Thứ Bảy, 8 tháng 2, 2020

Cuộc phỏng vấn trước khi qua đời của bác sĩ đầu tiên cảnh báo dịch corona

Cập nhật lúc 09:39  


Bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang) đã có những chia sẻ thẳng thắn với báo chí về việc anh là một trong những người đầu tiên phát hiện dịch corona, trước khi anh qua đời vì virus này.



Bác sĩ Lý Văn Lượng (Ảnh: SCMP)

Trang tin Caixin Global đã có cuộc phỏng vấn với bác sĩ Lý Văn Lượng vào ngày 30/1 để trao đổi về việc anh là một trong những người đầu tiên phát hiện dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới gây ra, cũng như vấn đề sức khỏe cá nhân của anh.
Bác sĩ Lý Văn Lượng đã bị cảnh sát xử phạt khi tìm cách cảnh báo những người xung quanh về virus corona. Anh qua đời hôm 7/2 vì nhiễm virus này khi mới 34 tuổi.
Bây giờ anh cảm thấy thế nào?
Tôi đang được điều trị tại phòng chăm sóc đặc biệt vì vấn đề hô hấp cấp. Đây là phòng cách ly dành cho 4 người, nhưng hiện giờ chỉ có 2 người trong phòng. Tôi có thể liên lạc với bên ngoài bằng điện thoại. Có các bác sĩ và y tá chăm sóc cho tôi.
Hôm nay (30/1), tôi nghe tin rằng kết quả xét nghiệm RNA của tôi là âm tính, nhưng đó mới chỉ là kết quả của dịch cổ họng, chứ chưa phải túi phổi. Quá trình phục hồi chức năng phổi của tôi vẫn cần thêm thời gian. Tôi vẫn cảm thấy khó thở và cần ô xy. Tôi không có cảm giác thèm ăn.
Anh có thể chia sẻ thêm về lời cảnh báo anh đưa ra liên quan tới dịch bệnh này? Chuyện gì đã xảy ra vào thời điểm đó?
Tôi đã gửi tin nhắn cho một nhóm gồm 150 người bạn cùng lớp cũ và nhấn mạnh với họ rằng, tin nhắn này không nên được lan truyền ra ngoài. Tôi muốn nhắc nhở các bạn cùng học với tôi, những người cũng đang làm việc ở tuyến đầu chống dịch, về việc bảo vệ chính họ.
Tôi biết về vấn đề này thông qua cuộc trao đổi của tôi với các đồng nghiệp và lo ngại rằng dịch bệnh có thể bùng phát, mặc dù số ca được xác nhận nhiễm bệnh vào thời điểm đó vẫn ít. Tôi cảm thấy như vậy, vì virus đó trông khá giống hội chứng viêm đường hô hấp cấp (Sars).
Ý của anh là virus này có thể lây từ người sang người giống như dịch Sars?
Rõ ràng có sự lây nhiễm từ người sang người. Tôi đã chứng kiến các bệnh nhân bị nhiễm virus vào khoảng ngày 8/1. Một trong số các bệnh nhân của chúng tôi, người phải nhập viện vì tăng nhãn áp, bị mất cảm giác thèm ăn nhưng nhiệt độ cơ thể vẫn bình thường.
Chúng tôi không nhận ra bất kỳ điều gì bất thường vào thời điểm đó. Nhưng cô ấy vẫn không có cảm giác thèm ăn ngay cả khi mắt của cô ấy đã được chữa khỏi, và cô ấy bị sốt. Kết quả chụp cắt lớp cho thấy cô ấy bị nhiễm trùng phổi, tuy nhiên mọi dấu hiệu khác của cô ấy đều tương thích với những gì được biết về bệnh viêm phổi lạ vào thời điểm đó.
Cùng ngày, cô ấy bị sốt, rồi các thành viên trong gia đình cô ấy cũng bị sốt. Điều này cho thấy đã có sự lây nhiễm từ người sang người. Chúng tôi đã báo cáo trường hợp này với bệnh viện và mời các bác sĩ có kinh nghiệm tới bệnh viện để kiểm tra trường hợp của cô ấy. Họ đề xuất cách ly cô ấy.
3 ngày sau đó, kết quả chụp cắt lớp cho thấy lây nhiễm lan rộng và cô ấy được chuyển tới phòng cách ly hô hấp. Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra với cô ấy sau đó.
Nếu có dấu hiệu của việc lây nhiễm từ người sang người, tại sao số ca được xác nhận lây nhiễm vào thời điểm đó lại ít như vậy?
Tôi nghĩ việc chẩn đoán dịch bệnh vào thời điểm đó còn gặp khó khăn. Các bộ thử lúc đó chưa có sẵn. Mặc dù virus có thể được xét nghiệm bằng xét nghiệm RNA, nhưng việc này phức tạp và tốn thời gian.
Đội ngũ bác sĩ nhiều kinh nghiệm tại bệnh viện gặp khó khăn trong việc quyết định liệu có nên áp dụng xét nghiệm RNA cho bệnh nhân tăng nhãn áp hay không.


Bác sĩ Lý Văn Lượng trên giường bệnh. (Ảnh: SCMP)

Việc anh bị lây nhiễm có liên quan tới bệnh nhân không?
Ban đầu tôi không có bất kỳ biện pháp phòng vệ nào. Sau khi bệnh nhân được chuyển đi, tôi bắt đầu ho và bị sốt vào ngày hôm sau. Sau đó, tôi bắt đầu đeo khẩu trang N95.
Ngày 12/1, tôi xét nghiệm virus hô hấp và chụp cắt lớp. Kết quả cho thấy có nguy cơ cao bị nhiễm virus corona.
Các đồng nghiệp của tôi cũng gặp những triệu chứng tương tự sau đó. 3-4 ngày sau đó, bố mẹ tôi cũng bị ốm. Tình trạng sức khỏe của tôi xấu đi. Bây giờ tôi phải uống kháng sinh, tiêm globulin và kháng virus, đồng thời tiếp ô xy hàng ngày.
Anh cảm thấy thế nào khi lời cảnh báo của mình bị tung ra ngoài công chúng?
Đêm hôm đó, tôi nhận được một số tin nhắn trên WeChat hỏi tôi về vấn đề này, kèm theo ảnh chụp màn hình các tin nhắn trước đó của tôi. Hầu hết các bức ảnh đều không hiện thị nội dung đầy đủ.
Sau khi đề cập tới việc có 7 trường hợp được xác nhận giống Sars, tôi đã nhấn mạnh trong tin nhắn trước đó rằng đây chỉ là một kiểu virus corona và vẫn cần phải xác nhận thêm. Tuy nhiên, những thông tin đó không có trong các bức ảnh đang được chia sẻ rộng rãi trên mạng.
Tôi đã nghĩ rằng mình có thể gặp rắc rối vì đó là thông tin nhạy cảm và thời điểm đó cũng là thời điểm nhạy cảm khi thành phố đang có cuộc họp đại biểu quốc hội thường niên. Ban đầu tôi rất giận những người đã phát tán những tin nhắn đó mà không che giấu danh tính của tôi. Nhưng sau đó tôi hiểu rằng, họ cũng vì quá lo lắng cho gia đình và bạn bè nên mới lan truyền những tin nhắn đó.
Anh có bị phạt vì việc đó không?
Sau đêm tin nhắn bị phát tán, ủy ban y tế tỉnh Vũ Hán đã triệu tập một cuộc họp vào lúc 1h30 sáng. Tôi được gọi tới bệnh viện để giải thích về vấn đề này.
Vào buổi sáng khi tôi tới văn phòng, các viên chức phụ trách vấn đề kỷ luật tại bệnh viện lại trao đổi với tôi một lần nữa. Họ hỏi tôi về nguồn gốc thông tin và liệu tôi đã nhận ra mình mắc sai sót hay chưa.
Tôi chưa bao giờ nghĩ là cảnh sát lại tìm đến tôi. Ngày 3/1, họ gọi cho tôi ký vào một biên bản cảnh cáo. Tôi chưa bao giờ gặp rắc rối với cảnh sát trước đó và tôi thấy lo lắng. Vì thế tôi đã tới đó và đặt bút ký, nhưng không nói với gia đình tôi. Tôi lo lắng rằng chuyện này có thể dẫn tới việc bị bệnh viện xử phạt và ảnh hưởng tới sự nghiệp của tôi. Sau đó, một trong số các bạn học của tôi nghe tin về chuyện này và giới thiệu tôi với một phóng viên.
Trong biên bản cảnh cáo, cảnh sát nói rằng anh đã đăng lên mạng thông tin sai sự thật. Vào thời điểm đó, một số người cho rằng anh đang phát tán tin đồn. Anh nghĩ gì về điều này?
Tôi không nghĩ đó là tin đồn, vì báo cáo xét nghiệm khẳng định rõ ràng đó là Sars. Tôi chỉ muốn cảnh báo các bạn học cũ của tôi để họ không hoảng loạn.
Nếu anh không cho rằng đó là tin đồn, liệu anh có từng nghĩ đến việc sử dụng công cụ pháp lý để minh oan cho mình không?
Không. Tôi sợ rằng cách tiếp cận pháp lý sẽ dẫn đến phiền toái. Tôi không muốn phiền toái với cảnh sát. Tôi sợ rắc rối. Điều quan trọng hơn là mọi người đã biết sự thật.
Việc minh oan không phải là điều quan trọng với tôi. Công lý nằm ở trái tim của mỗi người. Một số người tung tin rằng thẻ bác sĩ của tôi bị thu hồi. Điều đó không đúng. Tôi muốn nói rõ điều đó.
Một số người gọi anh là “người cảnh báo” và “người lộ mật”. Anh nghĩ gì về điều này?
Tôi không xứng đáng với tên gọi đó. Tôi chỉ là người biết thông tin và cảnh báo các bạn cùng lớp của tôi. Tôi nghĩ nghĩ nhiều vào thời điểm đó.
Kế hoạch tiếp theo của anh là gì?
Sau khi hồi phục, tôi vẫn muốn quay trở lại tuyến đầu chống dịch. Bây giờ dịch bệnh đang lan rộng. Tôi không muốn trở thành “kẻ đào ngũ”.
Gia đình của anh thế nào?
Vợ tôi vẫn ở nhà bố mẹ cô ấy ở một thành phố khác. Cô ấy không thể về nhà vì Vũ Hán đã bị phong tỏa. Bố mẹ tôi có thể sẽ sớm xuất viện, nhưng tôi không thể tìm được ai chăm sóc họ.
Họ vẫn có sức khỏe tốt và có thể tự chăm sóc mình sau này. Họ có vẻ vẫn ổn khi nói chuyện với tôi qua điện thoại.
Bác sĩ Lý Văn Lượng cho biết, đến tận ngày 1/2, anh vẫn chưa được tính vào diện xác nhận nhiễm virus corona chủng mới, nghĩa là gần 3 tuần sau khi anh có những triệu chứng đầu tiên. Trong thời gian cách ly trong bệnh viện, anh nghe được tin bố mẹ và một số đồng nghiệp của anh cũng nhiễm bệnh.
Trong khi hiện chưa rõ tình trạng sức khỏe của vợ con bác sĩ Lý, trang tin Vice dẫn tin truyền thông địa phương Trung Quốc cho biết, người vợ mang thai của bác sĩ Lý cũng đã nhiễm bệnh và đang phải thở máy.
(Theo Dân Trí) Thành Đạt
Nguồn Straitstimes 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét