bất cập. Cụ thể là ùn tắc, xung đột với các phương tiện cá nhân...

 

Giờ cao điểm phương tiện cá nhân lấn làn khiến BRT không thoát được cảnh ùn tắc

 
Nếu chúng ta cứ để BRT như hiện nay thì thì buýt nhanh hoạt động chẳng khác nào buýt thường, trong khi mức đầu tư lại quá lớn. 
 
Ông Liên cho rằng, đây là điều rất đáng buồn khi tiền đầu tư phải vay của nước ngoài nhưng hiệu quả mang lại rất thấp. Đây thực sự là một cái giá rất đắt cho một thử nghiệm không đem lại hiệu quả như mong đợi.
 

(Theo VietNamNet) Gia Văn

Ngay từ khi dự án bắt đầu đã có nhiều ý kiến trái chiều, tuy nhiên HN bỏ ngoài tai và hình như họ làm cốt để giải ngân bằng được dù là tiền đi vay. Nay hậu quả thất bại là điều nhiều ý kiến đã nêu từ khi chưa khánh thành, đó là điều tất yếu. BRT cùng với Bảo tàng HN, những dự án nghìn tỷ là những “tượng đài lãng phí” của Thủ đô. Chờ xem hiệu quả đường sắt Cát Linh - Hà Đông thế nào, liệu nó có “góp mặt” vào với 2 công trình trên?

Thương Giang

Câu lạc bộ "trục lợi Tình người"

 

Chiếc bát hương giá 120 triệu và những bí mật bên trong Câu lạc bộ Tình người

Cập nhật lúc 14:14 

 Những lý thuyết mà CLB Tình người rao giảng trái ngược hoàn toàn với thực tế. Mục đích chính của họ là khiến người tham gia phải "cống nạp" vật chất, càng nhiều tiền càng được trọng dụng.

 

 Làm từ thiện… như đi ăn trộm

Anh Nguyễn Văn Nghiêm là một trong hàng ngàn người vừa “rút chân” ra khỏi CLB Tình người từ trước Tết. Anh cùng nhiều nhân chứng khởi đơn tố cáo những dấu hiệu sai trái, vi phạm pháp luật của những người trong ban điều hành CLB này.

Anh Nghiêm cho biết, anh được người quen giới thiệu tham gia CLB Tình người. Đây cũng là một trong những “nguyên tắc” mà sau này khi đã trở thành “hội viên”, anh phải có trách nhiệm giới thiệu, dẫn dắt thêm các thành viên cho CLB, gọi là “gieo duyên”.

Dẫn được càng nhiều người “tiềm năng”, giàu có, đại gia, sẵn sàng phát tâm số tiền lớn thì người đó càng lan tỏa được “trí tuệ” cho cộng đồng, càng nhanh chóng thấm nhuần “đạo” -  những giáo lý được cóp nhặt, tự biên soạn, tự in ấn thành tài liệu, sách pháp... “lưu hành nội bộ”.

 


Phiếu nộp tiền mua bát hương có giá từ vài chục đến cả trăm triệu đồng được hội viên lưu giữ làm bằng chứng

Nghĩa vụ thứ hai của hội viên là “phát tâm” công đức bằng tiền mặt. Số tiền càng lớn càng được “trọng dụng”, phát tâm càng nhiều càng được khai trí, nhận được các năng lượng tích cực, “năng lượng sạch” của vũ trụ, trời đất, càng nhanh chóng “trả” được “nghiệp”.

Việc “phát tâm” mà thực chất là đóng góp tài chính để làm các việc như xây chùa, xây nhà cho người nghèo…, các hội viên gần như… tranh nhau vì sợ người khác xí mất phần. Ai đóng bao nhiêu chỉ có người đó biết. Sau khi “trả nghiệp” xong, các giấy tờ nộp tiền phải “hóa” (đốt đi), như một hình thức báo cáo tổ tiên…

“Vì những quy định vô lý như thế nên không ai biết người khác đã “phát tâm” bao nhiêu. Xây một ngôi chùa đã bàn bạc, lên phương án khoảng 1,5 tỷ đồng, chỉ chờ “cô Thuận”, ông Long… “rỉ tai”, thế là hội viên tranh nhau đóng góp, vì ai cũng sợ không “phát tâm”, gieo duyên nhanh sẽ không tới lượt… Đóng góp xong rồi phải giữ kín, sợ bạn “đồng đạo” biết. Đi làm từ thiện mà cứ như ăn trộm”, một “hội viên” chia sẻ.

“Chặt chém” tiền mua bát hương

Chia sẻ với hơn 3.000 thành viên của nhóm “Bóc phốt CLB Tình người – Đa cấp tâm linh – Tà đạo trá hình”, anh Nghiêm nói, vợ chồng anh “bén duyên” đến CLB Tình người vào đúng ngày 27/7/2017. Khi đó, nhóm của anh có tất cả 7 người, và cả 7 người trên đều “qua” trong buổi đầu “sát hạch”. Đó là điều hiếm hoi ở đây, bởi thông thường, người mới đến sẽ bị “thử thách” rất nhiều buổi đi lại mới được “kết nạp”, được có tên trong các buổi học “lan tỏa trí tuệ” của CLB.

 

Bằng những tài liệu giáo lý tự biên soạn, CLB Tình người dẫn dắt người tham gia vào vòng u mê luẩn quẩn, nghi kỵ lẫn nhau, và cuối cùng là cống nạp, công đức tiền bạc, giao cho CLB quản lý

 

Khi trở thành người của CLB, các thành viên được dạy “tu đạo” theo một giáo trình lưu hành nội bộ, tự biên tự diễn với 3 bước: “tu tiếp”, “trả nghiệp” và “hành sứ mệnh”.

“Tu tiếp” là dạy những kĩ năng sống, thay đổi bản thân. Bước hai là “trả nghiệp” thông qua những chia sẻ về tâm linh, thờ cúng; “trả nghiệp” bằng việc góp tiền từ thiện cho CLB. Bước thứ ba là “hành sứ mệnh”, truyền bá “giáo trình “ đến với người thân, bạn bè… hay còn gọi là “gieo duyên”.

“Với suy nghĩ rằng, tham gia nhóm thiện nguyện này lấy chữ “tâm” lên hàng đầu, làm việc thiện giúp đỡ cộng đồng, đón nhận những điều tốt đẹp… nên tự bản thân tôi rất nghiêm túc trong suốt quá trình học tập. Thế nên, chỉ trong thời gian ngắn tôi đã được nhận tất cả các tài liệu, giáo trình của hội, có những tài liệu chỉ những người ở sâu trong Ban hành sự mới có được. Đó là “Sách bí truyền”;  “Chuyên đề đưa trí tuệ vào cuộc sống” - cuốn này rất dày, những người học năm 2020 không có, phải từ 2018 mới có; cuốn “Bài đầu tiên Học và Ý mở rộng”…

Năm 2020, hội này in và phát hành nội bộ 6 vạn cuốn “Pháp bảo” cho hội viên – tài liệu mang tính phổ biến và căn bản nhất, trong đó có rất nhiều nội dung cài cắm để… bán đồ thờ cúng, hướng người ta tham gia phải gieo duyên, làm phúc để trả nghiệp bằng… tiền”.

 

Một buổi lên lớp truyền bá trí tuệ cho các học viên tại CLB Tình người

 

Niềm tin vào CLB Tình người trong anh Nghiêm bắt đầu lung lay, khiến anh dấy lên sự nghi ngờ và quyết tâm “chậm lại” để quan sát, thu thập, kiểm nghiệm, đó là khi anh tình cờ biết một câu chuyện của hai người bạn “đồng đạo” (cách gọi nhau của các hội viên cùng tham gia do CLB đề ra) mua một bộ thờ cúng bằng đồng với giá 120 triệu đồng.

“Lý do em dời Tình người là từ câu chuyện mua bán bát hương. Vợ chồng một người bạn do em “gieo duyên” có “nhờ” CLB mua giúp bát hương thờ cúng về tân gia nhà mới. Hai bát hương đồng, một bên có hình rồng, một bên hình phượng với giá 120 triệu đồng.

Chị vợ anh H.muốn biết hóa đơn để quẹt thẻ do không có thói quen trả tiền mặt, nhưng công ty nói không có, cũng không cấp được hóa đơn dù công ty hoạt động buôn bán, kinh doanh.

"Từ sự thắc mắc này, tôi tìm hiểu về nơi cung cấp bát hương cho CLB họ xuất ra với giá khoảng 40 triệu đồng. CLB nói là làm việc thiện, giúp đỡ hội viên nhưng đứng ra “bán đứng” chính hội viên của mình, thu lời 80 triệu đồng"- anh Nghiêm nói.

 

Cơ quan công an tiến hành kiểm tra văn phòng hoạt động của CLB Tình người thuê tại tòa nhà số 68 Dương Đình Nghệ.

 

“Những người rời bỏ CLB luôn bị rêu rao rằng, người đó là nghiệp quật, tà kéo, rồi sẽ bị báo oán, sẽ không sống được mấy ngày… Nhưng, sự thật thì họ vẫn rất khỏe mạnh, công việc ổn định, không bị làm sao như lời 1 chiều người ta vẫn nói".

Một câu chuyện khác mà anh Nghiêm chia sẻ là người bạn anh. Chị là một đại gia tham gia CLB, được đích thân Chủ tịch CLB Kim Bình Long “săn đón”, xuống tận lớp để tìm gặp nhiều lần - một "đặc ân" mà chưa học viên nào có được. Bởi thông thường "anh chị đang học, muốn gặp người cấp cao phải xin lệnh, và rất khó để gặp, tuy nhiên chị này được ông Long chủ động xuống tận lớp để tìm gặp, và gặp nhiều lần liền"- anh Nghiêm kể. Lý do chị này là một đại gia nên sẽ là "hội viên tiềm năng", sẽ lấy được tiền tỷ từ chị nếu như vận dụng thành công trong quá trình "giảng đạo".

Ráp nối lại các thông tin, anh Nghiêm tự rút ra các vấn đề vô lý, mê muội ở CLB này: "Tình người dạy trí tuệ, và nói rằng sẽ lan tỏa đi khắp toàn cầu, cả thế giới sẽ về Việt Nam để học; họ nói bình đẳng giữa các học viên nhưng thực chất lại quan tâm, chăm sóc đặc biệt những học viên tiềm năng, giàu có, những người sau này sẽ sẵn sàng chi tiền tỷ làm “việc thiện” theo hiệu triệu của họ; Đức Phật sinh ra ở Việt Nam nên phổ độ cho Việt Nam nhiều hơn...

CLB Tình người dạy học viên muốn hóa giải những bất ổn thì phải thờ cúng, và họ cài cắm trong giáo trình (cuốn Pháp bảo) là để bán đồ thờ. Thứ nữa, đồ thờ họ quy định 1 bên phải là rồng, 1 bên phải bên phượng, tại sao lại chấp về hình tướng như vậy, dù nghìn đời nay cha ông vẫn dùng bát hương truyền thống?

Từ câu chuyện của người bạn “Đồng đạo” mua hai bát hương đồng giá 120 triệu đồng, không có hóa đơn chứng từ minh bạch, niềm tin trong anh Nghiêm đã sụt giảm, và anh tự tìm ra được những chân tướng phía sau của CLB nhân danh “Tình người”. 

 

CLB Tình người dạy các học viên, tất cả những vấn đề bất ổn trong cuộc sống đều được lý giải với góc độ “nghiệp” và xung quanh chúng ta đều là “vong”. Mỗi người trần gần với 70 vong bám theo; vong khôn hơn người trần 70 lần.

Để “giải nghiệp”, “trả nghiệp” bằng việc dùng tiền để cúng gia tiên; ghi rạch ròi mỗi người số tiền bao nhiêu. Tiền đó để tổ tiên trả phí cầu phí đường trong những lần về phổ độ cho con cháu.

Theo yêu cầu của “cô Thuận”, tất cả số tiền này sẽ được đem đến CLB, đổi lại các thành viên nhận được một tờ giấy ghi nhận. Sau khi nhận giấy ghi nhận, các thành viên được dặn dò phải đem về và hóa (đốt) luôn tại nhà để kết thúc một chu trình “giải nghiệp”.

Ngoài ra, người trong CLB còn truyền tay nhau rất nhiều những bài cúng, văn khấn tại gia đã được sao chép, thêm thắt từ kinh kệ, câu chú của Phật giáo, Đạo Mẫu kết hợp với tín ngưỡng thờ cúng gia tiên của Việt Nam.

Bên cạnh đó, trong hoạt động của CLB cũng tồn tại rất nhiều những điểm bất thường như mọi người không được xin số điện thoại và liên hệ của nhau, không vay tiền và cho vay tiền giữa các thành viên trong CLB. Dù rằng mục đích của CLB là để kết nối mọi người và “cho đi là còn mãi”.

(Theo VietNamNet) Thái Bình