Bữa ăn “nhẹ”, sách nặng hơn và tăng giá gấp đôiCập nhật lúc 09:44
Việc các phụ huynh phải kéo nhau đến “vây” trường vì bữa ăn của học sinh quá nghèo nàn, thiếu chất là một khía cạnh buồn của giáo dục.
Mấy hôm nay, chủ đề các phụ huynh trường tiểu học Trần Thị Bưởi (Quận 9, TP.HCM) phải kéo đến “vây” trường từ tờ mờ sáng để phản đối việc bữa ăn kém chất lượng của học sinh bán trú đang thu hút sự chú ý của dư luận. Một người mẹ cho biết đã không cầm được nước mắt khi chứng kiến các con ăn cơm chỉ có 1 miếng trứng và 1 tô canh lõng bõng, vài quả chuối tráng miệng. Mỗi bữa ăn như vậy cộng một bữa xế, học sinh phải đóng 30.000 đồng cho nhà trường. So với giá suất ăn tương đương bán ngoài thị trường, đó là một thực đơn không thể chấp nhận nổi. Phẫn nộ hơn nữa khi vào kiểm tra bếp ăn, phụ huynh phát hiệu nhiều rau, củ đã dập nát, hư hỏng, gia vị thì không rõ nguồn gốc. Sau khi đông đảo phụ huynh lên tiếng phẫn nộ, bà Thu Hương- Hiệu trưởng trường Trần Thị Bưởi cho biết đây là 1 bài học, nhà trường “xin rút kinh nghiệm” và đổi nhà cung cấp thực phẩm. Đến ngày hôm qua, 3/11, bữa ăn của các học sinh của trường đã có cải thiện với các món cơm, món mặn, món xào, đầy đủ dinh dưỡng hơn. Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Trường phòng GD&ĐT quận 9 cho biết sự việc xảy ra ở Trường Tiểu học Trần Thị Bưởi, quận 9 là “một sự cố hết sức đáng tiếc”. Thực sự, đây không phải là một câu chuyện cá biệt, tình trạng này đã xảy ra nhiều lần, ở nhiều địa phương. Bởi bớt xén bữa ăn bán trú của học sinh là một “nguồn thu” với nhiều đơn vị cung cấp bếp ăn, và tình trạng này không thể diễn ra nếu không có sự “làm lơ” vì mục đích “nào đó” của những người đứng đầu trường học. Bớt xén cả bữa ăn của trẻ nhỏ để kiếm lời, đó là một sự táng tận lương tâm. Những người lớn tham gia vào “phi vụ bẩn” đó phải bị xử lý đến nơi đến chốn và làm rõ trách nhiệm thuộc về ai chứ không thể chỉ “rút kinh nghiệm” là xong, và Phòng Giáo dục cũng không nên gọi đây là “sự cố đáng tiếc”. Bên cạnh bữa ăn lõm bõm tới mức… tối giản như vậy, hôm qua, trước diễn đàn Quốc hội, bộ trưởng Bộ GD ĐT đã lên tiếng giải thích vì sao giá bộ sách giáo khoa cải cách từ năm học này lại tăng gấp đôi năm ngoái. Theo Bộ trưởng Nhạ, sở dĩ giá sách tăng như vậy do bộ sách giáo khoa lớp 1 hiện nay được soạn theo chương trình cải cách, chú trọng giảng dạy theo phân loại phẩm chất, năng lực học sinh. Số lượng trang sách nhiều hơn và chất lượng in tốt hơn nên giá thành cao hơn sách cũ. Ngoài ra, vì soạn theo mô hình “xã hội hóa” chứ không được trợ cấp kinh phí như trước, nên khiến cho giá thành bộ sách cao hơn. Như vậy, 1 trong những nguyên nhân gây tăng giá sách vì số lượng trang sách dày hơn, chất lượng in tốt hơn. Nói cách khác, sách dày hơn nên giá tăng. Nguyên nhân này có lẽ không làm hài lòng nhiều bậc phụ huynh. Bởi bao năm nay, chuyện giảm tải chương trình giáo dục phổ thông đã bàn rất nhiều nhưng cuối cùng không mấy cải thiện. SGK cải cách lớp 1 năm học mới đây đã khiến “dậy sóng” dư luận vì chương trình quá nặng, gây áp lực cho học sinh. Đó là còn chưa kể bộ sách Cánh Diều bị nhiều người phản ứng, “nhặt sạn” đến mỏi tay. Giá tăng cao gấp đôi không đồng nghĩa với chất lượng “cao gấp đôi”, sách dày hơn cũng có nghĩa là chương trình sẽ nhiều hơn, trẻ phải ghi nhớ nhiều kiến thức hơn. Và điều đó chứng tỏ, mục tiêu “giảm tải” của ngành giáo dục vẫn còn xa đích đến. (Theo Đất Việt) Mi An |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét