Hầu hết dự án điện của nhà thầu Trung Quốc chậm tiến độ
Trước tình trạng hàng loạt dự án điện của nhà thầu Trung Quốc chậm tiến độ, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (EVA) vừa phát đi thông điệp đề nghị sửa đổi luật đấu thầu, trong đó giá dự thầu không nên được xem là tiêu chí quyết định để lựa chọn hợp đồng EPC.
Ngày 27/10, EVA đã có ý kiến về việc chọn nhà thầu trong các quy hoạch điện quốc gia. Qua đánh giá việc triển khai các dự án điện trong Quy hoạch Điện VI đã cho thấy, hầu hết các dự án bị chậm tiến độ từ 1-3 năm, hoặc thậm chí dài hơn.
Đặc biệt, hầu hết các dự án điện do các nhà thầu Trung Quốc đảm nhận đều bị chậm tiến độ kéo dài, thậm chí không triển khai được là do các nhà thầu năng lực yếu, kinh nghiệm kém, không thu xếp được tài chính, không thực hiện được các cam kết với chủ đầu tư.
Điển hình là các dự án: nhiệt điện Hải Phòng 1, nhiệt điện Hải Phòng 2, Cẩm Phả 1, Cẩm Phả 2, Quảng Ninh 1, Quảng Ninh 2, Mạo Khê, Thái Nguyên, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1…
Dự án chậm tiến độ là do nhà thầu năng lực kém (ảnh minh họa)
EVA cho hay, khảo sát thực tế đã chỉ ra rằng, sự yếu kém của các nhà thầu không chỉ tạo ra những bất cập trong giai đoạn triển khai dự án mà trong cả giai đoạn vận hành sau này, khi mà công nghệ và các tiêu chuẩn áp dụng của Trung Quốc không tiên tiến, do đó thiết bị thường gặp nhiều lỗi kỹ thuật, sự cố trong quá trình vận hành.
Theo EVA, cần phải bổ sung và sửa đổi một số quy định hiện hành về đấu thầu để cho phép các chủ đầu tư (đặc biệt là các chủ dự án có sử dụng nguồn vốn Nhà nước) lựa chọn các thiết bị chất lượng cao, các nhà thầu EPC có kinh nghiệm từ các nước công nghiệp phát triển như: G7, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Trong một số trường hợp đặc biệt, các chủ đầu tư được phép chỉ định trực tiếp nhà thiết kế chế tạo thiết bị, nhà thầu EPC và các tư vấn mà chủ đầu tư đã biết rõ năng lực kinh nghiệm và khả năng tài chính.
Nói cách khác, giá dự thầu không nên được xem là tiêu chí quyết định trong việc trao hợp đồng EPC - thay vào đó, các vấn đề như chất lượng, tiến độ, tổng chi phí (bao gồm dịch vụ sau bán hàng, mức độ tiên tiến của công nghệ và khả năng chuyển giao công nghệ cho lao động trong nước nên được ưu tiên và xem là các yếu tố quyết định).
Các cơ chế, chính sách ưu đãi cần được áp dụng để tạo cơ hội cho các nhà thầu Việt Nam và các nhà đầu tư nước ngoài có cơ sở sản xuất, chế tạo thiết bị năng lượng tại Việt Nam .
Tuy nhiên, để thực hiện được vấn đề này nhất thiết phải sửa đổi, bổ sung ngay một số điều trong Luật Đấu thầu hiện nay, lấy các yêu cầu về năng lực của nhà thầu dựa trên cơ sở khoa học - công nghệ, năng lực sản xuất, năng lực tài chính mạnh, chất lượng thiết bị tốt chứ không phải lựa chọn hồ sơ “năng lực ảo” như trong thời gian qua.
"Nếu chúng ta không nhanh chóng sửa đổi Luật Đấu thầu, các doanh nghiệp trong nước, cùng với lực lượng kỹ sư, công nhân được đào tạo tay nghề cao của Việt Nam sẽ không thể có cơ hội phát triển, không có cơ hội được làm chủ công nghệ và quản lý dự án trong tương lai" - EVA khẳng định.
Lan Hương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét