G7 nhóm họp, tuyên bố 'đa phương' đã
trở lại
Cập nhật lúc 08:06 Lãnh đạo G7 thảo luận về cách tái thiết kinh tế chịu ảnh
hưởng từ Covid-19 và đối phó "chính sách phi thị trường" của Trung
Quốc, tuyên bố "đa phương" đã trở lại. Cuộc họp của
lãnh đạo G7, nhóm các quốc gia kiểm soát gần một nửa nền kinh tế thế giới,
được tổ chức theo hình thức trực tuyến ngày 19/2 với sự chủ trì của Thủ tướng
Anh Boris Johnson. Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Italy Mario Draghi là hai
lãnh đạo lần đầu tham gia hội nghị thượng đỉnh G7. "Dựa trên
sức mạnh cùng giá trị của chúng ta là các nền kinh tế và xã hội dân chủ, cởi
mở, chúng ta sẽ phối hợp cùng nhau để biến năm 2021 thành bước ngoặt cho chủ
nghĩa đa phương, đồng thời định hình cho sự phục hồi nhằm thúc đẩy sức khỏe
cùng sự thịnh vượng cho con người lẫn hành tinh chúng ta", các lãnh đạo
G7 cho biết trong tuyên bố chung. Thủ tướng Anh Boris Johnson chủ trì cuộc họp trực tuyến
của lãnh đạo G7, ngày 19/2. Ảnh: Reuters. Các lãnh đạo G7
cam kết rót thêm 4 tỷ USD cho quỹ Tăng tốc Tiếp cận Công cụ Covid-19 (ACT-A)
và Chương trình Tiếp cận Vaccine Covid-19 Toàn cầu (COVAX), sáng kiến nhằm
phân phối vaccine tới các nước nghèo hơn. "Với các cam kết tài chính hơn
4 tỷ USD cho ACT-A và COVAX, tổng số hỗ trợ của G7 lên tới 7,5 tỷ USD". Nhóm G7 kêu gọi
đưa ra biện pháp phòng ngừa mạnh mẽ hơn để đối phó với đại dịch trong tương
lai, bao gồm xem xét một hiệp ước y tế toàn cầu và vấn đề phục hồi xanh của
các nền kinh tế sau ảnh hưởng từ Covid-19. "Việc làm và tăng trưởng là những gì chúng
ta cần sau đại dịch", Thủ tướng Johnson nói. Mặc dù Biden
nói Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh nặng ký nhất", nước này chỉ
được nhắc tới một lần trong tuyên bố chung. Các lãnh đạo G7 cho biết "sẽ
tham khảo ý kiến của nhau về cách tiếp cận tập thể nhằm giải quyết các chính
sách và thực tiễn phi thị trường" tại Trung Quốc. G7 cho biết sẽ
ủng hộ các nền kinh tế mở cùng "luồng dữ liệu tự do với niềm tin"
hoạt động trên "một hệ thống thương mại đa phương dựa trên các quy tắc
hiện đại, tự do và công bằng hơn". Các lãnh đạo G7
không nhắc trực tiếp đến việc Facebook chặn hiển thị các trang tin của
Australia, nhằm phản đối dự luật yêu cầu Facebook và Google trả tiền cho các
cơ quan truyền thông nước này khi tin tức được chia sẻ trên nền tảng của họ. Cuộc họp của
lãnh đạo G7 diễn ra trong bầu không khí được đánh giá mang tính hợp tác và vì
tập thể, khi Biden đưa ra thông điệp tái gắn kết với thế giới và các thể chế
toàn cầu sau 4 năm cựu tổng thống Donald Trump thi hành chính sách "nước Mỹ
trên hết". Các lãnh đạo G7
nhóm họp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến hơn 2,4 triệu người chết,
khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào giai đoạn suy thoát tồi tệ nhất kể từ cuộc
Đại khủng hoảng hồi những năm 1930, làm đảo lộn cuộc sống bình thường của
hàng tỷ người. G7 gồm Anh, Canada, Đức, Italy, Pháp, Mỹ và Nhật Bản, với tổng
sản phẩm quốc hội khoảng 40.000 tỷ USD, gần bằng một nửa thế giới. Nguyễn Tiến (Theo Reuters) |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét