Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2022

Quan hệ Nga - châu Âu

 

Tổng thống Putin cảnh báo châu Âu sẽ 'rất đau đớn' nếu bỏ nhập khẩu dầu Nga

 Cập nhật lúc 16:48

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm cảnh báo các nước châu Âu rằng việc cắt nhập khẩu dầu của Nga sẽ "rất đau đớn".

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh Getty

“Những nỗ lực của các nước phương Tây nhằm loại bỏ các nhà cung cấp đầu khí của Nga, hoặc để thay thế các nguồn năng lượng của chúng tôi bằng các nguồn cung cấp thay thế chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế toàn cầu. Hậu quả của một bước đi như vậy có thể rất đau đớn - và trước hết là đối với những người khởi xướng chính sách như vậy", nhà lãnh đạo Nga cảnh báo hôm 14/3, được hãng thông tấn TASS của Nga đẫn lại.

Giải thích về tuyên bố của mình, ông Putin nói: "Đơn giản là không có sự thay thế hợp lý nào cho châu Âu lúc này. Đơn giản là bây giờ không có nguồn cung cấp thay thế trên thị trường. Trong khi đó, nguồn cung cấp từ các quốc gia khác, chủ yếu là Mỹ có thể được gửi đến châu Âu, nhưng sẽ khiến người tiêu dùng phải trả giá đắt gấp nhiều lần, sẽ ảnh hưởng đến mức sống của người dân và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế châu Âu".

Theo TASS, ông Putin khẳng định, đang tồn tại nhiều vấn đề với lĩnh vực dầu khí của Nga, đáng chú ý là "các quốc gia không thân thiện" đang trì hoãn thanh toán cho các khoản nhập khẩu dầu của Nga.

ADVERTISING

Ông lưu ý rằng nếu châu Âu không mua dầu và khí đốt của Nga, điều này sẽ gây bất ổn thị trường. Nhưng ông đồng thời thừa nhận giá cả ở Nga vì thế có thể tăng lên. Vì thế, ông kêu gọi bình ổn thị trường để kích thích nhu cầu trong nước, TASS đưa tin.

Ngoài ra, nhà lãnh đạo Nga cũng kêu gọi đa dạng hóa xuất khẩu năng lượng sang châu Á trong bối cảnh gặp khó khăn khi xuất khẩu sang châu Âu.

"Chúng ta cần đa dạng hóa xuất khẩu, từng bước chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường đang phát triển nhanh ở phía nam và phía đông", Tổng thống Nga Vladimir Putin nói.

Hôm 13/4, Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolai Shulginov cũng cho biết nước này sẵn sàng bán dầu và chế phẩm dầu cho "các quốc gia thân thiện" với bất cứ mức giá nào.

Những cảnh báo của ông Putin được đưa ra trong bối cảnh phương Tây áp các lệnh cấm vận và hạn chế năng lượng Nga như một phần của biện pháp trừng phạt rộng lớn hơn nhằm gạt nền kinh tế nước này khỏi hệ thống tài chính và thương mại toàn cầu sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Mỹ đã áp lệnh cấm nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga, trong khi Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản áp lệnh cấm nhập khẩu than đá. EU cho biết đang tìm cách dần loại bỏ nguồn cung dầu mỏ và khí đốt từ Nga, nhưng không muốn áp lệnh cấm vận lập tức.

Nga đang cung cấp 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu, trong đó Đức, Italy và nhiều nước Trung Âu phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung này. Khoảng 25% nguồn dầu mỏ cho châu Âu cũng đến từ Nga. Ủy ban châu Âu hôm 28/3 xác nhận EU đặt mục tiêu hoàn toàn thoát phụ thuộc năng lượng Nga vào năm 2027.

Trong khi đó tại châu Á, Trung Quốc chiếm 15,4% tổng kim ngạch xuất khẩu dầu thô của Nga và là nhà nhập khẩu dầu thô Nga hàng đầu thế giới, mua trung bình 1,59 triệu thùng mỗi ngày trong năm 2021, tương đương 15,5% tổng lượng nhập khẩu. Nga cũng là nhà cung cấp khí đốt thứ ba và cung cấp than thứ hai cho Trung Quốc.

Ấn Độ nhập khẩu 43.400 thùng dầu từ Nga mỗi ngày trong năm 2021, chiếm khoảng 1% tổng lượng nhập khẩu của nước này. New Delhi gần đây tuyên bố sẽ mua thêm dầu Nga, bất chấp áp lực từ Mỹ và phương Tây.

 (Theo Dân Việt) Phương Đăng   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét