15:01
Đàn bà!
Đàn bà Việt vốn đẹp người, đẹp nết. Có bao lời ca tụng, tung hô. Mà vẫn không thoát nổi cái định kiến tâm lý xã hội vừa mơ hồ, vừa bất công, thì cái sự bình đẳng giới còn ...mơ về nơi xa lắm!
Không biết có phải tuần này vì có 8/3, Ngày Phụ nữ Quốc tế theo truyền thống, mà trên báo chí, truyền thông, có rất nhiều câu chuyện xung quanh những người đàn bà.
Họ luôn vừa quyến rũ, vừa bí ẩn; một nửa của yêu thương, hờn giận, của đa mang và kiêu hãnh. Họ còn là biểu tượng của sự giỏi giang, nghị lực, thậm chí ..."ghê gớm" và tham vọng trong thế giới kim tiền. Nhưng nếu vắng họ, nhân gian sẽ nhạt nhẽo, vô hồn? Tựa hoa không hương. Tựa thuyền không bến...
Vì thế, những câu chuyện về đàn bà, sẽ không bao giờ có hồi kết, khi thế giới vẫn sinh ra họ, hạnh phúc vì họ và khổ đau vì họ. Cho dù có khi nửa thế giới còn lại kia, khi yêu, khi ngả mũ kính phục, và cả... hãi sợ. Thì họ vẫn là một nửa không thể thiếu của thế gian này.
Đàn bà dễ có mấy tay?
Một "tay" đàn bà khiến cả xã hội mới đây đều rất ...tò mò. Đó là câu chuyện về một nữ "đại gia", ở tít tận phố núi hẻo lánh Hương Sơn (Hà Tĩnh) vừa tổ chức cho con trai một đám cưới khủng, cái từ dân dã thời hiện đại. Đó là đại gia Nguyễn Thị Liễu.
Người ta càng trở nên tò mò và tọc mạch hơn, nếu biết rằng, bà Nguyễn Thị Liễu đã ở vậy, một tay nuôi con suốt 10 năm, sau khi cuộc hôn nhân của bà đường ai nấy rẽ.
Nếu biết rằng tuy sống tận phố núi Hương Sơn (Hà Tĩnh), nhưng món quà cưới người đàn bà đại gia 43 tuổi này, trông còn khá xuân sắc, mua cho con trai là một biệt thự chễm chệ tại Hà Nội, có giá trị hơn 130 tỷ đồng, mà từ khi mua nó, vẫn cửa đóng then cài.
Đương nhiên, sự tài giỏi của bà trên thương trường ra sao, thì cả phố núi Hương Sơn đến giờ vẫn không ai rõ. Và mặc dù có ý phân trần, về tình cảm của bà giành cho người dân quê nghèo Hương Sơn, về ý định làm từ thiện bằng tiền mừng đám cưới, vẫn có rất nhiều người đặt dấu hỏi về nghiệp kinh doanh của bà.
Gọi là đám cưới khủng, vì khủng về nhiều nhẽ.
Khủng về số tiền tổ chức: 25 tỷ đồng, riêng tiền rượu ngoại- 2 tỷ, catse cho MC, cho các ca sĩ thời thượng trong nước và ca sĩ Việt hải ngoại- hơn 4 tỷ đồng.
Khủng về giá trị quà mừng: Tổng trọng lượng vòng trang sức mà cô dâu, chú rể đeo trĩu cổ, lên đến 60 cây vàng.
Khủng vì hôn lễ tổ chức quá hoành tráng với "đoàn rước dâu siêu xe cả trăm chiếc", chưa kể chi phí mua đất, dựng hôn trường...
Khủng vì người dân kéo nhau đi xem đám cưới kiêm ca nhạc lên đến hàng nghìn người
Và cũng...khủng vì dư luận của xã hội. Người chê, người mỉa, người bình. Không ít người bỗng thành ...triết gia bất đắc dĩ về cái giầu nghèo trong xã hội, về may rủi kiếp người.
Một "tay" đàn bà khác, cũng khiến xã hội, giới truyền thông tò mò không kém. Đó là đại gia Phạm Thị Diệu Hiền, Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy sản Bình An (khu Công nghiệp Trà Nóc, TP Cần Thơ) trước đó vừa tổ chức cho con trai một đám cưới khủng.
Bởi chỉ riêng đoàn xe rước dâu cũng toàn loại khủng nốt, khiến thiên hạ lác mắt: Toàn Bentley Flying Spur Speed, Ferrari F430... Riêng chiếc Rolls-Royce Phantom biển tứ quý 3333 trị giá hàng chục tỷ đồng, là xe nhà. Bà Diệu Hiền thậm chí còn tiết lộ định mượn máy bay của "bầu Đức" để rước dâu.
Chưa rõ lời nói "có cánh" này hư thực ra sao. Chỉ thấy sau câu phủ nhận không quen biết gì bà Diệu Hiền của bầu Đức, dư luận xã hội như ngã ngửa. Vì ngay ngày cưới, một số nông dân lại căng băng-rôn ngay trước biệt thự của bà... đòi nợ. Chữ sang, hèn đôi khi thật mong manh, nó cách nhau có khi chỉ bằng tấm băng rôn ác nghiệt chăng chả đúng chỗ tẹo nào.
Đương nhiên, trong xã hội mà sự phân hóa giàu nghèo ngày càng dãn rộng, thì kiểu tiêu tiền của những người đàn bà dễ có mấy tay chắc chắn chỉ chuốc lấy thị phi, sự phản ứng và phê phán nhân danh ... bênh vực người nghèo.
Thế nhưng, liệu đó có phải là lối tư duy thủ cựu? Bởi lấp đầy cái khoảng cách giầu nghèo đó, phải là trách nhiệm của Nhà nước. Đại gia có quyền tiêu tiền theo ý họ, nếu đồng tiền đó không phải tiền bẩn, tiền tham nhũng và ăn cắp của nhân dân.
Chắc chắn, hiện tượng các đại gia chịu chơi, chi tiền bạc tỉ để khẳng định đẳng cấp trong xã hội chưa dừng ở đó. Còn có sang hay không, nó không chỉ phụ thuộc vào bạc tỉ, mà còn phụ thuộc vào cái "phông" văn hóa mỗi đại gia.
Vì thế, nếu nhìn vào tư cách không ít tỷ phú trên thế giới như Bill Gates, Job Steve, như Warren Buffet..., cả nhân loại phải cúi đầu ngưỡng mộ và kính phục. Vì họ cao sang quá, họ nhân cách quá về cách tiêu tiền.
Còn khi nhìn vào cách tiêu tiền xa hoa như các tiệc hỷ cho con của các nữ đại gia nói trên, người ta lại chỉ dùng từ: Chịu chơi quá, phô trương quá, thậm chí trọc phú quá, lố quá...
Đó đều là nhân- quả của "văn hóa tiêu tiền".
Và trong khi thiên hạ còn chưa hết xôn xao về cách vung tiền của các nữ đại gia, thì mới đây, báo chí đưa tin, bà Diệu Hiền là một đại gia... nợ.
Món nợ của bà cũng khủng không kém, trên cả ngàn tỉ đồng, riêng nợ của hơn 40 hộ nông dân đã lên tới trên 300 tỉ. Hiện tại, 16 hộ nông dân nuôi cá tra tại các tỉnh khu vực ĐBSCL kêu cứu khẩn cấp đến các cấp lãnh đạo nhờ can thiệp về việc Công ty Bình An còn nợ hàng trăm tỉ đồng tiền mua cá gần một năm nay (Thanh Niên Online, ngày 6/3/2012). Còn bà Diệu Hiền, đang ở trời tây để chữa bệnh.
Riêng về dàn siêu xe rước dâu trong đám cưới khủng, được biết là của... đi mượn, gia đình bà chỉ chịu tiền đổ xăng. Quả là đàn bà dễ có mấy tay?
Tại cuộc họp báo mới đây, ông Trần Văn Trí, chồng bà Diệu Hiền, tân Tổng Giám đốc Công ty (được bà ủy quyền) cho biết sẽ bán nhà xưởng, xe Rolls Royce, dự án để trả nợ. Chẳng biết ông hạnh phúc ra sao, chứ lúc này, ông thật là người đau khổ vì một nửa của mình.
Rốt cục, cái danh "đại gia" - sự giàu có, lại hàm chứa một cái gì đó là sự nghèo nàn. Người nghèo về chữ biết, kẻ nghèo về chữ ... đức, chữ nhân.
Đàn bà vẫn phải là...đàn bà
Cái triết lý ấy, bỗng dưng đến với người viết bài này, khi đọc câu chuyện về một nữ đại gia khác, vừa được Tạp chí Forbes xếp vị trí thứ 35 trong danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á. Đó là bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám Đốc Vinamilk. Đó là vinh dự riêng của cá nhân bà, và cũng là vinh dự của đàn bà Việt.
Trước đó, năm 2010, Vinamilk đã lọt vào danh sách 200 doanh nghiệp châu Á xuất sắc cũng của tạp chí này. Rõ ràng, bà Mai Kiều Liên thực sự là nữ đại gia có "máu mặt" trên thương trường quốc tế khắc nghiệt và sòng phẳng, dù thực ra bà mặt hoa da phấn. Và nụ cười thì chân thành, hồn nhiên. Rất đẹp!
Sinh ra ở Pháp, được đào tạo ở Matxcơva, nhưng tâm hồn bà hẳn là tâm hồn đàn bà thuần Việt, khi năm 1976, bà trở về đất nước sau chiến tranh để làm việc.
Vào Google, gõ chữ Mai Kiều Liên, ngay lập tức, có 20.100.000 kết quả (0,15 giây), và Wikipedia Tiếng Việt giới thiệu "trích ngang lý lịch". Đủ hiểu bà rất có tiếng tăm, tên tuổi trên thương trường.
Trong lúc chứng khoán đang ngả nghiêng vì cơn bão "đi xuống", thì trên sàn này, Vinamilk vẫn là một trong 15 doanh nghiệp có lợi nhuận trên 1000 tỉ đồng.
Trong lúc nhiều doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ, thậm chí có nguy cơ sập tiệm, mâu thuẫn, đổ lỗi cho nhau, thì công ty của bà vẫn ăn nên làm ra, doanh thu đạt 1 tỷ USD, và Vinamilk- vẫn là nguồn sữa ngọt nuôi người lao động.
Trong lúc nhiều DNNN còn chưa biết tôi đi về đâu hỡi tôi (mượn ý của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn), thì công ty của bà vẫn được đánh giá không đi theo lối mòn, có tính sáng tạo cao.
Trong lúc nhiều DNNN đang sống vật vờ, không ra sống, không ra chết, công ty của bà vẫn sống khỏe, hướng tới tiêu chí: Chất lượng ngoại, giá nội và phong cách phục vụ tốt nhất!
Quả vẫn là đàn bà dễ có mấy tay!
Cho dù công ty của bà cũng từng trải qua những thất bại khi mở rộng kinh doanh. Cho dù cũng có những lúc từng có điều tiếng này nọ. Và những biến động trên thị trường, mối liên kết với nhà nông đang đặt ra cho công ty những phương án phải tính, để hài hòa lợi ích cả hai phía.
Nhưng người viết lại chú ý đến câu trả lời của bà với báo chí về chút riêng tư: Về nhà tôi là ô sin (cười). Ông xã tôi cũng thể nấu cơm, tôi lau nhà rất vui vẻ, thoải mái. Nhà tôi không thuê người giúp việc mà tất cả các thành viên tham gia vào công việc gia đình.
Chợt nhớ tới câu chuyện nhỏ của cựu Thủ tướng Anh: Bà Margaret Thatcher, vốn được mệnh danh "Bà đầm Thép", cũng là người được nước Anh tạc tượng đồng ngay khi bà đang sống, một hiện tượng hiếm. Đó là mỗi sớm, trước khi đi làm, bà vẫn tự tay pha cho đức lang quân một ly cafe nhỏ. Dù là nguyên thủ quốc gia, ở trong nhà, bà M. Thatcher trước hết vẫn là một người vợ, với những sự chăm sóc gia đình tinh tế và dịu dàng.
Mới hay, cho dù có làm tới nguyên thủ, hay đại gia, đàn bà trước hết vẫn phải là...đàn bà (nữ tính)
Nữ tính chính là sợi lạt mềm buộc chặt con tim đàn ông Việt, vốn đa mang, đa tình (!)
Nữ tính khiến nóng giận nguội bớt, băng giá tan ra, và làm ấm áp thêm nồng nàn.
Niềm vui chốc lát, nỗi đau ... trường kỳ
Có một người đàn bà trẻ, quá trẻ, mới qua thời thiếu nữ, khuôn mặt xinh xắn, nhưng số phận cô tưởng hạnh phúc, hóa ra rất bẽ bàng và bi thảm, khiến xã hội vừa thương cảm, vừa xót xa. Còn người viết, thì thật sự bất bình, bởi cái sự tàn nhẫn, bất nhẫn, nhưng lại nhân danh... đạo đức.
Đó là câu chuyện của cô gái X. T ở TP Cần Thơ, đất Tây đô gạo trắng nước trong, vừa bị nhà chồng - đại gia nước đá Nguyễn Hoàng Năm (lại đại gia) trả lại nhà cha mẹ đẻ vì nghi...mất cái ngàn vàng.
Chỉ vì người chồng thấy đêm tân hôn, mà vợ không kêu. Chỉ vì nhà chồng sau khi xem một clip sex, thấy cô gái nhân vật chính trong đó, "nghi" giống con dâu của mình. Uất ức quá, cô bé đã từng tự tử, để mong cái chết sẽ minh oan.
Mới đọc, mà tưởng đâu là câu chuyện của của làng xã nông thôn Việt Nam cổ xưa, nơi đất lề quê thói nghiệt ngã vô nhân. Nơi những anh đàn ông vốn đạo đức giả lại hay dạy đạo đức. Nơi buộc mẹ Đốp phải "vặt" từng câu nói từ miệng một kẻ trong số đó, cất vào vạt áo tứ thân, cũng là cất vào cái chỗ bị coi là "ô uế" của mình. Bởi câu nói đạo đức giả và cái ô uế là ... ngang nhau.
Thế nhưng, khi chuyện vỡ lở, có biết bao nhiêu vấn đề đặt ra cho địa phương nơi đây, và những người trong cuộc.
Vì sao X. T chưa đủ tuổi kết hôn, vẫn được tổ chức đám cưới. Liệu phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều có biết không?
Vì sao chồng cũ X.T lại chỉ nhăm nhăm vin vào cớ vợ không kêu đau, để nghi ngờ, và ngay sau đó, kịp lấy cô vợ khác, cũng chưa đủ tuổi vị thành niên. Về đạo lý vợ chồng, đã không phải, mà về mặt y lý, thì cũng chẳng phải ... non nớt gì!
Vì sao gia đình chồng X.T lại có clip sex để xem, từ đó nghi ngờ con dâu không trong sạch. Vậy việc xem loại clip bị pháp luật nghiêm cấm, thì về đạo lý, có trong sạch không?
Cho đến giờ, cơ quan chức năng đã kết luận, đó là clip có nguồn gốc từ nước ngoài. Và Hội phụ nữ VN quận Cái Răng đã can thiệp, để làm sáng tỏ vấn đề. Thế nhưng, số phận một người phụ nữ như X.T rồi sẽ ra sao, nơi định kiến xã hội kiểu làng xã còn hơn cả gông cùm.
Chợt nhớ câu chuyện một nữ tiến sĩ, làm quản lý ở một địa phương, có ba con gái. Chồng chị khát con trai, bồ bịch đủ nơi, và ruồng rẫy. Mặc, chị vẫn căn răng chịu đựng trong buồn tủi, đắng cay. Hỏi: Sao không bỏ người chồng tệ bạc đó? Trả lời: Em có ba con gái, nếu bỏ, đến lượt con gái em sẽ rất khó lấy chồng, vì nơi em sống, người ta rất dị nghị chuyện này. Con gái em sao có hạnh phúc, chị ơi?
Một câu trả lời, mà hóa ra là câu hỏi.
Ôi chao, đến một nữ tiến sĩ hẳn hoi, vẫn không thoát nổi cái gông cùm tinh thần của xã hội tiểu nông, làng xã, nói chi đến cô bé X.T?
Vâng, đàn bà Việt vốn đẹp người, đẹp nết. Có bao lời ca tụng, tung hô. Mà vẫn không thoát nổi cái định kiến tâm lý xã hội vừa mơ hồ, vừa bất công, thì cái sự bình đẳng giới còn ...mơ về nơi xa lắm!
Kỳ Duyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét