Thứ Năm, 1 tháng 3, 2012

13:04

Vụ “mất tích phôi sổ đỏ” ở thị xã Sơn Tây:

Thất lạc vì sai sót quy trình

ANTĐ - Câu hỏi đang được các cơ quan chức năng khẩn trương tìm câu trả lời là những phôi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) bị “thất lạc” ở thị xã Sơn Tây đang nằm ở đâu? Chúng đơn giản là bị hủy sai nguyên tắc, không lập biên bản theo quy định hay có thể đã “bốc hơi” ra bên ngoài?

Có bị tuồn ra ngoài?

Lo ngại về việc phôi GCN chưa tìm thấy có thể bị lọt ra ngoài, ông Chu Quang Dũng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), thị xã Sơn Tây than thở: “Chỉ một cái gây hậu quả thôi cũng đã mệt rồi, nhưng cũng có thể 10 cái mất mà lại không gây hậu quả gì, có thể là bỏ quên ở một xó nào đó thôi. Do đó, vấn đề là có lọt ra ngoài hay không thì chúng tôi đang điều tra và làm rất quyết liệt...”.

Ông Chu Quang Dũng phân trần: “Các cơ quan chức năng cũng vào cuộc tìm giúp chúng tôi xem là nó (phôi GCN - PV) nằm ở đâu? Ví dụ, ông thanh tra kết luận là tôi mất 10 cái, không biết nằm ở đâu, nên giao nhiệm vụ chúng tôi phải tìm. Sau đấy, tôi tìm được 7 cái ở chỗ ông A, bà B, tức là biết cụ thể nó nằm ở đâu rồi. Giờ còn 3 cái yêu cầu tiếp tục tìm và có thể yêu cầu cả cơ quan công an vào cuộc để tìm xem 3 cái đó đang nằm ở đâu...”.

Lo lắng của Phòng TN-MT thị xã Sơn Tây là không thừa bởi thời gian gần đây, đã xảy ra không ít vụ lừa đảo bạc tỷ với “sổ đỏ” giả giống y như thật (phôi GCN thật nhưng nội dung in ấn, con dấu, chữ ký bị làm giả). Đơn cử, gần đây nhất là vụ một cán bộ Phòng TN-MT, UBND Thị xã Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) đã chế 8 “sổ đỏ” giả từ phôi thật đem bán đất “ảo” cho nhiều người, chiếm đoạt gần 6 tỷ đồng. Cũng với thủ đoạn tương tự, đối tượng Lê Bá Quỳ (Gia Lâm, Hà Nội) đã cấu kết với một nhân viên hợp đồng Phòng TN-MT của huyện Gia Lâm lấy trộm gần 30 phôi GCN. Từ những phôi thật này, Quỳ đã tự “sản xuất” những “sổ đỏ” giả để thế chấp vay tiền ngân hàng và một số cá nhân, gây ra hậu quả hết sức nghiêm trọng với số tiền vay bằng “sổ đỏ” giả lên tới gần 80 tỷ đồng.

Phải có người chịu trách nhiệm


Liên quan tới vụ phôi “sổ đỏ” bị “mất tích” ở thị xã Sơn Tây, vấn đề đặt ra là phải chăng, quy trình quản lý phôi GCN quá lỏng lẻo nên số phôi bị thất lạc mới nhiều đến như vậy. Phó Chủ tịch UBND một quận nội thành Hà Nội cho biết, dù có sự khác biệt nhưng tại các quận huyện, quy trình cấp phát, quản lý, sử dụng phôi GCN đều phải được quy định chặt chẽ. “GCN quyền sử dụng đất là chứng thư pháp lý rất có giá trị. Thế nên, phôi GCN phải được quản lý chặt như quản cuống séc. Dùng bao nhiêu, hủy bao nhiêu, tồn bao nhiêu, ai sử dụng... đều phải được ghi chép lại cẩn thận. Mỗi quận, huyện phải tự chịu trách nhiệm quản lý số phôi này” - vị này nói.

Tại Hà Nội, đầu mối về phôi GCN quyền sử dụng đất là Sở TN-MT Hà Nội. Sở TN-MT sẽ đăng ký nhu cầu mua phôi GCN (có số lượng cụ thể) với Bộ TN-MT. Sau khi được Bộ TN-MT cung ứng, Sở có trách nhiệm chuyển phôi tới các quận, huyện theo văn bản “đặt hàng” mua phôi trước đó (từ UBND các quận, huyện). Số phôi này sẽ được cấp theo số seri cụ thể. Chẳng hạn, quận A được cấp 1.000 phôi từ số 0001 tới 1000, huyện B được cấp 500 phôi từ 1001 tới 1500...

Tại địa phương, Phòng TN-MT là nơi lưu trữ các phôi GCN. Trong quá trình xét cấp “sổ đỏ”, chỉ đến giai đoạn cuối, cán bộ thụ lý mới được giao các phôi GCN để phục vụ việc in “sổ đỏ”. Khi cấp phát, Phòng TN-MT phải làm thủ tục nhập, xuất kho theo quy định. Đơn vị sử dụng phôi GCN phải cử cán bộ chuyên trách quản lý và phải lập sổ theo dõi hàng ngày...

Trong quá trình in ấn, sẽ có những GCN bị in hỏng hoặc có nhầm lẫn. Song, tất cả các phôi hỏng này đều phải được thu lại. Khi số phôi hỏng tới một số lượng nào đó, cơ quan có thẩm quyền có thể hủy phôi nhưng phải lập biên bản ghi rõ ràng hủy bao nhiêu phôi, với từng số seri cụ thể. Đáng tiếc, quy trình này đã không được thực hiện nghiêm túc mới dẫn tới sai sót chết người như ở thị xã Sơn Tây. “Trong vụ việc ở thị xã Sơn Tây, có thể trong quá trình in GCN, cán bộ thụ lý hồ sơ đã in hỏng. Tiếp đó, người này đã không thực hiện quy trình lưu trữ phôi hỏng và tiêu hủy theo đúng quy định mà lại tự ý loại bỏ hoặc để thất lạc. Đây là giả thiết may mắn nhất chứ nếu chỉ vài chục phôi lọt ra ngoài thì đã cực kỳ nguy hiểm...” - vị Phó Chủ tịch UBND quận bình luận. Tại cuộc họp mới đây về thanh tra việc tổ chức cấp GCN tại các quận huyện, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở TN-MT Hà Nội cho biết, việc quản lý và sử dụng phôi GCN đã được Sở TN-MT hướng dẫn trong nội dung thanh tra nhưng hầu hết các quận, huyện không báo cáo về nội dung này. Theo dõi việc cấp GCN cho thấy, phần lớn các quận, huyện chưa quản lý chặt chẽ phôi GCN, các phôi hỏng chưa được tiêu hủy theo quy định, thậm chí còn để thất thoát...
Chính Trung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét