Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2020

Giáo dục

 

Người ta đang làm đối phó để giữ lại sách Cánh Diều!

Cập nhật lúc 09:32   

 

SGK Cánh Diều đã thất bại trong việc truyền thụ cảm xúc cho lứa học sinh măng non ngay khi tiếp xúc với những bài học đầu đời. Còn với việc điều chỉnh và bổ sung ngữ liệu SGK Cánh Diều cũng chỉ là sự chắp vá vụng về, không thể sửa chữa sai lầm và càng không thể khắc phục được sự thất bại của bộ sách.

 

Trẻ em với tâm hồn trong trẻo và ngây thơ cần được tắm mình bằng những bài học cảm xúc tích cực và trong sáng. Sách giáo khoa (SGK) lớp 1 - những bài học đầu đời chính là tấm áo tâm hồn, nhất thiết phải được "may đo" cẩn trọng, chu đáo và đẹp đẽ. Những bài học đầu đời cực kỳ quan trọng, bởi đó là hành trang cho suốt những năm tháng tuổi thơ.

Nhưng, đọc kỹ và so sánh Sách Giáo khoa Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều với bộ SGK Tiếng Việt lớp Một Nhà xuất bản Giáo dục, năm 1990, tôi cho rằng, thật đáng tiếc, SGK Cánh Diều đã bị "may đo" cẩu thả. Chính vì thế, một thế hệ trẻ thơ ngay từ lớp 1 đã phải khoác lên mình tấm áo tâm hồn xấu xí. 

Bộ Giáo dục Đào tạo đã ban hành các quy định  về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn SGK; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK. Các quy định đó nêu rõ: Phải bảo đảm tính cơ bản, khoa học, thiết thực, phù hợp với thực tiễn Việt Nam; các bài học trong SGK tạo cơ hội và khuyến khích học sinh tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập, phát huy tiềm năng của mỗi học sinh; và diễn đạt trong sáng, dễ hiểu… phù hợp với lứa tuổi học sinh... Thế nhưng SGK Cánh Diều ngay từ đầu đã phạm phải những điều tối kỵ ấy.
Sai lầm ấy bắt nguồn từ tư duy. Với nguồn ngữ liệu thiếu tính kế thừa, không được chọn lựa, chắt lọc và thẩm định kỹ càng, SGK Cánh Diều gần như xóa trắng mảng ca dao, đồng dao, tục ngữ, đoạn thơ. Có đáng buồn không khi trong tổng số hơn 150 bài tập đọc, SGK Cánh Diều chỉ có khoảng 20 bài/đoạn thơ, ca dao, tục ngữ - cá biệt ở tập 1, chỉ có 2 bài thơ trong tổng số 75 bài tập đọc. Trong khi các hình thức thể hiện này, với cách gieo vần, tính nhạc, âm điệu của nó lại rất dễ nhớ với trẻ nhỏ.

Chối bỏ nguồn mạch trong trẻo và phong phú, SGK Cánh Diều sa đà và lạm dụng những bài/đoạn văn quá nặng yếu tố kỹ thuật về âm, vần mà bỏ quên "lời hay, ý đẹp".

 

Bài "Hồ sen" đã được chỉnh sửa trong sách Cánh Diều nhưng vẫn cụt lủn, rời rạc.

 

2 bài sau đây là ví dụ: Bé Lê mê ti vi. Ti vi có sân cầm. Bé chỉ: "Cò… cò…". Ti vi có cá mập. Bé la: "Sợ!" Má bế bé, vỗ về: Cá mập ở ti vi mà". Má ấm quá, bé chả sợ nữa (bài Bé Lê, trang 73 tập 1); hay: Chị Thơm ra đề: "Cặp của Bi có 3 quả cam…". Bi đáp: Em chả đem cam ra lớp. Chị ví dụ mà… Chị tiếp nhé: Bi cho Bốp 1 quả… Chị nhầm ạ. Em Bốp chỉ bú tí mẹ. Thì chị ví dụ mà… (bài Ví dụ, trang 89, tập 1).

Nghiêm trọng hơn, nguồn ngữ liệu vốn đã ô tạp lại còn bị lắp ghép khiên cưỡng với cách "kể", "phỏng theo" đã khiến rất nhiều nội dung, mối quan hệ bị sai lệch - thậm chí còn bị coi là "xuyên tạc". Chính bởi ngôn ngữ trúc trắc, xa lạ; hình ảnh bạo lực, thói hư tật xấu; câu cú cụt lủn, rời rạc; nội dung hời hợt cùng cấu trúc nặng nề… SGK Cánh Diều đã không kiến tạo, vun đắp được cảm xúc tích cực về sự gần gũi, thân thương, trong sáng, dễ đọc và dễ hiểu.

Một thế hệ học sinh lớp 1 đang học những bài học đầu đời như thế.

Sau phản ứng gay gắt của dư luận, SGK Cánh Diều được yêu cầu chỉnh sửa. Trong vòng 1 tháng, đơn vị làm SGK Cánh Diều đã đưa ra Tài liệu Điều chỉnh và Bổ sung Ngữ liệu SGK Tiếng Việt 1. Theo đó, trong hơn 330 trang sách và 150 bài tập đọc, Tài liệu này thay thế 11 bài và bỏ/điều chỉnh 20 từ/câu. 

Nhìn vào đây, ai cũng có thể thấy ngay rằng: Cấu trúc và bản chất những sai lầm của SGK Cánh Diều không thay đổi. Điều đó đồng nghĩa sự nặng nề về khối lượng chương trình; sự nặng nề trong bài học gồm phần âm, vần, hình ảnh, nội dung đều vẫn như cũ.

Cụ thể, nếu như ở bài 1 SGK lớp Một (xuất bản năm 1990 - gọi tắt là SGK Cũ), học sinh chỉ học chữ O; thì ở bài 1 SGK Cánh Diều, học sinh đã phải học chữ A và C. Bên cạnh đó trong Cánh Diều, học sinh cũng phải học nhiều bước bao gồm: Làm quen - đánh vần - nói to/nói thầm - tìm tiếng có âm - tìm chữ a,c - tập viết. Hay ở SGK cũ, học sinh học đến bài 79 - 80 đã ôn tập cuối kỳ 1; thì ở SGK Cánh Diều, học sinh phải học đến bài 93 rồi mới ôn cuối kỳ và khối lượng ôn tập nhiều hơn. Tình trạng này tương tự ở tập 2 và học kỳ 2 khiến tổng khối lượng sách Cánh Diều nặng hơn SGK Cũ rất nhiều. Liệu những bước triển khai bài học như vậy có khoa học, hợp lý?

Chưa hết, số lượng từ ngữ và hình ảnh của SGK Cánh Diều đồ sộ hơn SGK Cũ rất nhiều. Ví dụ, ở bài 1 SGK cũ, học sinh chỉ tiếp xúc với 3 hình vẽ để học chữ O là: Gà gáy ò ó o; chùm nho và con bò; còn ở SGK Cánh Diều, học sinh phải tiếp xúc tới 16 hình ảnh cùng với rất nhiều hình ảnh chữ cái khác. Tương tự ở bài 47, SGK Cũ dạy vần in/un có ngôn ngữ gắn với hình ảnh: Số chín/con giun cùng đoạn thơ "Ủn à ủn ỉn/Chín chú lợn con/Ăn đã no tròn/Cả đàn đi ngủ"; còn ở SGK Cánh Diều, bài 64 dạy vần in/ít có ngôn ngữ gắn với hình ảnh: Đèn pin/quả mít và các chữ nín/tin/nhìn/thịt/vịt/chín kèm theo là bài tập đọc "Cua, cò và đàn cá" (2) - nay thay bằng bài "Hồ sen".

Dụng công "tháo và lắp" những bài tập đọc cùng từ/câu trong Tài liệu thì thấy sai lầm và thất bại của SGK Cánh Diều vẫn không thay đổi. Những từ ngữ mang tính chất bạo lực, xa lạ như: "đòi ăn thịt" (bài Mưu chú thỏ, trang 45), "cáo lao tới ngoạm gà", "cáo uất quá" (bài Cáo và gà, trang 51), "chó Tuyn và mèo Kít" (bài Đôi bạn, trang 59), "Lũ cá nhỏ luýnh quýnh xin tha mạng" (bài Cá to, cá nhỏ, trang 73)… vẫn còn đó.

Những bài đọc ngô nghê, khó hiểu, cảm xúc tiêu cực như "Ví dụ", "Chuột út 1", "Gà nhí nằm mơ", "Lúa nếp, lúa tẻ", "Thi vẽ"… không được thay thế. Ngay trong 11 bài tập đọc được thay thế, vẫn hoàn toàn không có bài thơ nào. Cứ như 11 bài tập đọc thay thế được lấy lại từ chính nguồn… đã bị loại.

Có lẽ nào chỉ "vá víu" 11 bài/đoạn văn; bỏ, chỉnh 20 từ/câu lại là phép màu biến "tấm áo tâm hồn" SGK Cánh Diều xấu xí trở nên hoàn thiện và đẹp đẽ được sao?

Những người làm SGK Cánh Diều dường như bỏ qua những chức năng khác của giáo dục. Đó không chỉ là việc dạy một đứa trẻ kỹ năng biết đọc biết viết chữ. Việc dạy và học là quá trình truyền thụ, tiếp xúc và cảm nhận. Quá trình ấy cần bộ SGK với những câu chuyện đẹp, bài thơ hay, lời ca dao, tục ngữ dễ đọc, dễ hiểu; từ đó dạy học sinh cả năng lực cảm nhận, năng lực tư duy logic và tư duy thẩm mỹ, năng lực sáng tạo với khả năng mộng mơ và óc tưởng tượng.

Không làm được điều này, bộ SGK ấy tốt nhất nên được thu hồi.

(Theo Dân Việt) Phạm Anh Xuân

 

Một Cánh diều rách nát, liệu có bay lên được nữa không? Đừng bắt các em phải dùng một thứ “vá chằng vá đụp”. Hãy vì tương lai con em chúng ta, dũng cảm vứt đi chiếc diều rách!

Thương Giang


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét