Quỹ bình ổn xăng dư 2.800 tỷ gửi ngân
hàng, lãi 2 tỷ!
Cập nhật lúc 15:10
Nếu quỹ thu về
nhiều, sử dụng ít, số dư lớn, tiền quỹ nằm chết sẽ gây ra sự lãng phí rất lớn.
Báo cáo của Bộ Tài chính sáng 11/2 cho
biết, tổng số dư Quỹ Bình ổn giá đến hết quý 4 năm 2019 là 2.779,5 tỷ đồng.
Mặc dù số dư lớn, tuy nhiên, lãi phát sinh trong quý 4/2019 cũng chỉ có hơn 2
tỷ đồng. Lý do được giải thích là tiền trong quỹ được gửi ngân hàng với lãi
suất không kỳ hạn (dao động từ 0,2-0,5%/năm).
Bình luận về con số trên, GS Đặng Đình
Đào (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, quỹ bình ổn hoàn toàn có thể thu về
số tiền lãi cao hơn, nhằm giảm gánh nặng cho người dân thay vì để quỹ nằm
chết.
Vị GS cho biết, quyết định gửi ngân
hàng với lãi suất bao nhiêu, gửi theo hình thức nào để có lợi nhất cho quỹ
phụ thuộc vào sự tính toán của Bộ Tài chính, Bộ Công thương và các quy định
của hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên, với một số dư quỹ rất lớn,
tới gần 3.000 tỷ, các cơ quan liên ngành nên xem lại hình thức gửi, gửi ngân
hàng nào? Gửi theo hình thức không kỳ hạn hay có kỳ hạn là tối ưu nhất,
có được lãi suất tốt nhất.
Vị GS cho biết, bản chất của quỹ bình
ổn là bơm và xả nhưng nếu quỹ thu về nhiều, sử dụng ít, số dư lớn, tiền
quỹ nằm chết sẽ gây ra sự lãng phí rất lớn.
Ông nhấn mạnh, tiền chỉ có giá trị khi
được đưa vào vòng quay kinh tế. Mặt khác, nếu tiền quỹ được gửi với lãi suất
cao, số dư quỹ càng lớn thì việc trích lập quỹ càng thấp như vậy vừa giảm
được gánh nặng cho người dân lại vừa mang lại hiệu quả cho nền kinh tế.
Hoàn toàn đồng tình với quan điểm phải
ưu tiên mục tiêu an toàn, linh hoạt của quỹ, đó là khi cần thì phải xả, vì
thế cũng không thể mang quỹ đầu tư vào những lĩnh vực có nhiều rủi ro như bất
động sản hay chứng khoán... Tuy nhiên, cũng cần tránh tư tưởng tiền của dân,
của nhà nước nên cũng không cần tính toán tới yếu tố hiệu quả.
"Cần tính toán lựa chọn phương án
gửi tối ưu nhất để đạt được hiệu quả cao nhất, đây là trách nhiệm của những
người nắm giữ quỹ, những người này phải tính toán cho phù hợp.
Bởi quỹ không bao giờ xả hết mà luôn có
một số dư nhất định, trong trường hợp này có thể tính toán tách một phần gửi
theo hình thức không kỳ hạn, một phần gửi theo hình thức có kỳ hạn để có được
lãi tối ưu. Việc này vẫn hoàn toàn có thể chủ động khi cần xả quỹ mà cũng
tránh được rủi ro kiểu bỏ tất cả "trứng vào một giỏ"", vị GS
nói.
Tương tự, PGS Đinh Trọng Thịnh (Học
viện tài chính) cũng cho biết, việc vận hành, quản lý quỹ để vừa bảo đảm mục
tiêu bình ổn, linh hoạt lại vừa có lãi là bài toán khó.
Tại nhiều nước, quỹ bình ổn xăng dầu
được vận hành theo mô hình luôn sẵn sàng chờ đợi để bất kỳ lúc nào cần quỹ
cũng được xả ngay nhằm góp phần bình ổn giá xăng dầu. Như vậy, về mặt nguyên
tắc, tiền quỹ khó có thể gửi có kỳ hạn mà chỉ có thể gửi theo hình thức không
kỳ hạn. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, quỹ bình ổn gửi theo hình thức không
kỳ hạn sẽ không có lãi.
Ở Việt Nam nhằm khuyến khích người gửi,
ngân hàng đã trả một tỉ lệ lãi suất rất thấp trên số tiền gửi không kỳ hạn
được lưu lại tại các ngân hàng với lãi suất từ 0,2%-0,4%. Trong trường hợp để
bảo đảm mục tiêu an toàn và linh hoạt của quỹ, chúng ta phải chấp nhận lãi
thấp, thậm chí kể cả không có lãi.
Tuy nhiên, ở Việt Nam quyết định điều
chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ 15 ngày/lần, như vậy, các cơ quan điều
hành đã có ít nhất 15 ngày để thực hiện yêu cầu có xả quỹ hay không xả quỹ.
Trong trường hợp này, các cơ quan liên
ngành có thể tính tới việc gửi lãi suất theo kỳ hạn ngắn (trong 15 ngày), như
vậy sẽ vừa bảo đảm được mục tiêu bình ổn mà cũng bảo đảm được cả mục tiêu lợi
nhuận.
"Việc này phải xem lại các quy
định của Việt Nam cũng như các sản phẩm tiền gửi của ngân hàng cung cấp. Nếu
có sản phẩm gửi theo kỳ hạn 15 ngày, Bộ Tài chính, Bộ Công thương hoàn toàn
có thể tính toán, gửi theo hình thức này để được hưởng lãi tốt hơn", ông
Thịnh nói.
Nhập nhèm tiền quỹ
Nói thêm về những bất cập trong vận
hành tiền quỹ xăng dầu, GS.TS Đặng Đình Đào nhắc lại
quan điểm nên xem xét bỏ quỹ. Đưa ra hai lý do, vị chuyên gia phân
tích:
Thứ nhất, việc thu và quản lý, vận hành
nguồn quỹ thời gian qua còn nhiều bất cập, thiếu minh bạch, không rõ ràng.
Về bản chất, Quỹ bình ổn xăng dầu hiện
nay đang lấy tiền của chính người mua xăng dầu để “bình ổn” giá cho người mua
xăng dầu. Vì thế, người mua xăng dầu tuy có được mua xăng dầu bình ổn với giá
không tăng nhưng là nhờ số tiền họ được ứng trước chứ không nhờ sự can thiệp
của bên thứ ba. Trong khi đó, số tiền thu về quỹ lại không được sử dụng hiệu
quả, gửi ngân hàng với lãi suất thấp là rất lãng phí.
Thứ hai, cùng với câu chuyện vận hành,
quản lý và sử dụng nguồn quỹ này thiếu minh bạch, rõ ràng còn là nguy cơ tiêu
cực, tham nhũng, thất thoát tiền của người tiêu dùng rất lớn.
Vì mọi việc liên quan đến Quỹ bình ổn
không thể minh bạch hoàn toàn được. Trong khi đó những chi phí phát sinh từ
quản lý, thua lỗ có thể vẫn được trừ vào quỹ, rất khó kiểm soát.
Đặc biệt, hiện nay Việt Nam đã chủ động
được tới gần 80% nguồn cung xăng dầu từ các doanh nghiệp trong nước, việc chủ
động về giá cả cũng không còn phụ thuộc nhiều vào thế giới. Do đó, việc yêu
cầu trích lập quỹ cũng không quá bức thiết như trước đây.
Vì thế, GS Đặng Đình Đào cho rằng đề
xuất bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu, để xăng dầu hoạt động theo cơ chế thị trường.
(Theo Đất Việt) Thái Bình
|
Thứ Năm, 13 tháng 2, 2020
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét