Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2019

'Mở lon Việt Nam' trái thuần phong mỹ tục ra sao?

 Cập nhật lúc 08:93

Trong khi Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT-DL) cho rằng cụm từ 'Mở lon Việt Nam' trong quảng cáo sản phẩm của Coca-Cola có vấn đề về ngữ nghĩa, không phù hợp thuần phong mỹ tục thì các chuyên gia ngôn ngữ, truyền thông lại có ý kiến khác.

Bảng quảng cáo Coca-Cola (đã được che phủ) tại ngã tÆ° Nguyá»…n Thị Minh Khai - Cách Mạng Tháng Tám (TP.HCM) tối qua 29.6 /// Ảnh: Khả Hòa 
Bảng quảng cáo Coca-Cola (đã được che phủ) tại ngã tư Nguyễn Thị Minh Khai - Cách Mạng Tháng Tám (TP.HCM) tối qua 29.6. Ảnh: Khả Hòa

Chưa tham vấn chuyên gia
Nó mà ở ngoài trời, có nhiều tình huống có thể thêm mũ, thêm dấu vào từ đó. Vì vậy nó rất khủng khiếp nếu chữ đó chềnh ềnh ra trên biển quảng cáo ngoài trời
Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở
Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT-DL) vừa có công văn gửi các địa phương yêu cầu chấn chỉnh hoạt động quảng cáo sản phẩm Coca-Cola. Công văn nhấn vào slogan “Mở lon Việt Nam” của nhãn hàng này. Cụm từ “Mở lon Việt Nam” được cho là có dấu hiệu về hành vi quảng cáo thiếu thẩm mỹ, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam. Slogan này cũng bị cho là không đảm bảo thông tin rõ ràng của nội dung với sản phẩm hàng hóa được quảng cáo, vi phạm các quy định tại khoản 3, điều 8 và khoản 1, điều 19 luật Quảng cáo.
Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, cho rằng “Mở lon Việt Nam” là cụm từ không rõ ràng về sản phẩm. Nó không rõ là mở lon gì và cụm từ “lon Việt Nam” không có nghĩa. Chưa kể, chữ “lon” này theo bà, có thể bị thêm mũ, thêm dấu trên các phương tiện quảng cáo ngoài trời. “Nó mà ở ngoài trời, có nhiều tình huống có thể thêm mũ, thêm dấu vào từ đó. Vì vậy nó rất khủng khiếp nếu chữ đó chềnh ềnh ra trên biển quảng cáo ngoài trời. Quan điểm của tôi là không cấm nhưng phải sửa”, bà nói. Bà Hương còn cho biết, đặt từ “lon” cạnh từ “Việt Nam” là việc rất nhạy cảm.
Về việc trước khi ra văn bản đã tham vấn chuyên gia quảng cáo và ngôn ngữ hay chưa thì bà Hương trả lời chưa. Tuy nhiên, bà phân tích: “Tôi nghĩ việc đã rõ trong luật rồi. Về ngôn ngữ, các chuyên gia có thể có nhiều ý kiến trái chiều khác nhau. Việc vi phạm đưa ra rõ ràng thì không cần ý kiến của chuyên gia quảng cáo”.

Cần phải có căn cứ

Người ta vẫn nói là đong mấy lon gạo... Nó chả có gì xấu cả. Còn ai liên tưởng tới từ gì đó gần với lon thì là liên tưởng, suy luận  không có cơ sở
PGS-TS Phạm Văn Tình, Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam
PGS-TS Phạm Văn Tình, Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, cho rằng nếu muốn cấm hay yêu cầu sửa thì phải có căn cứ về từ có nghĩa xấu. “Ta phải xem từ lon như thế nào, nó có quá xấu không? Nó là một từ bình thường và có nhiều nghĩa. Theo từ điển, nó còn có nghĩa là một loại thú rừng cùng họ với cầy móc cua nhưng nhỏ hơn. Nó cũng là từ thuần Việt chỉ một loại cối - lon giã cua ấy. Nó còn có nghĩa lon sữa bò, hay lon bia. Người ta vẫn nói là đong mấy lon gạo... Nó chả có gì xấu cả. Còn ai liên tưởng tới từ gì đó gần với lon thì là liên tưởng, suy luận không có cơ sở. Nên tốt nhất khi nghiêm cấm thì phải có căn cứ là từ nghĩa xấu”, ông nói. Trên phân tích từ “lon” như vậy, ông cho rằng tổ hợp từ “lon Việt Nam” trong quảng cáo nếu không rõ nghĩa lắm cũng không sao và lưu ý tới tính đặc thù của ngôn ngữ quảng cáo: “Có thể anh có quyền cho rằng tổ hợp đó không được hay lắm. Nhưng bắt lỗi nó thì lại là chuyện khác. Ngôn từ quảng cáo có cách của nó, có cấu trúc lạ, gây ấn tượng”.
Còn ông Nguyễn Đình Thành, thạc sĩ truyền thông văn hóa ĐH Paris Dauphine, đồng sáng lập Elite PR School, cũng cho rằng cụm từ “lon Việt Nam” được sử dụng kết hợp ghép với động từ “mở” là trong một ngữ cảnh của quảng cáo. Khi đó nó được kết hợp với hình ảnh trên quảng cáo và được gắn với một thương hiệu chuyên bán nước giải khát nổi tiếng toàn cầu thì khả năng hiểu nhầm, hiểu sai là gần như không có.
Ông Lê Quang Vũ, chuyên gia truyền thông, Giám đốc Công ty truyền thông Blue C, nhận xét slogan “Mở lon Việt Nam” trong quảng cáo của Coca-Cola đã đạt hiệu ứng khá tốt. “Nó đáp ứng đúng công thức của content là ART. Attention: gây chú ý, Relevant: liên quan, Talkability: khiến mọi người bàn tán. Hay hay không còn tùy người nhưng nếu chỉ hẳn ra sai ở đâu thì cũng không dễ, kể cả áp dụng điều 8, luật Quảng cáo mà Cục nói”, ông Vũ phân tích. Về khả năng chính Coca-Cola Việt Nam chủ ý dùng slogan này để gây tranh cãi, ông Vũ cho rằng: “Không loại trừ khả năng đó. Có thể họ cố tình đi vào vùng mờ để gây tranh cãi. Tính đến giờ thì hiệu quả của quảng cáo là khá tốt. Ai cũng nhắc đến nó”.

Hà Nội phạt 25 triệu đồng biển quảng cáo không phép

Sau văn bản kiểm tra hồ sơ liên quan đến quảng cáo của Coca-Cola Việt Nam do Cục Văn hóa cơ sở ban hành, đã có vi phạm quảng cáo của nhãn hàng này bị phát hiện tại Hà Nội. Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Nội, xác nhận đã có biển quảng cáo với slogan “Mở lon Việt Nam” không phép trên địa bàn. Sở đã yêu cầu dỡ và phạt hành chính 25 triệu đồng với trường hợp này.
Trinh Nguyễn

Coca-Cola đã thay tên quảng cáo "Mở lon Việt Nam"

Ngày 29.6, Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam đã có văn bản phản hồi về việc quảng cáo có sử dụng cụm từ “Mở lon Việt Nam” trên truyền hình và một số phương tiện quảng cáo khác vi phạm các quy định tại khoản 3, điều 8 và khoản 1, điều 19, luật Quảng cáo về tính phù hợp thuần phong mỹ tục.
Theo đó, ngay sau khi nhận được công văn từ Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT-DL) vào ngày 22.6, công ty đã thay đổi cụm từ “Mở lon Việt Nam” thành “Cơ hội trúng vàng mỗi ngày” cho chương trình khuyến mãi của sản phẩm Coca-Cola Việt Nam trên truyền hình và các phương tiện quảng cáo khác. Hiện quy trình đang được diễn ra nhanh chóng, toàn bộ nội dung quảng cáo trên tất cả các kênh truyền hình, kỹ thuật số và 70% bảng hiệu quảng cáo ngoài trời đã được cập nhật nội dung mới. Quy trình vẫn đang tích cực diễn ra nhằm đảm bảo sự thay đổi sẽ hoàn tất trong tuần đầu tháng 7.
Mai Phương

 

(Theo Thanh Niên) Trinh Nguyễn


Cơ quan chức năng phạt là đúng nhưng cách lí giải lại không chuẩn. Chữ ‘Lon Việt Nam’ khiến mọi người hiểu đây là một sản phẩm của doanh nghiệp trong khi Coca cola không có sản phẩm mang tên như thế. Doanh nghiệp lấy danh từ quốc hiệu Việt Nam (hoặc tên danh nhân nào đó) đặt cho sản phẩm của mình là vi phạm Luật Quảng cáo). Chỉ đơn giản vậy thôi chứ cần gì suy luận này nọ, khác gì bôi mỡ lên mình cho kiến đốt! Lẽ ra việc này Bộ chỉ cần nhắc Sở VH-TT&DL TP yêu cầu doanh nghiệp tháo dỡ và phạt là xong.
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét