Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2018

Báo lớn của Mỹ gọi Tổng thống Nga là 'Vladimir Trump'

Cập nhật lúc 15:09

 

Cộng đồng mạng Twitter được một phen ngạc nhiên khi tờ báo tuy tín Wall Street Journal của Mỹ gọi Tổng thống Nga là "Vladimir Trump".

 Báo lớn của Mỹ gọi Tổng thống Nga là Vladimir Trump - Ảnh 1.
Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: REUTERS
Sau khi bị cộng đồng mạng phát hiện, báo Wall Street Journal (WSJ) đã đính chính lại việc gắn nhầm tên ông Trump cho Tổng thống Putin.
"Ông Vladimir Putin là Tổng thống của Nga. Một lỗi biên tập đã nhầm ông thành Vladimir Trump trong phiên bản trước của bản tin này (ngày 29-11)" - báo WSJ gắn dòng đính chính này dưới bản tin ông Trump hủy cuộc gặp với Tổng thống Nga tại Hội nghị G20 ở Buenos Aires, Argentina.
Tuy nhiên, lỗi biên tập trên khiến nhiều người dùng Twitter cảm thấy thú vị.
Một người tên John Wellington Ennis nhận xét hài hước: "Điều này có nghĩa biên tập viên WSJ đọc Vladimir Trump và không mảy may chớp mắt?".
Tài khoản @BCNThomson phụ họa theo: "WSJ cần phải đính chính thế này: Vladimir Trump, hay còn gọi là Donald Putin, là Tổng thống Hoa Kỳ".
Nhiều người còn cho rằng phiên bản đầu tiên - Vladimir Trump - mới là chính xác. "Đây là thứ hay nhất tôi đọc được trong ngày. Cảm ơn quý vị" - tài khoản Wajahat Ali viết.
Trong hôm nay, tin tức nổi bật nhất Twitter có lẽ là việc ông Trump viết dòng thông báo hủy cuộc gặp với người đồng cấp Putin sau khi được nghe báo cáo về sự cố đụng độ Nga - Ukraine ở Eo biển Kerch.
(Theo Tuổi Trẻ) PHÚC LONG

Truy nã “đại ca” đất cảng băng tín dụng đen "tra tấn" nạn nhân như thời trung cổ

Cập nhật lúc 14:59 

Nguyễn Cao Thắng, quê Hải Phòng, một mắt xích quan trọng trong “băng đảng” tín dụng đen "cực khủng" với thủ đoạn tra tấn nạn nhân như thời trung cổ, đã bị Bộ Công an và Công an Thanh Hóa phát lệnh truy nã.

Ngày 30-11, tin từ Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết liên quan đến tổ chức tín dụng đen có "chân rết" tại 63 tỉnh, thành trên cả nước vừa được cơ quan này phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) triệt phá thành công. Hiện có 2 đối tượng trong đường dây này bỏ trốn, cơ quan công an đã phát lệnh truy nã.

 Truy nã “đại ca” đất Cảng băng tín dụng đen tra tấn nạn nhân như thời trung cổ - Ảnh 1.
Nguyễn Cao Thắng, đại ca đất cảng Hải Phòng, là 1 mắt xích quan trọng trong tổ chức tín dụng đang bỏ trốn
Theo đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra Quyết định truy nã bị can số 30/PC02, truy nã Trần Hồng Phong (SN 1985, ngụ phường Đông Khê, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng) và Quyết định truy nã bị can số 29/PC02, truy nã Nguyễn Cao Thắng (SN 1984, ngụ quận Lê Chân, TP Hải Phòng) về tội "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự".
Theo quyết định truy nã, bất cứ người nào cũng có thể bắt và giải ngay người đang bị truy nã tới cơ quan công an, VKS hoặc UBND gần nhất. Khi bắt, tiếp nhận hoặc phát hiện đối tượng truy nã có thể báo ngay cho Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa (PC02) ở số 15A Hạc Thành, phường Ba Đình, TP Thanh Hóa; SĐT điều tra viên 0912727887 hoặc 02373858252.
Theo cơ quan công an, Nguyễn Cao Thắng "đại ca đất cảng" được xem là 1 mắt xích quan trọng trong băng đảng tín dụng đen lớn nhất này. Thắng là người đã cùng Nguyễn Đức Thành (kẻ cầm đầu tổ chức) bắt tay nhau mở công ty tín dụng đen lấy tên là Công ty Nam Long. Theo thỏa thuận, Thắng là người chịu trách nhiệm huy động vốn cho tổ chức tín dụng này vay, còn Thành làm giám đốc chỉ đạo toàn bộ hoạt động của bộ máy "Công ty Nam Long", lợi nhuận thu được chia làm 2 phần, 50% quay lại tái đầu tư, 50% Thành và Thắng chia nhau.

 Truy nã “đại ca” đất Cảng băng tín dụng đen tra tấn nạn nhân như thời trung cổ - Ảnh 2.
Quyết định truy nã Thắng của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa
Trước đó, ngày 29-11 Công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) tổ chức họp báo thông tin về kết quả điều tra ban đầu chuyên án triệt xóa tổ chức tín dụng đen hoạt động tại 63 tỉnh, TP trong cả nước dưới vỏ bọc Công ty Tài chính Nam Long (có trụ sở tại TP HCM). Bước đầu, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "Cố ý gây thương tích, giữ người trái pháp luật, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự"; khởi tố bắt giam 4 tháng 7 đối tượng, với kẻ cầm đầu là Nguyễn Đức Thành (SN 1988, ngụ phường Cầu Kho, quận 1, TP HCM).
Riêng Thắng và Phong đã bỏ trốn khỏi địa phương và bị phát lệnh truy nã.
Truy nã “đại ca” đất Cảng băng tín dụng đen tra tấn nạn nhân như thời trung cổ - Ảnh 3. 
Băng đảng tín dụng đen lớn nhất nước hoạt động ở 63 tỉnh, thành vừa bị Công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Bộ Công an triệt phá, bắt giữ
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy Công ty Tài chính Nam Long không có đăng ký kinh doanh, chuyên thực hiện giao dịch cho vay với mức lãi suất "cắt cổ" lên tới hơn 100%/năm. Tính đến thời điểm bị phát hiện, đã có hơn 200 khách hàng dính bẫy tín dụng đen của công ty này và tổng số tiền giao dịch là hơn 510 tỉ đồng. Khi các con nợ chậm trả, các đối tượng sẵn sàng hành hung, đe dọa và cưỡng đoạt tài sản có giá trị gấp nhiều lần số tiền vay nợ.
Nhóm này đã tham gia bắt anh Nguyễn Văn Minh (SN 1999, ngụ xã Bố Hạ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang), là nhân viên của công ty bỏ trốn, sau đó đánh đập hành hạ anh Minh đến chết, với kiểu tra tấn như thời trung cổ bắt chọn ăn 1 bát cơm hoặc chọn ăn 1 bát chất thải bẩn của người.
Vụ việc đang được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp điều tra, mở rộng.
(Theo Người Lao Động) Tuấn Minh

Người tố cáo Trưởng Công an TP Thanh Hóa nhận 260 triệu đồng chạy án lên tiếng

Cập nhật lúc 10:59    

 Cựu cán bộ công an Đỗ Đức Hiếu khẳng định đã đưa ông Nguyễn Chí Phương, Trưởng Công an TP Thanh Hóa, 260 triệu đồng để nhờ chạy án nhằm thoát tội "Trộm cắp tài sản" nhưng không thành nên đòi lại.

Sáng 30-11, trao đổi với Báo Người Lao Động, anh Đỗ Đức Hiếu (ngụ xã Hoằng Quang, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) xác nhận đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng tố cáo đại tá Nguyễn Chí Phương, Trưởng Công an TP Thanh Hóa, nhận tiền chạy án cho mình.
Anh Hiếu nguyên là cán bộ Đội Cảnh sát trật tự - Công an TP Thanh Hóa, từng là thuộc cấp của đại tá Nguyễn Chí Phương, đã bị tước quân tịch Công an nhân dân từ tháng 8-2018.
Người tố cáo Trưởng Công an TP Thanh Hóa nhận 260 triệu đồng chạy án lên tiếng - Ảnh 1. 
Công an TP Thanh Hóa, nơi anh Đỗ Đức Hiếu từng công tác
Theo đơn tố cáo của anh Hiếu, tháng 10-2015, sau khi tốt nghiệp Học viện Cảnh sát nhân dân, anh Hiếu được điều về Đội Cảnh sát trật tự Công an TP Thanh Hóa công tác. Đến ngày 18-7-2018, sau khi đi làm về đơn vị, theo lời anh Hiếu, anh đã lấy chiếc xe máy nhãn hiệu Air Blade bám bụi lâu ngày để trong nhà xe cơ quan đem ra quán sửa chữa làm phương tiện đi lại. Một ngày sau, sự việc bị phát hiện và yêu cầu đưa về cơ quan.
Sau đó, cơ quan điều tra đã làm việc với anh Hiếu. Lúc này, anh Hiếu chủ động tìm đến nhà đại tá Phương để nói chuyện và nhờ giúp đỡ, vợ chồng ông Phương hứa sẽ giúp nhưng cần có kinh phí. "Khoảng hơn 20 giờ ngày 19-7-2018, tôi có đến nhà ông Phương và mang theo 50 triệu đồng. Tại nhà, ông Phương có nói rằng sẽ báo cáo lại Ban giám đốc, "muốn gì cũng phải có kinh phí". Nghe vậy tôi mừng lắm vì có hi vọng" - anh Hiếu nói.
Cũng theo anh Hiếu, sau cuộc gặp đó, anh về nhà đem chiếc ôtô đi cầm cố được 200 triệu đồng và mang tới phòng ông Phương ngay ngày 20-7. "Khi cầm tiền lên phòng, ông Phương có nói: Thôi cứ về đi, cầm về, để bác bàn lại với Ban giám đốc, anh em điều tra". Nghe vậy, tôi yên tâm để lại số tiền và ra về, ông Phương cũng không nói gì. Tưởng mọi chuyện đã ổn, không ngờ sau đó tôi nhận được Quyết định đình chỉ công tác do ông Phương ký và sau đó bị tước quân tịch" - anh Hiếu nói.
Người tố cáo Trưởng Công an TP Thanh Hóa nhận 260 triệu đồng chạy án lên tiếng - Ảnh 2.
Đơn của anh Đỗ Đức Hiếu gửi các cơ quan chức năng tố cáo đại tá Nguyễn Chí Phương, Trưởng Công an TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa
Cựu cán bộ công an này còn cho biết khi bị tước quân tịch, anh có tìm đến phòng vị lãnh đạo Công an TP Thanh Hóa 1 lần nữa và có cầm theo 10 triệu đồng và được ông Phương hứa hẹn sẽ bàn với Viện kiểm sát, Công an TP để xem xét, không bị khởi tố. "Tuy nhiên, sau đó tôi vẫn bị tòa án đưa ra xét xử, tiền mất, ngành nghề cũng mất nên tôi đã tìm đến ông Phương đòi lại 260 triệu đồng. Nhưng nhiều lần tới nhà riêng và cơ quan ông Phương đều hứa hẹn sau này xong việc sẽ trả lại nhưng đến nay vẫn không trả" - anh Hiếu cho hay.
Khi được hỏi về đoạn ghi âm phát tán trên mạng, anh Hiếu cho biết đó là các đoạn ghi âm do mình ghi lại và có gửi cho nhiều cơ quan chức năng kèm theo đơn, chứ không phát tán nó lên mạng xã hội Facebook.
"Với tôi giờ ngành nghề đã mất, tôi chấp nhận điều đó. Chỉ vì một chút lòng tham mà đã biến bản thân mình thành 1 người phạm tội. Khi sự việc xảy ra, gia đình, vợ con tôi đã rất sốc. Mình làm thì mình phải chịu, tôi không chối cãi việc đấy, nhưng tôi bị đẩy đến đường cùng rồi. Bản thân việc ghi âm các cuộc nói chuyện trên là không đúng, nhưng tôi không còn lựa chọn nào khác. Số tiền tôi nói là đúng và còn giảm đi nhiều đó, cơ quan công an cũng đã nhiều lần tới nhà gặp tôi để trao đổi về việc này" - anh Hiếu khẳng định.
Trước đó như Báo Người Lao Động đã thông tin, trên mạng xã hội xuất hiện 1 đoạn ghi âm dài hơn 23 phút có tiêu đề: "Đại tá Nguyễn Chí Phương,Trưởng Công an TP Thanh Hóa, nhận tiền chạy án 260 triệu, bị thuộc cấp tố cáo". Qua đoạn ghi âm này cho thấy có nhiều cuộc hội thoại được ghi lại ở nhiều thời điểm khác nhau, trong đó có cả giọng nói của cả nam và nữ. Một trong số những người đó được cho là đại tá Nguyễn Chí Phương, Trưởng Công an TP Thanh Hóa, và người kia từng công tác trong ngành công an, là cựu thuộc cấp của đại tá Phương.
Người tố cáo Trưởng Công an TP Thanh Hóa nhận 260 triệu đồng chạy án lên tiếng - Ảnh 3. 
Đại tá Nguyễn Chí Phương, Trưởng Công an TP Thanh Hóa
Trong các đoạn ghi âm có đề cập tới việc người đàn ông được cho làm ở Công an TP Thanh Hóa có liên quan đến vụ việc trộm cắp xe máy có tìm đại tá Phương đề nhờ "chạy án" và có đề cập tới tiền "chạy án", tổng số tiền được nhắc đến là 260 triệu đồng, được đưa nhiều lần…
Chiều 28-11, đại tá Nguyễn Chí Phương, Trưởng Công an TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, xác nhận giọng nói trong đoạn băng ghi âm xuất hiện trên mạng xã hội Facebook là của ông và cuộc trò chuyện đó là có thật.
Thiếu tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa, cho biết Công an tỉnh Thanh Hóa đã báo cáo Bộ Công an. "Chiều n29-11, Thanh tra của Bộ Công an vào làm việc về vấn đề này. Còn nội dung, phương pháp, cách thức làm việc của Thanh tra như thế nào thì tôi chưa được biết. Công an tỉnh đã báo cáo Bộ Công an và quan điểm Bộ Công an phải giữ vững kỷ luật kỷ cương, làm đúng quy định thôi" - Thiếu tướng Trung nói.
Vụ việc tố Trưởng Công an TP Thanh Hóa nhận tiền "chạy án" của thuộc cấp đang được cơ quan chức năng xác minh.
(Theo Người Lao Động)  T.Minh-P.Sơn

Tuyên án vụ đánh bạc ngàn tỉ: Phan Văn Vĩnh chỉ huy, Nguyễn Thanh Hóa thực hành tích cực

Cập nhật lúc 10:33    

Sáng nay 30-11, xe đặc chủng đưa ông Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa, 2 người bị đề nghị lần lượt từ từ 7 đến 7,5 năm tù và 7,5 đến 8 năm tù; cùng các "ông trùm" đường dây đánh bạc ngàn tỉ đến TAND tỉnh Phú Thọ nghe tuyên án.

8 giờ sáng nay 30-11, TAND tỉnh Phú Thọ bắt đầu tuyên án đối với cựu trung tướng Phan Văn Vĩnh, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an, và ông Nguyễn Thanh Hóa, cựu thiếu tướng, cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50, Tổng cục Cảnh sát) cùng 2 "ông trùm" Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam và 88 bị cáo khác trong vụ đánh bạc ngàn tỉ.

Tuyên án vụ đánh bạc ngàn tỉ: Phan Văn Vĩnh chỉ huy, Nguyễn Thanh Hóa thực hành tích cực - Ảnh 1. 
Ông Phan Văn Vĩnh tại phiên tòa
Sáng sớm cùng ngày 30-11, lực lượng an ninh được thắt chặt nghiêm ngặt tại phiên tòa.
Các bị cáo và người nghĩa vụ liên quan đến tham dự phiên tòa phải đi qua máy soi an ninh. Đúng 7 giờ 45, xe đặc chủng đưa các bị cáo tạm giam đưa đến phiên tòa, trong đó có ông Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa.
 Tuyên án vụ đánh bạc ngàn tỉ: Phan Văn Vĩnh chỉ huy, Nguyễn Thanh Hóa thực hành tích cực - Ảnh 2.
Xe đặc chủng đưa các bị cáo đến tòa nghe tuyên án
Đúng 8 giờ HĐXX bắt đầu tuyên án.
 Tuyên án vụ đánh bạc ngàn tỉ: Phan Văn Vĩnh chỉ huy, Nguyễn Thanh Hóa thực hành tích cực - Ảnh 3.
Chủ tọa Nguyễn Thị Thùy Hương công bố bản án

Tuyên án vụ đánh bạc ngàn tỉ: Phan Văn Vĩnh chỉ huy, Nguyễn Thanh Hóa thực hành tích cực - Ảnh 4.
Các bị cáo nghe tòa tuyên án
Chủ tọa Nguyễn Thị Thùy Hương thông báo do bản án dài 400 trang nên không công bố lại nội dung vụ án. Đại diện VKS, luật sư đồng ý.
Theo HĐXX, đối với Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty CNC, lợi dụng danh nghĩa công ty nghiệp vụ của C50, bị cáo hợp tác với Phan Sào Nam phát hành game bài Rikvip/Tip.Club, 23Zdo, Zon/Pen. Sau khi ký hợp đồng, Dương chỉ đạo các thành viên trong công ty thuê tên miền, đăng ký tin nhắn thương hiệu; xây dựng cổng thanh toán kết nối với Công ty HomeDirect, Công ty VNPT EPAY, Công ty Ngân Lượng và Công ty GTS thực hiện việc vận hành, đối soát sản lượng doanh thu từ hành hành vi tổ chức đánh bạc.
Khi bị cơ quan chức năng phát hiện, Dương chỉ đạo Nam đổi tên Rikvip thành Tip.Club. Hành vi lôi kéo hơn 42 triệu tài khoản, thu lời hơn 9.850 tỉ đồng. Riêng Dương thu lời bất chính 1.655 tỉ đồng. Khi có được một số tiền nhỏ do thu lời bất chính từ hành vi tổ chức đánh bạc, Dương chỉ đạo Đoàn Thị Thu Hà chuyển tiền góp vốn vào Công ty cổ phần đầu tư UDIC rồi mượn tên người khác, mở doanh nghiệp rồi ký hợp đồng khống rút tiền ra, quay vòng nâng khống giá trị vốn góp vào Công ty UDIC.
Đến khi được ăn chia nguồn tiền do phạm tội tổ chức đánh bạc mà có thì Dương lại chỉ đạo Đoàn Thị Thu Hà và nhân viên cấp dưới đứng danh nghĩa công ty, cá nhân đối tác chuyển trả Công ty UDIC do hủy hợp đồng để hợp pháp hóa số tiền do tổ chức đánh bạc mà có thành tiền sạch. Đến giữa năm 2017, Dương bán cổ phần ở Công ty UDIC được 329 tỉ đồng và rút tiền về gửi tiết kiệm và mua tầng 5, 6 Tòa nhà Icon 4 để làm trụ sở Công ty CNC. Hành vi trên của Nguyễn Văn Dương đủ yếu tố cấu thành tội phạm "Tổ chức đánh bạc" và "Rửa tiền".
Trong quá trình điều tra, Nguyễn Văn Dương đã tự thú về việc cho C50 phần mềm diệt virus và 700 triệu đồng, riêng lời khai cho Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa tiền và tài sản đến nay chưa làm rõ được nên tách ra, khi nào làm rõ sẽ xử lý sau
Theo HĐXX, bị cáo Phan Sào Nam là người có trình độ cao, am hiểu công nghệ nhưng vì mục đích tư lợi cá nhân đã kết nối vơi Dương, thống nhất CNC làm nhiệm vụ phát hành game bài. Sau đó chỉ đạo nhân viên công ty thiết lập hạ tầng phục vụ tổ chức game bài, cổng thanh toán, thu lợi gần 1.500 tỉ đồng.
Để che giấu số tiền trên, bị cáo Nam đã chuyển tiền lòng vòng qua người thân, mua bất động sản, thành lập các công ty khác… Ngoài ra, Nam còn gửi dì ruột là Phan Thu Hương 236 tỉ đồng để mua nhà, góp vốn vào công ty và gửi ngân hàng nước ngoài 3,5 triệu USD. Số tiến hơn 300 tỉ đồng và 3,5 triệu USD nếu thu hồi xung công thì không xem xét trách nhiệm.
Hiện nay, Cơ quan chức năng đang tạm giữ của Nam 1.086 tỉ đồng tiền mặt, phong tỏa tài khoản 13 hợp đồng mua căn hộ…
Quá trình điều tra, Nam thành khẩn khai nhận hành vi của mình và Nam còn tự thú về các hành vi rửa tiền khác, đó là tiền 3,5 triệu USD gửi ở ngân hàng Singapore. Việc VKS đề nghị HĐXX xem xét, áp dụng các căn cứ tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Nam là có căn cứ, đúng pháp luật.
Đối với Phan Văn Vĩnh, khi đương chức Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát, bị cáo ký quyết định công nhận CNC là công ty bình phong trái quy trình của Bộ Công an. Sau đó, ông Vĩnh đồng ý cho CNC thuê trụ sở đơn vị tại số 10 Hồ Giám gây cản trở hoạt động xác minh, xử lý của cơ quan chức năng đối với game bài Rikvip.
Khi nhận được báo cáo của Nguyễn Văn Dương, ông Vĩnh bút phê giao C50 nghiên đề xuất thí điểm đổi thưởng game bài là trái quy định pháp luật. Hành động trợ giúp cho Nguyễn Văn Dương cùng đồng phạm tổ chức đánh bạc của Phan Văn Vĩnh còn thể hiện ở việc ký văn bản đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tổ chức đánh bạc của Công ty CNC.
Ngoài ra, bị cáo còn chỉ đạo Nguyễn Thanh Hóa ký văn bản báo cáo đề xuất Bộ trưởng Bộ Công an cho CNC tiếp tục tổ chức đánh bạc. Đặc đặc, việc Phan Văn Vĩnh bút phê đồng ý vào văn bản hợp thức nhằm che giấu việc góp vốn bằng lợi thế nghề nghiệp thể hiện bị cáo biết CNC vận hành game đánh bạc.
Khi lãnh đạo Bộ Công an phát hiện Công ty CNC vận hành game bài là đánh bạc trá hình có dấu hiệu vi phạm pháp luật, yêu cầu có báo cáo nhưng Phan Văn Vĩnh không chấp hành. Đến khi có văn bản lần thứ 2, bị cáo mới chỉ đạo C50 báo cáo lãnh đạo Bộ Công an nhưng không đúng sự thật.
Về động cơ, mục đích phạm tội, Phan Văn Vĩnh cho rằng bản thân tạo điều kiện cho Công ty CNC tổ chức đánh bạc là để tạo "nguồn thu từ hoạt động thí điểm này được dùng để đầu tư, xây dựng hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm mạng". Thực tế hơn 2 năm công ty CNC tổ chức đánh bạc trên Internet, thu lợi bất chính hàng ngàn tỉ đồng nhưng không có một khoản tiền nào từ hoạt động cờ bạc này được đầu tư cho hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm mạng mà chỉ có một khoản rất nhỏ so với tổng doanh thu (700 triệu đồng và một bộ phần mềm diệt virus trị giá 30.000 USD cho C50).
Dù chưa thể chứng minh lời khai Nguyễn Văn Dương cho ông Vĩnh hàng chục tỉ đồng nhưng HĐXX thấy hành vi phạm tội của Phan Văn Vĩnh có động cơ cá nhân khác, gây bất bình dư luận, làm mất uy tín cơ quan thực thi pháp luật. Ông Vĩnh đầy đủ dấu hiệu đồng phạm giúp sức cho Nguyễn Văn Dương tổ chức đánh bạc trái phép.
Tuy nhiên, Phan Văn Vĩnh là người có chức vụ quyền hạn nên việc xem xét xử lý hành vi của Phan Văn Vĩnh bước đầu dừng lại ở mức độ đủ yếu tố cấu thành tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Xét về bản chất, hành vi của bị cáo Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa là đồng phạm cấu kết thực hiện hành vi phạm tội, trong đó Phan Văn Vĩnh là người chỉ huy, còn ông Hóa là người thực hành tích cực.
* Trước đó, VKS đã đề nghị 2 ông Vĩnh và Hóa mức án lần lượt từ 7 đến 7,5 năm tù và 7,5 đến 8 năm tù cùng về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. 
VKS cũng đề nghị 11-13 năm tù đối với bị cáo Nguyễn Văn Dương, chủ tịch HĐQT CNC, về 2 tội Tổ chức đánh bạc và Rửa tiền; cũng bị truy tố về 2 tội này, cựu chủ tịch HĐQT Công ty VTC Online Phan Sào Nam bị đề nghị mức 6-7 năm tù.
Đáng chú ý, tại phần xét hỏi của phiên tòa, ông Phan Văn Vĩnh lúc đầu chỉ nhận có lỗi vô ý gián tiếp. Tuy nhiên, sau đó trong phần tranh tụng, ông Vĩnh đã thừa nhận lập luận của VKS là chính xác.
Ông Vĩnh cho biết khởi nguồn của vụ án này là năm 2016, ông đã ký văn bản cho phép CNC triển khai xây dựng mô hình cổng trò chơi trên mạng có tích hợp mạng xã hội, cho chuyển đổi tiền ảo sang tiền thật. Điều đó đã giúp hợp thức hoá việc đánh bạc núp bóng game bài.
Theo tài liệu điều tra, ông Nguyễn Thanh Hóa thừa nhận CNC là công ty bình phong của C50, ông còn yêu cầu hằng tháng, quý, năm CNC báo cáo. Tuy nhiên, tại phần xét hỏi tại phiên tòa, ông Hóa khẳng định CNC không phải là công ty bình phong thuộc Bộ Công an. Giữa C50 và CNC "chỉ có bản ghi nhớ" vào năm 2011 và C50 không có trách nhiệm gì với CNC.
Lý giải về việc phản cung, ông Hóa cho rằng khi ở trong trại giam, ông bị bệnh trong lúc mệt mỏi, đầu óc không tỉnh táo do chưa quen với điều kiện giam giữ đã khai những điều trên tại cơ quan điều tra.
Sau khi bị VKS đề nghị mức án và đánh giá ông Hóa không thành khẩn, không ăn năn hối lỗi. Bước vào phần tranh tụng, ông Hóa bất ngờ thay đổi lời khai. "Do sự mất kiểm soát, vượt quá suy nghĩ của mình nên tôi đã nói trái với lời tôi đã khai và trái những việc tôi đã làm"- cựu cục trưởng C50 thừa nhận điều đó đã gây khó khăn đến việc thẩm vấn của HĐXX và đại diện VKS.
Qua đó, ông Hóa mong HĐXX và đại diện VKS thứ lỗi cho ông, ông xin nhận tất cả những việc sai của mình. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông xin HĐXX giảm mức án thấp nhất để sớm trở về chịu tang mẹ, nuôi con bé, vợ bị bệnh nan y.
(Theo Người Lao Động) Ng. Hưởng

Tiến sĩ lừa tình, có nhiều con rơi nói 'sống chung nhiều phụ nữ là... nhân văn'

Cập nhật lúc 09:38      

Tiến sĩ, giảng viên Trường đại học Bạc Liêu Nguyễn Văn Thịnh lừa tình hàng loạt phụ nữ, có nhiều con rơi bị đưa ra xét xử. Tại tòa, bị cáo Thịnh nói mình cùng lúc sống với nhiều phụ nữ là... rất nhân văn. 


Chị L. chuẩn bị tài liệu trước phiên toàn xét xử sơ thẩm /// TRẦN THANH PHONG 
Chị L. chuẩn bị tài liệu trước phiên toàn xét xử sơ thẩm. TRẦN THANH PHONG

Chiều 29.11, TAND TP.Bạc Liêu (Bạc Liêu) xét xử sơ thẩm bị can Nguyễn Văn Thịnh (42 tuổi, tiến sĩ, giảng viên Khoa Sư phạm, Trường đại học Bạc Liêu) về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Đây là vụ án gây “dậy sóng” dư luận trong thời gian gần đây, bởi bị cáo Thịnh đã làm giả giấy độc thân, giấy đăng ký kết hôn để lừa tình hàng loạt phụ nữ, có nhiều con rơi.
Tham gia tố tụng tại tòa, bị cáo Thịnh thuê 2 luật sư. Bị hại là chị Đ.T.M.L (36 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Tháp) cùng đi với mẹ ruột và dì.
 Tiến sĩ lừa tình, có nhiều con rơi nói 'sống chung nhiều phụ nữ là... nhân văn' - ảnh 1
Chị L. tại phiên tòa xét xử sơ thẩm. TRẦN THANH PHONG

Tiến sĩ có nhiều con rơi kêu oan
Trả lời HĐXX tại phiên xét hỏi về cáo trạng truy tố có đúng tội? Bị cáo cho rằng cáo trạng truy tố oan và đã gửi đơn kêu oan đến Cơ quan CSĐT và Viện KSND TP.Bạc Liêu. Trong quá trình điều tra, bị cáo Thịnh nói cán bộ điều tra không ép cung, nhưng có gợi ý.
Trả lời HHXX về lý do Thịnh đã có vợ con hợp pháp lại sống chung với chị L. như vợ chồng và có một đứa con?. Bị cáo Thịnh cho biết, năm 2015, sau khi "cơm không lành canh không ngọt" với vợ ở Bạc Liêu dẫn đến sống ly thân một thời gian. Lúc này bị cáo bỏ đi học thạc sĩ rồi học tiếp tiến sĩ. Do buồn nên bị cáo đã đi chỗ này, chỗ kia và quen biết nhiều phụ nữ, trong đó có chị L.
Bị cáo Thịnh phân trần: "Những người phụ nữ đều yêu thương bị cáo, họ đều biết tôi có gia đình. Họ tự nguyện đến với tôi chứ tôi không lừa tình họ".
Trả lời HĐXX đến thời điểm này, ngoài sống như vợ chồng với chị L. có một con chung, bị cáo còn sống chung với bao nhiêu phu nữ khác, có báo nhiêu con chung?. Bị cáo Thịnh nggước mặt lên cao rồi lẩm bẩm đếm rồi nói: "Ngoài chị L. bị cáo còn sống chung với 4 người phụ nữ khác, có 4 con chung nữa".
Bị cáo Thịnh, cho biết khi sống chung và khi chị L. có thai 3 tháng thì chị L. biết rõ chuyện Thịnh có gia đình nên hai người từng bàn bạc, nhờ người làm giấy chứng nhận kết hôn để báo cơ quan.
Bị cáo thừa nhận đưa giấy chứng kết hôn giả là bất hợp pháp. Bị cáo nói nhờ người chạy xe ôm làm giấy kết hôn là làm thật. Bị cáo Thịnh khai mình có học hàm tiến sĩ nhưng hạn chế về pháp luật. Tuy nhiên, đại diện KSND cho rằng, bị cáo có trình độ tiến sĩ, học thức cao mà nói thiếu hiểu biết về pháp luật là vô lý.
'Sống cùng lúc với nhiều phụ nữ là... rất nhân văn'
Bị cáo Thịnh nói với HĐXX y cùng lúc sống với nhiều phụ nữ khác nhau là rất nhân văn. Đại diện viện KSND chất vấn: "Trong thời điểm bị cáo là giảng viên, có vợ còn hợp pháp mà sống với nhiều người phụ nữ, có nhiều con, sử dụng thủ đoạn gian dối là làm đám cưới, đăng ký kết hôn với họ, bị cáo nói nhân văn thế nào?".
Bị cáo Thịnh nói đó là nhu cầu sinh lý tất yếu của cá nhân, bị cáo không lừa dối, phụ nữ đến với bị cáo đều có tình cảm, bị cáo có con là bị cáo nhận, bị cáo không cần xét nghiệm AND.
Bị cáo Thịnh nói trong quá trình sống chung với chị L. bị cáo không lừa tiền, không nhờ nhận tiền cho chị L. chuyển. Bị cáo còn nói có cho chị L. ít tiền.
Trả lời HĐXX về mối quan hệ của chị L. với bị cáo Thịnh. Chị L. cho biết trước đây có quen biết Thịnh qua Zalo, Thịnh nói là còn độc thân, chưa có gia đình. Đầu năm 2016, sau khi gặp Thịnh nên phát sinh tình cảm, mặc dù chị L. tâm sự là có một đời chồng nhưng Thịnh tỏ ra thông cảm, hứa sẽ cưới chị L. làm vợ.
Chị L. cho HĐXX biết: "Lúc này, Thịnh đã nhiều lần đưa tôi đi ra mắt bạn bè của Thịnh ở Đồng Tháp". Chị L. còn đưa Thịnh dự tiệc liên hoan cơ quan nên chị an tâm, tin tưởng là Thịnh chưa có gia đình.
Lúc này, Thịnh muốn làm giấy chứng nhận kết hôn để sống chung với chị L. hợp pháp. Thịnh nói có quen biết với UBND P.1, TP.Bạc Liêu nên Thịnh kêu chị L. đưa các giấy tờ tùy thân để Thịnh về Bạc Liêu nhờ làm. Khi có giấy chứng kết hôn hợp pháp, chị L không nghi ngờ đó là giả, đã báo cơ quan, gia đình, sau đó sống chung như vợ chồng với Thịnh.  
 Tiến sĩ lừa tình, có nhiều con rơi nói 'sống chung nhiều phụ nữ là... nhân văn' - ảnh 4
Nguyễn Văn Thịnh khi nhận bằng tiến sĩ. ẢNH: CHỊ Đ.T.M.L CUNG CẤP

Chị L. trình bày tại tòa, sau khi chị sinh con được khoảng 2 tháng, chị muốn Thịnh đưa con về thăm ông bà nội nhưng Thịnh cố tình lảng tránh, tìm cách từ chối. Khoảng tháng 7.2017, chị L. tìm hiểu thì biết Thịnh có vợ con, hợp pháp, ngoài ra còn sống chúng với nhiều phụ nữ, có nhiều con rơi. Khi đó, chị biết là Thịnh làm giấy chứng nhận kết hôn giả nên làm đơn tố cáo.
Trả lời HĐXX, chị L. cho biết trong quá trình sống chung với nhau như vợ chồng, Thịnh thường than không có tiền để đi học tiến sĩ. Chị đã nhiều lần chuyển tiền cho Thịnh với tổng số tiền khoản 60 triệu đồng, khi thì chuyển tiền đi máy bay, khi lo thầy cô, liên hoan. Lúc Thịnh đi báo vệ luận án tiến sĩ còn kêu vợ mua khô cá lóc gửi cho thầy. Khi đến nhà vợ, Thịnh còn nói xin mẹ chị L. 1 chỉ vàng. Thịnh còn kêu vợ mua xe ô tô của cơ quan chị L. đấu giá…
Do tin tưởng chồng, chị L. mới đưa, nhưng khi sự vụ đổ bể chị mới biết Thịnh không có tình cảm gì với mình, mà Thịnh chỉ lừa tiền chị. Tại tòa, chị L. đề nghị cơ quan công an xác minh làm rõ số tiền mà chị đã nhiều lần chuyển cho Thịnh, do bị cáo không thừa nhận tại tòa. Chị L. còn yêu cầu trả chi phí đi lại trong quá trình điều tra, xét xử Thịnh do đi xa, tốn kém.
Tuy nhiên, qua phần xét hỏi, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa đề nghị Cơ quan CSĐT điều tra bổ sung về động cơ làm giả giấy chứng nhận đăng ký kết hôn của bị cáo Thịnh; quan hệ tiền bạc giữa bị cáo Thịnh với chị L.; giám định chữ ký, phôi giấy chứng nhận đăng ký kết hôn...
Đề nghị không cho báo chí chụp ảnh, ghi âm
Tại phiên tòa, thẩm phán Lê Phan Công Trí, chủ tọa phiên tòa, cho biết trước khi xét xử bị cáo Thịnh có đơn đề nghị HĐXX không cho báo chí chụp hình, quay phim, ghi âm. Chủ tọa Trí cũng đề nghị báo chí không chụp hình, quay phim, ghi âm mình và bị cáo Thịnh.
Theo cáo trạng, mặc dù Thịnh đang có vợ, 2 con hợp pháp và sinh sống tại P.1, TP.Bạc Liêu, nhưng đã sử dụng giấy tờ giả của cơ quan, tổ chức để lừa sống chung như vợ chồng với nhiều phụ nữ, vi phạm luật Hôn nhân gia đình. Đặc biệt, tháng 4.2016, tại tỉnh Đồng Tháp, Thịnh thuê người làm giấy chứng nhận đăng ký kết hôn giả để lừa dối, chung sống như vợ chồng và có một con chung với chị Đ.T.M.L (36 tuổi, công chức tại Đồng Tháp).
Trong quá trình chung sống, chị L. phát hiện Thịnh lừa tình, lừa tiền, có hành vi làm giả giấy tờ nên làm đơn tố cáo gửi Cơ quan CSĐT Công an TP.Bạc Liêu. Qua điều tra, ngày 2.8.2018, Cơ quan CSĐT Công an TP.Bạc Liêu khởi tố bị can đối với Thịnh.
Cũng theo cáo trạng, khoảng đầu năm 2011, Thịnh được bạn bè giới thiệu nên biết chị N.T.P.T (30 tuổi, ở H.Cái Nước, Cà Mau). Trong thời gian này, Thịnh thường tâm sự là còn độc thân nên chị T. tin tưởng chung sống với Thịnh như vợ chồng. Khoảng tháng 4.2011, hai người tổ chức đám cưới tại nhà chị T. theo phong tục tập quán truyền thống. Sau đám cưới, gia đình chị T. yêu cầu Thịnh phải đi đăng ký kết hôn.
Thịnh đã nhờ Trần Thanh Bảo (chạy xe ôm ở TP.Cao Lãnh, Đồng Tháp) làm giả giấy chứng nhận độc thân với giá 2 triệu đồng. Ngày 21.6.2011, Thịnh sử dụng giấy chứng nhận độc thân giả cùng với chị T. đến xã Phú Hưng, H.Cái Nước đăng ký kết hôn và sau đó đăng ký khai sinh cho con (ngày 19.12.2011, chị T. sinh một con trai).
Trong thời gian sống chung, chị T. phát hiện Thịnh chung sống như vợ chồng với chị T.C.D (28 tuổi, ngụ H.Cải Nước, Cà Mau) nên quyết định ly hôn. Sau đó, Thịnh chung sống như vợ chồng với chị D. tại P.7, TP.Bạc Liêu và có một con gái sinh ngày 6.12.2014. Khi chị D. phát hiện Thịnh đã có gia đình hợp pháp thì chủ động chia tay.

(Theo Thanh Niên) Trần Thanh Phong

Ông Trần Bắc Hà liên quan gì dự án nuôi bò ở Hà Tĩnh?

Cập nhật lúc 09:18      


Ông Trần Bắc Hà, cựu chủ tịch Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển VN (BIDV), cùng 3 thuộc cấp bị khởi tố để điều tra về những sai phạm liên quan đến việc cho dự án chăn nuôi bò ở Hà Tĩnh vay vốn gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng.

Ông Trần Bắc Hà liên quan gì dự án nuôi bò ở Hà Tĩnh? - Ảnh 1. 
Dự án nuôi bò sữa của Công ty Bình Hà - Ảnh: VĂN ĐỊNH
Ngày 29-11, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Trần Bắc Hà để điều tra về tội "vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng" theo điều 206 Bộ luật hình sự năm 2015.
BIDV khẳng định không bị ảnh hưởng bởi tin ông Trần Bắc Hà bị bắt - Ảnh 1.
Ông Trần Bắc Hà
Dự án nghìn tỉ từ nuôi bò đổ vỡ
Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, trước mắt, ông Trần Bắc Hà bị bắt vì có những sai phạm liên quan đến việc BIDV cho Công ty cổ phần chăn nuôi Bình Hà (Bình Hà) ở Hà Tĩnh vay tiền để triển khai dự án chăn nuôi bò.
Cụ thể theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, từ năm 2015, UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt của Bình Hà với hơn 4.500 tỉ đồng, trên diện tích hơn 2.163ha thuộc hai huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh.
Với sự ủng hộ của ông Trần Bắc Hà, BIDV đã chấp thuận cho Bình Hà vay 3.162 tỉ và đến đầu năm 2016 đã giải ngân 810 tỉ đồng.
Gói tín dụng sau đó được nâng lên đến 1 tỉ USD (hơn 20.000 tỉ đồng), dự án cũng nâng quy mô lên 254.200 con bò/năm trên diện tích 5.000ha đất, dự kiến tạo việc làm cho khoảng 3.000 lao động, lợi nhuận bình quân đạt 1.000 - 1.500 tỉ đồng.
Sau khi được BIDV giải ngân vốn, Bình Hà đã xây 65 chuồng trại, 19 hệ thống kho chứa và các công trình phụ trợ trên 68ha đất, trồng 678ha cỏ để nuôi bò…
Theo Chi cục Chăn nuôi và thú y Hà Tĩnh, từ tháng 5-2015 đến tháng 6-2017, Bình Hà đã nhập về 43.387 con bò thịt để nuôi béo, nhưng đến lần kiểm tra năm 2018, cũng như theo báo cáo của công ty này, số bò còn lại chỉ là 782 con.
Theo báo cáo của Bình Hà, dự án nuôi bò năm 2016 lỗ hơn 200 tỉ đồng.
Trang trại bò thành bãi trồng chuối
"Qua 3 năm triển khai, dự án chăn nuôi Bình Hà chưa đạt so với quy mô đã được chấp thuận chủ trương đầu tư.
Hiện toàn bộ diện tích trồng cỏ đã bị phá dỡ, cày xới đất, chuyển qua trồng chuối", một lãnh đạo của tỉnh Hà Tĩnh cho biết.
Lý giải vấn đề này, Công ty Bình Hà cho rằng việc trồng và phát triển cánh đồng cỏ chưa phù hợp với thổ nhưỡng, không đạt yêu cầu về sản lượng và chất lượng phục vụ chăn nuôi, vì thế đã tái cơ cấu, chuyển đổi trồng chuối, dự kiến là 575ha.
Ông Lê Ngọc Hà, trưởng Phòng nông nghiệp huyện Cẩm Xuyên, xác nhận hiện Bình Hà đã trồng được 202ha chuối nhưng là "tự phát, chưa có báo cáo chính thức" và đã yêu cầu giải trình.
"Toàn bộ diện tích được giao, công ty này đang có nguyện vọng trồng chuối. Việc làm này là sai, bởi trong chấp thuận đầu tư của tỉnh thì chỉ có chăn nuôi bò thịt. Nếu không sử dụng đúng thì phía địa phương có đề xuất lên tỉnh xem xét thu hồi dự án", ông Hà cho hay.
Ông Hoàng Văn Sơn, phó giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Tĩnh, cho biết Công ty Bình Hà báo cáo chuyển đổi diện tích đất trồng cỏ nuôi bò sang trồng chuối nhưng chưa được tỉnh chấp thuận.
"Tôi thấy công ty này trồng chuối nhưng chưa có chủ trương. Việc trồng chuối ở vùng đất này sẽ không chịu được mưa bão", ông Sơn lý giải.
Liên quan dự án này, tháng 6 vừa qua, ông Đinh Văn Dũng (nguyên tổng giám đốc Bình Hà) cùng với ông Nguyễn Xuân Lương (giám đốc Công ty Tân Đại Việt) đã bị khởi tố về tội lạm dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt 110 tỉ đồng tại dự án chăn nuôi bò Bình Hà.
Cùng bị khởi tố và bắt tạm giam với ông Trần Bắc Hà là ông Trần Lục Lang (sinh năm 1967, cựu phó tổng giám đốc BIDV), Kiều Đình Hòa (cựu giám đốc BIDV chi nhánh Hà Tĩnh).
Riêng bị can Lê Thị Vân Anh (cựu trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp BIDV chi nhánh Hà Tĩnh) bị khởi tố cho tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú.
Trước đó ngày 22-11, Cơ quan cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội "vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng" xảy ra tại BIDV.
Ông Trần Bắc Hà sinh năm 1956 tại Bình Định, có 35 năm làm việc tại BIDV, bắt đầu từ tháng 2-1981, nghỉ hưu từ tháng 9-2016.
Với 8 năm 8 tháng giữ chức chủ tịch HĐQT, ông Hà được coi là "linh hồn" của BIDV trong suốt thời gian dài.
Tháng 6-2018, ông Hà bị kỷ luật, khai trừ ra khỏi Đảng do có nhiều vi phạm được Ủy ban Kiểm tra trung ương xác định "rất nghiêm trọng", trong đó có việc phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỉ liên quan vụ án tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB).
BIDV và Ngân hàng Nhà nước lên tiếng
Chiều 29-11, BIDV phát đi thông cáo khẳng định hoạt động của hệ thống diễn ra bình thường và không bị ảnh hưởng tiêu cực từ thông tin cựu chủ tịch BIDV bị bắt.
"Mọi hoạt động của toàn hệ thống không bị ảnh hưởng tiêu cực từ những thông tin trên. Ngân hàng cũng đảm bảo lợi ích chính đáng, hợp pháp của khách hàng, cổ đông", BIDV nhấn mạnh.
Ngân hàng Nhà nước cũng có thông báo khẳng định mọi hoạt động của BIDV đều bình thường, thanh khoản ổn định, mọi quyền lợi của khách hàng, người gửi tiền được bảo đảm.
A.HỒNG
(Theo Tuổi Trẻ) THÂN HOÀNG - VĂN ĐỊNH

Thứ Năm, 29 tháng 11, 2018

Chánh văn phòng Bộ Công an: Chưa nhận thông tin về việc ông Trần Bắc Hà bị bắt

Cập nhật lúc 16:48


Thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, cho đến sáng nay ông chưa nhận được bất cứ thông tin nào về việc ông Trần Bắc Hà bị bắt.


Chánh văn phòng Bộ Công an: Chưa nhận thông tin về việc ông Trần Bắc Hà bị bắt
Ông Trần Bắc Hà.

Tối 28/11, mạng xã hội lan truyền thông tin cho rằng ông Trần Bắc Hà , cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV bị cơ quan chức năng bắt ở nước ngoài.
Trao đổi với PV vào sáng 29/11, Thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh Văn phòng, kiêm Người phát ngôn của Bộ Công an cho biết, đến sáng nay ông chưa nhận được thông tin nào như trên về ông Bắc Hà.
Tướng Quang nêu rõ, nếu có thông tin gì Bộ Công an sẽ đăng tải trên Cổng thông tin của Bộ Công an.
Cũng trao đổi với PV, một lãnh đạo Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho hay, không nắm được bất cứ thông tin nào về sự việc.
Trước đó, tháng 6/2018, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Trần Bắc Hà, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng BIDV. 
Ông Trần Bắc Hà, sinh năm 1956, quê Bình Định, bắt đầu làm việc tại BIDV tháng 2/1981 và nghỉ hưu theo chế độ từ ngày 1/9/2016.
Ông Trần Bắc Hà có 35 năm công tác tại BIDV và 8 năm 8 tháng giữ chức Chủ tịch HĐQT của BIDV.
Ông Trần Bắc Hà được xem như "linh hồn" của BIDV trong suốt thời gian dài và là người khởi tạo Sở Giao dịch 3, Công ty Chứng khoán, Công ty Quản lý nợ khai thác tài sản BIDV...
Ngoài ra, ông Trần Bắc Hà đã chỉ đạo thành lập các hiện diện thương mại tại Lào, Campuchia, Myanmar, Cộng hòa Séc và chỉ đạo Văn phòng đại diện tại Lào, Campuchia, Myanmar.
Thời gian vừa qua, một số lần xuát hiện tin đồn ông Trần Bắc Hà bị bắt. Cụ thể, năm 2013, tin đồn ông Trần Bắc Hà bị bắt cùng lúc được tung ra cùng với tin đồn Ngân hàng Nhà nước phá giá tiền đồng 2-3% đã khiến thị trường chứng khoán lao đốc mạnh, giá vàng, USD đồng loạt tăng.
Ngay sau đó BIDV đã bác bỏ tin trên và cho biết đó là thông tin bịa đặt với dụng ý xấu nhằm mục đích trục lợi.
Sau đó, một số người tung tin đồn bị xử lý, mỗi người bị phạt tiền từ 10 đến 15 triệu đồng nhưng cơ quan công an không công bố danh tính.
Năm 2017, tin đồn ông Hà bị bắt cũng rộ lên sau khi nội dung kết luận điều tra của Bộ Công an cho thấy ông có ký duyệt cho vay đối với Ngân hàng Xây Dựng. Tuy nhiên, trả lời báo chí khi đó, ông Hà nói vẫn bình thường.
Tại kỳ họp thứ 26, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận những vi phạm của ông Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV là rất nghiêm trọng và đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.
(Theo Trí Thức Trẻ) Hoàng Đan

Bí ẩn sau tấm bảo bối của Vũ Nhôm đi 132 nước không cần visa


Cập nhật lúc 15:14

Điểm đặc biệt ở Antigua và Barbuda - quốc gia thứ 2 mà Vũ Nhôm khai nhận mang quốc tịch - là một trong những đất nước thịnh vượng nhất vùng Caribê và công dân chính thức của nước này có thể di chuyển 132 quốc gia mà không cần visa.
Hôm nay, 29/11, bị cáo Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm", 43 tuổi, ngụ tại Đà Nẵng, nguyên Chủ tịch HĐQT công ty CP xây dựng Bắc Nam 79) và Trần Phương Bình (59 tuổi, cựu Tổng giám đốc, Phó Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng Đông Á) cùng 24 đồng phạm tiếp tục bị đưa ra xét xử vì liên quan đến thiệt hại hơn 3.608 tỷ đồng tại Ngân hàng Đông Á.

 Bí ẩn sau tấm bảo bối của Vũ Nhôm đi 132 nước không cần visa
Bị cáo Phan Văn Anh Vũ tại tòa.

Trước đó, trong phần thẩm vấn lý lịch, Vũ Nhôm khai nhận bản thân có 2 quốc tịch và 3 tên. Ngoài tên Phan Văn Anh Vũ, ông ta còn có tên Lê Văn Sáu và Trần Đại Vũ. Vũ Nhôm cũng khai rằng bản thân có 2 quốc tịch là Việt Nam và Antigua and Barbuda.
Liên quan đến vấn đề Phan Văn Anh Vũ khai nhận rằng mình có 2 quốc tịch và 3 tên khác nhau, luật sư bào chữa cho Vũ Nhôm cũng đã cung cấp cho HĐXX tài liệu liên quan đến vấn đề quốc tịch thứ 2 của thân chủ. Thế nhưng, sau khi xem xét các hồ sơ, tài liệu do luật sư bào chữa cho bị cáo Vũ Nhôm cung cấp, HĐXX đã không chấp nhận những bản tài liệu này.
 Bí ẩn sau tấm bảo bối của Vũ Nhôm đi 132 nước không cần visa
Vị trí đất nước Antigua and Barbuda. (Ảnh: Googlemaps)

Vậy quốc gia mà Vũ Nhôm khai mang quốc tịch thứ 2 có gì đặc biệt? 
Theo tìm hiểu, Antigua và Barbuda là một quốc gia độc lập thuộc Vương quốc Khối Thịnh vượng chung (Commonwealth).

Bí ẩn sau tấm bảo bối của Vũ Nhôm đi 132 nước không cần visa
 Antigua và Barbuda gồm hai hòn đảo chính và nhiều đảo nhỏ, nằm giữa biển Caribê và Bắc Đại Tây Dương.

Antigua và Barbuda gồm hai hòn đảo chính và nhiều đảo nhỏ, nằm giữa biển Caribê và Bắc Đại Tây Dương, phía đông - đông nam lãnh thổ Puerto Rico.
Theo The World Factbook, Antigua và Barbuda có diện tích tổng cộng là 442,6km2, gấp 2,5 lần diện tích thủ đô Washington DC của Mỹ. Dân số của Antigua và Barbuda tính đến tháng 7/2018 vào khoảng 95.882 người, chủ yếu là người dân Tây Phi, người Anh và gốc Bồ Đào Nha.

 Bí ẩn sau tấm bảo bối của Vũ Nhôm đi 132 nước không cần visa
Xung quanh Antigua và Barbuda được bao bọc bởi đại dương.

Antigua và Barbuda là thành viên của Tổ chức Liên Hiệp Quốc (LHQ), khối Thịnh Vượng Chung Anh Quốc (British Commonwealth), cộng đồng các nước Caribbean (CARICOM) và Tổ chức các nước Âu Mỹ (OAS), cùng rất nhiều tổ chức quốc tế khác.
Quốc đảo này là một trong các quốc gia thịnh vượng nhất vùng Caribê nhờ vào ngành du lịch và các dịch vụ tài chính bình phong. Do vị trí lý tưởng của mình, Antigua là một trung tâm du lịch của khu vực và quốc tế, với một sân bay hiện đại vừa mới nâng cấp cung cấp các chuyến bay quốc tế trực tiếp cho khách du lịch từ Bắc Mỹ và Châu Âu. Hiện du lịch giữ vai trò đáng kể trong kinh tế của đảo quốc này, chiếm hơn một nửa tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

 Bí ẩn sau tấm bảo bối của Vũ Nhôm đi 132 nước không cần visa
Quốc đảo này là một trong các quốc gia thịnh vượng nhất vùng Caribê nhờ vào ngành du lịch và các dịch vụ tài chính bình phong.

GDP của quốc gia này lên tới 1,5 tỷ USD, bình quân đầu người khoảng 17.500USD. Dù ít người biết nhưng nơi này nổi tiếng trong giới “nhà giàu” với những khu nghỉ dưỡng sang trọng.
Được biết, nếu muốn có quốc tịch Antigua và Barbuda bạn chỉ cần đầu tư vào bất động sản với số tiền tối thiểu 400.000 USD, hoặc ủng hộ 100.000 USD vào quỹ phát triển địa phương.
 Bí ẩn sau tấm bảo bối của Vũ Nhôm đi 132 nước không cần visa
Công dân chính thức của Antigua and Barbuda có thể di chuyển 132 quốc gia mà không cần visa.

Hiện nhiều công ty tại Việt Nam đang quảng cáo chương trình đầu tư nhập quốc tịch Antigua và Barbuda nhằm cung cấp Hộ chiếu thứ hai cho các nhà đầu tư.
Theo Passport Index, quốc tịch Antigua và Barbuda đứng thứ 25 trong Top Hộ chiếu 'quyền lực' nhất thế giới.

Còn theo thông tin từ trang web của Chính phủ Antigua and Barbuda (cip.gov.ag), người có hộ chiếu của Antigua and Barbuda được miễn thị thực du lịch đến 131 quốc gia, trong đó bao gồm cả khối Schengen (26 quốc gia châu Âu) và Vương quốc Anh.

(Theo VietNamNet) Hạnh Nguyên
 tổng hợp