Thứ Ba, 25 tháng 10, 2011

09:30

Bên trong nhà tù bí mật của CIA tại Thái Lan

Họ đã treo tôi lên trần nhà, đánh đập, nhấn tôi vào nước đá lạnh, tiêm thuốc. Sau nhiều ngày tra tấn, họ đã đưa tôi lên một chiếc máy bay và chở về Libya, nơi tôi bị giam tới năm 2010, đó là những gì mà Abdel Hakim Belhaj, hiện là một chỉ huy đầy quyền lực tại Tripoli trong chính phủ lâm thời mới của Libya kể về những ngày bị giam giữ tại sân bay Don Muang, Thái Lan.
Theo những tiết lộ của Belhaj, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã sử dụng sân bay quốc tế trước đây ở Bangkok, sân bay Don Muang làm nhà tù bí mật để tra tấn ông, khi đó bị nghi ngờ là một phần tử khủng bố Hồi giáo. Mặc dù vẫn chưa thể xác minh được những tiết lộ của Belhajf, tuy nhiên, nếu điều đó là sự thật thì đây là lần đầu tiên một tù nhân mà CIA giam giữ tiết lộ về một địa điểm cụ thể như vậy tại Thái Lan.
Thái Lan là một trong những đồng minh lớn ngoài NATO của Mỹ, một danh hiệu mà nước này giành được trong năm 2003 thông qua việc hợp tác của nước này trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu với Mỹ. Mặc dù, các giới chức Thái Lan khẳng định rằng họ không hề biết gì về các nhà tù bí mật của CIA. Tuy nhiên, sự tồn tại của một nhà tù bí mật của CIA đã từng được đề cập trong một cuộc điều trần tại quốc hội Mỹ và thông tin này đã bị tờ Washington Post tiết lộ đầu tiên. Cơ sở này cũng thường xuyên bị báo chí quốc tế đưa tin là một trong những nơi giam giữ bí mật của CIA.

Tờ “Người Bảo vệ” của Anh số ra ngày 5/9/2011 cho biết “hồi tháng 3/2004,  sau khi được MI6 cung cấp thông tin, CIA đã bắt được Belhaj và giam giữ ông này tại Thái Lan. Có tin nói rằng CIA đã tra tấn Belhaj, rồi sau đó đưa ông ta tới Tripoli, nơi theo Belhaj, ông đã bị ngược đãi nhiều năm tại một trong những nhà tù của nhà lãnh đạo vừa bị lật đổ của Libya, ông Muammar Gaddafi”.
Theo báo trên, có thể MI6 đã tiết lộ cho CIA về nơi ẩn náu của Belhaj sau khi những người cộng tác của ông ta thông báo với các nhà ngoại giao Anh ở Malaysia rằng Belhaj muốn xin tị nạn tại Anh. Sau đó, Balhaj được phép lên một chuyến bay tới London và bị bắt cóc khi máy bay tạm dừng ở Bangkok.”
Cũng theo tờ Người Bảo vệ, vào thời điểm năm 2004, tất cả các chuyến bay ra và vào Bangkok, kể cả cả chuyến bay được cho là của hãng British Airway mà Belhaj đi, chỉ sử dụng sân bay quốc tế Don Muang. Tại Malaysia, Belhaj đã mua “một chiếc vé đi đến London qua Bangkok”.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho tờ Người Bảo vệ, Belhaj cho biết tại Malaysia, ông đã mua một chiếc vé đi đến London qua Bangkok và rằng ông đã lên máy bay đó và nghĩ rằng  nó sẽ chỉ ghé qua Bangkok để tiếp nhiên liệu và sau đó ông sẽ được chào đón tại London, được tị nạn chính trị.
Báo trên dẫn lời ông Belhaj cho biết ông đã “bị các quan chức CIA, phối hợp với các giới chức Thái Lan, bắt giữ ngay bên trong sân bay  Bangkok… Và rằng ông đã bị tra tấn tại một địa điểm nằm trong sân bay này”.
Belhaj nói: “Tôi bị tiêm một thứ thuốc gì đó, bị trói chân và tay rồi bị treo lên tường, sau đó bị nhét vào một côngtenơ chứa đầy đá lạnh. Họ không cho tôi ngủ, lúc nào cũng có tiếng ồn. Rồi sau đó họ giao tôi cho kẻ thù của mình”, ám chỉ chuyến bay bí mật mà CIA sắp xếp cho ông từ Thái Lan đến Libya, khi đó vẫn nằm dưới sự lãnh đạo cố lãnh đạo, Muammar Gaddafi. Tại Libya, ông Belhaj bị giam giữ cho tới khi được trả tự do vào năm 2010.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo “Le Monde” của Pháp, Belhaj cho biết vào những năm 1980, ông đã cùng với một nhóm người trẻ tuổi thành lập Tổ chức Chiến đấu Hồi giáo tại Libya bởi họ không còn lựa chọn nào khác ngoài đấu tranh vũ trang. Chính quyền của Gaddafi muốn tiêu diệt họ. Do đó, năm 1998, ông rời Libya tới Arập Xêút, và từ Arập Xêút ông tới Afghanistan. Sau khi lực lượng du kích Hồi giáo của Afghanistan kiểm soát Kabul năm 1992, ông rời đất nước này. Hiện ông là một quan chức trong Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp – cơ quan hành pháp của Libya – và làm việc tại Bộ Quốc phòng Libya.
Belhaj được biết đến với bí danh Abdullah al-Sadiq, được nêu danh trong ít nhất hai trong số hàng chục nghìn tài liệu được phát hiện gần đây trong trụ sở của cơ quan an ninh ngoại vụ của Gaddafi ở Tripoli sau khi phe nổi dậy được sự hỗ trợ của NATO kiểm soát khu vực này. Liên quan tới Belhaj, vợ ông và chuyến bay của họ từ Malaysia tới Thái Lan hồi tháng 3/2004, các tài liệu này xác nhận ông đã bị phía Mỹ bắt giữ.
Một bản tin của hãng AP ngày 3/9 cho biết tháng 3/2004, CIA đã nói với chính quyền của Gaddafi rằng họ đang lên kế hoạch bắt giữ một đôi vợ chồng ở Bangkok, họ sẽ được đưa lên máy bay của chúng tôi và bay tới Libya. Khi Belhaj bị bắt giữ tại Bangkok, sân bay quốc tế Don Muang là một khu vực rộng lớn dành cho hành khách và hàng hóa thương mại, các đường băng có khả năng phục vụ các máy bay Concorde và ở đó có một căn cứ không quân của Thái Lan. Các cơ sở của sân bay này, kho bãi và văn phòng đều nằm ngay cạnh đường cao tốc chính luôn tấp nập ở phía Bắc thủ đô Bangkok. Cho đến nay, Don Muang chưa bao giờ được công khai công bố là một địa điểm của CIA dùng để giam giữ, tra tấn tù nhân.
 Rất nhiều nhà phân tích nghi ngờ Mỹ đã sử căn cứ không quân U-Tapao – cách Bangkok hai giờ xe chạy, nơi các máy bay của Mỹ thường xuyên hạ cánh để tiếp nhiên liệu trên chặng đường bay tới Afghanistan. Belhaj không tiết lộ ông đã được chở đi bằng phương tiện nào sau khi ông tới sân bay Don Muang. Hiện vẫn chưa rõ có quan chức Thái Lan nào biết việc CIA có thể đã sử dụng sân bay này như một địa điểm để tra tấn tù nhân hay không, hay phải chăng phía Mỹ đã giữ bí mật hoạt động của họ mà không cho Chính quyền Thái Lan biết.
Buổi điều trần của các quan chức Mỹ và các cuộc điều tra khác gần đây đã xác nhận việc CIA từng bí mật tra tấn nhiều kẻ bị tình nghi khác tại Thái Lan vào năm 2002, hai năm trước khi Belhaj bị bắt tại Bangkok. Tại thời điểm đó, CIA đã bí mật tra tấn một phần tử của al-Qaeda là Abu Zubaydah và Abd al-Rahim al-Nashiri – kẻ âm mưu đánh bom tàu khu trục USS Cole của Mỹ. Tuy nhiên, địa điểm chính xác nơi diễn ra các cuộc tra tấn đó chưa bao giờ được công khai.
Kiến Văn  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét