Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2011

21:00

Quy định cắc cớ
Chủ nghĩa Apartheid biến tính đã nhen nhóm ở một số nơi khi “phân biệt “chủng tộc bằng cấp”. Đà Nẵng nơi được coi là năng động hàng đầu ở miền Trung, từng rải thảm chiêu hiền mãi sĩ lại từng nói không với bằng đại học ngoài công lập. Một huyện ở Quảng Bình, kỳ quặc hơn khi chê bằng cao đẳng chính quy để chấp nhận bằng trung cấp. Nay đến lượt Nam Định, quê hương của Tú Xương, người giỏi giang văn hay chữ tốt nhưng chỉ có bằng tú tài.
Chuyện rằng, mới đây, tại kỳ thi tuyển công chức năm 2011 của tỉnh Nam Định, có 5 thí sinh bị loại khỏi danh sách dự tuyển, trong đó 1 trường hợp bị loại chỉ vì lý do thí sinh này tốt nghiệp một trường đại học dân lập, dù em có bằng loại khá.
Trong khi dư luận đồn nọ thổi kia thì quan đầu tỉnh, Chủ tịch UBND Nguyễn Văn Tuấn, nói huỵch toẹt ra rằng, đây là chủ trương của tỉnh (không nói là tỉnh ủy hay ủy ban) không tuyển dụng công chức là những người tốt nghiệp đại học dân lập, tư thục hay tại chức.
Những người phản đối việc làm trên của tỉnh Nam Định cho rằng, việc không công nhận bằng cấp của các trường dân lập, tư thục là vi phạm Luật Giáo dục, trái với chủ trương của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa giáo dục và không  có căn cứ  để kết luận về chất lượng, trình độ của người học chính quy luôn luôn tốt hơn người học tại chức hay ngoài công lập. Còn những người đồng thuận chắc chắn là những người tham gia soạn thảo văn bản cắc cớ trên.
 Về việc này, GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng: “Quy định của UBND tỉnh Nam Định không đúng luật”.
Theo GS Đào Trọng Thi, đối với các loại văn bằng nằm trong hệ thống văn bằng của Nhà nước thì đây là quy định không thể chấp nhận được. Người đứng ra tuyển dụng lao động tại các doanh nghiệp có thể tuyển dụng với những điều kiện riêng theo yêu cầu của mình. Nhưng Cơ quan Nhà nước mà ra hướng dẫn như thế thì trái thẩm quyền, không đúng tinh thần trong công tác quản lý Nhà nước. “Như vậy, tỉnh đã tự tạo nên sự phân biệt đối xử với những đối tượng được thừa nhận là có sự công bằng như nhau”. Tất nhiên ai cũng biết chất lượng đào tạo của các trường ngoài công lập và hệ tại chức có quá nhiều vấn đề và nếu nói nghiêm túc thì câu “dốt như chuyên tu, ngu như tại chức” đã tồn tại hàng chục năm nay vẫn có thể đúng với không ít người.
Không cần bình luận dài dòng về chủ trương này của tỉnh Nam Định nhưng chắc chắn rằng, lãnh đạo Nam Định và TP Đà Nẵng mới có đánh giá tiêu cực về chất lượng đào tạo của các trường khối ngoài công lập mà không qua thi tuyển nghiêm túc  nhằm đãi cát tìm vàng. Ngay cả những người phản ứng dữ dội nhất với chủ trương “phân biệt chủng tộc bằng cấp này” cũng không ngộ nhận về chất lượng nhiều trường “học thuê thi hộ”.
Trong phảm ứng về sự phân biệt bằng cấp quyết liệt này, chợt nhớ đến hiện tượng sùng tín bằng tiến sĩ không học, không thi của hai ông lãnh đạo ở Yên Bái, Phú Thọ từng xôn xao dư luận.
Vì sao các nơi này quá dị ứng với các trường đại học ngoài công lập đến thế? Vì sao nói đến tại chức, dân lập, tư thục người ta lại quá định kiến? Việc Nam Định từ chối ứng viên có bằng đại học tại chức, ngoài công lập tuy vi phạm Luật Giáo dục nhưng dẫu sao cũng cảnh báo các trường ngoài công lập cần xem lại việc dạy và học tại sao lại bị chê bôi thành phong trào như vậy?
Công lập, dân lập hay tại chức không quan trọng, vấn đề là nhà tuyển dụng phải biết chọn người làm được việc.
                                                Bảo Dân 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét