Thứ Bảy, 6 tháng 2, 2021

Đầu tư

 

Thái Lan ứng xử dự án thủy điện Mekong bằng quyền người mua...

Cập nhật lúc 08:18                 

Sử dụng lợi thế của người mua điện để thương lượng với Lào về các đập thủy điện trên sông Mekong là một cách để tác động của chúng. 

Thái Lan vừa tuyên bố bác bỏ báo cáo kỹ thuật của dự án đập thủy điện Sanakham của Lào vì lo ngại những tác động khó lường của dự án này khi con đập chỉ cách tỉnh Loei của Thái Lan khoảng 2km.

Tuyên bố được đưa ra tại cuộc họp lần 2 của Ủy hội sông Mekong (MRC) nhằm xem xét báo cáo kỹ thuật của dự án, trong khuôn khổ quy trình tham vấn trước của các nước thành viên.

Dự án đập thủy điện do Tập đoàn China Datang (Trung Quốc) phát triển, có tổng công suất 684 MW với chi phí hơn 2 tỷ USD và mất 8 năm xây dựng. Dự kiến, khi đập thủy điện đi vào vận hành năm 2028 sẽ chủ yếu bán điện sang Thái Lan.

Quyền của người mua

Từ trước đến nay, Thái Lan vẫn là nước mua điện lớn nhất của Lào. Thế nhưng lần này, Thái Lan đe doạ sẽ không ký thỏa thuận mua bán điện với Lào nếu xác định dự án thủy điện gây hại cho môi trường và đời sống của người dân ở khu vực sông Mekong.

Trao đổi với Đất Việt, Ths Kỷ Quang Vinh, nguyên Chánh Văn phòng Công tác biến đổi khí hậu Cần Thơ, khẳng định,  Lào xây thủy điện là việc nội bộ của quốc gia này và các quốc gia khác không thể ngăn cản. Tuy nhiên, việc Thái Lan nói thẳng vê dự định không mua điện từ đập Sanakham của Lào cũng một cách để hạn chế những tác động tiêu cực từ việc xây thủy điện trên dòng Mekong.

Theo vị chuyên gia, khi xây thủy điện trên một dòng sông có tôm, cá, đa dạng sinh học nhiều thì nó luôn có hại cho môi trường sinh thái, và về lâu dài, nước chủ trương xây dựng thủy điện có thể phải gánh đủ hậu quả.

Các nước ở hạ nguồn sông Mekong như Thái Lan, Việt Nam là những quốc gia chịu tác động nhiều nhất từ các đập thủy điện trên thượng nguồn, trong đó, ĐBSCL của Việt Nam có thể phải chịu tác động lớn.

"Chế độ nước ở ĐBSCL chịu ảnh hưởng hoàn toàn bởi sông Mekong vì ngoài mưa, ĐBSCL chỉ còn một nguồn nước là nước sông Mekong. Chế độ thủy văn, đa dạng sinh học bị thay đổi, tôm, cá không còn nhiều như xưa, thậm chí có nhiều loài có nguy cơ bị tuyệt chủng do không thích nghi được với sự thay đổi của quy luật, đồng bằng bị thiếu hụt phù sa... Đó là những vấn đề Việt Nam, cụ thể là ĐBSCL, phải đối mặt lâu dài", Ths Kỷ Quang Vinh chỉ rõ.

Vị chuyên gia đánh giá, cách làm của Thái Lan là một cách hay. Bản thân Thái Lan trước đây rất cần năng lượng nhưng biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, các quốc gia bắt buộc phải bảo tồn tự nhiên, sinh thái, hướng tới sử dụng năng lượng sạch.

Thủy điện ban đầu được cho là tốt cho nông nghiệp, giảm lũ thượng nguồn, điều chỉnh thủy lợi. Nhưng lợi ích này chỉ được phát huy khi các hồ chứa chứa hết được lượng nước mưa trong một năm, nếu không thủy điện hoàn toàn chỉ có phát điện mà không điều tiết được gì, thiếu nước thì chịu mà khi nhiều nước thì phải xả, từ đó ảnh hưởng đến sinh thái ở hạ lưu.

Chính vì thế, sử dụng ưu thế của người mua điện là một cách để buộc quốc gia xây dựng thủy điện phải ngồi vào bàn thương lượng.

 

Thai Lan phan doi du an thuy dien Mekong: Neu khong mua...Phóng to

Sông Mekong đoạn chảy qua khu vực biên giới Lào và Thái Lan. Ảnh: Reuters

Cần xem xét lại chính sách năng lượng

 Tiếp cận từ một góc độ khác, theo vị chuyên gia, điện gió, điện mặt trời ngày càng phát triển, cho nên, chủ trương xây dựng các đập thủy điện không có thể tạo nên gánh nặng cho các quốc gia đang đeo đuổi loại hình năng lượng truyền thống này.

Từ đó, ông khuyến nghị, đối với mỗi quốc gia, việc phát triển năng lượng phải bền vững. Đã đến lúc các quốc gia phải xem xét kỹ lưỡng chính sách năng lượng của mình.

Thủy điện mới đầu tưởng là bền vững nhưng thực ra ảnh hưởng đến cả môi trường tự nhiên và sinh thái, và như vậy gây hại đến cuộc sống của người dân sống ở lưu vực dòng sông đó.  

Điện mặt trời cũng gây một số lo ngại khi sau 30 năm, dự án chấm dứt, xử lý pin mặt trời hết hạn thế nào, chính sách thu hồi dự án ra sao? Điện gió bền hơn, không gây hại môi trường  nhưng đầu tư ban đầu cao.

Điện hạt nhân cũng chỉ được khoảng 100 năm nữa, chất thải vô cùng độc hại nếu quản lý không tốt. Sau vụ nổ Chernobyl, thảm họa động đất, sóng thần và rò rỉ hạt nhân từ máy Fukushima tại Nhật Bản, tâm lý e ngại điện hạt nhân càng nhiều hơn.

Phải đánh giá một cách toàn diện các phương án năng lượng, nhưng có thể khẳng định năng lượng sạch là xu hướng phát triển của tương lai và là điều tất yếu. Giá điện gió, điện mặt trời ngày càng rẻ, trong tương lai không xa Việt Nam có thể tự thỏa mãn được phần lớn nhu cầu điện của mình,Việt Nam cũng cần xem xét nhu cầu tiếp tục nhập khẩu điện trong tương lai", Ths Kỷ Quang Vinh đề xuất. 

(Theo Đất Việt) Thành Luân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét