CAO
BẰNG ĐẦU NĂM 1979 (kỳ 3) Cập nhật lúc 20:05 Sau tết âm lịch
xảy ra một vụ việc rất nghiêm trọng. Bọn Trung Quốc bất ngờ nổ súng vào lực
lượng tuần tra biên giới của ta tại khu vực cột mốc 115. Hai chiến sĩ trinh
sát hy sinh, một đồng chí bị thương. Việc ứng cứu, đưa các chiến sĩ hy sinh
và bị thương từ vị trí xảy ra chạm súng về tuyến sau rất khó khăn. Địa hình khu
vực này bọn địch có tầm quan sát rộng, lại có các điểm cao của chúng sát biên
giới khống chế cả một vùng rộng lớn xung quanh. Chúng ta đưa lực lượng lên
ngay sẽ tiếp tục bị tổn thất. Đến nửa đêm, ta mới đưa được các chiến sĩ trong
tổ tuần tra hy sinh và bị thương về phía sau. Họ là những người lính đầu tiên
ngã xuống trong chiến tranh biên giới phía Bắc ở khu vực Hà Quảng, Cao Bằng.
Không khí tang thương chết chóc bao trùm khắp các đơn vị và các bản làng khu
vực thị trấn Sóc Giang, xã Sóc Hà. Lễ truy điệu
các đồng chí hy sinh được tiến hành ngay ngày hôm sau trong không khí ảm đạm.
Tôi nhìn trong ánh mắt của những người lính, người dân không thấy sự sợ hãi,
chỉ thấy ánh lên nỗi đau thương, sự căm thù và có đôi chút lo lắng. Trong
thời điểm này chúng tôi hầu như ai cũng đều lo lắng. Chúng tôi lo không giữ
nổi trận địa trước “biển người” của bọn xâm lược, lo lắng cho nhân dân còn đang sinh
sống ở gần tuyến đầu biên giới. Nhân dân, thanh niên từ phía sau cũng không
còn kéo lên đường biên củng cố hàng rào, đào hố cắm chông nữa. Chuyện ném đá,
đánh nhau bằng gậy gộc của cả hai bên đều chấm dứt, chuẩn bị cho một cuộc đấu
súng thực sự. Trạm kiểm soát của công an vũ trang cửa khẩu Bình Mãng đã rút
hết lực lượng về phía sau. Nhân dân các bản gần đường biên được yêu cầu đi sơ
tán triệt để. Tôi chợt thấy lạnh lòng khi nhìn cảnh người dân lam lũ gồng
gánh đồ đạc, dắt díu trẻ con, lùa trâu bò đi xuôi về phía sau, bộ đội lầm lũi
vác súng đạn ngược lên phía trước. Đất nước mình
nghèo quá nhưng biết đến bao giờ mới hết cảnh loạn lạc như thế này? Không khí
chiến tranh đã thực sự nóng lên từng ngày. Tình hình căng thẳng như một sợi
dây đàn tăng quá cỡ sắp đứt phựt. Cánh lính chúng tôi không còn dám đi lại
lung tung nữa. Mỗi lần có nhiệm vụ lên sát đường biên phải hết sức thận
trọng, đi dưới chiến hào, trong khe núi đá hay dưới lòng suối tránh tầm quan
sát trên các điểm cao của bọn giặc. Sau vụ việc
này, bọn Tàu vẫn không ngừng khiêu khích. Bọn chúng liên tục bắn súng sang và
tăng cường phá hoại các tuyến rào phòng thủ của chúng ta. Đường biên vắng
lặng không một bóng người nhưng đâu đó sau các mô đá, dưới lòng mương, cạnh
bờ ruộng vẫn có những người lính luôn dõi mắt cảnh giác về phía quân thù.
Chúng tôi vẫn thường xuyên có mặt trên tuyến đường biên giới củng cố đường
dây thông tin, đảm bảo liên lạc bằng vô tuyến điện tại trận địa tiền tiêu của
Đại đội 11 ở chốt hai cây đa sát cửa khẩu Bình Mãng. Bản Nà Sác nằm
sát đường biên nên khi tình hình căng thẳng, nhiều hộ dân đã đi sơ tán. Lúc
dừng chuẩn bị bữa trưa, chúng tôi phải vào một nhà ở cách biệt tận trong hõm
núi mới có người còn ở lại để nhờ nấu cơm. Nhà chỉ có hai cô gái. Cô chị tên
là Kim chưa đầy hai mươi, cô em tên là Ngân mới mười bảy tuổi. Họ đều là dân
quân ở lại bám bản. Trung đội trưởng Phạm Hoa Mùi chắc đã biết rõ về gia đình
này. Anh ra hiệu cho tôi không được hỏi thăm gia cảnh của họ. Hai chị em
giành việc nấu cơm giúp chúng tôi. Tôi gỡ nắp ba lô đưa cho họ bao gạo và túi
thức ăn gồm hộp thịt và bó rau. Bữa cơm dọn ra,
cơm gạo mới thơm phức, lại có cả thịt gà nữa. Hai chị em cùng ăn với chúng
tôi. Họ ngồi ở đầu nồi xới cơm. Quả là hai cô gái rất đẹp. Con gái Tày đã đẹp
lại thường có nước da rất trắng và đôi mắt sáng long lanh như ngọc. Suốt bữa,
chị em Kim, Ngân ăn rất ít, họ lo tiếp thức ăn cho chúng tôi. Chúng tôi vui
vẻ nói chuyện. Nhưng tôi vẫn nhận ra nét mặt, nhất là trong đôi mắt của hai
chị em họ phảng phất ẩn chứa một nỗi buồn sâu thẳm. Ăn cơm xong,
chúng tôi lại tiếp tục lên đường. Hai chị em Kim, Ngân khoác ba lô của chúng
tôi tiễn ra tận đầu dốc. Nhận chiếc ba lô của mình từ tay bé Ngân tôi nhận
thấy bao gạo buộc tên nắp ba lô vẫn còn nguyên. Dọc đường, Mùi mới kể lại cho
tôi nghe câu chuyện về hai chị em họ. Đó là một gia đình có những khoảng thời
gian tràn ngập hạnh phúc. Nhà họ ngày xưa ở giữa bản, trâu ngựa, lợn gà đầy
sân, thóc lúa đầy sàn. Hai cô con gái càng lớn, càng xinh đẹp. Đêm đêm bóng
trai bản rập rình ngoài ngõ. Chẳng phải bỏ bùa yêu mà mãi tận những bản xa
cũng có lũ con trai kéo đến thổi kèn lá gọi bạn thâu đêm ngoài bờ rào. Ông bố
của hai nàng phải đốt đuốc, gõ ống bương lốp cốp để xua bọn con trai si tình.
Ông muốn để hai con học hành đến nơi, đến chốn. Nhưng rồi tai
hoạ đổ xuống đầu họ. Sau một lần khám bệnh, đoàn y tế trên tỉnh về phát hiện
ông bố có triệu chứng của bệnh phong. Ở vùng núi xa xôi hẻo lánh này tin đó
như một tiếng sét đánh gãy thân cây cổ thụ. Dân bản xa lánh dần, trai tráng
không còn dập dìu trước ngõ nữa. Khi người ta xác định đúng là ông bố bị bệnh
phong thì hai chị em Kim, Ngân không còn dám đến lớp nữa. Bệnh hủi khiến
nhiều người ghê tởm, xua đuổi. Đêm đêm, người ta ném gà chết, chó mèo chết
vào nhà. Gia đình họ phải dỡ nhà, khênh từng cây cột, cái kèo vào hẻm núi.
Ông bố cố gắng dựng lại ngôi nhà cho vợ và hai con gái trước khi được gọi đi
tập trung chữa bệnh ở một trại phong mãi dưới xuôi. - Chuyện là như
vậy đấy! - Phạm Hoa Mùi vừa xốc lại ba lô vừa hỏi tôi: - Ông có thấy sợ
không? Biết là bệnh phong không lây, không di truyền nhưng vốn là người yếu
bóng vía nên tôi cũng thấy hơi sờ sợ. Ở quê tôi người ta thường rất sợ căn
bệnh này. Bố tôi đã hơn trăm tuổi. Ông thường kể cho tôi nghe chuyện ngày
trước ở làng bên có một người bị bệnh hủi. Dân làng phát hiện xa lánh, họ
muốn đuổi cả nhà người có bệnh đi khỏi làng. Nhất là khi người bệnh đã phát
nặng mặt mũi sù sì, chân tay co quắp phá mủ chảy nước vàng hôi thối. Trước cảnh ngày
nào dân làng cũng xua đuổi, lý trưởng, chánh tổng phạt vạ, uy hiếp, những
người con của người bệnh đã phải đi đến một quyết định khủng khiếp nhất. Họ
mổ gà, giết lợn làm cơm cho ông ăn. Sau bữa cơm li biệt ấy, người con cả chủ
trì lễ tế sống bố. Họ để ông ngồi trên sập rồi vái lạy. Đến tối, cả nhà gạt
nước mắt đưa ông lên chiếc thuyền nan nhỏ. Nước lũ từ thượng nguồn sông Đáy
đang đổ về cuồn cuộn. Con thuyền nhỏ của những đứa con trong lòng rỉ máu ấy
đưa ông bố tật bệnh ra một chiếc chòi nhỏ trên bãi bồi giữa sông. Họ để ông
bố ở đấy rồi thả thuyền xuôi về phía hạ lưu chờ. Nước dâng ngập
bãi bồi, dìm chết người cha bị bệnh hủi. Dân chài lưới phía hạ lưu giúp những
người con tìm xác ông bố bị lũ cuốn trôi xuôi. Khi còn nhỏ tôi cũng thường
nghe chuyện người hủi chết huyệt phải đào sâu bốn mét đổ vôi bột sống xuống
rồi mới hạ quan tài, rắc thêm vôi bột lên trên xong mới lấp. Mả hủi thường phải
chôn rất xa những ngôi mộ khác. Phạm Hoa Mùi
còn kể cho tôi nhiều chuyện buồn của hai chị em Kim. Ngân. Họ không còn bạn
bè, xóm giềng. Hai chị em lớn lên như hai bông hoa tươi tắn, xinh đẹp nhưng
không một chàng trai nào đến tìm nữa. Họ phải lên núi cao tìm chỗ làm nương
trỉa ngô. Nỗi đau cô đơn của họ thật là khủng khiếp. Người mẹ của họ đau buồn
rồi ốm chết. Một buổi tối,
hai chị em vừa chuẩn bị đi ngủ thì có tiếng chân bước lên sàn. Hai chị em
hoảng sợ ôm chặt lấy nhau. Bởi vì đã rất lâu không còn có ai dám vào nhà họ
nữa. Có tiếng gọi nhỏ: “Các con ơi!”. Bé Ngân reo lên: “Bố! Bố về...”. Họ mở
cửa đón bố. Biết tin vợ chết, ông trốn trại phong tìm về nhà. Hai đứa con vừa
khóc vừa nấu cơm nếp, làm thịt gà cho bố ăn, gói cho bố đem đi đường. Họ van
xin: “Bố phải ra đi ngay trong đêm, ngày mai sáng ra dân bản mà nhìn thấy sẽ
xua đuổi, sẽ hắt hủi chúng con...”. Ông nhìn hai đứa con gái nước mắt ròng
ròng. Ông ra đi rồi
biệt tích từ đó. Có tin đồn ông đã chết đuối ở sông Bằng khi trèo mảng qua
sông giữa đêm. Lại có người bảo ông đã lấy một người đàn bà cùng cảnh ngộ rồi
được trợ giúp làm nhà chữa khỏi bệnh và ở ngay trong khu trại phong. Sau này,
khi cuộc chiến tranh biên giới nổ ra, hai chị em Kim, Ngân vẫn ở lại. Họ vác
đạn lên trận địa, đưa thương binh về tuyến sau. Hơn chục ngày giao chiến với
kẻ địch đông và mạnh ở thị trấn, chúng tôi rút lui lên núi. Đơn vị chia làm
nhiều mũi đột phá vòng vây để rút đi. Lên đến Lũng Vỉ, bất ngờ tôi gặp Ngân.
Cô bé súng khoác trên vai chững chạc, dày dạn hẳn lên. Tôi hỏi ngay: - Hai
chị em thế nào rồi? Ngân bật khóc:
- Chị Kim em chết rồi! Bọn địch phát hiện chị ấy chạy ra bờ suối đánh lạc
hướng để cứu thương binh. Khi chúng xông đến định bắt sống thì chị ấy đã cho
nổ quả lựu đạn... Tôi cầm tay Ngân, muốn an ủi cô bé nhưng chẳng biết nói thế
nào... (Còn nữa) Ghi chép của Trọng Bảo Theo Báo điện tử Tầm nhìn |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét