Vì sao kiến nghị thu hồi Di sản quốc gia Lễ giỗ bà Phi Yến?
Cập nhật lúc 10:03
Hội
đồng trị sự Nguyễn Phước tộc Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm và thống nhất kiến
nghị Bộ VH-TT-DL thu hồi quyết định công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc
gia đối với Lễ giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến.
Như
Thanh Niên đã thông tin, chiều 26.4, tại phủ thờ Tùng Thiện Vương (TP.Huế,
Thừa Thiên - Huế), Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc Việt Nam đã tổ chức buổi
tọa đàm khoa học về “An Sơn miếu và bà Phi Yến ở Côn Đảo, vấn đề từ truyền
thuyết đến hồ sơ di sản”.
Sau
buổi tọa đàm, Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc Việt Nam kiến nghị Bộ VH-TT-DL
thu hồi quyết định công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ
giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến. Vì sao có diễn biến này?
PGS-TS
Nguyễn Phước Bửu Nam, Chủ tịch Hội đồng Nguyễn Phước tộc Việt Nam, tại buổi
tọa đàm. BNL
Buổi tọa đàm có sự hiện diện và tham
gia của các nhà khoa học về lịch sử, văn hóa và về Vương triều Nguyễn đến từ
Huế và Hà Nội, như: PGS-TS Đỗ Bang, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt
Nam (nguyên Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên - Huế); nhà nghiên cứu
Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên Huế; nhà nghiên cứu
Nguyễn Quang Trung Tiến, nguyên Trưởng khoa Sử, ĐH Khoa học Huế; PGS-TS
Nguyễn Văn Đăng, nguyên Trưởng khoa Sử, ĐH Khoa học Huế; nhà nghiên cứu Trần
Đại Vinh, nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Thừa Thiên - Huế; nhà nghiên
cứu Nguyễn Đắc Xuân; TS Nguyễn Xuân Diện, Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Viện Hàn
lâm KHXH Việt Nam...
Về
phía Nguyễn Phước tộc, có PGS-TS Nguyễn Phước Bửu Nam, Chủ tịch Hội đồng
Nguyễn Phước tộc Việt Nam, và các vị trong hội đồng.
Buổi
tọa đàm đã nhận được 16 báo cáo tham luận của các nhà nghiên cứu, trong đó có
3 tham luận được trình bày tại tọa đàm cùng hơn 10 ý kiến tham luận.
Thứ
phi Hoàng Phi Yến không có trong chính sử
Các
ý kiến tham luận dựa vào chính sử triều Nguyễn, thế phả của Hoàng tộc triều
Nguyễn, ghi chép của các học giả người Pháp cùng các nghiên cứu đã công bố
chứng minh bà thứ phi Hoàng Phi Yến (còn gọi Hoàng Phi Yến, tên là Lê Thị
Răm) và hoàng tử Cải (còn gọi hoàng tử Hội An) là 2 nhân vật truyền thuyết hư
cấu, không có trong chính sử triều Nguyễn.
Nhà
nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, phát biểu ý kiến tại buổi tọa đàm. BNL
"Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc
Việt Nam đã rà soát Nguyễn Phúc tộc thế phả và Đại Nam liệt truyện thì hoàn
toàn không có ai là thứ phi vua Gia Long tên Lê Thị Răm và có tên thụy là Phi
Yến. Tương tự, trong gia phả hoàng tộc cũng không ghi chép tên của hoàng tử
Cải là con của vua Gia Long”, PGS-TS Nguyễn Phước Bửu Nam cho biết.
Theo
nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Thanh Lợi, truyền thuyết bà Phi Yến
khởi nguồn từ tín ngưỡng thờ Thiên Y Ana ở miền Trung, vào đến Nam bộ đã tích
hợp với tín ngưỡng thờ Thủy Long thần nữ, biến thành tục thờ Bà Cậu, một hóa
thân khác của Thiên Y Ana.
"Về
sau, nó được dã sử hóa qua hình tượng bà Phi Yến, gắn kết với hành trạng của
Nguyễn Ánh trong những ngày bôn tẩu, sau này là vị vua đầu triều Nguyễn đã để
lại rất nhiều dấu ấn ở vùng đất này”, ông Nguyễn Thanh Lợi nhận xét.
Nhà
nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cũng khẳng định: cái tên Lê Thị Răm, Hoàng Phi
Yến, hoàng tử Hội An (Cải) chưa bao giờ xuất hiện trong một tư liệu lịch sử
nào về triều Nguyễn.
"Từ
khi còn 'phục quốc', Nguyễn Ánh chỉ xưng là Nguyễn Vương từ năm 1780, người
vợ chính Tống Thị Lan được phong là Nguyên phi, người vợ hai Trần Thị Đang
được phong là Nhị phi. Đến khi vua Gia Long mất, vẫn chưa có bà nào được ban
mỹ tự. Vì vậy, không thể có một bà phi được gọi là 'Thứ phi', được ban mỹ tự
'Hoàng Phi Yến' từ khi vua còn 'bôn tẩu', khác với thông lệ", ông Nguyễn
Xuân Hoa lý giải.
Côn
Lôn có phải là Côn Đảo?
Nhà
nghiên cứu Phước Lộc từ nhiều nguồn khảo cứu tư liệu đã khẳng định đảo Côn
Lôn (ghi lại trong Đại Nam thực lục, nơi Nguyễn Ánh từng dừng chân trên đường
bôn tẩu) chính là đảo Cổ Long (Koh Kong), một hòn đảo nhỏ nằm phía biển
Campuchia, gần vùng biển Hà Tiên - Phú Quốc. Chứ không phải là Côn Đảo.
Học
giả người Pháp C.Maybon đầu thế kỷ 20 là người đầu tiên đã phát hiện và đính
chính “đảo Côn Lôn” ghi lại trong Đại Nam thực lục chính là đảo Cổ Long (Koh
Kong).
Nhà
nghiên cứu Nguyễn Quang Trung Tiến cho biết thêm, chi tiết gắn với một đoạn
sử liệu được ghi trong bộ sử biên niên Đại Nam thực lục của triều Nguyễn là
vào tháng 6 năm Quý Mão (từ 30.6 đến 28.7.1783 dương lịch) chúa Nguyễn Ánh từ
đảo Phú Quốc trốn sự truy đuổi của quân Tây Sơn đã chạy “ra đảo Côn Lôn” ẩn
náu; rồi đến tháng 7 năm Quý Mão (từ 29.7 đến 27. 8.1783 dương lịch) bị Tây
Sơn vây đánh tiếp ở “Côn Lôn” nên phải “vượt các vòng vây, đến đậu ở hòn Cổ
Cốt”.
“Người
đầu tiên phát hiện sự bất cập của ngôn từ và khẳng định 'Côn Lôn' trong đoạn
sử này không phải Côn Đảo, mà là để chỉ đảo Cổ Long (Koh Rong, Koh-rong) nằm
trong vịnh Xiêm La, là học giả người Pháp Charles B.Maybon”, nhà nghiên cứu
Nguyễn Quang Trung Tiến cho biết.
Vị
trí các đảo trên bản đồ theo phân tích của tác giả Phước Lộc
Theo đó, trong ấn bản vào 1930 dưới
nhan đề Lectures sur l'histoire moderne et contemporaine du pays d'Annam de
1428 à 1926 (Bài giảng lịch sử An Nam cận đại và hiện đại từ năm 1428 đến năm
1926), học giả Charles B.Maybon nhìn nhận “Côn Lôn” trong ngữ cảnh cuộc truy
đuổi chúa Nguyễn Ánh của quân Tây Sơn năm 1783 không phải là Côn Đảo.
Ông
viết: “Thật vậy, vào tháng 3.1783, Huệ và Lữ [hai anh em nhà Tây Sơn], với
lực lượng rất hùng hậu đã đập tan mọi cuộc kháng cự. Sau đó, ông hoàng (chúa
Nguyễn Ánh) bắt đầu cuộc sống bôn tẩu; bị kẻ thù truy đuổi một cách thê thảm,
ông phải phiêu bạt để trốn tránh ở vịnh Xiêm La. Từ Phú Quốc ông chạy ra
Koh-rong (đảo Cổ Long), đến Koh-kut (đảo Cổ Cốt), rồi trở lại Phú Quốc, đến
Poulo-Panjang (đảo Thổ Chu); nhiều lần mấp mé giữa sự sống và cái chết…”.
Từ
những phân tích qua sử liệu, yếu tố quân sự, địa lý và hàng hải, nhà nghiên
cứu Nguyễn Quang Trung Tiến cho rằng hai chữ “Côn Lôn” được đề cập trong ngữ
cảnh của Đại Nam thực lục nếu được hiểu/dịch thành Côn Đảo là hoàn toàn vô
căn cứ... “Điều này cũng đồng nghĩa chúa Nguyễn Ánh đã không có mặt ở đó (tức
Côn Đảo) năm 1783”.
"Và,
vì chúa Nguyễn Ánh trong thực tế khi trốn chạy quân Tây Sơn không thể đặt
chân đến Côn Đảo, nên mọi câu chuyện truyền thuyết liên quan đến hành vi của
ông ở đó chỉ là sự thêu dệt của đời sau. Một khi đã xác định đó là sự thêu
dệt, thì mọi công nhận liên quan đến câu chuyện Lễ hội Hoàng Phi Yến ở Côn
Đảo đều không có giá trị, cần thiết phải nhanh chóng thu hồi và đính chính để
giảm bớt những hệ lụy phát sinh", nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Trung Tiến
nêu quan điểm.
Làm
sai lệch và xúc phạm danh nhân lịch sử
Kết
luận buổi tọa đàm, các nhà nghiên cứu thống nhất với nhận định: triều đại nhà
Nguyễn là triều đại quân chủ cuối cùng, rất gần với thời đại chúng ta; những
văn bản chính sử triều Nguyễn với những ghi chép rõ ràng, đảm bảo lai lịch và
hành trạng cũng như công nghiệp của các vị hoàng đế triều Nguyễn là không thể
xuyên tạc.
Kiến
nghị của Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc có chữ ký của các nhà nghiên cứu
tham gia tọa đàm. BNL
Theo kiến nghị của Hội đồng trị sự
Nguyễn Phước tộc Việt Nam, việc công nhận Lễ giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến, lễ
hội truyền thống thuộc di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh An Sơn miếu tại
huyện Côn Đảo là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ sự gán ghép lịch sử
"là xúc phạm anh linh và hình ảnh của hoàng đế Gia Long, vị vua khởi
nghiệp triều Nguyễn cũng như Nguyễn Phúc tộc".
Các
căn cứ của hồ sơ công nhận di sản sẽ là khởi nguồn để nảy nở các sáng tác văn
học nghệ thuật (thơ văn, kịch nghệ, diễn xướng dân gian) về sau, lan truyền
và nhân bản các nhận định sai lầm và gây ra các hậu quả khôn lường.
Thêm
nữa, trường hợp hoàng đế Gia Long của triều Nguyễn là danh nhân lịch sử, nên
không thể đánh đồng với các trường hợp nhân vật truyền thuyết như Bà Chúa
Liễu Hạnh, Thánh Gióng, Vua Hùng hay Lý Ông Trọng... để lý giải cho việc công
nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nhà
nghiên cứu Trần Đại Vinh ký tên vào bản kiến nghị. BNL
Từ các tham luận, kết luận buổi tọa
đàm, các đại biểu có mặt đã cùng ký tên vào bản kiến nghị của Hội đồng trị sự
Nguyễn Phước tộc Việt Nam, gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ VH-TT-DL, Cục Di sản
Văn hóa cùng các cơ quan liên quan đề nghị thu hồi quyết định công nhận Lễ
giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến, lễ hội truyền thống An Sơn miếu tại huyện Côn
Đảo (Bà Rịa Vũng Tàu) là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Buổi
tọa đàm được tổ chức sau khi Bộ VH-TT- DL ban hành Quyết định số
773/QĐ-BVHTTDL ngày 4.4.2022 về việc đưa Lễ giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến
(H.Côn Đảo) vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Việc
công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với một lễ hội dân gian dựa
trên truyền thuyết đã gây nên nhiều tranh cãi và bất bình trong giới nghiên
cứu, trong đó có Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc Việt Nam.
Theo truyền thuyết địa phương, bà Phi
Yến là vợ thứ của Nguyễn Ánh, tên tục Lê Thị Răm, có người con là hoàng tử
Hội An (hoàng tử Cải). Do thua trận liên tục, Nguyễn Ánh muốn gửi hoàng tử
Hội An làm con tin, đi cùng Bá Đa Lộc sang Pháp cầu viện. Nhưng bà Phi Yến
can ngăn, Nguyễn Ánh nổi giận, nghĩ bà muốn thông đồng với Tây Sơn, định chém
đầu, nhưng cận thần can ngăn nên bà chỉ bị giam cầm trong hang đá.
Quân Tây Sơn sắp tràn vào đảo, Nguyễn
Ánh xuống thuyền chạy ra Phú Quốc. Hoàng tử Hội An khóc thét khi không thấy
mẹ, muốn được ở lại với mẹ. Nguyễn Ánh tự tay ném cậu bé hoàng tử 4 tuổi
xuống biển, xác trôi dạt vào bãi biển Cỏ Ống, dân làng chôn cất, lập miếu
thờ, gọi là miếu Cậu. Bà Phi Yến được vượn bạch và con hổ cứu sống, trông nom
mộ của hoàng tử. Dân trên đảo từ đó đặt ra câu ca dao nói về tình cảm mẹ con:
"Gió đưa cây cải (tức chỉ Hoàng tử Cải) về trời/Rau răm (tức chỉ bà Lê
Thị Răm) ở lại chịu đời đắng cay".
Về sau bị kẻ xấu xúc phạm, bà Phi Yến
tự vận thủ tiết. Người dân địa phương lập ngôi miếu thờ bà.
Lễ hội bà Phi Yến diễn ra vào ngày
18.10 âm lịch hằng năm và miếu An Sơn, thờ bà Phi Yến ở Côn Đảo được UBND
tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh ngày 8.4.2007.
Miếu
An Sơn. NGUYỄN HỮU LỘC
(Theo Thanh niên) Bùi Ngọc Long
|