Bàn về một vài nét văn hóa Cập nhật lúc 08:23 Theo khái niệm của UNESCO thì “Văn hóa là tổng thể sống động các hoạt động và sáng tạo trong quá khứ và trong hiện tại. Qua các thế kỉ, hoạt động sáng tạo ấy đã hình thành nên một hệ thống các giá trị, các truyền thống và thị hiếu - những yếu tố xác định đặc tính riêng của mỗi dân tộc”. Định nghĩa này nhấn mạnh hoạt động sáng tạo gắn liền với tiến trình phát triển có tính lịch sử của mỗi cộng đồng trải qua một thời gian dài tạo nên những giá trị mang tính nhân văn phổ quát đồng thời có tính đặc thù của từng dân tộc. Còn văn hóa theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Người nêu: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa”. Đi vào những vấn đề cụ thể của văn hóa thì lĩnh vực nào cũng sẽ có nét văn hóa riêng: Trong sinh hoạt hằng ngày có văn hóa giao tiếp, giao thông, xếp hàng, ứng xử nơi công cộng. Trong nghề nghiệp có văn hóa công sở, văn hóa doanh nghiệp (văn hóa kinh doanh). Trong lãnh đạo, quản lí có văn hóa từ chức… Thời đại ngày nay, văn hóa và văn minh gắn chặt với nhau, tạo nên những giá trị làm nền tảng cho sự phát triển của xã hội. Có thể thấy, văn hóa là giá trị cả vật chất và phi vật chất, được hình thành từ thực tiễn cuộc sống, kết tinh từ những sáng tạo riêng biệt, được lặp đi lặp lại, truyền giữ qua các thế hệ và nhân lên thành những giá trị chung đẹp đẽ. Văn hóa không thể có được thông qua quyền lực chủ quan của con người. Quyền lực, sự chi phối, tác động chủ quan chỉ là một thành tố có thể tác động thúc đẩy hoặc kìm hãm văn hóa. Ví dụ như Hà Nội xưa đã hình thành được nét đẹp văn hóa người Tràng An biểu hiện bằng cách ứng xử lịch lãm, thanh tao, nền nếp từ trong gia đình đến cộng đồng xã hội. Ngày nay, sự du nhập dân cư nhanh chóng, mạnh mẽ vừa là cơ hội (tiếp thụ những nét đẹp văn hóa đa dạng) vừa có nguy cơ làm phai nhạt nét đẹp văn hóa Hà Nội xưa. Trước “mối nguy” đó, Hà Nội đã có nhiều giải pháp từ giáo dục, tuyên truyền, vận động đến ban hành các văn bản pháp quy, xây dựng các thiết chế vật chất cho văn hóa.
Trong nhiều yếu tố hình thành một nét văn hóa không thể phủ nhận vai trò có ý nghĩa trước tiên, quyết định nhất đó là tấm gương. Cách đây 40-50 năm những ai trải qua mái trường phổ thông đều có thể nhớ một bài giáo dục luân lí, đó là bài đọc “Lê-nin trong tiệm cắt tóc”. Hình ảnh một vị lãnh đạo cao nhất của quốc gia vào tiệm cắt tóc cũng lặng lẽ ngồi xếp hàng chờ đến lượt, dù mọi người biết và nhường được phục vụ trước nhưng ông kiên quyết từ chối. Tin rằng hình ảnh đó có tác dụng nhất định tới nét đẹp văn hóa xếp hàng của thời bao cấp. Khi ai cũng nhận thức và chấp hành nghiêm túc, tự giác xếp hàng tại nơi dịch vụ công cộng sẽ hình thành nét đẹp Văn hóa xếp hàng. Có một thứ văn hóa được bàn cãi lâu nay của ta và chưa ngã ngũ rằng có hay chưa, đó là Văn hóa từ chức. Phải thừa nhận tại nhiều nước dân chủ phương Tây, việc từ chức đã phần nào hình thành được nét văn hóa riêng, đó là sự tự trọng. Điều này cũng chính là sự tôn trọng của người lãnh đạo đối với cử tri, người dân đã tín nhiệm, đưa họ lên vị trí quyền lực. Khi không còn đáp ứng được sự tín nhiệm, lòng mong đợi của Nhân dân, họ sẵn sàng từ nhiệm. Việc Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo từ chức vì lí do sức khỏe là một ví dụ sinh động. Việt Nam ta có một lãnh đạo cao cấp từ nhiệm được dân ca ngợi, đó là ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp xin từ chức vào năm 2004. Có lẽ từ đó đến nay đã 16 năm cũng mới chỉ có “một cánh én” trong hàng ngũ cán bộ cấp trung ương nên chưa tạo thành “mùa Xuân”. Văn hóa từ chức từng được một số đại biểu Quốc hội các khóa đề cập, chất vấn. Thể chế pháp luật đã có quy định cụ thể (Điều 30 và 54 Luật Cán bộ công chức 2008) song thực tiễn chưa có những tấm gương với số lượng “đủ” để hình thành một nét văn hóa./. (Theo dongquanho.blogspot.com) Hoàng Đình Khải |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét