Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2011

07:15

“Thuốc độc” với tuổi teen
"Sát thủ đầu mưng mủ” là cuốn sách do họa sĩ Thành Phong sưu tầm và vẽ tranh minh họa, được Công ty Nhã Nam & NXB Mỹ Thuật in ấn, phát hành trong tháng 10-2011. Cuốn sách được tác giả, một số nhóm người và một bộ phận giới trẻ coi là "thành ngữ sành điệu bằng tranh”, gồm 119 câu được gọi là "thành ngữ-tục ngữ hiện đại”. Cuốn sách lập tức tạo hiệu ứng lan truyền khá mạnh đối với cộng đồng dân cư mạng bằng hình thức scan; cháy hàng tại các đại lý, hiệu sách. Sau khi cuốn sách phát hành đã vấp ngay sự phản ứng gay gắt từ phía dư luận và bị đình chỉ xuất bản, thu hồi.



Bìa cuốn sách "Sát thủ đầu mưng mủ"
Ảnh: vnexpress.net
Trên nhiều Forum (diễn đàn mạng) nhiều ý kiến giới trẻ cho rằng, nhưng câu nói trong cuốn sách rất thú vị, dí dỏm, ngồ ngộ; hiện đang được cộng đồng mạng sử dụng, có tính lan truyền cao. Cách nói này được xem là ngôn ngữ "dân 8x, 9x; tuổi teen”; xuất hiện với tần suất cao trong đời sống nhưng theo cách nói hài hước, châm biếm, vui đùa và có độ giải trí khá... tào lao. Nhưng, phần lớn làn sóng dư luận thì lại khẳng định đây là cuốn sách phản cảm từ nội dung đến hình thức. Vì những câu nói này không hề có giá trị giáo dục đích thực, thiên về cách hiểu lệch lạc, chế lại từ các câu tục ngữ, thành ngữ; ẩn chứa mầm mống của văn hoá "bẩn”, dễ đầu độc lớp trẻ.
Cụ thể, tác giả mào đầu bằng cách gọi cuốn sách là vô tiền khoáng hậu, "vì nếu có tìm trong thư viện quốc gia, tra trong lịch sử xuất bản của nước ta xem có kiếm được cuốn sách nào như cuốn này?”. Đúng là lịch sử nước nhà chưa bao giờ có và cũng có "nằm mơ” cũng chẳng thể hình dung tại sao nhà xuất bản lại cấp phép in ấn phát hành cho một cuốn sách quái gở như thế này. Xin được trích lại một số câu nói ấn tượng trong sách: Đã xấu mà lại còn xa-Đã siđa lại còn xông pha hiến máu, Hận đời cắt tóc đi tu, Nghĩ đi nghĩ lại đi tù sướng hơn; Yêu nhau trong sáng, phang nhau trong tối; Một điều nhịn là chín điều nhục; Ngu như bò còn thích hát hò; Nhan sắc có hạn, thủ đoạn vô biên. Hoặc: chảnh như con cá cảnh; bực như con mực; buồn như con chuồn chuồn; già như quả cà; dốt như con tốt; nhiều như quân Nguyên; tào lao bí đao; lạnh lùng như thạch sùng, đâu có đó, thịt chó có mắm tôm; sành điệu chơi hàng hiệu; chuẩn không cần chỉnh; bó tay chấm com; tinh tướng ăn khoai nướng...
Ngoài ra, tranh vẽ minh hoạ cũng phản cảm chẳng kém (dù có đôi phần dí dỏm). Điển hình câu "Bộ đội phải chơi trội” được minh hoạ bằng hai chú bộ đội cười toe toét đang đá cầu bằng... trái lựu đạn; câu "ác như con tê giác” vẽ gã thợ săn là con tê giác, trên tường thay vì treo đầu hươu, nai, thì được trên toàn đầu người. Câu "Hận đời cắt tóc đi tu, nghĩ đi ngĩ lại đi tù sướng hơn” được minh hoạ cảnh nhà sư (hoặc thầy tu) chấp nhận "đi tù sướng hơn” vì cuỗm của nhà chùa hòm tiền công đức. Tính mỹ thuật, ngụ ngôn, tính giáo dục qua tranh và câu từ là hoàn toàn không có.
Điều ngạc nhiên là mới đây, Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Văn Tình (đang công tác tại Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam), thì viết nguyên một bài báo cổ suý cho cuốn sách này. Vị Phó giáo sư này nói: Đây là cuốn sách đặc biệt. Một điểm lưu ý nữa, và đây mới là điều tôi thấy thú vị, là mảng tục ngữ được sưu tầm ở đây. Tục ngữ là những tri thức đúc rút kinh nghiệm, những bài học sống của dân gian. Dân gian giới trẻ hôm nay cũng chẳng phải tay vừa, họ có cách nhìn nhận và đánh giá cuộc sống của họ”.
Phải hiểu rằng, đây là một sự biến thái khá khó chịu của văn nói, của văn hoá ngôn ngữ, chứ nhất quyết không phải sự cách tân, mới mẻ mang hàm ý trong sáng của tiếng Việt. Cách đây vài tháng, khi Ban biên tập của Oxford English Dictionary vừa thông báo đã bổ sung vào quyển từ điển một số từ của ngôn ngữ thời @, thì trong nước bỗng có một vài Tiến sĩ, Phó giáo sư từng nghiên cứu ngôn ngữ học hẳn hoi, đề xuất cần thêm ngôn ngữ chát tuổi teen vào từ điển. Đối với bất cứ một dân tộc nào, ngôn ngữ luôn biểu trưng của sự văn minh, văn hoá dân tộc đó. Và các loại sách được ấn hành, đều phải thể hiện văn hoá đặc trưng, kiến thức nhân loại, không được phép tồn tại văn hoá "bẩn”, văn hoá phẩm độc hại. Việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt luôn phải được duy trì, phát huy đồng hành cùng sự phát triển của dân tộc. Việc xuất hiện những cuốn sách mang văn hoá lệch chuẩn, lai tạp trên, sẽ đầu độc rất nhanh thế hệ lớp trẻ, đặc biệt là đối với những trẻ em đang độ tuổi đến trường-lứa tuổi vô tư dễ tiếp thu bất cứ điều gì kể cả văn minh ngôn ngữ hay mặt độc hại trong văn hoá. Liệu ngành văn hoá, ngành xuất bản đã làm hết chức năng xét duyệt, quản lý khi để lưu hành những thứ văn hoá lai căng này không?
                                                                       Hoàng Anh Thắng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét