CAO
BẰNG ĐẦU NĂM 1979 (kỳ 1) Cập nhật lúc 16:00 Cuối năm 1978
chúng tôi đã có mặt ở Cao Bằng. Trung đoàn 246 được lệnh buông cuốc xẻng,
dụng cụ lao động nhận vũ khí chiến đấu và lật cánh từ Hà Giang sang hướng Cao
Bằng. Lên đến Cao Bằng, chúng tôi đóng quân ở xã Đức Long, huyện Hòa An. Tôi
ở nhà ông Ngô Ngàn, Đại tá, Tỉnh đội phó Tỉnh đội Cao Bằng. Ngôi nhà của ông
được làm theo phong cách truyền thống của người Tày Nùng. Trên vách nhà
tôi thấy cái khung kính có một tờ quyết định do Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký
phong quân hàm thiếu úy do cho ông Ngô Ngàn. Tờ quyết định to và trang trí y
hệt một tấm bằng huân huy chương. Mấy hôm sau về thăm nhà gặp chúng tôi ông
Ngô Ngàn vui vẻ bắt tay hỏi thăm gia cảnh, quê quán. Nhưng rồi tôi nhận thấy
nét mặt ông chợt buồn. Là một người
chỉ huy có lẽ ông không mong muốn chúng tôi phải lên Cao Bằng quê hương ông
trong một tình huống như thế này. Ông bảo gia đình làm một bữa cơm thịnh soạn
để chiêu đãi cánh lính chúng tôi. Lần đầu tiên tôi được biết đến vị ngon bùi
của hạt dẻ Trùng Khánh hầm nhừ trong bát canh bữa cơm hôm ấy. Thời gian ở Đức
Long, theo chỉ thị của chỉ huy tiểu đoàn chúng tôi khẩn trương củng cố biên
chế của trung đội thông tin Tiểu đoàn 3. Tôi được bổ nhiệm làm tiểu đội
trưởng tiểu đội vô tuyến, Hà Trung Lợi, người Mường, quê ở Thanh Sơn, Phú Thọ
là tiểu đội trưởng hữu tuyến, Nguyễn Văn Đam quê xã Như Thụy, huyện Lập
Thạch, Vĩnh Phúc là tiểu đội trưởng truyền đạt. Chuẩn úy Phạm
Hoa Mùi đi học ở quân đoàn về làm trung đội trưởng. Thực ra cả bốn chúng tôi
vốn dĩ đều là lính của Đại đội 17 Thông tin, Trung đoàn 246 ngày còn đóng
quân ở Đại Từ, Bắc Thái. Thời gian làm kinh tế mở đường ở Hà Giang mỗi thằng
mỗi đơn vị khác nhau, khi lên Cao Bằng chiến đấu chúng tôi lại về cùng một
trung đội. Tôi và Nguyễn Văn Đam còn cùng nhập ngũ một ngày vào vào đợt vét
của cuộc chiến tranh chống Mỹ cuối tháng 2 năm 1975, cùng huấn luyện chiến sĩ
mới tại Trung đoàn 121 tỉnh đội Vĩnh Phú dưới chân núi Đền Hùng, Phú Thọ. Tôi và Đam còn
có cùng một thời gian vào nửa cuối năm 1976 đi học tại Trường Sĩ quan Thông
tin mãi tận Hà Bắc rồi cùng bị thải loại do yếu sức khỏe phải trở về đơn vị
cũ là Trung đoàn 246. Ấn tượng trong tôi là hình ảnh Nguyễn Văn Đam, một con
người nhỏ bé nhưng rất ham học. Lúc nào trong ba lô của Đam cũng luôn có mấy
cuốn sách giáo khoa lớp 10 để ôn tập mong một ngày ra quân để đi thi đại học.
Hà Trung Lợi, Nguyễn Văn Đam và tôi đều mang quân hàm hạ sĩ. Trong và sau
chiến tranh nhiều người được thăng quân hàm riêng tôi thì vẫn đeo quân hàm hạ
sĩ cho đến khi rời khỏi Trung đoàn 246... Theo lệnh của
chỉ huy tiểu đoàn, chúng tôi tiến hành chọn lựa từ các đại đội bộ binh các
chiến sĩ có trình độ văn hóa cao để đưa về trung đội thông tin của tiểu đoàn.
Tôi xuống đại đội 11 là đơn vị cũ của mình xin Nguyễn Văn Trọng, nhập ngũ
11-1976. Trọng quê ở xã Kim Long, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Trọng trình
độ văn hóa thấp, chưa học hết cấp 3, không đủ tiêu chuẩn về đơn vị chuyên môn
kỹ thuật. Nhưng tôi cố tìm cách giải thích mấy lần đề nghị để chỉ huy tiểu
đoàn chấp nhận điều động Trọng về trung đội thông tin. Đây có lẽ là
lần duy nhất trong quãng thời gian được làm người chỉ huy tôi đã lạm dụng
quyền hạn của mình để ưu ái cho một người chiến sĩ mà tôi quý mến. Thời gian
còn làm đường ở Hà Giang, Nguyễn Văn Trọng là lính của tiểu đội do tôi phụ
trách. Trọng là một chiến sĩ tốt, tính tình hiền lành, chịu khó, luôn hỗ trợ,
giúp tôi trong nhiều việc. Thời gian sau
nhờ sự cố gắng của mình Trọng đã được bổ nhiệm làm tiểu đội phó tiểu đội
truyền đạt. Sau này chiến tranh xảy ra, khi tiểu đội trưởng hy sinh Trọng đã
chỉ huy tiểu đội truyền đạt hoàn thành tốt nhiệm vụ đảm bảo thông tin liên
lạc và trực tiếp tham gia chiến đấu rất dũng cảm. Tiểu đội phó tiểu đội vô
tuyến của tôi là Vũ Văn Tự, tiểu đội phó tiểu đội hữu tuyến là Nguyễn Văn Bầu. Tôi còn nhớ khi
ở Đức Long ngày nghỉ đi chơi chợ Nước Hai (Hòa An) bất ngờ gặp trung úy
Nguyễn Văn Thấu, chính trị viên Đại đội 7 thời còn làm đường ở Hà Giang bây
giờ đang là cán bộ một đơn vị nữ. Tôi cũng gặp lại anh Nguyễn Ngọc Hương,
trung đội trưởng cũ của mình thời cuốc đất làm đường ở Hà Giang. Anh Hương đã
về phục viên. Anh mời tôi về nhà chơi. Nhà anh ở xã Hồng Việt, huyện Hòa An,
từ trung tâm huyện phải đi bộ mấy tiếng mới đến. Anh Hương là một người có
hoa tay, giỏi kẻ vẽ, làm báo tường rất đẹp. Khi đến nhà anh tôi mới biết anh
còn có một cô em gái rất xinh đẹp nữa. Sau này khi
chiến tranh biên giới nổ ra anh tham gia chiến đấu trong hàng ngũ dân quân
của địa phương và bị thương rất nặng. Huấn luyện ở Hòa An chưa được bao lâu
tiểu đoàn chúng tôi được lệnh hành quân lên Hà Quảng, áp sát đường biên giới.
Tình hình ngày càng thêm căng thẳng. Bọn Trung Quốc đã dồn quân lên sát đường
biên thì chúng ta cũng phải có mặt bên cột mốc để sẵn sàng đánh trả nếu chúng
kéo quân tràn sang xâm lược Việt Nam. Đơn vị chúng tôi hành quân theo hướng
qua Mỏ Sắt lên Quý Quân, Sóc Hà (Hà Quảng). Chúng tôi ở xã Quý Quân vài ngày
rồi mới chuyển lên đóng quân ở bản Nà Cháo thuộc xã Sóc Hà. Đơn vị vừa huấn
luyện vừa tổ chức xây dựng công sự, trận địa. Những tháng
cuối năm 1978, dọc tuyến biên giới Cao Bằng tình hình vô cùng căng thẳng,
nguy hiểm không khác gì một tổ ong sắp vỡ. Ta và địch đều tổ chức chuẩn bị
đánh nhau ầm ĩ suốt ngày đêm. Đó là tiếng mìn của hai bên phá đá làm công sự,
trận địa. Những cuộc tranh chấp biên giới nổ ra liên tiếp hằng ngày. Phía ta
tiến hành rào biên giới bằng rào tre, rào nứa, bằng chông tre, chông sắt ở
phía trước, giăng dây thép gai, gài mìn ở phía sau. Phía Trung Quốc cũng như
vậy, bọn chúng cũng ráo riết rào biên giới, củng cố xây hầm hào, công sự,
trận địa. Chúng tổ chức
phá hủy hàng rào biên giới của ta, đẩy hàng rào của chúng sâu vào trong đất
ta. Chúng nổ mìn phá đá suốt ngày đêm để xây lô cốt. Phía ta cũng ra sức
chuẩn bị đối phó khi cuộc chiến tranh nổ ra. Con đường độc đạo từ cửa khẩu
Bình Mãng xuống thị trấn Sóc Giang được đào hố đặt lượng thuốc nổ lớn sẵn
sàng phá đường để ngăn cản xe cơ giới của bọn địch. Lực lượng công binh đào
sẵn các lỗ đặt mìn chống tăng trên mặt đường. Bọn địch phá hàng rào biên giới
thì chúng ta đưa dân và bộ đội lên rào lại, kiên quyết không cho chúng lấn chiếm
một tấc đất của Tổ quốc. Bộ đội mặc thường phục để cùng nhân dân đi rào biên
giới. Những ngày ấy, nhìn những đoàn xe chở chở tre, chông sắt từ phía sau
lên biên giới tôi hiểu hậu phương đã phải bớt những cây tre làm nhà, chống
bão, bớt sắt thép dùng đúc lưỡi cày, lưỡi cuốc để vót thành chông, rèn thành
chông rào giậu biên cương chặn giặc... Ghi chép của Trọng Bảo
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét