"Đừng mang danh từ thiện cứu trợ để trục lợi, đánh bóng tên tuổi"Cập nhật lúc 14:16
Theo đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thị Xuân Thu, làm từ thiện cũng phải có văn hóa, văn hóa từ thiện, đừng mang danh từ thiện, cứu trợ để trục lợi, đánh bóng tên tuổi hay phô trương đạo đức. Trong phiên thảo luận sáng nay (5/11), ĐBQH Nguyễn Thị Xuân Thu, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là ĐB phát biểu cuối. Nữ ĐB này tập trung nói về vấn đề từ thiện. Theo bà, đại dịch Covid-19 vừa qua và thảm họa thiên tai ở miền Trung hiện nay đã khơi dậy trong cộng đồng tình dân tộc, nghĩa đồng bào với nhiều hành động rất đáng quý, đáng trân trọng.
"Trong thảm họa thiên tai, đại hồng thủy và sạt lở đất do mưa bão vừa qua ở miền Trung, với thiệt hại nặng nề về người và của ở các tỉnh miền Trung một lần nữa để dân cả nước chung tay để giúp nhân dân miền Trung vượt qua thiên tai. Hình ảnh những cơ quan, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cá nhân tổ chức từ thiện đến với các vùng thiên tai để chung tay góp sức sẻ chia khó khăn giúp người dân miền Trung vượt qua mất mát, đau thương đã để lại những hình ảnh đẹp về tinh thần tương thân tương ái của văn hóa Việt", ĐB Nguyễn Thị Xuân Thu nói. Theo nữ Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, việc làm từ thiện cũng phải có văn hóa, văn hóa từ thiện. "Đừng mang danh từ thiện cứu trợ để trục lợi, đánh bóng tên tuổi hay phô trương đạo đức. Nhiều người mang quần áo không còn dùng được hoặc lỗi mốt, lỗi thời, sách giáo khoa hay đồ dùng đã cũ, đồ ăn thức uống sắp hết hạn sử dụng để cho người nghèo và đã làm tổn thương họ vì họ cũng là những người rất giàu lòng tự trọng và dễ bị tổn thương. Của cho không bằng cách cho, cả văn hóa cho nhận cũng cần phải học, cho làm sao để người nhận không bị cảm giác ban ơn, bố thí, nhận làm sao để người cho cảm thấy vui và hạnh phúc", ĐB Thu nói.Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ cho biết thêm: Vừa qua, hệ tri thức Việt số hóa của Chính phủ do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo đã giúp Hội Chữ thập đỏ Việt Nam xây dựng hợp phần y nhân đạo, cập nhật gần 20.000 địa chỉ nhân đạo để cung cấp thông tin trực tiếp cho người làm từ thiện. Người cho có thể kết nối trực tiếp với người nhận, cho những gì người đó cần và Hội Chữ thập đỏ đóng vai trò điều phối và giám sát nếu cần thiết. VNPost, Ngân hàng quân đội MB sẽ tham gia vận chuyển hàng và tiền đến trực tiếp các địa chỉ nhân đạo có nhu cầu của các cá nhân, tổ chức, mạnh thường quân. Công tác thiện nguyện sẽ được từng bước ứng dụng công nghệ thông tin để đạt hiệu quả cao hơn, minh bạch và tiết kiệm hơn. Đối với công tác cứu trợ, ĐB Thu đề nghị Chính phủ cần sớm chỉ đạo sửa đổi Nghị định 64 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện, hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo để phù hợp với tình hình mới. Để từ đó vừa huy động được nhiều nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân tham gia, vừa đảm bảo việc quản lý, giám sát các hoạt động theo đúng quy định pháp luật, tránh việc lợi dụng vận động quyên góp, phân phối, cứu trợ để trục lợi hoặc thực hiện các âm mưu, mục đích khác gây mất an ninh, trật tự ở địa phương ĐB Nguyễn Thị Xuân Thu cũng đề nghị, cần có cách để ứng phó thảm họa thiên tai nhanh nhạy, hiệu quả. Đây là vấn đề Chính phủ nên bàn và có chiến lược quốc gia dài hạn. Đại dịch Covid-19 và các thảm họa do lũ, bão, sạt lở đất vừa qua là cảnh báo nguy hiểm, cần sớm xây dựng các kịch bản để có kế hoạch ứng phó dài hạn, nhằm huy động mọi nguồn lực thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai. "Chính phủ phải rà soát lại quy hoạch thủy điện, thủy lợi, giảm tối đa các công trình thủy điện vừa và nhỏ ở khu vực miền Trung và khôi phục lại rừng tự nhiên. Không cho phép xây dựng các công trình trong vùng rừng nguyên sinh, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn. Không cho phép phá rừng, trồng cây, khai thác khoáng sản ở những khu vực có nhiều người dân cư trú để tránh việc sạt lở đất do chặt cây, phá rừng, đào núi", ĐB Thu nói. Theo Dân Việt Tại nghị trường QH, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh hùng hồn tuyên bố từ 2016 đến nay không có thủy điện mới nào xây dựng trong khu vực rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ. Thế nhưng từ 2017 đến nay chỉ riêng tại huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế) đã xây dựng 4 thủy điện tại khu bảo tồn thiên nhiên, rừng phòng hộ Phong Điền, nơi vừa xảy ra thảm họa. Còn thủy điện Rào Trăng 3 vẫn đang xây dựng cũng trong khu rừng phòng hộ. BT nói trước đại biểu của dân mà nói kiểu lấy được. Kiểu này, nếu BT vẫn tại vị sẽ còn nhiều rừng nữa biến mất Thương Giang |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét