Thứ Năm, 26 tháng 11, 2020

Giáo dục

 

Bằng giả được Đại học Đông Đô cấp đã được dùng đào tạo “tiến sĩ giấy”!

 

Cập nhật lúc 14:48  

Trong số 193 trường hợp được Đại học Đông Đô cấp bằng giả có 60 người đã sử dụng bằng. Những người này đã sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau.

Như Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa, vụ việc tiêu cực xảy ra tại trường Đại học Đông Đô đã thu hút sự chú ý rất lớn của xã hội.

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa kết luận điều tra vụ án “Giả mạo trong công tác” xảy ra tại Trường Đại học Đông Đô.

55 người dùng bằng giả để làm Tiến sĩ

Theo kết luận, Đại học Đông Đô chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo văn bằng 2, trong đó có văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh.

Tuy nhiên, giai đoạn 2015-2017, các bị can đã đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh và được Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo chỉ tiêu, trong đó có chỉ tiêu tuyển sinh hệ văn bằng 2 chính quy.

Tài liệu điều tra xác định các bị can đã cấp 626 bằng cử nhân ngôn ngữ Anh. Tuy nhiên, cơ quan chức năng chỉ tìm được 217 cá nhân có thông tin để xác minh (trong đó một người đã chết).

Trong số này, 193 người được Đại học Đông Đô cấp bằng không qua tuyển sinh hoặc không đủ điều kiện nhưng vẫn được cấp.

Đại học Đông Đô đã tiếp tay cho hàng loạt tiến sĩ rởm. Ảnh minh họa: Nguoiduatin

Toàn bộ bằng giả do bị can Dương Văn Hòa ký theo chỉ đạo của Trần Khắc Hùng (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị nhà trường – hiện đã bỏ trốn).

Cơ quan công an đã thu được 177 bằng giả.

Theo bản kết luận điều tra vụ án hình sự xảy ra tại trường Đại học Đông Đô, cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an xác định đã có 193 người được Trường Đại học Đông Đô cấp bằng giả.

Đồng thời, cơ quan điều tra cũng đã làm rõ có 60 người đã sử dụng bằng, trong đó có 55 trường hợp sử dụng xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ, 01 trường hợp làm điều kiện bảo vệ thạc sỹ, 01 trường hợp thi nâng ngạch thanh tra viên, 01 trường hợp thi tuyển công chức, 02 trường hợp kê khai vào hồ sơ cán bộ nhưng 01 trường hợp đã nghỉ việc, 01 trường hợp sử dụng xét tuyển thạc sĩ.

Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công An cũng đã có văn bản kiến nghị các cơ quan chủ quản xử lý cán bộ vi phạm theo quy định đối với 58 trường hợp, không kiến nghị xử lý đối với 02 trường hợp trong đó 01 trường hợp đã nghỉ công tác, 01 trường hợp sử dụng xét tuyển thạc sĩ nhưng đã có đơn tố cáo hành vi sai phạm của Trường Đại học Đông Đô và xin thôi học thạc sĩ trước khi khởi tố vụ án.

Các trường hợp chưa sử dụng bằng, Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an đã có văn bản đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có quyết định hủy bỏ, thu hồi các bằng cử nhân ngành ngôn ngữ Tiếng Anh hệ văn bằng 2 chính uy đã cấp cho các cá nhân không đúng quy định và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng về việc bằng cử nhân ngành ngôn ngữ Tiếng Anh do đại học Đông Đô cấp không có giá trị.

Xử lý thế nào với các "Tiến sĩ giấy"?

Theo thông tư 08/2017/TT-BGDĐT, người dự tuyển phải có chứng chỉ TOEFL iBT từ 45 trở lên hoặc Chứng chỉ IELTS (Academic Test) từ 5.0 trở lên do một tổ chức khảo thí được quốc tế và Việt Nam công nhận cấp trong thời hạn 2 năm tính đến ngày đăng ký dự tuyển.

Và để đủ điều kiện đầu vào, nhiều người đã tính đến việc học văn bằng 2 - văn bằng có giá trị vĩnh viễn.

Với văn bằng 2 ngôn ngữ, các ứng viên có thể yên tâm đạt điều kiện ngoại ngữ đầu vào, được miễn học ngoại ngữ trong quá trình nghiên cứu sinh.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều nghiên cứu sinh sử dụng văn bằng giả của Đại học Đông Đô.

 

Công khai danh tính những người đã sử dụng văn bằng 2 trái luật tại Đông Đô sẽ có tính giáo dục và răn đe. Ảnh: Vũ Phương

Bày tỏ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến Sĩ Bùi Văn Nhơn, nguyên giảng viên cao cấp học viện Hành chính Quốc gia cho rằng:

“Trước hết, đối với những người đã sử dụng bằng giả tại Đại học Đông Đô, cơ quan chức năng cần công khai danh tính. Không có gì phải giấu đối với các trường hợp này cả.

Một người làm nghiên cứu khoa học mà gian dối thì không thể chấp nhận được. Đó là chưa nói đến việc, có thể họ chỉ lấy cái bằng Tiến sĩ để tiến thân.

Đó là một việc càng nguy hiểm hơn. Do vậy trước hết cần công khai danh tính đồng thời Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có ý kiến xử lý những trường hợp nếu đã cấp bằng Tiến sĩ này.

Các cơ quan mà những người sử dụng bằng Tiến sĩ, cũng cần phải có hình thức xử lý.

Cần phải mạnh tay để làm gương cho những tiến sĩ “rởm” có ý định mua bán bằng với mục đích làm đẹp hồ sơ, tiến thân...

Làm sao có thể chấp nhận những kẻ dùng tiền để mua tri thức sau đó lại xếp ngang hàng với những trí thức thực thụ đổ mồ hôi, công sức trên giảng đường, trong các trung tâm nghiên cứu được.

Một lần làm triệt để sẽ có tính giáo dục, răn đe với những người có ý định mua bán bằng giả”, Tiến sĩ Bùi Văn Nhơn chia sẻ.

(Theo GDVN) Lại Cường

Nếu không công khai danh tính những người mang danh học hàm giả tạo thì vấn nạn mua bán bằng cấp khó bị loại trừ.

Không biết ngoài trường ĐH Đông Đô ra, còn trường nào có cách “kinh doanh” tương tự?

Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét