CAO
BẰNG ĐẦU NĂM 1979 (kỳ 13) Cập nhật lúc 09:50
Buổi sáng ngày
20-2, tự dưng trời hửng nắng. Tiếng đạn pháo, tiếng súng bộ binh cũng lắng đi
một lát. Tôi chui ra bên ngoài cửa hang chính quan sát. Thị trấn Sóc Giang
bỗng bình yên lạ thường. Bản Nà Nghiềng nằm gần điểm chốt của Đại đội 10 có
nhiều cây cổ thụ nên xanh biếc. Mùa xuân đã đến rồi. Tiếng con suối chảy rì
rào phía bên kia cánh đồng. Có một tiếng gà gáy từ dưới bản vọng lên... Thị
trấn Sóc Giang nếu không có cảnh đổ nát hoang tàn, cây cối ám khói, những hố
đạn pháo lỗ chỗ trên mặt đường thì chẳng ai nghĩ ở nơi này đang xảy ra một
cuộc chiến tranh vô cùng khốc liệt. Thị trấn Sóc
Giang đã trở thành một “Tọa-độ-lửa” như chúng tôi đã gọi sau mấy ngày chiến
tranh. Mọi hỏa lực của quân giặc đều tập trung rót lửa vào Sóc Giang. Không
một thân cây, một ngôi nhà trong thị trấn còn nguyên vẹn. Kẻ thù đang bủa vây
bốn phía. Mọi nòng súng của chúng đều hướng vào thị trấn Sóc Giang, nơi đang
những người lính Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 246 kiên cường bám trụ. Lúc trời chưa
sáng hẳn, thị trấn có một khoảng thời gian yên hẳn tiếng súng. Có lẽ bọn
Trung Quốc xâm lược đang điều động lực lượng, tổ chức hiệp đồng để đánh một
trận quyết định vào thị trấn, quyết tiêu diệt gọn tiểu đoàn chúng tôi. Cái khoảng lặng
lúc này giống như giữa một vùng tâm bão. Thị trấn Sóc Giang đổ nát, cháy sém,
khắp nơi còn vương khói lửa tựa như một người lính bị trọng thương vẫn kiên
cường trụ vững và sẵn sàng lao vào một trận đánh mới. Tôi quay lại
chỗ cửa hang phụ, nơi bộ phận thông tin đang đặt máy vô tuyến điện. Hai bên
thành hang các chiến sĩ trinh sát, thông tin, vận tải chưa phải đi làm nhiệm
vụ và các thương binh đang tranh thủ ngồi dựa vào vách đá ngủ gà ngủ gật. Họ
đã quá mệt mỏi, đói khát sau ba ngày chiến đấu ác liệt và suốt đêm đi chuyển
thương, đào huyệt mai táng liệt sĩ, củng cố công sự trận địa. Nhìn những
người đồng đội súng dựa vào vai ngủ ngồi trong lòng tôi bỗng thấy nôn nao khó
tả. Bởi vì, chỉ sau một vài tiếng sau thôi trong số những người đồng đội ấy
nhiều người tôi sẽ không bao giờ còn gặp lại nữa. Và có thể chính tôi cũng
không còn được gặp lại họ nữa? Sau ba ngày đọ
sức quyết liệt với quân xâm lược đông đảo, Đại đội 11 bị đánh bật khỏi các
chốt cây đa số một và cây đa số hai hướng cửa khẩu Bình Mãng. Ban chỉ huy đại
đội hy sinh gần hết. Cán bộ, chiến sĩ Đại đội 11 bị thương vong quá nhiều
phải rút lui về phòng ngự ở trường cấp 1+2 Sóc Giang, gần vị trí hang của
tiểu đoàn. Đại đội 9 tiếp tục bảo vệ trận địa Kéo Nghìn và khu vực uỷ ban
nhân dân huyện Hà Quảng. Đại đội 10 thì vẫn phòng ngự ở mỏm đồi đất bên dưới
điểm cao 505 án ngữ con đường từ Ngã ba Đôn Chương, hướng từ thị xã Cao Bằng
lên thị trấn huyện lỵ Hà Quảng. Cả buổi sáng
ngày 20-2, bọn địch từ hướng Đôn Chương nống lên tập kết ở phía các bản Cốc
Sâu, Kép Ké. Bọn chúng bắn pháo và tổ chức hai đợt tấn công có tính chất thăm
dò không ác liệt lắm vào trận địa của Đại đội 10 án ngữ con đường lên thị
trấn Sóc Giang. Đài quan sát
báo cáo phát hiện có nhiều bộ binh, xe tăng địch tư Đôn Chương đang tiếp tục
hành tiến lên tập kết ở khu vực các bản Cốc Sâu, Kép Ké. Phía cửa khẩu Bình
Mãng bộ binh và xe cơ giới Trung Quốc cũng đang tiến xuống. Hướng Mỏ Sắt bộ
binh địch đã hành quân qua Quý Quân lên, áp sát bản Nà Cháo. Bọn lính đặc
nhiệm sơn cước, thám báo xuất hiện tại điểm cao 505 phía trên các điểm chốt
của Đại đội 10. Tại sở chỉ huy tiểu đoàn trong hang huyện uỷ giữa thị trấn
Sóc Giang lúc này chỉ còn có thượng uý Hoàng Quốc Doanh, chính trị viên tiểu
đoàn là người chỉ huy cao nhất. Tiểu đoàn trưởng Trần Tất Thiêm từ đêm hôm
trước nói là đi kiểm tra đốc chiến các đơn vị đã rời khỏi vị trí chỉ huy của
tiểu đoàn tại hang huyện ủy lên trận địa của Đại đội 12 hoả lực tít trên Lũng
Vỉ. Lũng Vỉ ở trên dãy núi đá cao, vách núi dựng đứng, hiểm trở, chỉ có một
lối mòn độc đạo lên núi, bọn địch chưa thể tấn công lên đấy được. Bọn địch đã
hình thành thế bao vây Tiểu đoàn 3 chúng tôi từ bốn phía. Liên lạc từ vị trí
chỉ huy của tiểu đoàn với các đơn vị chỉ còn đảm bảo được nhờ các đài sóng
cực ngắn 884 của bộ phận thông tin do tôi phụ trách. Mệnh lệnh chiến đấu của
chỉ huy tiểu đoàn, báo cáo tình hình của các đơn vị đều được chúng tôi truyền
đạt đầy đủ, thông suốt. Có nhiều lúc tôi cũng cuống cả lên vì tình hình khẩn
cấp từ các hướng mà tôi trực tiếp nghe qua các máy vô tuyến 884 điện báo về.
Trong khi đó, tiểu đoàn trưởng Trần Tất Thiêm từ mãi trên đỉnh núi đá cao
cũng cứ liên tục điện về chỉ đạo hành động của các cán bộ tại hang huyện ủy.
Tôi phải chạy đi chạy lại từ cửa hàng phụ vào giữa hang để truyền đạt lại ý
kiến của tiểu đoàn trưởng với chính trị viên Hoàng Quốc Doanh. Lúc đầu anh
Doanh còn im lặng nghe với vẻ khó chịu. Sau thấy tôi cứ tiếp tục thông báo
mãi ý kiến của tiểu đoàn trưởng từ trên núi truyền xuống anh nổi cáu quát: - Mày không cần
phải báo lại nữa! Ở trên núi thì biết mẹ gì tình hình đang diễn ra ở đây mà
chỉ đạo... Im đi, để tao còn chỉ huy chiến đấu giữ trận địa… Tôi hơi hoảng
vì từ hôm chiến tranh xảy ra đến nay mới thấy chính trị viên Hoàng Quốc Doanh
nổi cáu như vậy. Sau đó, hiểu là đã mắng oan tôi, lúc tình hình tạm lắng
xuống anh Doanh đi đến vỗ vai tôi và nói nhỏ chỉ đủ cho tôi nghe: - Lần sau, nghe
ông ấy có ra lệnh và chỉ thị gì thì mày không cần phải báo cáo với tao nữa
nhé! Tôi nhìn anh
khẽ đáp lại: - Vâng ạ! Anh Doanh gật
đầu rồi bảo tôi: - Mày lệnh ngay
cho Đại đội 12 lấy phần tử chuẩn bị bắn là vị trí tập kết của bọn địch ở khu
vực lò sấy thuốc lá bản Kép Ké nhé. Phải dập cho lũ Tàu khựa này mấy quả cối
82 để cảnh cáo bọn chúng! Tôi lập tức
thông báo cho Đại đội 12. Sau khi Đại đội 12 báo cáo chuẩn bị phần tử bắn
xong anh Doanh lệnh cấp tập liền năm quả cối 82. Đài quan sát báo về đạn rơi
trúng mục tiêu, quân địch nháo nhác, hoảng sợ... Đến bây giờ mỗi
lần tôi hỏi về việc tại sao tiểu đoàn trưởng Thiêm không có mặt ở vị trí chỉ
huy tiểu đoàn trong trận đánh ác liệt nhất ở “Tọa-độ-lửa” Sóc Giang ngày
20-2-1979, anh Doanh vẫn không trả lời một cách rõ ràng. Có lẽ anh không muốn
nói ra một điều không hay về người đồng cấp của mình? Anh Doanh không nói
nhưng tôi hiểu, chiến tranh sắt thép cũng còn phải tan chảy ra thành nước nữa
là... (Phần này được
chọn in trong Tuyển tập văn học Trái tim người lính-NXB Thanh niên 2020. Cao Bằng-1979 Ghi chép của Trọng Bảo Theo Báo điện tử Tầm nhìn |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét