Thứ Hai, 2 tháng 11, 2020

 

TP HCM: Phụ huynh bật khóc khi chứng kiến bữa ăn bán trú

Cập nhật lúc 14:32 

 

Chọn giá thành đắt nhất hi vọng các con sẽ có suất ăn đầy đủ, đảm bảo dinh dưỡng nhưng nhiều phụ huynh sốc nặng khi tận mắt chứng kiến những bữa trưa bán trú ở trường của con

Hàng loạt phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Trần Thị Bưởi (quận 9, TP HCM), phản ánh, sau khi con đi học về liên tục kêu đói và xin ăn thêm. Nhiều gia đình đến trường kiểm tra suất ăn của con thì ngỡ ngàng với bữa ăn chỉ lèo tèo, thiếu chất. Trong khi đó, nguồn thực phẩm cung cấp vào trường lại với giá rẻ bất ngờ khiến nhiều phụ huynh đặt câu hỏi về chất lượng nguồn thực phẩm lâu nay.

Bữa ăn lèo tèo, nhiều trẻ bị ngộ độc

Phản ánh với Báo Người Lao Động, chị T.H, phụ huynh có con đang học lớp 1 tại Trường Tiểu học Trần Thị Bưởi cho biết, thời gian gần đây, con chị sau giờ tan học về nhà liên tục kêu đói, có bữa cháu xin: "Mẹ cho con thêm một miếng trứng đi, một miếng cũng được", tôi vẫn nghĩ cháu đang giai đoạn cần ăn nhiều nên nhanh đói, cho đến khi nhiều phụ huynh khác khi đưa con đến trường cũng phản ánh tương tự. Rồi khi đến giờ ăn ở trường, được tận mắt chứng kiến bữa ăn của con thì nhiều người cùng rơi nước mắt. Bữa ăn trưa là là một cái tô lèo téo mấy cọng nui, 1 con tôm, vài lát thịt mỏng và 1 quả trứng cút. Một bữa trưa khác là cơm trắng với miếng trứng chiên, canh rau dền đại dương không có miếng tôm thịt gì trong canh.

 

Chứng kiến bữa ăn của các con, nhiều phụ huynh của Trường Tiểu học Trần Thị Bưởi đã òa khóc

Anh M, một phụ huynh khác của trường phản ánh, trong cuộc họp phụ huynh, nhiều gia đình thống nhất chọn suất ăn có giá thành đắt nhất, kèm những chi phí như tiền phục vụ bán trú (200.000 đồng/HS/tháng), tiền phục vụ vệ sinh bán trú (30.000 đồng/HS/tháng), gồm một bữa trưa và bữa xế, như vậy tính ra, bữa ăn các con trị giá 30.000 đồng/phần. Với giá mỗi phần ăn như vậy mà nhà trường để các con ăn uống như thế thật sự là quá sức tưởng tượng của phụ huynh.

Một phụ huynh khác của trường bức xúc, đặt trường hợp là người lớn, liệu có ăn nổi bữa ăn khi chứng kiến nguồn nguyên liệu là những phần thịt xay toàn là mỡ, nhễu nhão. Chuối tráng miệng là những quả chuối đã bị úng lấm tấm.

 




Những món ăn mà các học sinh tiểu học của ngôi trường ngay tại TP HCM phải ăn hàng ngày

Nhiều phụ huynh của trường cùng chia sẻ, một số bé gần đây sau những bữa ăn ở trường về liên tục kêu đau bụng, buồn nôn, một số bé phải vào viện khám. "Một HS trong trường phải đi bệnh viện khám bệnh vì chứng rối loạn tiêu hoá"- chị P.Q, một phụ huynh có con học lớp 1 cho biết.

Nguồn nguyên liệu rẻ đến ngỡ ngàng

Nhiều phụ huynh tại trường tiếp tục phản ánh, sau khi một số phụ huynh chia sẻ lên mạng xã hội về bữa ăn, một số phụ huynh khác thì phản ánh đến nhà trường, sau đó bữa ăn trưa đã được cải thiện. "Lãnh đạo trường này lại nói lâu nay bữa ăn tốt như vậy chứ không phải do phụ huynh phản ánh"- một phụ huynh nói.

 


Một số nguyên liệu được phụ huynh phản ánh là giá rẻ bất ngờ được trường sử dụng

Tuy nhiên, vì chưa tin tưởng hoàn toàn, nhiều phụ huynh từ 5 giờ sáng tiến hành theo dõi, kiểm tra nguồn nguyên liệu được cung cấp vào trường thì ngỡ ngàng phát hiện, không hiểu vì sao lại có giá…quá rẻ như vậy. Chị H.B, phụ huynh lớp 1 cho biết, khi mục sở thị bếp ăn, hoá đơn cung cấp thực phẩm vào trường, phụ huynh thật sự sốc nặng, mì tôm không có bao bì, bóc trần và gói chung vào một túi kèm những gói gia vị; tương cà, tương ớt được đựng trong những can nhựa lớn. Sốc nhất là khi chứng kiến hoá đơn cung cấp thực phẩm. "Với giá quá rẻ, rẻ đến ngỡ ngàng như vậy nhưng bữa ăn lại chỉ lèo tèo một món thì có xứng đáng với số tiền phụ huynh đóng không, chưa nói đến chất lượng nguồn thực phẩm"- chị B đặt câu hỏi.


Theo thông tin hoá đơn mà chúng tôi có được, 1kg giò sống được cung cấp vào Trường Tiểu học Trần Thị Bưởi với giá 64.000 đồng, 1kg giò lụa giá 65.000 đồng. Theo khảo sát của chúng tôi, đây là giá thành không tưởng, kể cả những khu chợ dành cho công nhân, lao động nghèo. Nhiều nơi chọn nhà cung cấp là thực phẩm Vissan. "Giá thành 1kg giò lụa của Vissan cũng từ 280.000 đồng trở lên, đó là lấy theo số lượng lớn"- phó hiệu trưởng phụ trách bán trú một trường tiểu học cho biết.

TP HCM quy định gì về an toàn vệ sinh thực phẩm trường học?

Theo Sở GD-ĐT TP HCM, nhằm tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong trường học, góp phần đảm bảo sức khỏe cho học sinh, Sở GD-ĐT TP yêu cầu 100% các bếp ăn tập thể, căn tin trong trường học thực hiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống theo quy định. 100% bếp ăn tập thể thuê nấu, căn tin trong trường học được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về an toàn thực phẩm. 100% bếp ăn tập thể, căng tin trong trường học chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm, vận hành hệ thống tự kiểm tra an toàn thực phẩm theo 3 cấp trong khối giáo dục.

Đặc biệt, sở này cũng quy định 100% cán bộ phụ trách an toàn thực phẩm tại các trường, phòng GD-ĐT trên địa bàn TP được tập huấn triển khai hệ thống tự kiểm tra an toàn thực phẩm; 100% người quản lý, nhân viên trực tiếp chế biến thức ăn được tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm, không bị mắc các bệnh lý liên quan (tả, lỵ, thương hàn, viêm gan A, E, viêm da nhiễm trùng, lao phổi, tiêu chảy cấp) khi đang sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Tất cả đơn vị trường học tổ chức bếp ăn nội trú, bán trú, căn tin phải đảm bảo các điều kiện về an toàn thực phẩm, cơ sở cung cấp suất ăn cho học sinh (đối với các trường học không có bếp ăn nội trú, bán trú) bắt buộc phải có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định.

Các nhà trường kiểm soát, đảm bảo thực phẩm cung cấp cho các bếp ăn, nhà ăn, cơ sở cung cấp suất ăn cho học sinh căn tin trong trường học bảo đảm an toàn theo quy định, tuân thủ quy định về giới hạn vi sinh vật gây bệnh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc thú y, kim loại nặng, sử dụng chất phụ gia thực phẩm..., đồng thời có nguồn gốc, xuất xử rõ ràng thông qua hóa đơn, chứng từ của các cơ sở sản xuất, chế biến và phân phối thực phẩm.

Trường học tiếp tục mở rộng triển khai thực hiện việc sử dụng nguồn nguyên liệu thực phẩm an toàn, đảm bảo kiểm soát được nguồn gốc thực phẩm sử dụng tại các bếp ăn, căn tin. Cụ thể, nguồn thực phẩm được chế biến trong trường học phải đạt một trong các chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP, ISO22000, "Chuỗi thực phẩm an toàn", Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc các chứng nhận quốc tế khác về an toàn thực phẩm.

(Theo Người Lao Động) Đặng Trinh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét