Chủ Nhật, 23 tháng 2, 2020

Hướng dẫn sổ đỏ condotel: Bộ Xây dựng... không đánh giá được

Cập nhật lúc 15:06  

Sau văn bản hướng dẫn cấp sổ đỏ cho condotel của Bộ Tài nguyên-Môi trường, Bộ Xây dựng đã lên tiếng về vấn đề này.

Sau khi Bộ TN-MT có văn bản 703/BTNMT-TCQLĐĐ gửi tới sở TN-MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn sử dụng đất đối với một số loại hình bất động sản mới và hướng dẫn chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải nhà, nhiều người cho rằng condotel sẽ được cấp sổ đỏ.
Cho ý kiến về vấn đề này, trao đổi với tạp chí Nhà đầu tư, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Cục phó Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, đây là hướng dẫn để các đơn vị và doanh nghiệp áp dụng của Bộ TN-MT nên Bộ Xây dựng không đánh giá được các vấn đề liên quan.
“Văn bản này của Bộ TN-MT hướng dẫn để xem các địa phương có làm được hay không, nếu làm được thì phải xem thực tế họ làm thế nào”, ông Khởi nói.


Một khu condotel ở Đà Nẵng. Ảnh: Tuổi trẻ

Trong khi đó, ông Hà Quang Hưng, Cục phó Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, bộ này vừa ban hành Quy chuẩn về nhà ở, trong đó có quy chuẩn về chung cư hỗn hợp, condotel, văn phòng, thương mại.
Cụ thể, trong tòa nhà có ít nhất một căn hộ chung cư mới được áp dụng quy chuẩn này. Nếu tất cả là condotel không áp dụng quy chuẩn này.
Ông Hưng cho biết thêm, condotel vẫn đang được kinh doanh theo Luật Kinh doanh bất động sản nhưng nó không phải là sản phẩm nhà ở, sẽ không có nội dung bảo lãnh bán sản phẩm đó hình thành trong tương lai.
Condotel nếu đủ điều kiện vẫn được bán bình thường. Để bảo vệ người mua bằng bảo lãnh, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu thêm.
“Bộ Xây dựng đang rà soát Luật Kinh doanh bất động sản. Nếu khuyến khích phát triển condotel minh bạch sẽ phải sửa đổi, bổ sung luật này. Luật pháp đi sau thực tế là đương nhiên”, ông Hưng nói.
Theo ông Hưng, trước đó, Bộ Xây dựng đã yêu cầu các địa phương cũng như các chủ đầu tư phải minh bạch hóa thông tin về tình hình triển khai của dự án condotel, các cam kết lợi nhuận, hình thức chia sẻ lợi nhuận… trong quá trình thực hiện quản lý vận hành để các nhà đầu tư thứ cấp nắm được.
Trong văn bản hướng dẫn gửi tới các Sở TN-MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ngày 14/2, Bộ TN-MT nêu rõ, trường hợp các dự án có công trình căn hộ du lịch, biệt thự du lịch có đủ điều kiện được chuyển nhượng theo quy định của Luật kinh doanh bất động sản thì chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng cho bên nhận chuyển nhượng.
Bộ TN-MT đề nghị sở TN-MT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức rà soát các dự án đầu tư đã được phê duyệt. Việc thực hiện giao đất, cho thuê đất của từng dự án để xác định mục đích sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Trường hợp đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật đất đai và pháp luật khác có liên quan thì thực hiện việc cấp giấy chứng nhận cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất và không làm thay đổi quy mô, mục tiêu, quy hoạch của dự án.
Trao đổi trên báo chí về văn bản này, ông Mai Văn Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai khẳng định, sẽ cấp sổ cho các dự án có condotel được giao, cho thuê đất đúng theo quy định, xây dựng đúng quy hoạch, thiết kế… Trường hợp giao đất là nhà ở không hình thành đơn vị ở tiếp tục phải rà soát lại.
Ông cũng cho biết, "văn bản của tổng cục là hướng dẫn các địa phương dựa trên những quy định đã có trong các luật" và văn bản gửi đi "chỉ là văn bản hướng dẫn, chứ không phải văn bản quy phạm pháp luật".
Trong khi đó, ở góc độ chuyên gia, LS Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty TAT Law Firm - Đoàn Luật sư Hà Nội, người đã đưa ra rất nhiều quan điểm pháp lý về condotel nhận xét, về cơ bản, văn bản 703 của Bộ TN-MT không có gì mới, không phải là văn bản quy định về tính chất pháp lý condotel.
Nội dung hướng dẫn thực hiện đều dựa trên tinh thần các quy định pháp luật trước đây như Luật Du lịch, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản.
"Văn bản này ra đời không giải quyết được những vấn đề của  thời đại, không giải được bài toán vướng mắc nhất của condotel hiện nay, đó là: Condotel là gì? Ai quản lý? Quản lý như thế nào? Có được cấp sổ đỏ hay không? Đó cũng là điều dễ hiểu bởi như nói ở trên, văn bản hướng dẫn này là hoạt động nghiệp vụ bình thường của cơ quan quản lý nhà nước nhưng không phải là một văn bản quy phạm pháp luật.
Tôi không rõ động cơ, mục đích của việc ra đời văn bản này. Tại sao lại ra ở thời điểm này và tại sao lại ra văn bản với nội dung như thế?... Chỉ có điều chắc chắn văn bản này hướng dẫn xong nhưng không dùng được vào việc gì", LS Trương Anh Tú nói.
Thời gian gần đây, nhiều chủ sở hữu condotel ở nhiều nơi trong đó có tổ hợp Cocobay Đà Nẵng than khóc vì đổ nợ, tan cửa nát nhà, đi vào đường cùng vì mất nguồn thu nhập cam kết.
Sáng 14/2, cả trăm chủ sở hữu condetel tại tổ hợp Cocobay Đà Nẵng đã đến trụ sở Công ty CP đầu tư phát triển và xây dựng Thành Đô (quận Tây Hồ, Hà Nội) để bày tỏ bức xúc.
(Theo Đất Việt) Minh Thái
Sẽ chẳng bao giờ có chuyện “nhà ở không hình thành đơn vị ở” như ý kiến của ông Mai Văn Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai. Condotel chỉ là căn hộ kinh doanh dịch vụ, có sổ sở hữu hay không cũng chẳng quyết định được việc kinh doanh căn hộ có lãi 14-20% như cam kết “mồi nhử” nhà đầu tư thứ cấp. Người sở hữu condotel cũng không thể đưa gia đình dọn đến ở bởi đây không phải khu chung cư. Vấn đề cơ bản là các chủ đầu tư dự án BĐS đang muốn hâm nóng thị trường để bán được nhiều hàng chứ không phải tìm cách nâng cao hiệu quả kinh doanh khách sạn condotel!
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét