Giáo dục: Tích “sạn” thành sỏi và chuyện … “Ngáo chữ”Cập nhật lúc 09:30 “Ngáo” là từ được sử dụng khá phổ biến trong đời sống, trong bình luận quốc tế và hình như có xu hướng lan sang nhiều lĩnh vực khác. Kể từ sau ngày thống nhất đất nước, mỗi chu kỳ đổi mới giáo dục diễn ra trong vòng 20 năm. Từ năm 1980 đến nay đã trải qua 2 chu kỳ kéo dài 40 năm. 40 năm là khoảng thời gian đủ dài để rút ra kết luận thành bại của đổi mới giáo dục. Lớp người chịu tác động trực tiếp của kỳ đổi mới giáo dục năm 1980, tính từ trẻ em học lớp 1 (6-7 tuổi) giờ đây ở độ tuổi khoảng 45-50 và đó chính là lớp người đang nắm giữ nhiều vị trí chủ chốt trong hệ thống, lãnh đạo mọi mặt hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng,…, hoạch định chính sách đối nội, đối ngoại quốc gia. Chuyện mấy chục năm trước người ta học tiếng Việt thế nào bây giờ khó có thể nói rõ, tuy nhiên việc lớp người của 40 năm trước vận dụng tiếng Việt đã được học vào hoạt động tại các cơ quan công quyền thì không khó đánh giá. Gần đây xuất hiện một số ý kiến xoay quanh ba cụm từ: “Chơi chữ”, “Ngộ chữ” và “Ngáo chữ”. Cả ba cụm từ này đều liên quan đến tiếng Việt không phải trên phương diện phát âm mà là ý nghĩa hàm chứa trong từng từ, từng câu. “Chơi chữ” thể hiện sự uyên thâm của người chơi với chữ viết, các phim cổ trang bên Tàu giới thiệu nhà của các bậc vương giả trên tường toàn tranh chữ. Ngày tết, không ít người Việt xin chữ Nhẫn, chữ Phúc, chữ Học,… về dán trên tường. Có người cầu kỳ mua chữ nho vàng chóe, đóng khung bán trong các cửa hàng, có người mua chữ “Học” (学) treo trên tường nhưng bảo viết lại trên giấy thì không viết được. Với những người ấy, không biết họ đang “chơi chữ” hay “ngộ chữ”? Có lẽ cần phải giải thích, rằng đây không phải chữ “ngộ” trong cụm từ “giác ngộ” mà trong “ngồ ngộ” hoặc “ngộ độc”. “Ngồ ngộ” ít thì người ta thương, người ta cười, ngồ ngộ quá thì người ta bảo dở hơi, người ta ghét, còn “ngộ độc chữ” có khi lại bị mắng vì không biết thì đừng dại mà nuốt vào rồi lại ... “khẩu thải” khiến người nghe nhiễm lây. Về chuyện “chơi chữ” (hay là ngộ chữ?) xin dẫn “Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi” (Dự thảo): “Đường giao thông nông thôn là đường huyện, đường xã, đường thôn xóm; Đường địa phương là đường tỉnh, đường đô thị, đường huyện, đường xã, đường thôn xóm;…”. Ngoài ra còn định nghĩa về “Đường cao tốc”, “Đường chính”, “Đường nhánh”, “Đường phố”, “Đường ưu tiên”,… Từ xưa đến nay, người Việt đã quen với khái niệm “Quốc lộ”, chẳng hạn Quốc lộ 1A, Quốc lộ 5,… nhưng tìm trong Dự thảo không thấy định nghĩa Quốc lộ trong khi có “đường tỉnh, đường huyện, đường xã,…”. Vì sao luật đưa vào khái niệm “đường tỉnh, đường đô thị, đường huyện,…” nhưng lại ngại không nêu khái niệm “Đường nước”, “Đường quốc gia” hay “Đường tổ quốc”? Không dùng tiếng Tàu “quốc lộ” mà dùng tiếng thuần việt “Đường nước” thì dễ bị hiểu lầm là đường ống cấp nước sinh hoạt tại đô thị, còn dùng “đường quốc gia, đường tổ quốc” thì rườm rà quá nên tốt nhất là bỏ quách đi, ai muốn gọi thế nào thì gọi? Thế còn vì sao và dựa vào tiêu chí nào mà “đường huyện, đường xã, đường thôn xóm” lúc là “Đường giao thông nông thôn”, lúc lại là “Đường địa phương”? Liệu “địa phương” có bao gồm cả “nông thôn” hay đã nói đến “nông thôn” tức là cái gì đó “dị dạng” không thể “chung mâm” với địa phương, phải tách riêng ra để “địa phương” đỡ xấu hổ? Cách dự thảo từ trong luật như vậy liệu mới chỉ “ngồ ngộ” hay thực sự là “ngộ”? Giả sử các nhà làm luật kiên quyết bỏ đi khái niệm “Đường giao thông nông thôn” liệu bà con nông dân có bất bình giống như dân chúng Sóc Sơn – Hà Nội chặn đường không cho xe chở rác vào bãi rác Nam Sơn bởi một khi đã là đường nông thôn, không phải đường địa phương thì huyện, tỉnh/thành phố làm gì có quyền can thiệp, đường ta, ta cứ chặn!!! “Ngáo” là từ được sử dụng khá phổ biến trong đời sống, trong bình luận quốc tế và hình như có xu hướng lan sang nhiều lĩnh vực khác. “Ngáo” trong từ “ngáo ộp” thường được người lớn dùng để dọa trẻ con khóc nhè, cũng được sử dụng trong nhiều bài viết của các tờ báo nổi tiếng, chẳng hạn “B52 – con ngáo ộp của Hoa Kỳ”; “Nga lại viện trợ Venezuela: Ai đang là ngáo ộp?” [1] hay “Mỹ vẫn là “con ngáo ộp” đối với Trung Quốc?”. [2] “Ngáo đá” là nói về những kẻ nghiện ngập không còn ý thức được hành vi của mình, chúng thường có hành động gây nguy hiểm cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Ngày nay, hình như có chuyện người ta tìm cách phù phép biến chữ viết thành thứ để dọa người dân, thậm chí còn dọa cả nhà sản xuất, người tiêu dùng, người kinh doanh,… Nói tóm lại là dọa cả xã hội. Trường hợp này có lẽ không khác “định nghĩa” ngáo đá nêu phía trên nhưng có gọi là “ngáo chữ” hay không thì người viết tuyệt đối không dám khẳng định. Hãy cùng đọc một “định nghĩa” dự kiến trình Quốc hội phê duyệt : “61. Xe chở người bốn bánh có gắn động cơ là phương tiện có hai trục, ít nhất bốn bánh xe chạy bằng động cơ được thiết kế, chế tạo để hoạt động trên đường bộ trong phạm vi hạn chế, có kết cấu để chở người, vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 30 km/h, số chỗ ngồi tối đa không quá 15 chỗ (kể cả chỗ ngồi của người lái)”. Chỉ mấy dòng chữ thế thôi nhưng nếu được phê duyệt thì chắc chắn cả bốn biển năm châu đều phải “dựng tóc gáy” vì lo sợ, tại sao? Trước hết, “Xe chở người bốn bánh có gắn động cơ là phương tiện có hai trục, ít nhất bốn bánh xe…”. Nếu có ai đó căn cứ vào tiêu chí “ít nhất bốn bánh xe” độ thêm vài bánh xe nữa thì chiếc xe đó vẫn gọi là “Xe chở người bốn bánh” hay phải sửa luật? Tiếp theo, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách như các chủ xe Ford Transit hoán cải thành kiểu xe Limousine 9 chỗ, muốn được coi là “Xe chở người bốn bánh có gắn động cơ” để kinh doanh thì bắt buộc phải thay đổi động cơ và hộp số sao cho “vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 30 km/h”??? Nên nhớ đây là “vận tốc thiết kế” chứ không phải vận tốc chạy trên đường! Được biết trên đường cao tốc, rất nhiều đoạn quy định tốc độ thấp nhất là 60 km/h, điều này có nghĩa là chạy với tốc độ dưới 60 km/h là vi phạm và có thể bị phạt. Vậy bao nhiêu “xe chở người bốn bánh có gắn động cơ” sẽ phải “đắp chiếu” nếu luật được thông qua? Với các nhà thiết kế, sản xuất ô tô trên toàn thế giới, họ phải hiểu thế nào về quy định “xe chở người bốn bánh có gắn động là phương tiện có hai trục,…”? “Hai trục” đó là những trục nào và chúng được dùng để làm gì? Điều gì sẽ xảy ra nếu xe chở người bốn bánh có nhiều hơn “hai trục”? Nếu hai trục đã được sử dụng để nối bánh xe (hai bánh xe một trục) thì phải chăng toàn bộ xe bốn bánh dẫn động bằng “trục các-đăng” (trục nối từ hộp số đến cầu xe) sẽ bắt buộc phải bỏ loại trục này để đảm bảo tiêu chí xe chỉ có “hai trục”? Tóm lại là từ nay trở đi, các hãng xe Việt Nam, Nhật, Hàn, Pháp, Mỹ, Anh,… muốn bán xe tại Việt Nam thì phải thực hiện một trong các phương án: Hoặc là tổ chức đại hội toàn thế giới thống nhất không sử dụng cụm từ kỹ thuật “trục các-đăng” mà thay thế bằng “ống các-đăng”, “đòn các-đăng”, “thanh các-đăng”, “que các-đăng”,… miễn là bỏ đi chữ “trục”. Nếu một hãng nào đó vẫn muốn giữ “trục các-đăng” thì phải bỏ bớt trục nối hai bánh trước (hoặc trục nối hai bánh sau), hoặc là bỏ cả hai trục, lắp ván trượt cho “xe chở người 4 bánh”. Cách thứ ba để bỏ “trục các-đăng” là tìm trong vốn cổ, học cách truyền động trên xe máy Solex của người Pháp, bốn bánh xe ô tô mỗi bánh lắp một động cơ. Cách cuối cùng là “chào thua” Luật Giao thông của Việt Nam (nếu được thông qua), hẹn khi nào có luật mới sẽ đưa xe đến bán. Và những tín đồ của “xe chở người bốn bánh có gắn động cơ” hoặc là chuyển sang loại “xe thương binh” ba bánh, hoặc là liên hệ với bên Mông Cổ mua loại ngựa lùn về xài tạm? Nếu trẻ con lớp 1 từ năm 2020 của thế kỷ thứ 21 vẫn phải học Tiếng Việt đầy “sạn” do các vị tiếng nổi như cồn biên soạn, thẩm định thì kiểu gì mấy chục năm nữa cũng sẽ thấy đầy “sỏi” trong các văn bản quy phạm, giống như sỏi thận, sỏi mật tích lũy trong cơ thể vậy. Luật nhân quả là như vậy, nuốt vội dễ bị nghẹn lắm. Tài liệu tham khảo: [1]https://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nga-lai-vien-tro-venezuela-ai-dang-la-ngao-op-3378469/ [2]https://anninhthudo.vn/my-van-la-con-ngao-op-doi-voi-trung-quoc-post205411.antd (Theo GDVN) Xuân Dương
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét