07:00
"Tây hóa"đến mức quên tiếng mẹ đẻ?
TTO - Chủ đề Đi học nước ngoài làm sao giữ chất Việt? đang thu hút nhiều sự quan tâm của bạn đọc. Có hay không sự Tây hóa ở các du học sinh? Làm thế nào để "hòa nhập mà không hòa tan"? Chuyện Tây hóa của người trẻ có thật sự đáng lo?...
Mời bạn đọc theo dõi ý kiến sau và cùng chia sẻ quan điểm riêng.
Không thể diễn đạt tròn câu tiếng Việt?
Trong thời gian gần đây, cùng với việc số lượng học sinh Việt Nam ra nước ngoài du học ngày càng tăng, vấn đề giữ gìn bản sắc, giữ gìn “chất Việt” càng trở nên cấp thiết. Là một du học sinh đang sống và làm việc tại Úc, tôi có một số chia sẻ như sau:
Thực trạng Tây hóa trong giới du học sinh là có thật, diễn ra một cách âm thầm lặng lẽ, nhưng cũng rất đa dạng, phong phú. Có thể nói nền tảng giáo dục và nhận thức của các bạn từ lúc còn ở trong nước đóng vai trò quyết định sự thay đổi này. Nhiều bạn được gia đình cho du học ngay từ cấp II, cấp III, rất nhanh hòa nhập và làm quen với cuộc sống mới.
Điều này rất tốt cho việc học tập, nhưng xét trên khía cạnh tâm sinh lý, đây là giai đoạn các bạn dễ bị tác động bởi môi trường xung quanh nhất. Vì vậy, không ngạc nhiên lắm khi đa số các bạn trở nên Tây hóa, kể cả trong thói quen ăn uống, sinh hoạt.
Đáng lo ngại hơn là tình trạng nhiều bạn sau một thời gian học tập ở nước ngoài dần quên tiếng Việt, không thể diễn đạt trọn vẹn một câu mà không chèn tiếng Anh.
Bắt đầu ra nước ngoài ở độ tuổi lớn hơn một tí, các bạn du học sinh ở đại học hay sau đại học, quá trình "Tây hóa" diễn ra không đồng đều như ở các cấp nhỏ hơn mà có sự phân hóa rõ rệt. Cũng có bạn trở nên rất Tây, trở nên khác biệt với tên tiếng Anh, tiếng Pháp, đeo khuyên mũi, khuyên tai, nhưng cũng có những bạn rất Á Đông, rất Việt Nam .
Nhiều bạn lý giải: “Đã đi ra nước ngoài thì phải giống người ta, phải thay đổi”. Tôi đồng ý rằng đã nhập gia thì tùy tục, chúng ta nên học những cái hay, những văn hóa mới, đó là điều nên làm, phải làm với một du học sinh. Và tôi cũng chẳng phản đối việc dùng tên tiếng nước khác khi ra nước ngoài, vì thật sự chúng ta gặp rất nhiều khó khăn khi đi học, đi làm vì nhiều tên rất khó đọc cho người khác.
Nhưng điều quan trọng là mọi việc cần phải trả lại như vốn có sau khi học xong, về nước. Với bản thân tôi luôn tâm niệm rằng: “Hòa nhập chứ không hòa tan”. Chúng ta có thể nâng cao khả năng giao tiếp thì việc “suy nghĩ theo ngôn ngữ đó” khi giao tiếp là cần thiết, là một trong những kỹ năng cần có khi học ngoại ngữ. Nhưng không có nghĩa vì vậy mà có thể quên đi tiếng cha sinh mẹ đẻ, vì đó là nguồn gốc, là bản chất của chúng ta.
Vì vậy, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng ta phải luôn ý thức được nguồn cội, từ trong suy nghĩ và cả hành động. Do vậy, việc giáo dục từ nhỏ và đặc biệt là mối liên hệ, quan tâm của gia đình góp phần quan trọng trong việc định hướng, xây dựng nền tảng văn hóa cho du học sinh trước, trong quá trình du học và ngay cả khi về nước.
Đôi lần xấu hổ
Em là du học sinh đã được 4 năm nay. Trong quá trình học tập em luôn tiếp thu cái hay, cái mới và làm cho bản thân mình trở nên tốt đẹp hơn. Em không phủ nhận mình có đôi lần xấu hổ khi giới thiệu là người Việt vì trong mắt 1 số người nước ngoài, người Việt chẳng hay ho gì.
Bản thân họ cũng từng chứng kiến một bộ phận người Việt vào quán ăn lại tỏ vẻ trịch thượng và sai bảo các nhân viên phục vụ bằng thái độ rất không hay, trong khi ở nước ngoài ngay cả người hốt rác cũng được tôn trọng.
Về việc xếp hàng thì băm băm bổ bổ không cần biết ai trước ai sau, làm lỗi lại không bao giờ xin lỗi và lúc nào cũng biện minh và tìm cách thoái thác. Thương lượng bằng từ ngữ không được lại chuyển qua quát tháo rồi to tiếng. Đi ăn buffet mang theo cả cái túi lớn để chôm thêm bánh đem về, hoặc lấy đồ ăn thì ngồn ngộn cả đống toàn hải sản đắt tiền rồi sau đó bỏ lại hơn cả nửa khẩu phần rất lãng phí.
Nếu em muốn tỏ ra lịch sự, nhã nhặn thì lại bị nói là Tây hóa. Phải làm sao mới vừa lòng được các ông các bà? Trong trường hợp này em chẳng hiểu giữ chất Việt là giữ cái gì và như thế nào? Nếu nói về giới thiệu Việt Nam ra thế giới thì chúng em không phải là các nhà ngoại giao, chúng em chỉ biết đi học đi làm để tiếp thu kiến thức. Nhưng nếu mình không đi theo nếp sống của đất nước mình đang theo học thì không thể nào tồn tại được!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét