Khi trẻ như đất sét để bố mẹ nhào nặn
Cập nhật lúc 15:29
Một số vị phụ huynh là bạn bè tôi nói
rằng chính bố mẹ cũng là nạn nhân của hệ thống giáo dục. "Cô giáo tổ
chức học thêm, ai mà lại dám không cho con đi"...
Tác phẩm Quái vật cô đơn của nhóm Sixsense nói lên tâm sự của các bạn trẻ trước áp lực của cuộc sống hiện đại - Ảnh: CMA Mấy
năm trước, trong một chuyến xe Grab, tôi được người lái xe kể rằng cứ hai tối
một lần, anh được thuê chở một cậu bé học lớp 10 đi học thêm. Thằng bé gầy
gò, đeo kính cận, nhìn có vẻ yếu đuối, nhưng đối với bố mẹ nó, chuyện thể
trạng của nó không đáng ngại bằng cái viễn cảnh kinh hoàng là nó không đỗ đại
học, vì gia đình thằng bé toàn những người học giỏi, đỗ đạt, thành công, có
chỗ đứng trong xã hội. "Thế
là họ bắt thằng bé đi học thêm đến tận khuya mới về nhà", anh lái xe
nói. "Học xong ở trường buổi chiều, nó chỉ kịp về ăn bát cơm rồi lại lên
xe đến lớp học thêm. Tôi không hiểu nó sẽ trụ được trong bao lâu áp lực ấy
nữa. Nhưng thực ra nó cũng không thể làm khác được. Bố mẹ nó đã đặt hết niềm
tin vào nó rồi". Câu
chuyện của cậu bé ấy là câu chuyện của rất nhiều đứa trẻ khác trong tầm tuổi
ấy, khi bố mẹ chúng coi cánh cửa đại học là con đường duy nhất dẫn đến thành
công, việc làm và nhiều người không mảy may quan tâm đến việc con có muốn thế
không, có thi đỗ không, có học nổi không, sức khỏe về thể xác và tinh thần
của con thế nào. Anh lái xe nói: "Tôi thương nó vô cùng. Tôi không muốn
con tôi cũng như thế. Anh xem điểm chuẩn nhiều trường bây giờ 28, 29 điểm thì
cửa nào mà vào". Ở ta,
giáo dục chưa bao giờ thôi là một trận chiến tốn tiền của và giấy mực, của áp
lực thi cử và thành tích. Bọn trẻ giống như cây mía được đút vào máy ép nước
mía, gánh không chỉ áp lực của gia đình lên những đôi vai non trẻ mà còn phải
đương đầu với những áp lực từ chính việc học. Áp lực
ấy đến hằng ngày, từ việc bố mẹ luôn hỏi con sau mỗi khi chúng từ lớp về
"hôm nay con được mấy điểm". Áp lực đến từ các kỳ thi và sau đó các
bố mẹ tự hào con có điểm cao khoe trên Facebook. Áp lực ấy đến từ việc ở các
cơ quan nhà nước, cứ đến 1-6 là công đoàn lại "hò" bố mẹ nào có con
là học sinh giỏi đưa giấy khen để họ tặng quà… Có ai nghĩ áp lực đó là thứ
thuốc độc vô hình trút lên vai những đứa trẻ? Nhiều
lúc tôi có cảm giác như bọn trẻ bây giờ trở thành một thứ đất sét để bố mẹ
nhào nặn thành thứ họ muốn và dồn vào đó tất cả những ước mơ, nguyện vọng mà
họ đã không thực hiện được khi còn ở tuổi của con mình. Rồi áp lực trở thành
một thứ công cụ giết người khi bố mẹ không đủ gần con, không đủ tinh tế để
nhận ra những vấn đề về sức khỏe tinh thần của con trong một thời gian dài.
Mấy vụ học sinh tự tử gần đây gây chấn động dư luận liệu đã đủ để thức tỉnh
cả một hệ thống giáo dục và chính bố mẹ trẻ? Một số
vị phụ huynh là bạn bè tôi nói rằng chính bố mẹ cũng là nạn nhân của hệ thống
giáo dục. "Cô giáo tổ chức học thêm, ai mà lại dám không cho con
đi", "Ngành giáo dục bao năm hô hào cải tiến cách học cách dạy và giảm
tải cho học sinh mà trên thực tế vẫn chỉ là những khẩu hiệu, chẳng có gì thay
đổi"… Những câu nói đó rất quen thuộc với chúng ta. Nhưng thực ra nếu
giảm tải và cải tiến chương trình học, cho phép trẻ học ít hơn thì bố mẹ có
thay đổi tư duy giáo dục với con không? Tôi
không biết cậu bé trong câu chuyện của người lái xe Grab kể bây giờ ra sao,
đã đỗ đại học và làm rạng rỡ dòng họ khoa bảng nhà cậu chưa. Nhưng tôi chỉ
mong cậu khỏe mạnh. Tôi cũng mong các bố mẹ nhận ra rằng trẻ học là để thành
người hạnh phúc và có ích, chứ không phải là trở thành cây mía, đất sét hay
tệ nhất, với một số trường hợp đã xảy ra, học không phải để chết. (Theo
Tuổi trẻ) Trương Anh Ngọc |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét