Thứ Hai, 18 tháng 4, 2022

 

Lòng tham hơn 14.000 tỉ đồng của hacker và sự bất cẩn của doanh nghiệp

 Cập nhật lúc 10:14   

Sau vụ Axie Infinity bị hack một lượng tiền mã hóa lên tới 615 triệu USD, CEO của doanh nghiệp Sky Mavis vận hành game này tại Việt Nam là Nguyễn Thành Trung, thổ lộ rằng đã cảm thấy “tức giận vì hacker quá tham lam”.


Vụ hacker tấn công Ronin bridge thuộc Ronin Network của game Axie Infinity đã lấy cắp lượng tiền ảo trị giá 615 triệu USD. Ảnh minh họa: Chụp màn hình.

Không tham lam thì đã không đi làm những việc bất chính, vi phạm pháp luật, và hacker tham lam, cũng đâu có gì lạ.

Vấn đề là những môi trường khiến cho lòng tham của hacker rộ lên. Chỉ một vụ tấn công vào Ronin bridge - cầu nối mạng blockchain Ronin Network (của game Axie Infinity) và Ethereum - đã giúp hacker lấy được tới 615 triệu USD. Kiếm tiền thật quá dễ dàng.

Và số tiền đó, trong những ngày qua đã được hacker dần kiếm cách tẩu tán. Còn phía Sky Mavis, đã phải huy động vốn đầu tư để trả cho khoản thiệt hại này của người dùng. Mới nhất, doanh nghiệp game này của Việt Nam đã gọi vốn được 150 triệu USD để trang trải cho “nợ nần” trên.

Game blockchain, ai bảo công nghệ blockchain thì tính bảo mật tuyệt đối và tin tặc vô phương đột nhập? Hãy xem lại quan điểm này. Chẳng có công nghệ nào, sản phẩm hay giải pháp nền tảng nào mà không có lỗ hổng, đường ngách, cửa hậu… và hoàn toàn có thể bị thâm nhập, tấn công.

Chính Nguyễn Thành Trung đã thừa nhận, doanh nghiệp đã bất cẩn, chủ quan, dẫn đến cú bị đánh cắp lượng tiền ảo trị giá 615 triệu USD.

615 triệu USD quy đổi, tương ứng hơn 14.000 tỉ đồng. Một số tiền khổng lồ bị đánh cắp và thất thoát chỉ sau một vụ tấn công của tin tặc. Đây là một vụ việc rất điển hình để cảnh tỉnh không chỉ đối với các doanh nghiệp phát triển và vận hành GameFi (trò chơi điện tử kèm theo yếu tố tài chính thường là các mã tiện ích hay còn gọi là đồng tiền mã hóa) nói riêng mà còn đối với giới doanh nghiệp nói chung.

Và có lẽ, đây cũng là vụ doanh nghiệp Việt bị tin tặc tấn công đánh cắp lượng tài sản (ảo) lớn nhất từ trước tới nay.

Tin tặc sẽ không từ bất cứ chiêu thức, thủ đoạn nào để tấn công và đánh cắp tài sản ảo, đặc biệt là tiền ảo. Gần đây, trên thế giới đã xảy ra nhiều vụ tin tặc tấn công đánh cắp tiền ảo trị giá hàng tỉ USD. Và mới đây, vụ tấn công vào Ronin bridge của Sky Mavis, được xếp vào một trong những vụ nghiêm trọng trong thế giới game blockchain nói riêng và công nghệ nói chung.

Với không ít doanh nghiệp, lượng tài sản bị đánh cắp lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng có thể sẽ phải phá sản, đình trệ hoạt động.

Nhưng vấn đề lớn hơn, nghiêm trọng hơn, đó chính là uy tín của doanh nghiệp và niềm tin của khách hàng/người dùng đối với doanh nghiệp bị hack. Nếu người dùng không còn yên tâm với doanh nghiệp đó, dẫn đến hành động tạm thời ngừng chơi, tạm ngừng giao dịch trên hệ sinh thái của doanh nghiệp đó, âu cũng là điều bình thường. Bởi với họ, sự rủi ro đã trở thành hiện thực và những gì lo lắng còn tiếp tục ở phía trước.

Tự vụ hack doanh nghiệp game Việt Sky Mavis cũng chính là một bài học đắt giá cho các doanh nghiệp Việt nói chung. Doanh nghiệp càng lớn mạnh, càng phải đầu tư củng cố, nâng cao hệ thống bảo mật cho vững chắc hơn nữa. Nếu không, sự cố xảy ra, mất mát có thể lớn hơn rất nhiều so với khoản cần đầu tư cho bảo mật hệ thống. 615 triệu USD, tương ứng khoảng 14.000 tỉ đồng, đầu tư cho bảo mật có lẽ không cần số tiền lớn đến như vậy.

(Theo Lao động) THẾ LÂM 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét