20:02
'Ông trùm Bảy Xoài': Luôn ám ảnh bởi phim
Vào vai trùm xã hội đen Bảy Xoài, trong phim 'Những đứa con biệt động Sài Gòn'... là diễn viên Hai Nhất. Từ khi phim lên sóng, Hai Nhất hay được người ta gọi là “ông trùm”.
“Ông trùm” sinh ra ở Yên Mô - Ninh Bình trong một gia đình có tới 9 anh chị em. Thủa nhỏ “Ông trùm” rất ham mê văn nghệ và hay mầy mò học đàn hát. Chịu khó tập luyện nên ngay từ khi ở quê “Ông trùm” đã chơi khá thành thạo nhiều nhạc cụ và được mời tham gia nhiều hoạt động văn nghệ tại địa phương.
Cũng nhờ có năng khiếu đàn hát nên năm 1967, khi gia nhập quân đội “Ông trùm” được phân công vào đội văn nghệ tuyên truyền của trung đoàn. Cuối năm 1979, “Ông trùm” ra quân, hai vợ chồng đùm túm nhau, lên tàu vào Nam tìm cuộc sống mới.
Nhưng tá túc ở Sài Gòn, “Ông trùm” chẳng có trong tay nghề ngỗng gì, cái năng khiếu hát hò lại chỉ nửa mùa nên sau một thời gian cực khổ, vợ ông đành chọn cách liều mình chạy vạy, mở đại một cái quán nho nhỏ để kiếm tiền nuôi con. Còn “Ông trùm”, vì vẫn ham văn nghệ văn gừng nên đã lò dò tới hãng phim Tổng hợp (Hãng phim Giải Phóng bây giờ) để hy vọng kiếm một công việc nào đó.
Tại đây, tình cờ “Ông trùm” gặp đạo diễn Hồng Sến. Nhìn “Ông trùm”, Hồng Sến bảo “Dòm tướng tay này thấy được nghe. Đi đóng phim với tụi này không?”. Đang thất nghiệp, nghe có việc làm là “Ông trùm” gật liền, dù rằng chẳng dám nghĩ là mình sẽ làm nghề diễn viên.
Quả thực, đạo diễn Hồng Sến có cặp mắt tinh tường và từ ngày đó, phim Việt Nam có thêm một diễn viên luôn đóng đinh với những vai phản diện là Hai Nhất. Hai Nhất kể: “Tôi có mặt trong hầu hết những bộ phim nổi tiếng của đạo diễn Hồng Sến, đặc biệt trong những bộ phim do bộ tam Sơn - Sáng- Sến thực hiện (Trịnh Công Sơn - Nguyễn Quang Sáng - Hồng Sến) như Mùa nước nổi, Mùa gió chướng, Cánh đồng hoang…Và không chỉ Hồng Sến mà nhiều đạo diễn khác cũng chọn Hai Nhất vào những vai diễn phản diện.
Khi khởi quay bộ phim Biệt động Sài Gòn, ban đầu vai kẻ phản bội Ba Cẩn đã được phân cho người khác và đoàn phim cũng đã quay được một số phân đoạn đáng kể. Nhưng đột nhiên đạo diễn Long Vân lại quyết định chuyển vai cho Hai Nhất. Và Long Vân đã đúng.
Một Ba Cẩn gian ngoan, tàn ác, sẵn sàng phản bội, bán đứng đồng chí của mình và cuối cùng đã nhận một cái chết hèn hạ đã được ông nhập vai khá sinh động, gây ấn tượng mạnh mẽ với người xem ngày đó.
Nhưng khi bộ phim Những đứa con biệt động Sài Gòn ra đời, cái tên Ba Cẩn đã bị thiên hạ quên đi để thay thế bằng “Ông trùm Bảy Xoài”. “Ông trùm” kể: “Ban đầu tôi cũng không định nhận vai này đâu. Nhưng nể tình đạo diễn Long Vân, tôi đã nhận kịch bản để xem thử. Nào ngờ càng đọc càng thấy hay nên đã đồng ý”.
Vào vai, “Ông trùm” gần như không cần hoá trang gì. Vẫn chiếc áo sặc sỡ chim cò thường mặc. Vẫn mái tóc hơi loà xoà cũng những nếp nhăn đã hằn sâu theo thời gian. Ban đầu nhìn “Ông trùm” có vẻ hơi già, lại hơi yếu đuối không giống lắm như tưởng tượng của nhiều người.
“Ông trùm” kể: “Có người nói tôi phải ra dáng oai phong, như mặc áo vét, đội mũ phớt, đeo kiếng đen nhưng tôi không muốn thế. Tôi nghĩ ông trùm xã hội đen thời nay thì bề ngoài cũng giống như người bình thường, có khác là tính cách nội tâm. Vì thế tôi đã chọn cách thể hiện ông trùm bằng bộ mặt lạnh, nhưng đôi mắt thì rất giảo hoạt. Lúc nhướng lên, lúc nhíu lại hay khẽ liếc xéo. Nói chung đôi mắt luôn thể hiện một ý đồ gì đó khiến nhân vật đối diện quy phục, người xem cảm thấy dù ít hành động nhưng ông trùm thật đáng sợ”.
Để sáng tạo ra vai diễn, ngoài việc đọc khá nhiều tư liệu, một may mắn của “Ông trùm” là đã từng diện kiến với Năm Cam (nguyên mẫu cho nhân vật Bảy Xoài) trong vài trận nhậu. “Ông trùm” thừa nhận, ngoài đời Năm Cam trông rất hiền lành, chẳng bao giờ thấy to tiếng lấy một câu.
Thêm những câu chuyện từ giới truyền thông, “Ông trùm” đã tạo ra một Bảy Xoài trong phim rất nho nhã, lễ phép với cán bộ, nói chuyện với đàn em cũng không quát nạt, giận dữ. Chỉ mỗi ánh mắt… nhưng thành công. Vì thế dù phim còn đang chiếu trên VTV nhưng ra đường, đã thấy mọi người giơ tay; “A! Chào ông trùm” hay là “Chào ông… Bảy Xoài!”… “Ông trùm” khẽ cười: “Khổ thế chứ!”.
Đã từng hoá thân vào hàng trăm vai diễn, Hai Nhất còn là chủ của một hãng phim tư nhân. Đó là hãng phim Nhất Phương, một trong 4 hãng phim tư nhân đầu tiên của Việt Nam . Hãng Nhất Phương đã sản xuất hơn 50 bộ phim, trong đó có nhiều phim được khán giả đánh giá cao như Con thuyền bị đánh đắm, Những bóng ma rừng, Đi qua lời nguyền, Nụ hôn đầu đời, Một thời lầm lỡ...
Đặc biệt phim Con thuyền bị đánh đắm là phim duy nhất của Việt Nam được cử đi tham dự liên hoan phim tại Tokyo - Nhật Bản năm 1995. Đến năm 2000, Nhất Phương dừng không làm phim nữa. “Phim ngoại tràn ngập, phim video của chúng tôi dần đi vào ngõ cụt. Thôi thì tạm dừng chờ cơ hội mới”. Hai Nhất nói.
Giờ đã bước qua tuổi 60, Hai Nhất đang tính dưỡng già bằng việc xây nhà để nuôi chim yến ở Cần Giờ. Thế nhưng nói chuyện với tôi, ông toàn nói về dự định làm phim. Nào kiếm một kịch bản cho thật hay để hãng Nhất Phương khởi động làm phim lại; Nào đạo diễn Long Vân lại đang yêu cầu làm bộ phim tiếp theo! Nghĩa là tâm trí của Hai Nhất vẫn luôn bị ám bởi phim ảnh. Cũng phải thôi bởi như ông đã bảo, máu điện ảnh đã ngấm vào thì có thay cũng không hết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét