Cần hành động văn hóa của những người làm văn hóa
Hoàn trả tiền vé cho khán giả do chương trình "Không gian âm nhạc" mang tên: "Đốt lên thành lửa" gặp sự cố vì sức khỏe của ca sĩ biểu diễn Trần Thu Hà không tốt có thể coi là "sự kiện" văn hóa đáng nhớ từ trước tới nay. Bởi chưa bao giờ có một nhà tổ chức nào dám chấp nhận rủi ro, thiệt hại để ứng xử một cách lịch lãm, đầy văn hóa như vậy với khán giả, đặc biệt là trong hoàn cảnh các giá trị đang bị đảo lộn và loạn chuẩn như hiện nay.
Đạo diễn Việt Tú, người trực tiếp quyết định hoàn vé cho khán giả trong chương trình “Đốt lên thành lửa” đã thú nhận, để làm được như vậy anh cũng phải thao thức trắng đêm. Vì trước đó, chưa bao giờ có tiền lệ đó. Hơn nữa, thực hiện quyết định ấy, đồng nghĩa với việc anh đã “cắt dạ dày” của mình cùng những người đồng tổ chức chương trình. Nhưng chính ứng xử đầy nhiệt tình của khán giả Không gian âm nhạc gần như chấp nhận vô điều kiện tất cả yêu cầu mới mẻ của nhà tổ chức từ đặt vé qua mạng, rút hầu bao không hề rẻ để mua tấm vé này rồi thực hiện hàng loạt những nội quy mà Ban Tổ chức đề ra để cho phù hợp với không gian, khán phòng – nơi biểu diễn đến chấp nhận mất tiền trong trường hợp đột xuất không đi được v.v… đã là động cơ thúc đẩy mạnh mẽ, trở thành “nội lực” để đạo diễn Việt Tú cùng những người tổ chức chương trình “đáp lễ” phải có một ứng xử văn hóa, lịch lãm với những khán giả yêu quý chương trình của mình. Đặc biệt là những người công tác trong ngành Văn hóa, nghệ sĩ càng cần phải có một thái độ, ứng xử như vậy nên ê-kíp tổ chức Không gian âm nhạc mà đạo diễn Việt Tú cùng Giám đốc âm nhạc Không gian âm nhạc Chu Minh Vũ là những người “cầm trịch” đã ra một quyết định đúng đắn và đầy ấn tượng đẹp đẽ không chỉ với khán giả mà với cả những người văn hóa.
Từ “sự kiện” trên đây, có thể nhìn lại hàng loạt những sự việc của những người làm văn hóa nhưng lại rất thiếu văn hóa, nhất là ở lớp nghệ sĩ, diễn viên trẻ. Tôi không biết, mọi người có đồng cảm không nhưng với tôi, một khán giả của chương trình Vietnam’s Next Top Model 2011 không hề được thuyết phục khi nghe thành phần chính của Ban Giám khảo là người mẫu nức tiếng Xuân Lan giải thích về việc cô phải dùng ngôn từ “mạnh” để khơi dậy cá tính, sự mạnh mẽ, bản lĩnh… của thí sinh. Với tôi đó là những ngôn từ cực kỳ thiếu văn hóa! Có văn hóa không khi thành viên Ban Giám khảo nói: “Tôi nói em giả tạo”; “Tôi nói em ngu ngốc” và “Giả sử chị tát em một phát, không vì lý do gì, chỉ vì nhìn em thấy ghét thì tát thôi. Em phản ứng như thế nào?”. Hay: “Cái môi của em nhìn rất đáng ghét, gương mặt của em không có cảm xúc gì, em catwalk (sải bước biểu diễn) khiến không chỉ chúng tôi mà cả những người đi đường phát hoảng…”. Là một cuộc thi lớn quy mô toàn quốc, được truyền tải rộng rãi trên truyền hình cho khán giả không chỉ trong nước mà còn cho kiều bào ở nước ngoài, với những lời lẽ nhận xét đầy ngôn từ không thuộc giới văn hóa như vậy từ Ban Giám khảo liệu có được xem là chuẩn mực, là một trong những nội dung của sự kiện văn hóa? Tôi cũng không hiểu tại sao nhà đài có thể tiếp tục để những ngôn từ như vậy xuất hiện trong chương trình được coi là văn hóa giải trí lớn?
Nói đến sự việc thiếu văn hóa của những người làm văn hóa cũng phải kể đến vụ tát đồng nghiệp “đàn em” của Á hậu áo dài trong cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2008 đồng thời là diễn viên, người mẫu trẻ Diễm Châu. Có thể nói danh hiệu mà người đẹp này đạt được dài dằng dặc nhưng hành động, ứng xử của cô đối với người mẫu, người đẹp Bảo Trúc đã khiến cho hàng loạt danh hiệu ấy bị nghi ngờ liệu cô có xứng đáng được nhận nó? Sự thể rất đơn giản, trong khi đang ở phim trường “Cột mốc 23” ở Phan Rang, Ninh Thuận, Bảo Trúc thấy chiếc “bốn bánh” của mình bị trầy xước mà không biết nguyên nhân vì sao? Cô mới phàn nàn với những người cùng phim trường thì những người này cho biết, có khả năng Diễm Châu là “thủ phạm”. Bảo Trúc mang chuyện này hỏi thẳng Diễm Châu thì Diễm Châu phủ nhận. Sau đó, hai bên không có gì căng thẳng với nhau. Nhưng buổi trưa đang tranh thủ chợp mắt ngay tại phim trường, bỗng nhiên Bảo Trúc bị Diễm Châu tát như trời giáng vào má đến nỗi hằn năm đầu ngón tay. Vì trách nhiệm với vai diễn, vì sự can ngăn của mọi người, Bảo Trúc đã im lặng và cho qua chuyện. Nhưng cô cũng không nhận được sự giải thích hay lời xin lỗi nào từ phía người đẹp Diễm Châu. Dẫu do nguyên nhân gì và mức độ sâu xa đến đâu nhưng rõ ràng hành động “cơ bắp” của Diễm Châu đối với đồng nghiệp, đàn em Bảo Trúc là không thể chấp nhận được, nhất là khi cô đã trở thành “con người văn hóa” khi đạt danh hiệu Á hậu áo dài từ sự kiện lớn Hoa hậu Việt Nam, đồng thời là người mẫu, diễn viên đều mang vai trò, thiên chức: mang văn hóa đến cho mọi người. Hành động của cô là hành động phi văn hóa!
Tương tự Diễm Châu tát Bảo Trúc, không thể không kể đến vụ “đình đám” khác bởi nó cũng liên quan Phương Thanh, ca sĩ đã đi vào lòng khán giả trẻ với chất giọng khàn rất đặc biệt và ca sĩ Nini Khanh. Sau cánh gà, vẫn với bộ trang phục lấp lánh rất sang trọng, gương mặt còn đậm son phấn xinh xắn, ca sĩ Phương Thanh đã đi thẳng đến chỗ Nini Khanh đang ngồi và thẳng tay tát vào mặt cô ca sĩ trẻ còn đang chân ướt chân ráo gia nhập làng giải trí. Cú đòn không nói rõ nguyên nhân! Sau này, Phương Thanh bảo rằng tại vì Nini Khanh không biết “kính trên nhường dưới, với cách ứng xử rất vô lễ”. Nhưng dẫu sao, cách “dạy dỗ” của Phương Thanh cũng là hành vi thiếu văn hóa thậm chí là… vô học!.
Không biết hành động phi văn hóa ở những người làm văn hóa xuất hiện từ bao giờ nhưng từ những sự việc ấy, cho thấy rõ ràng đang có biểu hiện xuống cấp văn hóa nghiêm trọng ở những người làm văn hóa đặc biệt là ở lớp trẻ. Và từ đó cũng có thể lý giải vì sao văn hóa nói chung trong xã hội đang “tụt dốc”, thậm chí suy thoái để rồi dẫn đến loạn chuẩn, các giá trị bị đảo lộn… Có ý kiến cho rằng, căn nguyên của hiện tượng này là tác động tiêu cực từ một xã hội mà vật chất được đề cao hơn tinh thần. Để cải thiện vấn đề này, những ứng xử như sự kiện hoàn vé chương trình “Không gian âm nhạc” của đạo diễn Việt Tú cần phải được nhân rộng nhiều hơn nữa…
Tú Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét