Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2011

08:05

Hạ sát Gadhafi có phải là tội ác chiến tranh?

Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế và nhiều chính khách đã yêu cầu một cuộc điều tra minh bạch về cái chết của Moammar Gadhafi. Liệu việc hạ sát ông này có được điều tra và truy tố bởi Tòa án hình sự quốc tế không?
Cho đến nay chi tiết việc ông Gadhafi bị giết như thế nào vẫn chưa được làm sáng tỏ. Thủ tướng Hội đồng chuyển tiếp quốc gia, NTC, thì tuyên bố cựu tổng thống Gadhafi đã bị giết sau khi bị bắt bởi một vết đạn vào đầu và khẳng định không ra lệnh giết ông.
Từ thực tế và các video clip tại hiện trường, giới quan sát có thể khẳng định chắc chắn hai điều: (i) Ông Gadhafi bị giết sau khi bị lực lượng NTC bắt, và (ii) Cái chết của ông đã làm nhẹ gánh cho chính quyền mới ở Libya và một số chính quyền phương Tây.
Cấu thành tội ác chiến tranh
Gia đình ông Gadhafi và các nhóm nhân quyền quốc tế đang kêu gọi Liên hợp Quốc mở cuộc điều tra. Tòa án hình sự quốc tế (ICC) đã yêu cầu phải khám nghiệm tử thi đối với cựu lãnh tụ Libya. Vấn đề đặt ra là liệu việc giết ông Gadhafi có cấu thành một tội ác chiến tranh, có thể bị ICC điều tra hay không và ICC có thể truy tố ai đó hay không.
Vấn đề trước tiên đặt ra là liệu hành động giết chết ông Gadhafi có cấu thành tội phạm chiến tranh trong quyền hạn phán quyết của ICC hay không. Để cấu thành một tội phạm chiến tranh cần phải có một cuộc chiến tranh (hoặc tình trạng xung đột vũ trang). Ở đây rõ ràng là Gadhafi bị giết trong một cuộc xung đột có vũ trang. Vậy việc giết một chiến binh đã đầu hàng có cấu thành một tội phạm? Chắc chắn là như vậy.
Từ tháng ba, ICC đã chỉ ra rằng Libya đang bị lâm vào tình trạng xung đột của các bên vũ trang. Công ước quốc tế Geneva về tội phạm chiến tranh chỉ ra rằng: "Giết hoặc làm bị thương một chiến binh đã hạ vũ khí hoặc không còn phương tiện tự vệ, hoặc đã đầu hàng... là sự vi phạm nghiêm trọng" công ước.
Hơn nữa, thẩm quyền phán quyết của ICC về tội ác chiến tranh ở Libya bao gồm các hành động của tất cả các bên tham gia (NTC và các tay súng chống chính phủ Gadhafi, cũng như những người trung thành với ông). Hội đồng Bảo an đã trình tòa một "tình hình” ở Libya, chứ không phải là hành vi cụ thể nào của bên này hay bên kia. Như vậy ICC có thẩm quyền phán quyết đối với hành động giết ông Gadhafi.
Vấn đề tiếp theo là liệu ICC có tiến hành điều tra hay không. Tòa án không có nghĩa vụ điều tra tất cả hoặc hầu như toàn bộ các tội ác thuộc thẩm quyền phán quyết của mình. Trên thực tế, quy chế chỉ đạo của ICC chỉ dẫn các công tố viên không tiến hành các hành vi đơn lẻ, mà cần hướng tới các hành vi quy mô lớn.
“Tòa án sẽ có quyền phán quyết đối với các tội ác chiến tranh đặc biệt khi chúng được tiến hành như là một phần của một kế hoạch hay chính sách, hay như là một bộ phận của kế hoạch gây tội ác.”
Những lựa chọn của các công tố và những phán quyết gần đây của các thẩm phán ở ICC cho thấy rõ ràng rằng ICC ưu tiên xét xử những tội ác diện lớn tạo thành một khuôn mẫu hay hành vi rộng lớn hơn. Vì vậy có thể chắc chắn rằng ít có khả năng ICC sẽ đem ra xét xử một người nào đó về tội giết hại ông Gadhafi, trừ phi lực lượng chống ông sau này tiến hành một loạt các tội ác chiến tranh hoặc các tội ác chống lại nhân loại và việc giết ông Gadhafi là một ví dụ điển hình của tình trạng đó.
Hơn nữa, các nhà chức trách mới ở Libya có thể sẽ bác bỏ bất cứ cuộc điều tra nào của ICC bằng cách đưa ra kế hoạch điều tra của riêng mình. Với một ủy ban điều tra mới được thành lập dưới quyền của NTC, chắc chắn ICC sẽ nhượng bộ, trừ phi ICC phán quyết rằng cuộc điều tra này là giả tạo. Dường như điều làm nhiều người, chủ yếu là ở bên ngoài Libya, thất vọng là ông Gadhafi cũng như người giết ông sẽ không bao giờ được chứng kiến một phiên tòa ở La Hague.
Giảm nhẹ gánh nặng cho NTC và phương Tây
Các nhà phân tích nói rằng, nếu Gadhafi mất tích hay lẩn trốn trong sa mạc Sahara để rồi lại thành lập một lực lượng du kích mới và gây bất ổn định Lybia thì sẽ là điều tệ hơn so với việc ông này chết.
Cái chết của Muammar Gadhafi đồng nghĩa với việc xóa bỏ một vụ án lâu dài và phức tạp có thể dẫn đến sự chia rẽ Lybia và làm khó dễ cho một số chính phủ phương Tây và các công ty dầu lửa.
Nếu ông Gadhafi còn sống chắc chắn sẽ xảy ra một cuộc tranh luận gay gắt về việc ông ta phải được mang ra xét xử ở Libya hay bị áp giải đến Tòa án hình sự quốc tế, cơ quan đã ra lệnh bắt giữ ông cùng với con trai đầu và người đứng đầu cơ quan phản gián Libya hồi đầu năm.
Bất kể phiên tòa nào thì cũng có thể tạo cho Gadhafi, với cá tính riêng, một diễn đàn để bôi xấu tầng lớp lãnh đạo mới ở Libya và các chính quyền phương Tây, làm họ khó xử với những vấn đề mà họ muốn quên đi. Trong số những việc khiến người ta thắc mắc có thể có việc Libya thoát khổi sự cô lập quốc tế trong thập kỷ trước như thế nào, hay làm thế nào mà các công ty dầu quốc tế ký những hợp đồng khai thác trị giá nhiều tỷ USD ở Libya.
Với chính quyền mới, trong số họ từng có người có thời gian dài phục vụ trung thành cho chế độ của Gadhafi, tuân lệnh của chính quyền ông này. Một phiên tòa công khai trong đó bị cáo - một người nắm được quá nhiều chuyện - có thể tiết lộ những điều bất lợi cho những người đang thắng thế.
Các nhà phê bình thường phàn nàn rằng nhiều phiên tòa xử tội ác chiến tranh do quốc tế hoặc địa phương tổ chức đôi khi biến thành các sự kiện pháp lý lê thê và mệt mỏi, hoặc thậm chí biến thành các phiên tòa phô diễn. Các cựu lãnh đạo như Saddam Hussein và Slobodan Milosevic thường không thừa nhận quyền tài phán của tòa hoặc sử dụng phiên tòa để chỉ trích những người bắt giữ mình. Họ có thể sử dụng các cơ hội này để khơi lại vết thương chính trị cũ, và có thể gây thêm nhiều thiệt hại chính trị mới.
Sau cái chết của Gadhafi, NTC sẽ tiến hành các biện pháp củng cố quyền lực tại Libya và thực tế họ đã tuyên bố Libya hoàn toàn được “giải phóng” ngay sau đó. Tuy nhiên nếu họ thực sự muốn đưa Libya trở lại con đường phát triển thực thụ dân chủ, trước hết họ phải bắt đầu bằng một chương trình hòa giải dân tộc thực sự mà khởi đầu là một tiến trình điều tra trung thực và không thiên vị về vụ sát hại đối với Gadhafi.
Nếu không làm được như vậy thi chính quyền mới ở Libya chắc chắn sẽ thất bại trong thử thách đầu tiên về dân chủ, với nguy cơ các cuộc trả thù và sát hại đẫm máu lan tràn đất nước, lấn át luật pháp và an ninh trật tự. Vai trò của các cường quốc đi đầu trong nỗ lực của NATO, như Anh, Pháp và Mỹ ném bom Libya “thay đổi chế độ” cũng sẽ bị gián tiếp lên án. Các nước này cũng sẽ không thanh minh được là liệu họ sử dụng quyền của Liên Hợp Quốc để “can thiệp nhân đạo” nhằm mang lại dân chủ cho Libya hay mang lại cho họ quyền tiếp cận nguồn dầu lửa to lớn của nước này.
                                                                    Phạm Ngọc Uyển

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét