Thêm 2 thủy điện trên sông Hồng: Không
đánh đổi
Cập nhật lúc 14:24
Đại biểu Quốc hội lưu ý, mọi
tác động vào tự nhiên phải hết sức thận trọng, nhất là khi thủy điện
trên sông Hồng ảnh hưởng lớn đến hạ lưu.
UBND tỉnh Lào Cai đã văn bản đề xuất
Thủ tướng Chính phủ xem xét, đồng ý bổ sung Dự án Thủy điện Thái Niên (60 MW)
và Dự án Thủy điện Bảo Hà (40 MW) trên sông Hồng vào Quy hoạch thủy điện vừa
và nhỏ.
Theo báo cáo số 280/BC-SCT của Sở Công
thương Lào Cai, thủy điện Thái Niên dự kiến đặt tại xã Thái Niên, Sơn Hà,
huyện Bảo Thắng( cách cầu phố Lu khoảng 11km về phía thượng lưu. Diện tích
lưu vực 41.365 m3, mực nước dâng bình thường tại đập 74m (mực nước hồ tại
trung tâm thành phố Lào Cai), mực nước chết 73m, cột nước thiết kế 5,5m, lưu
lượng thiết kế 1.269m3/s, công suất lắp máy 60MW. Số hộ dân bị ảnh hưởng: 57
hộ dân, tổng diện tích chiếm đất: 572,57 ha.
Dự án thủy điện Bảo Hà dự kiến đặt tại
xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên và xã Tân Thượng, huyện Văn Bàn (cách cầu Bảo Hà
khoảng 7,5km về phía thượng lưu). Diện tích lưu vực 43.865m2, mực nước dâng
bình thường tại đập 54m, mực nước chết 52m, cột nước thiết kế 3m, lưu lượng
thiết kế 1.569m3/s, công suất lắp máy 40MW. Số hộ dân bị ảnh hưởng 12 hộ dân,
tổng diện tích đất chiếm: 397,55ha.
Trao đổi với Đất Việt, các đại biểu
Quốc hội (ĐBQH) đều bày tỏ nỗi lo lắng trước đề xuất làm thủy điện
trên sông Hồng của Lào Cai.
Theo ĐBQH Lê Công Nhường (Đoàn Bình
Định), Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, mọi tác
động vào tự nhiên đều phải xem xét cẩn trọng.
Ông dẫn bài học thủy điện trên sông
Mekong làm minh chứng. Theo đó, Trung Quốc đã xây nhiều đập thủy
điện, hồ thủy lợi ở trên thượng nguồn sông Mekong, gây ảnh hưởng
lớn đến Việt Nam, quốc gia nằm ở hạ nguồn sông Mekong. Biểu hiện rõ
nhất trong những năm qua, đó là một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long rơi
vào tình trạng hạn hán, thiếu nước, khiến chính phủ Việt Nam phải
gửi văn bản đề nghị phía Trung Quốc gia tăng lưu lượng xả
nước để khắc phục tình trạng trên. Thiếu nước ngọt cũng làm
cho Đồng bằng sông Cửu Long bị xâm mặn nặng nề.
Ngoài ra, các hồ
thủy điện, thủy lợi của Trung Quốc ở thượng nguồn đe dọa
nghiêm trọng tới môi trường sống của các loài cá do phá vỡ dòng di
cư, làm sụt giảm lượng phù sa xuống Đồng bằng sông Cửu
Long.
"Vì lẽ đó, đối với đề xuất làm
thủy điện trên sông Hồng phải xem xét thận trọng. Riêng quan điểm của cá nhân
tôi thì không nên làm vì ở sông Hồng bắt nguồn từ Trung Quốc, ở thượng
nguồn Trung Quốc đã tác động nhiều tới dòng chảy của sông Hồng
với các đập thủy điện, hồ chứa lớn nhỏ. Nếu Việt Nam lại tiếp tục
tác động nữa thì vùng hạ lưu sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực, từ nguồn nước,
phù sa, xâm nhập mặn đến sự phát triển của các loài cá tôm... Tuyệt đối không
thể không thể đánh đổi như vậy", đại biểu Lê Công Nhường nhấn
mạnh.
Cùng chia sẻ quan điểm này, bà Bùi Thị
An, nguyên Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho
biết, Quốc hội khóa XIII đã rà soát, loại bỏ khỏi quy hoạch hàng trăm dự án
thủy điện, vậy cớ sao Lào Cai lại đề xuất bổ sung vào quy hoạch hai dự án
thủy điện mà tổng công suất của chúng chỉ có 100MW?
"Đề nghị UBND tỉnh Lào Cai, doanh
nghiệp phải giải thích rõ vì sao lại muốn bổ sung hai dự án
thủy điện nói trên vào quy hoạch, vì tỉnh thiếu điện hay vì lý
do nào khác? Tác động tới môi trường tự nhiên, xã hội đối với vùng hạ lưu khi
hai dự án này thực hiện", bà Bùi Thị An nói.
Bà An nhắc lại dự án giao thông thủy
xuyên Á trên sông Hồng cách đây vài năm đã không được Thủ tướng phê
duyệt vì chưa đủ căn cứ, cơ sở pháp luật theo quy định. Đó là
dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện do Công ty
TNHH Xuân Thiện (thuộc Tập đoàn Xuân Thành) đề xuất. Dự án xây
dựng 6 đập dâng nước và âu tàu, nạo vét 288 km luồng sông Hồng đoạn từ
Việt Trì lên Lào Cai đạt tiêu chuẩn sông cấp III; kết hợp xây dựng 6 nhà máy
thủy điện nhỏ (cấp II), kiểu tuabin trục ngang cột nước thấp với tổng công
suất thiết kế khoảng 228 MW; xây dựng 7 cảng dọc tuyến từ Hà Nội lên tới Lào
Cai.
Vào năm 2016, khi đề xuất xây
dựng dự án trên được đưa ra đã vấp phải sự
phản đối quyết liệt của giới chuyên môn, các nhà khoa học và dư
luận vì những rủi ro mà dự án có thể gây ra, cuối cùng Thủ tướng
quyết định chưa xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư dự án này.
Vì thế, trở lại với đề xuất làm thủy
điện trên sông Hồng của Lào Cai, bà Bùi Thị An một lần nữa nhấn mạnh,
tỉnh phải làm rõ các vấn đề bà đề cập ở trên trước khi
trình hai dự án, nếu không thì không trình ai được cả.
(Theo Đất Việt) Thành Luân
|
Thứ Ba, 4 tháng 6, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét