Vì sao vỡ nợ hàng loạt?
Sự đổ vỡ “tín dụng đen” hiện nay, một phần là hậu quả của hiện tượng đầu tư nóng vào các lĩnh vực nhiều rủi ro như bất động sản, chứng khoán
Chỉ nửa tháng trở lại đây, hàng loạt vụ vỡ nợ do cho vay vốn với lãi suất cao đã xảy ra trên cả nước. Tiềm ẩn rủi ro
Theo ông Nguyễn Minh Phong, Viện Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội, lãi suất cho vay hoàn toàn là “thuận mua vừa bán” giữa các đối tượng đi vay và cho vay. Lãi suất mà người vay đưa ra là 10.000 đồng/triệu đồng/ngày, tương đương 30%/tháng và 360%/năm. Cá biệt, gần đây, tại Hà Nội có hiện tượng cho vay với lãi suất 30% - 40%/tháng (360% - 480%/năm). Mức lãi suất này cao gấp hàng chục đến hàng trăm lần lãi suất của ngân hàng. Bên cạnh đó, thủ tục hoạt động “tín dụng đen” cũng rất đơn giản: Giao dịch được hoàn tất chỉ trong vài phút; thế chấp cũng chỉ cần một chứng minh nhân dân…, thậm chí là một lời hứa hoặc thỏa thuận miệng. “Bất cứ dạng hoạt động kinh tế nào mang lại hay hứa hẹn mang lại lợi nhuận cao bất thường đều chứa đựng những rủi ro tiềm ẩn” - ông Phong cảnh báo.
Mất cân đối cung - cầu vốn
Từng là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, TS Cao Sỹ Kiêm cho rằng hiện tượng “tín dụng đen” rộ lên trong thời gian gần đây xuất phát từ mất cân đối cung - cầu vốn. Nhu cầu vay vốn đầu tư quá lớn, nguồn cung từ các ngân hàng không đáp ứng hết cho mọi đối tác nên nhiều đối tượng lợi dụng sự khan hiếm vốn và tâm lý hám lời của người dân để lừa đảo. Theo TS Cao Sỹ Kiêm, cần có sự phát triển mạnh mẽ và đa dạng hơn thị trường tài chính - tín dụng. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng cũng cần có sự quan tâm đúng mức đến xây dựng và đồng bộ hóa các cơ sở pháp lý cho việc quản lý, ngăn chặn, xử lý các hệ quả nguy hiểm của “tín dụng đen”.
Một chuyên gia ngân hàng nhận định sự đổ vỡ “tín dụng đen” hiện nay, một phần là hậu quả của hiện tượng đầu tư nóng vào các lĩnh vực nhiều rủi ro như bất động sản (BĐS), chứng khoán của giai đoạn trước đây. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy tỉ lệ cho vay để đầu tư chứng khoán và BĐS chiếm khoảng 30% tổng dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng. Khi chứng khoán suy giảm, BĐS đóng băng, nhiều doanh nghiệp không rút được vốn nên phải vay nóng bên ngoài.
Trong khi đó, người dân thấy có trường hợp vỡ nợ thì lo sợ nên lập tức rút tiền đang cho vay, còn người bị rút tiền thì phải đi vay nóng để trả, gây hiệu ứng domino.
Cán bộ quận làm ăn chung với đối tượng lừa đảo Ngày 26-10, Công an quận 12-TPHCM cho biết bà Đỗ Thị Luận, người thực hiện hàng loạt vụ lừa giấy chủ quyền nhà đất, đã bị bắt. Từ nhiều ngày qua, các chủ nợ của bà Luận ráo riết tìm cách “xiết” nhà, gây mất an ninh trật tự tại địa phương. Trước những áp lực trên, bà Luận đã làm cam kết bằng văn bản và vi bằng tại Văn phòng Thừa phát lại quận Tân Bình với nhiều nạn nhân về việc mua bán. Dựa vào các chứng cứ này, các nạn nhân đã khởi kiện bà Luận tại TAND quận 12. Theo nguồn tin của Báo Người Lao Động, một số cán bộ quận 12 có làm ăn chung với bà Luận. Q.Lâm |
TÂM UYÊN - TÔ HÀ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét