Thứ Ba, 5 tháng 4, 2022

Cảnh giác thương mại xuyên biên giới

 

Doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều đã kiểm soát được 9 container hàng

 Cập nhật lúc 08:44    

Qua đàm phán, các doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đã giành lại được quyền sở hữu 9 container hàng bị mất chứng từ gốc.


Các doanh nghiệp đã giành được quyền kiểm soát đối với 9 container hạt điều xuất khẩu nghi bị lừa đảo. Ảnh: T.L

Theo thông tin từ Văn phòng luật sư Davide Gallasso và cộng sự, các doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đã giành lại được quyền sở hữu 9 container hạt điều xuất khẩu bị mất chứng từ gốc bằng hình thức đàm phán, xác nhận với phía người mua rằng họ không liên quan đến lô hàng.

Các luật sư đã hết sức nỗ lực làm việc với một công ty Italia và được phía họ xác nhận rằng không liên quan đến 9 container hạt điều trên và cũng chưa bao giờ mua hàng của Việt Nam. Dựa vào xác nhận đó, các doanh nghiệp Việt Nam đã lấy ra được 9 container, có thể đổi vận đơn để bán cho khách hàng mới trong thời gian rất ngắn, giảm được tổn thất lớn.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã trả tiền bảo lãnh cho công ty vận chuyển để mang 3 container hàng về Việt Nam.

Điều đáng vui mừng là, trong số 100 container hạt điều xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam đã bán lại được 18 container hạt điều sang Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.

Trao đổi với PV Lao Động chiều 4.4.2022, ông Trần Hữu Hậu – Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) cũng xác định: 9 container hạt điều đã được doanh nghiệp lấy lại chủ quyền đối với bộ chứng từ gốc. Tuy nhiên, việc lấy lại hàng đang đòi hỏi các doanh nghiệp, VINACAS cùng các đơn vị liên quan mất rất nhiều thời gian, công sức.

“Hàng có lẽ không lo mất nữa, nhưng lấy lại được hàng thì cũng lắm nhiêu khê” – ông Trần Hữu Hậu nhấn mạnh.

Trở lại với vụ việc hàng chục container hạt điều suýt bị lừa đảo, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Trần Thanh Hải – Phó cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết: Trong hoạt động thương mại quốc tế vẫn xảy ra những rủi ro, trong đó có hoạt động lừa đảo. Hiện nay vẫn chưa có kết luận về bản chất của vụ việc các container điều ở Italia, nhưng nếu đây đúng là một vụ lừa đảo thì tính nghiêm trọng của nó thể hiện ở việc liên quan đến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam với khối lượng lên đến hàng chục container điều, cho thấy vụ lừa đảo được dàn dựng tinh vi trên quy mô lớn. 

Do đó, các doanh nghiệp cần kiểm tra kỹ đối tác qua nhiều kênh khác nhau, kể cả với những đối tác đã qua một vài lần làm ăn.

“Các doanh nghiệp nên giành quyền soạn thảo hợp đồng, trao đổi với đơn vị tư vấn để hiểu rõ, nắm vững nội dung các điều khoản của hợp đồng, các nghĩa vụ của mỗi bên, các trường hợp miễn trừ trách nhiệm, quy định về xử lý tranh chấp, bồi thường...

Đặc biệt, đối với trường hợp sử dụng phương thức thanh toán nhờ thu chứng từ như D/P, CAD hay L/C, doanh nghiệp không thông báo cho người mua số hiệu chuyển phát nhanh chứng từ đến ngân hàng, tránh trường hợp bị kẻ gian lợi dụng tìm cách chiếm đoạt bộ chứng từ trước khi đến tay ngân hàng” – ông Trần Thanh Hải khuyến nghị.

Luật sư Davide Gallasso khuyến cáo, các doanh nghiệp nên chủ động trong việc thuê tàu vận chuyển, nghĩa là xuất khẩu theo hình thức điều kiện CNF hoặc CIF. Bởi vì việc doanh nghiệp chủ động thuê tàu là đã có quyền kiểm soát chứng từ gốc và hàng hoá tốt hơn.

(Theo Lao động) Vũ Long

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét