Giấy phép con "hành" giáo viên: Tiền tỉ vào túi ai?
Cập nhật lúc 09:22
Cả nước có khoảng 1 triệu giáo viên, số tiền tối thiểu mỗi giáo viên cần phải bỏ ra để có đủ 3 chứng chỉ để đạt điều kiện thăng hạng là 3 triệu đồng. Làm một phép tính đơn giản, tổng số tiền thấp nhất để 1 triệu giáo viên có thể thăng hạng lên đến hàng nghìn tỉ đồng. Nguồn tiền "khủng" này đã “chảy” đi đâu và ai đang hưởng lợi?
Trong những ngày qua, Báo Lao Động đã đăng tải đăng
tải loạt bài: Giấy phép con "hành" giáo viên". Loạt bài miêu
tả thực trạng ngang trái, nhiều giáo viên vùng cao phải vay tiền ngân hàng để
đithi chứng chỉ gian lận, cốt hoàn thiện hồ sơ thăng
hạng viên chức.
Cô Hương (giáo viên cùng đồng hành với
chúng tôi thực hiện loạt bài này) đã không ít lần thắc mắc về đường
đi của số tiền mà giáo viên bỏ ra để “mua” chứng chỉ.
Cô ngồi nhẩm tính và cho rằng số tiền
mà giáo viên cả nước phải bỏ ra phục vụ việc thăng hạng cũng lên đến nghìn tỉ
đồng và tự hỏi nguồn thu "khủng" này đã đi đâu?
Hàng nghìn tỉ phục vụ việc thăng hạng?
Cụ thể giáo viên cần 3 loại chứng chỉ:
Tin học, Ngoại ngữ (trình độ A, B, C hoặc theo khung 6 bậc) và bồi dưỡng chức
danh nghề nghiệp để đủ điều kiện thăng hạng (ngoài rất nhiều điều kiện khác).
Mức giá thấp nhất mà các trường hoặc
đơn vị tổ chức thi thu từ giáo viên là: 350 nghìn đồng với chứng chỉ Tin học,
300 nghìn đồng với chứng chỉ ngoại ngữ A, B, C; 1,5 triệu đồng với chứng chỉ
theo khung ngoại ngữ 6 bậc và 2,3 triệu đồng với chứng chỉ bồi dưỡng chức
danh nghề nghiệp. Xin nhắc lại, đây là con số thấp nhất các trường thu từ
giáo viên.
Làm một phép tính đơn giản, với hơn 1
triệu giáo
viên, mỗi giáo viên muốn được thăng hạng cần ít nhất gần 3 triệu
đồng. Tổng số tiền lên đến gần 3 nghìn tỉ đồng. Với các thầy cô dạy bậc
trung học phổ thông, đại học cần phải có chứng chỉ ngoại ngữ từ A2 - B2, lệ
phí thi thấp nhất là 1,5 triệu đồng thì tổng số tiền phục vụ những tấm chứng
chỉ thăng hạng còn tăng lên gấp nhiều lần.
Tuy vậy, theo khẳng định của lãnh đạo
một số trường tổ chức thi chứng chỉ gian lận mà chúng tôi đã phanh phui:
"Không có thí sinh nào đăng ký thi trực tiếp về nhà trường hết mà gần
như 100% là qua hệ thống "cò" chứng chỉ".
Khi thông qua các "cò", chứng
chỉ đến tay giáo viên mỗi nơi một giá, thường số tiền tăng lên gấp 2, gấp 3
lần. Có trường hợp giáo viên bị cò "chém" gấp 5 - 6 lần, ví dụ để
được thi chứng chỉ B1, B2, giáo viên phải đóng cho “cò” số tiền trên dưới 10
triệu đồng, thậm chí là 20 triệu đồng - số tiền không nhỏ với nhiều giáo
viên.
Một lãnh đạo trường Đại học Quốc tế Bắc Hà tiết lộ:
"Có một câu lạc bộ tuyển sinh gồm khoảng 500 "cò" chứng chỉ.
Các trường tổ chức thi "sống" được hay không đều do hệ thống 500
"cò" này hết".
Theo lý giải, thí sinh chọn đăng ký qua
các "cò" vì được hứa "bao đỗ" và "chống trượt".
Tiền tỉ đi đâu?
Câu trả lời đã rất rõ ràng: Các trường
tổ chức thi và hệ thống "cò" chứng chỉ.
Theo tài liệu chúng tôi có được, riêng
tại Đại học Thái Nguyên, nơi phóng viên đã ghi nhận có 2 đơn vị thành viên tổ
chức kỳ thi gian lận chứng chỉ tin học (Đại học Nông lâm và Đại học Khoa
học), từ năm 2017 đến nay, các trường thành viên đã cấp ra trên 49.000 chứng
chỉ tin học. Tính ra số tiền thu được về cũng sấp xỉ 15 tỉ đồng. Đó là chưa
kể nguồn thu từ chứng chỉ ngoại ngữ các trình độ và chứng chỉ bồi dưỡng chức
danh nghề nghiệp. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm rõ số lượng và nguồn thu từ 2
loại chứng chỉ này.
Với mỗi loại chứng chỉ, hiện nay chỉ có một nhóm trường được Bộ Giáo dục và
Đào tạo cấp phép đủ điều kiện được tổ chức thi. Cụ thể, chứng chỉ bồi dưỡng
chức danh nghề nghiệp cho giáo viên, giảng viên, hiện có 49 cơ sở giáo
dục được giao nhiệm vụ.
Còn chứng chỉ ngoại ngữ theo Khung năng
lực ngoại ngữ 6 bậc, hiện chỉ có 8 trường được cho phép thi, cấp chứng chỉ.
Như vậy, chỉ tính riêng phục vụ nhu cầu
thăng hạng cho giáo viên (chưa kể thí sinh là sinh viên và các đối tượng công
chức, viên chức khác), mỗi năm những trường này cũng có nguồn thu cực lớn từ
hoạt động tổ chức thi, cấp các loại chứng chỉ.
Riêng về hệ thống "cò" chứng
chỉ, theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều "cò" làm ăn phát đạt đến
mức lập cả công ty đào tạo, chuyên đưa thí sinh được hứa hẹn "chống
trượt" vào tất cả các trường tổ chức thi chứng chỉ. Đơn cử như công ty
cổ phần tư vấn và đào tạo giáo dục (trụ sở tầng 6, số 91 Nguyễn Xiển, Thanh
Xuân, Hà Nội).
Mỗi cuối tuần, công ty này đưa hàng trăm thí sinh về Bắc
Ninh, Thái Nguyên... thi chứng chỉ Tin học, Ngoại ngữ "chống
trượt". Mỗi thí sinh bị công ty thu 2,4 triệu đồng cho 2 loại chứng chỉ
nhưng thực chất đóng về đơn vị tổ chức khoảng 800 nghìn đồng. Số tiền khoảng
1,6 triệu đồng là "chống trượt".
Tính sơ một tháng, công ty này cũng thu
về hàng trăm triệu đồng.
Hay một đường dây "chống
trượt" khác ở Bắc Kạn mà chúng tôi tìm hiểu nhận "bao đỗ"
chứng chỉ ngoại ngữ theo khung 6 bậc châu Âu, thu 8,5 triệu đồng cho một
chứng chỉ B1 trong khi đóng về các trường tổ chức chỉ là 1,6 triệu. "Cò"
nghiễm nhiên đút túi gần 7 triệu đồng/chứng chỉ.
Gian lận do "cơ chế, chính sách"?
Cũng trong thời gian “vạch trần” đường
dây gian lận thi chứng chỉ ở một số tỉnh phía bắc, chúng tôi được nghe ông
Phạm Văn Hiệp – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học quốc tế Bắc Hà “tâm sự” về lý do có những kỳ thi
gian lận chứng chỉ diễn ra ở trường mình và các trường khác.
Trong cuộc nói chuyện, ông Hiệp nhắc đi
nhắc lại 4 lần rằng: “Lỗi tại cơ chế, chính sách” đã hình thành nên một đường
dây gian lận thi hoạt động tinh vi.
Đường dây này được gọi với cái tên là “câu lạc bộ tuyển
sinh”, với khoảng 500 người. Các trường "sống hay chết" đều do hội
tuyển sinh này, là các cá nhân, trung tâm đứng ra đi gom thí sinh. Nếu biết thông
tin trường nào thi, họ sẽ liên hệ với các cán bộ của nhà trường để gom danh
sách thi. Lúc này, nhiệm vụ của trường chỉ là lập danh sách và cho thi, mối
quan hệ giữa hai bên là “cùng có lợi".
Về quan điểm cá nhân, ông Hiệp cho rằng
việc bắt những người 10 năm, 20 năm không được học, hay dùng đến ngoại ngữ,
phải có loại chứng chỉ này là bất cập. Hiệu phó Đại học Bắc Hà cũng kể câu
chuyện, có những giáo viên 53, 54 tuổi phải đi thi chứng chỉ khổ sở đến mức
"quỳ lạy cả giám thị và cán bộ thanh tra" để xin đạt chứng chỉ. Bất
cập từ chính sách đã tạo cơ hội cho “cò” và trường kiếm tiền, “trục lợi” trên
nỗi vất vả của giáo viên.
"Cơ chế chính sách của nhà nước
yêu cầu công nhân, viên chức có hết tất cả văn bằng, chứng chỉ. Ở nước ta,
hiện nay có 10 triệu công chức, còn viên chức là bao nhiêu người, mà mỗi
người hoàn thiện vào là bao nhiêu cái chứng chỉ. Có những tỉnh người ta yêu
cầu đến hạn ngày này là phải hoàn thiện. Nhu cầu quá lớn, căng hết mình ra
cũng không kiểm soát nổi", ông Phạm Văn Hiệp nói.
|
Thứ Năm, 7 tháng 11, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét