Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2011

Báo Mỹ:

20:08

“Mỹ đã thua Iran ở… Iraq”

"Thời báo Los Angeles" của Mỹ ra ngày 27/10 cho rằng việc Mỹ phải rút quân khỏi Iraq do không đạt được một thỏa thuận mới với chính phủ nước này là điều không tốt cho dân thường Iraq và khu vực, nhưng chắc chắn nó có lợi cho Iran. Do đó, đây được xem là một thất bại của Mỹ trước Iran.
Trong bài phát biểu tại Trại Lejeune hồi tháng 2/2009, Tổng thống Obama xác định mục tiêu của Mỹ đối với Iraq là Iraq phải trở thành một nước có chủ quyền, ổn định và tự lực. Để đạt được mục tiêu đó, Mỹ phải hành động để thúc đẩy một chính phủ Iraq công bằng, tiêu biểu và có trách nhiệm, đồng thời không ủng hộ hay chứa chấp các phần tử khủng bố.


Tuy nhiên, cho đến nay, Iraq chưa đạt được một điều nào trong những vấn đề trên. Chủ quyền của nước này vẫn là “rỗng tuếch” vì các phần tử vũ trang do Iran hậu thuẫn tiếp tục hoạt động trên lãnh thổ Iraq. Sự ổn định của Iraq là mong manh vì những tranh cãi cơ bản giữa các bộ tộc và bè phái vẫn chưa được giải quyết. Và rõ ràng là Iraq chưa tự lực được. Quân đội Iraq không thể bảo vệ biên giới, không phận và hải phận của mình nếu không có sự trợ giúp của nước ngoài.
Tổng thống Obama rõ ràng đã thất bại, không đạt được các mục tiêu đã đề ra cho Iraq; ngược lại, Iran đã đạt được các mục tiêu chiến lược của mình. Từ năm 2004, Iran đã tìm cách đẩy tất cả các lực lượng của Mỹ ra khỏi Iraq; xây dựng một chính phủ yếu của người Hồi giáo dòng Shi’ite tại Baghdad; xây dựng một tổ chức quân sự, chính trị như kiểu Hezbollah ở Iraq để thông qua đó gây ảnh hưởng và đe dọa các nhà lãnh đạo Iraq thân phương Tây; và đưa ý thức hệ thần quyền của mình vào bộ máy tăng lữ người Shi’ite ở Iraq. Nhìn chung, Iran đã đạt được các mục tiêu này.
Có thể nhiều người Mỹ cảm thấy khuây khỏa khi Tổng thống Obama tuyên bố “cuộc chiến của Mỹ tại Iraq đã chấm dứt”. Nhưng, cảm giác đó sẽ tan biến khi nhận ra rằng Teheran đã đạt được các mục tiêu của mình ở Iraq trong khi Mỹ không đạt được. Từ nay về sau, các lực lượng vũ trang ủy nhiệm của Iran có thể sẽ mở rộng các căn cứ huấn luyện ở miền Nam Iraq và sử dụng chúng làm bàn đạp cho các chiến dịch trên toàn bộ Vùng Vịnh.
Một nước Iraq phải phụ thuộc vào Iran để tồn tại sẽ làm giảm hiệu quả của mội biện pháp trừng phạt mà cộng đồng quốc tế đang áp dụng đối với Teheran nhằm việc ngăn chặn nước này có vũ khí hạt nhân. Và những tranh chấp bộ tộc và bè phái chưa được giải quyết tại Iraq có thể lại bùng phát thành xung đột vũ trang.
                                                           Kiến Văn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét