Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2021

Lịch sử

 

CAO BẰNG ĐẦU NĂM 1979

 (kỳ 4)

Cập nhật lúc 08:00                 

  Vị trí chỉ huy và cơ quan tiểu đoàn bộ Tiểu đoàn 3 tiếp tục dâng lên phía trước. Chúng tôi chuyển lên đóng quân ở bản Cốc Vường, ngay phía sau các điểm chốt tiền tiêu cây đa thứ nhất và chốt cây đa thứ hai của Đại đội 11, cách đường biên giới và cửa khẩu Bình Mãng độ hơn nửa ki-lô-mét đường chim bay.

 

Bản Cốc Vường còn rất ít người dân ở lại. Hầu hết trẻ em, phụ nữ, người già đã sơ tán về phía sau hoặc lánh lên núi cao, chỉ còn một số dân quân, thanh niên trai tráng ở lại làm nhiệm vụ bảo vệ bản, trông coi nhà cửa và hỗ trợ bộ đội tuần tra canh gác, vận chuyển đạn dược. Bản Cốc Vường là nơi có đền thờ Đại vương Nùng Trí Cao, một nhân vật lịch sử sống vào những năm đầu thế kỷ XI (1025-1053). Ông quê ở châu Quảng Nguyên (nay là tỉnh Cao Bằng). Lúc sinh thời ông đã nhiều lần tổ chức lưc lượng chống phá quân giặc ngoại xâm góp phần bảo vệ biên giới quốc gia Đại Việt. Nùng Trí Cao được nhà Lý phong làm châu mục Quảng Nguyên, cai quản một vùng đất rộng lớn nơi biên ải bảo vệ bình yên cho nhân dân. Sau khi ông mất, vua Lý đã sắc phong cho ông là Khâu Sầm Đại vương. Nhân dân đã lập đền thờ vị tướng biên cương Nùng Trí Cao tại khu vực bản Cốc Vường. Chiến tranh biên giới xảy ra, đền thờ ông bị đạn pháo quân xâm lược bành trướng bắn phá tan tành. Nhân dân Sóc Hà đã xây dựng lại đền sau năm 1979.

Tiểu đội vô tuyến của tôi ở trên căn nhà sàn nhô ra sát con đường lên cửa khẩu. Đứng trên sàn nhà có thế quan sát các điểm chốt của Đại đội 11 và thấy rõ cả đài quan sát của bọn Trung Quốc ở mỏm núi đá phía bên phải trên đầu điểm chốt cây đa thứ nhất của Đại đội 11. Phía bên trái là trận địa Kéo Nghìn và bản Cốc Nghịu do Đại đội 9 phòng ngự. Trên dãy núi đá là trận địa hỏa lực của Đại đội 12 gồm các khẩu đội 12ly7 và cối 82 bố trí tại Lũng Mật, Lũng Vỉ. Từ trên trận địa của Đại đội 12 có thể quan sát rất rộng toàn bộ khu vực thị trấn Sóc Giang và thị trấn Bình Mãng bên kia biên giới. Đại đội 10 thì chốt giữ ở phía sau, trấn giữ con đường từ ngã ba Đôn Chương lên thị trấn Sóc Giang (huyện Hà Quảng). Trận địa phòng ngự của Đại đội 10 là mỏm núi đất nằm ngay dưới chân cao điểm 505.

Cao điểm 505 nằm trên dãy núi đất cây cối rậm rạp chạy song song với dãy núi đá vôi xuôi về phía xã Quý Quân và Mỏ Sắt, Thông Nông. Cao điểm 505 có tầm quan sát rộng, khống chế toàn bộ thị trấn Sóc Giang và xã Sóc Hà cho đến tận ngã ba Đôn Chương. Do phải di chuyển vị trí đóng quân lên bản Cốc Vường nên tiểu đội vô tuyến sóng cực ngắn của tôi đều có mặt đầy đủ ở cơ quan tiểu đoàn bộ. Các tổ đài đi tăng cường đảm bảo thông tin cho chỉ huy các đại đội đều rút về bản Cốc Vường. Lâu lâu rồi chúng tôi mới lại có một bữa ăn có mặt đầy đủ toàn tiểu đội thế này. Bữa cơm tối có một chút chất tươi. Nhà bếp cơ quan tiểu đoàn bộ mổ con lợn lấy thực phẩm nên mỗi người được vài miếng thịt, miếng lòng dồi.

Vừa ăn, tôi vừa tranh thủ phổ biến tình hình, động viên anh em và phân công công việc ngày mai cho các bộ phận. Ngày mai là chủ nhật, trừ bộ phận trực đảm bảo thông tin sẵn sàng chiến đấu số anh em còn lại của tiểu đội sẽ đi làm đất trồng ngô. Chúng tôi đã được bà con dân bản cho mượn một vạt đất gần phía hang Ma Gà để tổ chức tăng gia sản xuất. Mùa xuân đang tới. Mưa xuân tạo không khí ẩm ướt cho một vùng đất đai khô hạn. Cây cối đang lên chồi nảy lộc. Mùa xuân cũng là mùa cày cuốc gieo trồng trên vùng cao biên giới này. Nghe tôi phổ biến công việc xong thằng Châu liền hỏi luôn:

- Đánh nhau đến nơi rồi mà vẫn đi trồng ngô hả anh?

- Phải trồng để lấy lương thực chứ! Khi nào đánh nhau hẵng hay...

Nghe tôi nói vậy anh em ồn ào bàn tán. Tiểu đội phó Vũ Văn Tự nói:

- Khu đất sau bản ấy rất màu mỡ, trồng ngô chắc sẽ tốt lắm đấy! Tôi nói thêm:

- Ăn tối xong mọi người tranh thủ vào các nhà dân trong bản còn có người ở lại mượn cuốc xẻng để mai đi làm đất trồng ngô. Hạt giống tiểu đoàn sẽ cung cấp rõ chưa?

- Rõ... rõ...

Mọi người đáp và nhanh chóng thu dọn xoong nồi, bát đũa. Mấy anh em khác thì tranh thủ đi mượn dụng cụ lao động. Tôi rút cuốn sổ ghi chép ra nhưng chưa kịp viết gì thì tiểu đội trưởng truyền đạt Nguyễn Văn Đam đến. Tôi và thằng Đam ngồi nói chuyện với nhau. Đam nói:

- Tao có linh cảm là chiến tranh sắp xảy ra mày ạ!

Tôi bảo:

- Thì… chắc chắn thế nào chiến tranh cũng sẽ xảy ra thôi. Tình hình như thế này chả sớm thì muộn hai bên cũng phải choảng nhau một trận chí tử mới xong… Nghe tôi nói vậy Đam càng có vẻ trầm ngâm rồi nó nói:

- Biết bao giờ chiến tranh mới kết thúc để bọn mình ra quân về nhà tiếp tục ôn thi vào đại học nhỉ? Tôi ngập ngừng bảo:

- Cũng chả biết liệu bọn mình có còn cơ hội để học hành nữa hay không? Chiến tranh dù không xảy ra nhưng nếu cứ nhùng nhằng mãi thế này cũng khó mà xuất ngũ ra quân được… À… mày vẫn còn mang theo mấy cuốn sách giáo khoa để ôn thi đại học phải không? Thằng Đam gật đầu. Tôi nhăn mặt bảo:

- Tình hình thế này cũng đã đến lúc mày vứt mẹ mấy cuốn sách ấy đi cho nhẹ khi hành quân, để đeo thêm mấy băng đạn, vài cân gạo. Bao giờ chiến tranh chấm dứt chúng mình tính sau? Thằng Đam im lặng thở dài không nói gì. Đoạn, nó xách khẩu AK đứng dậy bảo tôi:

- Thôi! Tao về đây, sắp đến phiên đổi gác rồi!

Tôi nhìn theo thằng Đam tụt xuống cầu thang. Trông nó gầy gò nhỏ bé. Khi bóng thằng Đam đã lẫn vào bóng đêm rồi tôi vẫn chưa thôi suy nghĩ về nó. Tôi và thằng Đam cùng quê Lập Thạch, Vĩnh Phúc, cùng nhập ngũ tháng 2-1975. Hôm lên huyện tập trung để dự lễ giao nhận quân tôi chỉ có một bộ quần áo mặc trên người và cái túi đựng cuốn sổ ghi lưu bút của bạn bè. Trong khi đó thằng Đam đeo một cái bọc to kềnh càng sau lưng. Tôi hỏi:

- Mày mang theo đồ đạc gì mà nhiều thế?

Nó bảo:

- Tao mang theo sách vở để lúc nào rỗi thì học thêm. Hoàn thành nghĩa vụ trở về quê tao sẽ tiếp tục thi vào đại học.

- Mày viển vông quá! Đang chiến tranh thế này biết bao giờ mới trở về đi học được?

- Chiến tranh rồi cũng phải kết thúc chứ!

- Nhưng hành quân súng đạn, gạo củi nặng bỏ mẹ mày còn đeo thêm sách vở thế nào được.

- Tao sẽ cố...

- Thôi mặc xác mày!

Nhận quân trang xong, được cấp thêm bảy ki-lô-gam gạo nữa nên ba lô của chúng tôi căng phồng. Tôi cứ tưởng là sẽ leo lên ô tô rầm rập phóng ra mặt trận ngay. Nhưng không, chúng tôi được biên chế vào một đơn vị thuộc tỉnh đội. Và việc đầu tiên là hành quân bộ vượt sông Lô sang huyện Lâm Thao huấn luyện. Đoạn đường gần năm mươi cây số không xa, nhưng lần đầu tiên cuốc bộ lại không quen với đôi dép cao su mới phát nên chân tôi chầy chật rớm máu. Tôi để ý thấy thằng Đam vẫn lặng lẽ bước đi phía trước. Trông nó vóc dáng đã bé nhỏ nên như bị cái ba lô đè gập người xuống. Tôi nghĩ: "Cứ đà này thì qua phà nó ném bọc sách vở cho trôi sông Lô luôn!".

Nhưng Đam vẫn mang được bọc sách vở về đến đơn vị. Suốt thời gian huấn luyện chiến sĩ mới lúc nào được nghỉ tôi thường thấy Đam chúi đầu vào mấy cuốn sách. Mặc cho tôi và mấy thằng cùng tiểu đội khích bác nhưng Đam vẫn bỏ ngoài tai. Nhiều lần gặp tôi nó khoe vừa giải được một bài toán khó trong tuyển tập đề thi đại học. Tôi bảo:

- Biết bao giờ mới được ra quân mà mày học làm gì cho tốn công tốn sức?

- Thì rồi đến lúc cũng phải ra quân chứ. Chiến tranh chống Mỹ kết thúc rồi họ sẽ cho tụi mình về thôi!

Nhưng chúng tôi không được xuất ngũ như thằng Đam nói. Đơn vị chúng tôi nhận lệnh hành quân lên Hà Giang làm kinh tế. Chúng tôi nhận nhiệm vụ đào đất phá đá mở con đường lâm nghiệp giữa rừng sâu. Đó là những ngày gian khổ nhất của cuộc đời chiến sĩ chúng tôi. Sống giữa rừng sâu ăn uống thiếu thốn làm việc vất vả. Tôi và Đam mỗi người về một đơn vị khác nhau. Hôm đi công tác qua Tiểu đoàn 1, tôi tạt vào thăm thằng Đam vẫn thấy trên giá ba lô chỗ nó nằm những cuốn sách ôn thi đại học đã sờn gáy. Thì ra, nó vẫn không quên việc học tập. Hình như đối với nó học là một niềm vui hy vọng của cuộc sống.

Niềm hy vọng vào đại học của thằng Đam lại không thể thực hiện được khi chiến tranh biên giới đang có nguy cơ nổ ra bất cứ lúc nào. Tôi còn nhớ bữa còn ở bản Nà Cháo, một buổi tối, tôi đang nằm nghỉ sau một ngày đào hầm xây dựng trận địa thì thằng Đam ở đâu về. Nó đưa cho tôi hơn chục miếng bìa cứng có những ký hiệu bằng chữ và số được để trong túi giấy bóng kính cẩn thận. Nó bảo:

- Đây là mã số của từng người trong tiểu đội vô tuyến. Mày nhớ dặn mọi người luôn luôn để trong túi áo nhé! Phòng khi...

Nghe thằng Đam nói tôi hiểu. Những tấm bìa này ghi mã số của từng người để khi ai hy sinh thì chôn theo, sau này còn biết danh tính liệt sĩ. Nếu tôi nhớ không nhầm thì mã số của tôi ngày ấy là JA-301.

Hôm ấy, sau khi đưa cho tôi những miếng bìa ghi mã số để đánh dấu mộ chí khi cần thiết xong thằng Đam bỗng thần mặt ra một lúc rồi hỏi:

- Không biết sau trận này mình có được ra quân về đi học tiếp không nhỉ?

- Chắc chắn rồi! Mày cứ yên tâm...

Tôi an ủi nó nhưng chính tôi cũng không tin ở lời mình lắm. Tối hôm nay, thằng Đam lại nói về chuyện học hành. Tôi thấy thương nó quá. Tôi mong chiến tranh sẽ không bao giờ xảy ra để những người lính ham học như thằng Đam còn có được cơ hội bước vào giảng đường đại học...

Cao Bằng 2-1979.

Ghi chép của Trọng Bảo

Theo Báo điện tử Tầm nhìn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét