Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2021

Lịch sử

 

CAO BẰNG ĐẦU NĂM 1979

(kỳ 5)

 Cập nhật lúc 10:45   

Đêm đã về khuya. Anh em trong tiểu đội đã ngủ yên. Mấy người đi đổi gác. Tôi mở cuốn sổ nhỏ ra soi đèn pin ghi chép tóm tắt tình hình trong ngày. Hôm nay đã là ngày 16-2-1979. Vậy là chúng tôi đã có mặt ở biên giới gần sáu tháng rồi. Cuốn sổ ghi chép của tôi đã ghi được rất nhiều sự kiện, nhiều chuyện buồn, chuyện vui ở nơi tuyến đầu này. Những kỷ niệm tháng ngày quân ngũ gian khổ như cộm lên trên từng trang giấy. Chiến tranh đang chờ đợi ở phía trước, cánh lính tráng ở nơi tuyến đầu chúng tôi chưa biết tương lai rồi sẽ như thế nào?

 

Khi tôi vừa ngả người xuống sàn nhà định chợp mắt một lát thì trung đội trưởng Phạm Hoa Mùi chạy đến gọi dậy và ra lệnh rất gấp gáp:

- Tiểu đội vô tuyến triển khai ngay các tổ đài xuống các đơn vị! Khẩn trương lên. Đúng 12 giờ đêm phải thông mạng liên lạc vô tuyến điện. Rõ chưa?

Tôi vừa dụi mắt vừa hỏi lại trung đội trưởng Mùi:

- Lại báo động kiểm tra phương án sẵn sàng chiến đấu như những lần trước à?

- Kiểm tra gì? Lần này là mệnh lệnh chiến đấu thật đấy… - Mùi hạ giọng nói tiếp: - Trinh sát bám đường biên vừa báo cáo về: Bọn Trung Quốc đã cắt phá hàng chục mét rào dây thép gai của ta trên tuyến biên giới chỗ gần cửa khẩu Bình Mãng. Bọn chúng cũng đã xua đuổi gần chục con trâu sang đất ta để phát hiện bãi mìn rồi. Rất có khả năng bọn chúng sẽ tấn công chúng ta trong đêm nay đấy… Ông cho triển khai mạng liên lạc vô tuyến điện thật khẩn trương nhé!

- Rõ rồi! Trung đội trưởng cứ yên tâm!

Tôi đáp và lập tức gọi anh em trong tiểu đội dậy giao nhiệm vụ mang máy vô tuyến xuống ngay các đại đội. Đã có phương án sẵn sàng chiến đấu nên các tổ đài lập tức lên đường ngay. Tiểu đội phó Vũ Văn Tự và Hoàng Quy xuống chốt Đại đội 10, Nguyễn Văn Châu và Hoàng Văn Phủng lên chốt của Đại đội 11, Trần Đức Đình và Phùng Văn Minh lên trận địa Đại đội 12 hỏa lực trên đỉnh núi đá. Nguyễn Văn Kếch và một chiến sĩ sang Đại đội 9. Tại sở chỉ huy tiểu đoàn chỉ còn tôi và chiến sĩ Hoàng Văn Mông.

Anh em chiến sĩ nhanh chóng lên đường làm nhiệm vụ. Hình như ai cũng hiểu tình hình khẩn trương lắm rồi. Trong khi chờ anh em triển khai lên trận địa của các đơn vị tôi dặn chiến sĩ Mông trực canh liên lạc rồi đeo súng nhảy xuống cầu thang nhà sàn đi ra con đường phía trước bản Cốc Vường ngược lên phía cửa khẩu Bình Mãng. Gặp thằng Tuất, tiểu đội trưởng ở trung đội vận tải, tôi hỏi:

- Tình hình thế nào rồi! Bọn mày đi đâu và ba lô đeo gì mà nặng thế?

Nhận ra tôi, thằng Tuất vừa nói vừa thở vì đeo nặng:

- Có lẽ sắp đánh nhau thật rồi anh ạ! Bọn em đang gùi thuốc nổ lên cho công binh phá hủy đường giao thông chặn xe tăng của bọn địch đây...

Thằng Tuất nói xong rảo bước đi luôn. Tôi nhìn theo cánh lính vận tải đang gùi thuốc nổ lên hướng biên giới mà trong lòng thấy thấp thỏm, ngổn ngang bao điều. Phía thị trấn bên kia biên giới đèn điện vẫn sáng rực, lấp lánh. Đêm nay miền biên cương này sao có vẻ yên ắng hơn mọi đêm. Tôi có biết đâu chỉ vài tiếng nữa nơi đây sẽ vô cùng dữ dội, ác liệt. Cơn lũ xâm lược của bọn bành trướng sẽ tràn sang nước ta, tàn phá nơi mảnh đất địa đầu Tổ quốc Việt Nam...

Gần 12 giờ đêm, các tổ đài đã gọi về báo cáo đã đến đơn vị. Mạng liên lạc vô tuyến điện sóng cực ngắn trong toàn tiểu đoàn đã được thông suốt. Tôi thấy yên tâm vì trong đêm tối các chiến sĩ của mình vẫn đến được các đơn vị an toàn tuyệt đối. Tôi lo nhất là tổ đài của Đình và Minh đêm tối phải leo dốc lên trận địa của Đại đội 12 trên núi cao. Con đường độc đạo lên núi cheo leo, có đoạn chỉ vừa bàn chân người đi, một bên là vách đá, một bên là vực sâu người và máy móc, vũ khí dễ mất an toàn, hỏng hóc. Tôi dặn dò các tổ đài phải luôn đảm bảo canh trực, khi tình huống chiến đấu xảy ra phải kiên quyết giữ vững thông tin liên lạc phục vụ chỉ huy tác chiến. Đoạn, tôi chạy đi báo cáo tình hình với trung đội trưởng và chỉ huy tiểu đoàn. Xong xuôi quay về nhà thì đã hơn một giờ sáng ngày 17-2. Mệt mỏi và buồn ngủ quá. Tôi ngả lưng xuống sàn kéo chăn đắp cho đỡ lạnh rồi thiếp đi trong giấc ngủ chập chờn.

Vừa chợp mắt được một lát thì tôi bất chợt giật nảy mình tỉnh giấc bởi hàng loạt tiếng nổ ầm ầm rất lớn. Ngôi nhà sàn tôi đang nằm rung chuyển, chao đảo. Tôi lẩm bẩm chửi: "Mẹ cha thằng Tàu khựa! Sao hôm nay chúng mày nổ mìn phá đá làm hầm hào công sự sớm thế, không để các ông mày ngủ một lát à?". Khi tôi vừa kéo cái chăn bông trùm kín đầu định ngủ tiếp thì nghe tiếng trung đội trưởng Phạm Hoa Mùi quát rất to ở ngay dưới gầm nhà sàn:

- Bảo ơi dậy đi! Bọn Trung Quốc nó đánh đến nơi rồi mà mày vẫn còn ngủ à?

Nghe thấy thế tôi vội vàng bật ngay dậy. Tôi vớ lấy khẩu AK, khoác ba lô lên vai lao ra ngoài sàn nhà. Một chùm đạn pháo nổ gần làm ngôi nhà chao đảo khiển tôi hơi loạng choạng.

Bầu trời đêm sáng rực.

Những luồng đạn pháo từ phía bên kia biên giới bắn sang xé toạc màn đêm ken dày đặc trên trời. Bọn xâm lược Trung Quốc đã nổ súng tấn công nước ta thật rồi, vậy mà lúc nãy tôi còn nghĩ bọn chúng nổ mìn phá đá làm hầm hào công sự như mọi bữa. Tiếng súng pháo nổ râm ran, tiếng đường đạn rít lên. Đạn địch bay rất gần, rất thấp, ánh chớp lửa bùng lên khắp xung quanh làm tôi hơi hoảng. Tội vội mở khóa nòng khẩu AK lên đạn vì tưởng bộ binh của địch cũng đang tràn đến. Nhưng rồi tôi trấn tĩnh lại được ngay. Tôi nghĩ đến việc phải đảm bảo thông tin thông suốt nhanh chóng cho việc chỉ huy chiến đấu. Tôi liền nhảy ào xuống đất. Chiến sĩ Mông cũng đeo chiếc máy thông tin vô tuyến 884 nhảy theo.

Trung đội trưởng Phạm Hoa Mùi tiếp tục gào to để tôi nghe rõ mệnh lệnh vì tiếng đạn pháo của bọn Trung Quốc nổ ầm ầm át cả tiếng người:

- Ra ngay hang Ma Gà! Vị trí của chỉ huy tiểu đoàn ở đấy. Khẩn trương triển khai thông tin phục vụ chỉ huy chiến đấu! Rõ chưa?

- Báo cáo, rõ...

Tôi cũng gào lên đáp lại rồi cùng chiến sĩ thông tin lao về hướng hang Ma Gà, nơi đặt sở chỉ huy chiến đấu của Tiểu đoàn 3.

Chúng tôi vừa chạy gằn, vừa bò từng đoạn. Nhiều khi phải nằm ép người lết dưới lòng con mương dẫn nước, nấp sau các bờ ruộng cao trên cánh đồng trống trải để tránh làn đạn từ phía bên kia biên giới bắn sang đồng thời cố gắng cơ động thật nhanh về vị trí chỉ huy của tiểu đoàn.

Trung đội trưởng Phạm Hoa Mùi chạy ở phía trước. Vừa chạy anh vừa quan sát, nghe tiếng pháo đầu nòng và liên tục gào lên bảo chúng tôi nằm xuống tránh đạn. Mịt mù khói lửa, tiếng nổ râm ran. Đạn pháo của địch bắt đầu bắn vào bản Cốc Vường, lửa cháy rừng rực. Chiến tranh tôi chưa từng trải qua nên chả biết pháo nó bắn thế nào, tiếng nổ đầu nòng, tiếng quả đạn rơi gần rú rít ra sao mà trú tránh, lúc nằm bẹp xuống mặt ruộng thì chả có quả pháo nào bắn tới, lúc vừa đứng dậy chạy thì nó nổ oành oành ngay trước mặt. Tôi giục người chiến sĩ của mình:

- Cứ chạy bừa đi, pháo của nó đang bắn vào sâu trong đất ta. Chúng ta ở gần sát đường biên nó chưa bắn đâu mà sợ!

Tôi không nằm bò nữa mà cứ thế chạy thẳng về hướng hang Ma Gà mặc kệ tiếng nổ râm ran xung quanh.

Bầu trời một vùng biên giới sáng rực lên như ban ngày bởi những luồng lửa đạn của quân thù. Những luồng đạn giặc bay xé nát cả màn đêm. Tiếng đạn pháo quân thù đinh tai, chói óc, tiếng đạn súng 12ly7 từ trên mỏm núi cao ăn sâu vào đất ta bắt đầu quét ràn rạt trên cánh đồng các bản Cốc Vường, Cốc Nghịu. Tiếng nổ của đạn súng 12ly7 đáng sợ hơn cả tiếng pháo. Trong các bản làng tiếng người nháo nhác gào gọi nhau thảm thiết, tiếng kêu khóc hoảng loạn của những người dân chưa kịp đi sơ tán. Tiếng chó sủa, gà kêu, bò rống tan tác, vỡ đàn. Tiếng tre nứa nổ lốp bốp từ những ngôi nhà trúng đạn đang bốc cháy rần rật.

Mọi thứ âm thanh hỗn độn hoà vào nhau trong khói lửa, mùi thuốc súng và cát bụi mù mịt. Đó là cảnh giờ phút đầu tiên của cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc mà tôi đã được chứng kiến. Một cuộc chiến không thể lãng quên trong tâm trí của bao nhiêu người lính biên cương...

Cao Bằng -1979

Ghi chép của Trọng Bảo

Theo Báo điện tử Tầm nhìn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét