Sự 'độc ác' khiến tôi phải lên tiếng
Cập
nhật lúc 10:29
Sau khi thông
tin một thí sinh ngủ quên được công an Hà Giang đến tận nhà đưa đến điểm thi
gây phản ứng trái chiều trên mạng xã hội, ban đầu tôi nghĩ không cần nói thêm
gì. Nhưng, khi thấy có những lời bình luận ác ý, tôi buộc phải lên tiếng.
Vì sao thí sinh được đón?
Những thông tin về vụ việc này đã được
báo Tiền Phong đề cập trong
các bài viết https://www.tienphong.vn/xa-hoi/hai-lan-giai-cuu-thi-sinh-du-thi-thpt-quoc-gia-1433751.tpo; https://www.tienphong.vn/giao-duc/canh-sat-ke-chuyen-hu-coi-xe-chuyen-dung-dua-thi-sinh-ngu-muon-di-thi-1433079.tpo; https://www.tienphong.vn/giao-duc/canh-sat-hu-coi-xe-chuyen-dung-ho-tong-thi-sinh-ngu-muon-den-diem-thi-1432862.tpo.
Nhưng trước dư luận mạng xã hội, thiết nghĩ, cần thông tin cụ thể hơn.
Vài phút sau khi các đồng chí cảnh sát đi đón thí sinh Yến, một
phương án giao cho sinh viên tình nguyện đi đón cũng được triển khai. Ảnh:
Trường Phong
Sáng 26/6, tôi đi xe máy đến điểm thi
THPT Quốc gia 2019 tại trường THPT Lê Hồng Phong (thành phố Hà Giang). Lúc
tôi đến, các thí sinh đang vào điểm thi, lực lượng cảnh sát đã trực sẵn bên
ngoài. Thấy tôi giơ máy điện thoại chụp ảnh, anh CSGT ở đó còn ra hỏi “Đồng
chí ở đâu đấy”. Tôi chỉ đáp “Em phóng viên anh ạ”.
Đến khoảng gần 7h, cổng trường đóng
lại. Chúng tôi ngồi ngay cạnh cổng trường chờ xem có tình huống nào bất ngờ
không. Khoảng hơn 7h, một người đeo thẻ Hội đồng coi thi ra cổng, nói qua
cánh cửa sắt với tổ cảnh sát trực ở bên ngoài. Do ngồi gần, tôi mang máng
nghe được có thí sinh đến muộn. Chúng tôi lại gần, vị này nói thí sinh tên
Yến, bố mất, hiện không có mặt ở điểm thi. Chúng tôi ban đầu còn nghĩ, bố Yến
vừa mới mất nên không đến điểm thi được.
Khi sinh viên tình nguyện chuẩn bị đi thì Yến được Đại úy Vũ Đức Lợi
chở đến điểm thi, phía sau có xe chuyên dụng của CSGT hú còi hộ tống. Ảnh:
Trường Phong
Sau khi nắm được thông tin về tên và
địa chỉ của thí sinh, một cảnh sát giao thông lấy xe chuyên dụng đi ngay, một
cảnh sát khác cũng lấy xe máy đi. Tôi lấy xe máy, chở theo phóng viên của báo Đời sống Pháp luật đuổi theo
xe chuyên dụng của CSGT nhưng qua được 3, 4 đoạn đường thì “mất dấu”.
Hỏi người dân không được, chúng tôi gọi
điện về cho phóng viên báo VTCnews
đang ở cổng trường chờ sẵn, nói chuẩn bị chụp ảnh. Chúng tôi trở về cổng
trường chờ đợi. Lúc đó, cũng sắp hết giờ vào phòng thi. Một sinh viên tình
nguyện chuẩn bị về nhà em Yến hỗ trợ thì xe của một anh cảnh sát chở theo em
Yến đến cổng trường, đằng sau có xe hú còi của CSGT.
Yến chạy vào phòng thi sau khi được anh Vũ Đức Lợi chở đến trường.
Ảnh: Trường Phong
Cũng may chúng tôi chụp được vài bức
ảnh, dù thời điểm đó, mọi việc diễn ra rất nhanh. Người dân và các sinh viên
tình nguyện cũng chứng kiến sự việc. Có em còn kịp quay lại cảnh anh cảnh sát
chở Yến đến cổng trường. Em Yến cũng chỉ kịp đưa mũ bảo hiểm cho anh công an
rồi chạy vào trường, lên phòng thi. Nghe mấy anh công an trao đổi thì Yến ngủ
quên, còn chưa kịp đánh răng rửa mặt...
Sau đó, chúng tôi thông tin về tòa soạn
vài nét ban đầu cùng vài bức ảnh rồi đi ăn sáng. Trở lại ngồi cổng trường,
chúng tôi nói chuyện với anh cảnh sát đưa thí sinh đến trường. Anh tên Vũ Đức
Lợi, là Đại úy, Phó Trưởng Công an phường Minh Khai. Anh bảo đến tận nhà đón
em Yến rồi chở đến trường. Năm ngoái, anh cũng đón một thí sinh khác nữa.
Tôi đặt vấn đề phỏng vấn anh Lợi, nhưng
anh từ chối, nói phóng viên nên liên hệ với lãnh đạo công an thành phố Hà
Giang. Hỏi số lãnh đạo thành phố Hà Giang, anh Lợi lại không cung cấp. Chúng
tôi dùng một vài mối quan hệ xin số điện thoại nhưng không được. Mấy anh em
nói, lúc thi xong thì qua xin phép lãnh đạo công an thành phố Hà Giang.
Thí sinh Trần Thị Yến ngồi nói chuyện với bạn bè sau khi thi xong ở
sân trường. Ảnh: Trường Phong
Hết giờ thi, chúng tôi thấy Yến quanh
quẩn bên trong sân trường với các bạn mà không dám ra ngoài. Có lẽ Yến sợ
phóng viên báo chí hỏi về việc ngủ quên. Đúng là như vậy. Thấy Yến đi ra sát
hàng rào, tôi tiến đến, nói qua hàng rào sắt, rằng, muốn hỏi thêm lý do ngủ
muộn... Nhưng Yến bảo ngại, xấu hổ... Lúc Yến đi ra cổng trường, được vài
người thuyết phục, Yến đồng ý chia sẻ.
Yến nói ngủ muộn vì đêm trước ôn bài
mệt quá, để chuông báo thức mà không thấy gì. Anh chị của Yến đi làm sớm,
không gọi Yến dậy. Yến kể, bố mất đã 2 năm, mẹ đi làm xa ở Yên Minh, cách cả
trăm cây số với thành phố Hà Giang. Yến nói dù vào muộn, nhưng vẫn làm bài
tạm được...Sau khi trả lời chúng tôi, Yến còn trả lời phóng viên truyền hình
Hà Giang rồi được một bạn cùng trường chở về nhà. Cánh chúng tôi còn nói với
Yến chiều đừng ngủ muộn nữa nhé.
Yến ngồi khá lâu trong sân trường, không dám ra ngoài vì sợ bị phóng
viên phỏng vấn. Ảnh: Trường Phong
Tin vào điều tốt đẹp
Phỏng vấn Yến xong, chúng tôi tính lên
Công an thành phố Hà Giang xin phép phỏng vấn Đại úy Vũ Đức Lợi. Phóng viên
truyền hình tỉnh Hà Giang cũng muốn phỏng vấn anh Lợi. Chị này gọi điện cho
lãnh đạo Công an thành phố Hà Giang xin phép. Sau khi có cuộc điện thoại từ
lãnh đạo công an thành phố, anh Lợi mới đi xe ra cổng trường THPT Lê Hồng
Phong gặp phóng viên, vì sau khi kết thúc nhiệm vụ anh đã về nhà.
Thí sinh Trần Thị Yến lúc trao đổi với phóng viên. Ảnh: Trường Phong
Lúc trả lời báo chí, tay chân anh còn
run run, có lẽ vì hồi hộp. Nguyên văn vụ việc anh kể lại như sau: “Thực hiện
chỉ đạo của công an tỉnh về việc bảo vệ kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm
2019, lực lượng của tôi phụ trách đảm bảo bảo vệ trực tiếp vòng ngoài. Sau
khi nhận thông tin của Điểm trưởng, bên trong cũng trao đổi lại có một thí
sinh tên Trần Thị Yến không đến phòng thi. Hộ khẩu thường trú của Yến ở tổ 5
phường Quang Trung. Sau đó chúng tôi triển khai lực lượng đi xuống địa bàn
phường Quang Trung tìm nhà của thí sinh Yến. Tôi đã trực tiếp đến nhà thí sinh
Yến. Đến nhà thí sinh thì thí sinh đang ngủ, tôi đã tiến hành gọi và yêu cầu
thí sinh lên xe và đến điểm thi đúng giờ. Khi đến đây thì theo thời gian còn
khoảng tầm 3 phút nữa thì hết giờ vào phòng thi”.
Đại úy Vũ Đức Lợi lúc trao đổi với phóng
viên. Ảnh: Trường Phong
Đến đây, có lẽ
đã giải đáp được những bình luận ác ý trên mạng xã hội mấy ngày qua. Trong
những bài viết chúng tôi đăng tải cũng đã thông tin đầy đủ về mọi việc.
Nhưng, có lẽ có những người cố tình không hiểu, hoặc thêm thắt cho câu chuyện
thêm phần “căng thẳng”.
Như đã nói ở
trên, đáng lẽ tôi và những đồng nghiệp tác nghiệp về câu chuyện này không lên
tiếng, vì thực sự đó là một câu chuyện đẹp, không cần phải nói gì thêm. Tuy
nhiên, nhiều bình luận ác ý trên cộng đồng mạng khiến tôi phải lên tiếng. Tác
động của những bình luận ác ý này, khiến anh Vũ Đức Lợi cũng thay đổi thái độ
với chúng tôi. Theo lời kể của phóng viên VTCnews,
ngay sáng hôm 27/6, gặp anh Lợi trước cổng trường THPT Lê Hồng Phong, anh chỉ
im lặng khi phóng viên nói chuyện.
Có lẽ, anh Lợi
nghĩ rằng, việc trả lời phỏng vấn hôm trước là một “sai lầm”. Đáng lẽ, anh cứ
im lặng, vì việc anh làm được thí sinh Yến, người dân ở quanh trường, cánh
phóng viên và đặc biệt là bản thân anh biết là việc tốt. Chúng tôi cũng không
hiểu tại sao những người không có mặt thời điểm đó, mà có quyền lên tiếng,
thậm chí viết trên mạng xã hội như là mình ở đó, nắm rõ từng sự việc...
Đáng lẽ tôi không lên tiếng. Vì nói như mọi người, tranh cãi với
cộng đồng mạng chẳng khác nào đánh nhau với cối xay gió. Nhưng, vì danh dự
của bản thân và những đồng nghiệp, vì danh dự của anh Vũ Đức Lợi trong sự
việc này, tôi phải lên tiếng, để hy vọng, góp một chút gió, thay đổi hướng
quay của cái cối xay gió độc ác kia. Và hy vọng lấy lại niềm tin của bạn đọc
vào một điều tốt đẹp được đưa lên báo chí.
(Theo Tiền Phong) Trường Phong
|
Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét