'BOT' Yên Tử: Biến nơi thờ tự thành
điểm kinh doanh?
Cập nhật lúc 16:05
Người dân bức xúc là
do cách làm nhập nhèm của nhiều địa phương, gộp chung chùa vào với danh
thắng, biến nơi thờ tự thành điểm kinh doanh.
Du khách khi tới chùa Đồng - Yên Tử từ
phía Bắc Giang lại tiếp tục phản ánh bức xúc khi phải đóng mức phí từ 20.000
đồng/trẻ em và 40.000 đồng/người lớn.
Lãnh đạo Bắc Giang giải thích, việc thu
phí do Quảng Ninh làm, Bắc Giang cũng rất bức xúc. Còn về phía Quảng Ninh,
việc thu phí được giải thích thực hiện theo nghị quyết của HĐND tỉnh, và việc
thu phí không phải thu phí đi lễ chùa mà là phí tham quan danh lam thắng cảnh
nhằm bù đắp chi phí quản lý.
Đồng tình một phần với giải thích của
phía Quảng Ninh, PGS. TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên
cứu du lịch (Tổng cục Du lịch) cho rằng, việc thu phí tại các danh thắng quốc
gia nhằm phục vụ công tác bảo tồn, duy tu danh thắng là cần thiết.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, chùa
Đồng lại là một di tích và nằm trong danh thắng, nói cách khác, chùa là một
phần của danh thắng. Do đó, việc tách bạch người đi chùa với vào thăm quan
danh thắng là rất khó.
Khó có thể khẳng định người dân chỉ đi
chùa mà không thăm quan danh thắng hoặc người dân chỉ đi thăm quan danh thắng
mà không lên chùa. Chính vì khó tách bạch nên ở nhiều khu danh thắng,
tại nhiều địa phương đã lợi dụng việc này đặt ra nhiều khoản phí, dựng lên
các trạm "BOT chùa" để thu tiền khiến người dân đi hành hương rất
bức xúc.
Để giải bài toán này, vị chuyên gia cho
rằng cần thực hiện theo cách thu phí của Hội An, khách tới điểm tham quan nào
thì thu tiền tại điểm tham quan đó.
Như vậy, nếu trong quần thể danh thắng
có 10 điểm thăm quan sẽ được bán ra với 10 mức phí khác nhau. Người dân lên
chùa có thể không mất phí hoặc có thể chỉ phải mất mức phí thấp nhất, bằng
1/10 mức phí chung nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của người hành hương cũng
như để bảo đảm các công tác vệ sinh tối thiểu tại di tích đó.
"Nếu công khai, minh bạch như vậy
tôi tin người dân đi hành hương hoàn toàn ủng hộ. Sự phản ứng của người dân
là do cách làm nhập nhèm của nhiều địa phương, gộp chung chùa vào với danh
thắng để thu tiền cao, gây bức xúc", PGS Phạm Trung Lương nêu.
Tương tự, TS. Hà Thanh Hải - Giám đốc
công ty TNHH Du lịch Lăng Cô cũng nói thẳng việc gộp chung chùa chiền, nơi
thờ tự vào khu danh lam, thắng cảnh để thu phí như Yên Tử (Quảng Ninh) là
không bình thường.
Ông Hải cũng dẫn ra hàng loạt những bất
thường tại các địa phương khác như chùa Hương, Đền Hùng, chùa Bái Đính... là
những quần thể danh thắng hòa lẫn giữa điểm di tích tâm linh với danh lam
thắng cảnh. Chính do chưa phân định được việc gộp chùa chiền vào chung với
danh lam thắng cảnh mà đã tổ chức thu phí dẫn tới việc nhiều nơi thu phí
chồng phí, làm sai lệch bản chất, khiến người dân đi lễ chùa bức xúc.
Vì thực tế có nhiều nơi thắng cảnh có
trước rồi xây chùa sau, nhưng cũng có nhiều nơi chùa có trước rồi mới phong
di tích thắng cảnh, hoặc chùa nằm lẫn trong thắng cảnh... nhưng vẫn được
doanh nghiệp, địa phương thu phí gộp, khiến người dân bức xúc.
Vị TS nói rõ, chùa Đồng là ngôi chùa
nằm trong quần thể di tích Yên Tử, là khu vực tâm linh đã tồn tại từ thập kỷ
90, khi còn chưa có cáp treo, không dịch vụ, không công trình hiện đại....
Người dân khi về Yên Tử, thực chất là đi chùa hành lễ. Việc Quảng Ninh tổ
chức bán vé thu tiền trong cả một không gian rộng lớn, bao gồm toàn bộ khu
Yên Tử chính là đang thu phí của người dân đi hành lễ, thu phí một hoạt động
đã gắn liền với đời sống, sinh hoạt của người dân bao nhiêu năm qua là vô lý,
không thể chấp nhận được.
Do đó, ông Hải đề nghị Bộ Văn hóa - Thể
thao và Du lịch cần phải rà soát, thanh tra, kiểm tra và có câu trả lời cho
rõ ràng trong việc thu phí tại các điểm thờ tự xem lẫn các khu danh thắng.
Việc minh bạch khái niệm sẽ tránh tình trạng nhập nhèm, biến những nơi thờ tự
linh thiêng thành nơi kinh doanh thương mại, làm xấu xí trong mắt du khách,
người hành hương.
(Theo Đất Việt) Lam Lam
|
Thứ Ba, 18 tháng 2, 2020
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét