Thứ Sáu, 9 tháng 3, 2012

10:17
TKV bỏ qua cơ hội tiết kiệm 5.000 tỷ/năm?
(VEF.VN) - Gần đây, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV - Vinacomin) - "đại gia" đứng thứ 5 trong nền kinh tế Việt Nam cam kết sẽ tiết kiệm trong năm 2012 gần 300 tỷ đồng (làm tròn lên).
Cách đây hơn 2 năm (5/1/2010), qua nghiên cứu các chỉ tiêu kỹ thuật của ngành than năm 2009, chúng tôi đã gửi cho ban lãnh đạo tối cao của Vinacomin một thư ngỏ 5 trang nêu rõ 10 vấn đề bất cập trong công tác quản lý KỸ THUẬT và khẳng định chỉ cần Vinacomin làm tốt công tác kỹ thuật cơ bản thì giá thành than cấp cho nền kinh tế quốc dân có thể giảm được ít nhất là 15% (tương đương với 5.000 tỷ đồng/năm).
Sau khi báo Tiền Phong đề cập đến vấn đề này, Vinacomin đã tổ chức "đối thoại" với người viết về nội dung bài báo. Rất tiếc, cuộc đối thoại đã phải bỏ dở sau khi mới kịp "đối thoại" được 1 trong số 10 vấn đề vì trong số những "cán bộ chủ trốt" của Vinacomin khi đó đã xuất hiện những ý kiến phản bác.
Sự việc vẫn còn bỏ ngỏ cho đến tận ngày nay. Người viết vẫn sẵn sàng đối thoại tiếp về 10 vấn đề quản lý kỹ thuật đã nêu trong thư.
Nhân dịp Vinacomin cam kết tiết kiệm, qua nghiên cứu các chỉ tiêu KINH TẾ trong kế hoạch 2012 của Vinacomin chúng tôi thấy chỉ cần Vinacomin được tái cơ cấu một cách khách quan và khoa học theo đúng tinh thần của Hội nghị TW 4 khóa XI vừa qua thì lợi nhuận trước thuế của Vinacomin sẽ tăng thêm cao hơn con số tiết kiệm cam kết 4.000 tỷ đồng/năm.
Có thể, so sánh "tiết kiệm" với "lợi nhuận trước thuế" chưa phải là hay lắm, vì người viết không có học vị gì về kinh tế nên chưa nghĩ ra cách so sánh nào khác và mọi sự so sánh đều khập khiễng.
Tuy nhiên, để thấy rõ tầm quan trọng, sự sáng suốt trong chủ trương đường lối và quan điểm của Đảng về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, mặc dù 10 vấn đề quản lý kỹ thuật còn bỏ ngỏ, người viết xin nêu ra dưới đây dẫn chứng về hiệu quả kinh tế mà việc tái cơ cấu Vinacomin có thể mang lại. Cụ thể như sau:
Hiện nay (2012), Vinacomin đang được tổ chức theo mô hình liên kết "ngang" (bao gồm nhiều lĩnh vực có những sản phẩm không liên quan gì với nhau: than, bô xít, sắt, titan, đồng, chì, kẽm, thiếc, cromit .v..v.) với cơ chế hoạt động là "phối hợp kinh doanh". Theo kế hoạch "Phối hợp kinh doanh" năm 2012 đã được hội đồng thành viên Vinacomin thông qua, lợi nhuận trước thuế của tập đoàn là 6.280 tỷ đồng.
Nếu Vinacomin được tổ chức theo mô hình liên kết "dọc" (như tất cả các đại gia về khoáng sản trên thế giới) và ngành than Việt Nam được tổ chức và quản lý như chưa hề có Vinacomin, thì lợi nhuận trước thuế của riêng ngành than Việt Nam cũng theo các chỉ tiêu kế hoạch năm 2012 tính ra đã là 10.542 tỷ đồng (tiêu thụ 45,5 triệu tấn than, trong đó có 13,5 triệu tấn than xuất khẩu; doanh thu tính theo giá bán than chưa có VAT là 67.233 tỷ đồng; giá thành than tiêu thụ có lãi vay là 1,2458 triệu đồng/tấn).
Như vậy, cái giá mà nền kinh tế phải trả cho "sự có mặt" của Vinacomin, và cái giá của Vinacomin phải trả cho sự "kinh doanh đa ngành" chỉ riêng trong kế hoạch 2012 đã lên tới  4.262 tỷ đồng.
Nhân đây, cũng xin nói rõ quan điểm của người viết về "kinh doanh đa ngành". Các tập đoàn kinh tế nhà nước chỉ kinh doanh đa ngành có hiệu quả theo nguyên tắc "kéo dài chuỗi sản phẩm chính" của mình. Ví dụ, bên cạnh việc tổ chức tiêu thụ (bán) than cho các hộ tiêu dùng trực tiếp, ngành than có thể "kéo dài" đầu ra sản phẩm than của mình sang lĩnh vực hóa than, dùng than để sản xuất ra phân bón, dùng than để phát điện, khí hóa than thành nhiên liệu khí hay nhiên liệu lỏng ..v..v. Hoặc cũng có thể kéo dài đầu vào của chuỗi sản phẩm làm ra than (có thể làm công tác thăm dò địa chất; chế tạo các thiết bị công nghệ phục vụ cho khai thác than; sản xuất các sản phẩm nguyên liệu đầu vào như thuốc nổ, cột chống lò; nhập khẩu than, v.v.).
Mô hình tổ chức của Vinacomin hiện nay như một nồi "lẩu thập cẩm" không những không có hiệu quả (như ví dụ đã dẫn ở trên), còn đang dẫn tới việc suy thoái của ngành công nghiệp than ở Quảng Ninh. Nếu thời bao cấp, "1 con gà đá bay tấn than", ngày nay, với cơ chế kinh tế thị trường, "1 tấn than đang đè bẹp 10 con gà" nhưng ngành than trong hơn 16 năm qua vẫn chưa có tái sản xuất mở rộng, lợi nhuận mang lại từ than xuất khẩu đã "bốc hơi" trong mô hình tổ chức và mô hình quản lý kém hiệu quả cần được đổi mới một cách cơ bản.
TS. Nguyễn Thành Sơn  
  Giám đốc BQL các dự án than ĐB sông Hồng - Vinacomin

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét