Dã tâm bất tận của Trung Quốc ở Biển
Đông
Cập nhật lúc 10:07
Theo các chuyên gia, trước những hành vi xâm phạm
vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN, điều VN cần làm là khởi kiện
hoặc đưa Trung Quốc ra Hội đồng bảo an LHQ.
Tàu của
lực lượng chấp pháp Việt Nam (trái) đấu tranh ngăn cản tàu Hải cảnh 37111 của
Trung Quốc trên vùng biển Tư Chính - Phúc Tần, cuối tháng 9.2019. Hải cảnh
37111 là tàu bảo vệ cho tàu Hải Dương Địa chất 8 khảo sát trái phép trong
vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ đầu tháng 7.2019 đến nay.
Ảnh: Ngư dân cung cấp
Sáng 6.10,
Viện Nghiên cứu chính sách luật pháp và phát triển (PLD) thuộc Liên hiệp Các
hội khoa học kỹ thuật VN tổ chức tọa đàm khoa học “Vùng biển bãi Tư Chính và
luật pháp quốc tế”. Theo các chuyên gia tại tọa đàm, trước những hành vi xâm
phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN, điều VN cần làm là khởi
kiện hoặc đưa Trung Quốc ra Hội đồng bảo an LHQ.
Giẫm đạp lên luật pháp quốc tế
Phát biểu
tại tọa đàm, thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ
Công an), nhấn mạnh tình huống hiện nay (nhóm tàu Hải Dương Địa chất 8 xâm
phạm ở khu vực bãi Tư Chính) nguy hiểm hơn việc Trung Quốc năm 2014 đưa giàn
khoan Haiyang Shiyou-981 xâm phạm chủ quyền VN trên Biển Đông. Bởi vì khu vực
bãi Tư Chính, hay rộng hơn là vùng biển nam Biển Đông, vốn hoàn toàn nằm
trong vùng 200 hải lý đặc quyền kinh tế và thềm lục địa VN, tính từ đất liền.
Trung Quốc
có nhiều luận điệu về vấn đề Biển Đông. Trong đó, luận điệu quần đảo Trường
Sa thuộc về Trung Quốc, là “2 lần sai”, theo thiếu tướng Lê Văn Cương. Cái
sai thứ nhất, là theo Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982, quần đảo
Trường Sa không được hưởng quy chế quốc gia quần đảo, nên không có vùng đặc
quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý. Và cái sai thứ hai, đương nhiên, là
quần đảo Trường Sa không thuộc về Trung Quốc. VN có đầy đủ bằng chứng lịch sử
và pháp lý để khẳng định chủ quyền với quần đảo này.
Hai
tàu hải cảnh 5901, 46303 của Trung Quốc dàn đội hình ngăn chặn các tàu chấp
pháp VN vào đẩy đuổi, ngăn chặn tàu Hải Dương Địa chất 8 khảo sát trái phép
trên vùng biển Tư Chính - Phúc Tần của VN, tháng 9.2019. Ảnh:
Ngư dân cung cấp
Nhiều năm
qua, Trung Quốc có rất nhiều luận điệu ngang ngược để đòi độc chiếm Biển
Đông. Trong đó, theo một số nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế, thì yêu
sách “Tứ Sa” là nguy hiểm hơn cả, bởi phạm vi của nó còn rộng lớn hơn nhiều
so với yêu sách đường 9 đoạn - vốn đã chiếm tới 80% Biển Đông. Minh chứng là
vùng hoạt động của tàu Hải Dương Địa chất 8 hiện không nằm trong phạm vi
đường 9 đoạn, nhưng nó lại nằm trong yêu sách “Tứ Sa”. Đến thời điểm này, cả
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người phát ngôn Bộ Ngoại giao của nước
này Cảnh Sảng đều đã khẳng định yêu sách “Tứ Sa”, thể hiện rõ dã tâm biến Biển
Đông thành “ao nhà”.
Theo yêu
sách này, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với 4 nhóm cấu trúc ở Biển Đông mà họ
gọi là “Tứ Sa”, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của VN. Trung Quốc
yêu sách các cấu trúc này là một thực thể pháp lý đơn nhất, đủ điều kiện để
có đường cơ sở thẳng bao quanh. Từ đó, Bắc Kinh có thể thiết lập vùng đặc
quyền kinh tế và thềm lục địa riêng của quần đảo, chồng lấn với vùng đặc
quyền kinh tế và thềm lục địa của VN, tính từ đất liền.
Cùng với đó,
Trung Quốc cũng yêu sách cả chủ quyền với các thực thể ngầm, như bãi Tư Chính
của VN. Yêu sách của Trung Quốc là trong khu vực này, VN không có quyền khai
thác, quản lý và bảo vệ tài nguyên mà phải “gác tranh chấp cùng khai thác”
với Trung Quốc.
Với luận
điệu như vậy, Trung Quốc có dã tâm biến vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục
địa của VN trở thành vùng chồng lấn, tranh chấp và lao vào đòi quyền “cùng
khai thác”; trong khi theo UNCLOS 1982, đó là đặc quyền, độc quyền của VN.
UNCLOS 1982 quy định ngay cả nếu VN không tiến hành khảo sát, thăm dò, khai
thác tài nguyên ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình, thì cũng
không một quốc gia nào khác có thể tiến hành các hoạt động này mà không có sự
cho phép rõ ràng của VN. Yêu sách này giẫm đạp lên luật pháp quốc tế.
Theo luật sư
(LS) Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng PLD, UNCLOS 1982 đã quy định chỉ có quốc
gia quần đảo mới có quyền thiết lập đường cơ sở quần đảo bao quanh và từ đó
thiết lập vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng. Quy định của UNCLOS
cũng như khái niệm quốc gia quần đảo đã loại trừ khả năng Trung Quốc có thể
áp dụng quy chế quần đảo với “Tứ Sa”; chưa kể đến cái gọi là “Tứ Sa” đó không
phải chủ quyền của Trung Quốc.
Phán quyết
của Tòa Trọng tài năm 2006 cũng đã khẳng định Trung Quốc không phải quốc gia
quần đảo nên không có quyền thiết lập đường cơ sở thẳng bao quanh quần đảo
Trường Sa để mà đưa ra yêu sách.
Tàu
Hải Dương Địa chất 8 (trái) khảo sát trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế
của VN, dưới sự bảo vệ của tàu Hải cảnh 3501
Đưa Trung Quốc ra Hội đồng Bảo an
Tuy nhiên,
vấn đề là dã tâm của Trung Quốc với Biển Đông sẽ không dừng lại. Theo ông
Trương Triều Dương, nguyên Đại sứ VN tại Philippines, làm chủ Biển Đông sẽ là
điều Trung Quốc “cố sống, cố chết” làm, vì đó là con đường duy nhất để Trung
Quốc trở thành cường quốc trên biển, cơ sở quan trọng cho tham vọng cường
quốc đứng đầu thế giới.
Có thể đề nghị Hội đồng Bảo an
LHQ yêu cầu tham vấn pháp lý đối với ICJ về áp dụng và giải thích UNCLOS tại
Biển Đông. Nếu có được một câu trả lời của ICJ thì nó có giá trị pháp lý mang
tính toàn cầu, còn hơn cả Tòa trọng tài quốc tế (PCA), chỉ có ý nghĩa giữa 2
nước (bên khởi kiện và bên bị kiện)
LS Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách luật pháp và
phát triển
Ngoài việc Biển Đông là con đường
hàng hải lớn nhất nhì thế giới, là bãi đánh cá lớn nhất thế giới, bể chứa dầu
mỏ, thì Đại sứ Trương Triều Dương cho rằng đáy Biển Đông có một trữ lượng đất
hiếm cực kỳ lớn mà nếu Trung Quốc chiếm được, đồng nghĩa với việc sẽ nắm giữ
toàn bộ trữ lượng đất hiếm trên thế giới. Điều này đồng nghĩa với việc nắm
được “cổ họng” của tất cả các nước, đặc biệt là các quốc gia phát triển. Thêm
vào đó, các rãnh sâu ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của VN cũng là
nơi lý tưởng để tàu ngầm hoạt động.
Những phân
tích trên đây cho thấy VN cần có những hành động tiếp theo, và theo nhiều
chuyên gia, đó là con đường khởi kiện.
Theo LS
Hoàng Ngọc Giao, Trung Quốc đã vi phạm Hiến chương LHQ, và điều VN có thể làm
là đưa Trung Quốc ra Hội đồng bảo an (HĐBA) LHQ. “Hiến chương LHQ nói rất rõ
mà đây là một nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, là các quốc gia thành
viên LHQ từ bỏ đe dọa bằng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế
để chống lại quyền bất khả xâm phạm và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia.
Hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông từ trước đến nay, và đặc biệt sự việc hiện
nay ở bãi Tư Chính, là hành vi vừa đe dọa dùng vũ lực, vừa dùng vũ lực bằng
việc các tàu hải cảnh, dân binh... vào vùng đặc quyền kinh tế của VN. Phản
ứng của quốc tế cũng nhìn nhận đây là hành vi đe dọa hòa bình, thách thức an
ninh khu vực và vi phạm nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Trung Quốc
cũng không chỉ xâm phạm vùng biển VN, mà còn cả vùng biển của Malaysia và
Philippines”, LS Giao nói.
Chưa kể,
theo LS Giao, hành động tôn tạo các đảo, bãi đá ngầm mà Trung Quốc xâm chiếm
trái phép cũng gây thiệt hại rất lớn cho tài nguyên môi trường biển, vì đây
cũng là lý do có thể kiện Trung Quốc ra tòa.
“VN cần tận
dụng cơ chế của HĐBA, theo Hiến chương LHQ từ điều 33.1 - 33.4 và điều 35,
HĐBA có thẩm quyền theo đề nghị của các quốc gia xem xét những tình huống đe
dọa hòa bình, an ninh khu vực, quốc tế. Đây là một cơ chế chúng ta cần tận
dụng. Cần đưa câu chuyện về hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ở Biển
Đông ra trước HĐBA LHQ”, ông Giao khuyến nghị và cho rằng cơ hội đang đến bởi
VN là Ủy viên không thường trực của HĐBA nhiệm kỳ 2020 - 2021.
Mặc dù một
số chuyên gia am hiểu Hiến chương LHQ cho rằng Trung Quốc là Ủy viên Thường
trực HĐBA và có quyền Veto (quyền phủ quyết), nhưng theo LS Giao, VN không
nhất thiết phải hướng tới một nghị quyết của HĐBA về vấn đề Biển Đông (mà
Trung Quốc có quyền phủ quyết), chỉ cần đưa được vấn đề này ra chương trình
nghị sự của HĐBA.
“Theo điều
27.2 của Hiến chương thì những vấn đề thuộc về thủ tục không cần áp dụng cơ
chế Veto, cho nên chỉ cần 9/15 thành viên đồng ý là có thể đưa vào chương
trình nghị sự của Hội đồng. Theo tôi, đây là biện pháp cấp bách nhất hiện nay
trước tình hình bãi Tư Chính. Làm được điều này, vấn đề Biển Đông sẽ được quốc
tế hóa, người ta phải thảo luận thực sự, phải nêu đích danh Trung Quốc, nêu
hành vi của Trung Quốc, để Trung Quốc không còn dùng truyền thông, tiền bạc
lu loa lên đó là khu vực tranh chấp”, ông Giao khuyến nghị.
Ông Giao còn
cho rằng đây cũng là một biện pháp ngoại giao, vì theo Hiến chương LHQ và cơ
chế của Tòa án công lý quốc tế (ICJ), thì 2 cơ quan của LHQ có quyền trưng
cầu ý kiến pháp lý (legal opinion) của ICJ là HĐBA và Đại hội đồng LHQ, trong
khi các nước thành viên không được lấy ý kiến trực tiếp.
“Có thể đề
nghị HĐBA LHQ yêu cầu tham vấn pháp lý đối với ICJ về áp dụng và giải thích
UNCLOS tại Biển Đông. Nếu có được một câu trả lời của ICJ thì nó có giá trị
pháp lý mang tính toàn cầu, còn hơn cả Tòa trọng tài quốc tế (PCA), chỉ có ý
nghĩa giữa 2 nước (bên khởi kiện và bên bị kiện)”, ông Giao nhận xét.
Phán quyết pháp lý sẽ chấm dứt
sự tồn tại của các yêu sách bất hợp pháp
Thạc sĩ Hoàng Việt, giảng viên
ĐH Luật TP.HCM, dẫn thông tin về việc tàu Hải Dương Địa chất 8 và khoảng 25
tàu hộ tống vẫn đang hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của VN,
và cho rằng sự xâm phạm của Trung Quốc là rất mạnh mẽ.
“Trung
Quốc đưa nhiều luận điệu khác nhau về pháp lý, nhưng những hoạt động trên
thực tế của họ ở Biển Đông còn ghê gớm hơn nhiều. Chúng ta đấu tranh bảo vệ
biển đảo bằng biện pháp hòa bình, nhưng hòa bình không có nghĩa là không làm
gì cả. Phát biểu của Phó thủ tướng (Phó thủ tướng Phạm Bình Minh - PV) tại
Đại hội đồng LHQ (hôm 28.9 vừa qua) cũng cho thấy giải pháp pháp lý là cần
thiết”, ông Việt nói.
Phân tích
việc PCA và ICJ đều có bất lợi về thẩm quyền (không thể quyết định mà không
có sự đồng thuận của quốc gia liên quan, trong khi Trung Quốc luôn cự tuyệt
đưa ra bất cứ một bên thứ ba nào), ông Việt cho rằng VN nên làm như
Philippines.
Trả lời
câu hỏi kiện Trung Quốc có hiệu quả không, nhất là với tiền lệ Trung Quốc đã
hoàn toàn phớt lờ phán quyết của tòa trong vụ kiện với Philippines, nguyên
Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia Nguyễn Quý Bính, người cũng nguyên là
trọng tài viên của Tòa trọng tài quốc tế (PCA) tại The Hague (Hà Lan), cho
rằng: “Đúng là luật pháp quốc tế không có cơ chế bảo đảm thực thi các phán
quyết của cơ quan tài phán như pháp luật quốc tế, việc thực thi, do vậy phụ
thuộc vào thiện chí của các bên liên quan. Tuy nhiên, phải xác định rõ ràng
là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình hình hiện nay đó là việc tồn tại
tranh chấp liên quan yêu sách bất hợp pháp của Trung Quốc. Việc sử dụng biện
pháp pháp lý chính là để giải quyết nguyên nhân này. Từ góc độ này, tôi cho rằng
việc sử dụng biện pháp pháp lý là hiệu quả, vì phán quyết là cuối cùng và có
giá trị ràng buộc đối với các bên tranh chấp, nên về mặt pháp lý sẽ chấm dứt
sự tồn tại yêu sách bất hợp pháp. Tất cả các biện pháp khác đều không có được
tác dụng như vậy”.
Ông Bính
khẳng định thêm: Một phán quyết có giá trị ràng buộc với Trung Quốc sẽ là cơ
sở vững chắc để VN huy động sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Thực tế là trong
vụ kiện trọng tài Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc, các quốc gia đều
khẳng định phán quyết có giá trị ràng buộc với cả 2 bên; việc phán quyết một
phần chưa được thực thi là bởi chính sách và tính toán chính trị của
Philippines. Thời gian qua cũng cho thấy Trung Quốc có những kiềm chế nhất
định, không có những hành vi thô bạo trái phán quyết, dù tìm mọi cách để bác
bỏ giá trị và nội dung của phán quyết.
Vũ Hân
Buổi tọa đàm
ngoài sự tham dự của các chuyên gia về luật pháp quốc tế, về biển đảo, còn có
nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư Vũ Quốc Hùng; các chuyên gia kinh tế
như bà Phạm Chi Lan, ông Lê Đăng Doanh, ông Nguyễn Đình Cung...; Anh hùng Lực
lượng vũ trang Lê Mã Lương, nguyên Đại sứ VN tại Philippines Trương Triều
Dương... thể hiện sự lo ngại của giới trí thức trong nước trước những diễn
biến leo thang trên Biển Đông suốt 3 tháng vừa qua.
(Theo Thanh Niên) Vũ Hân
|
Thứ Hai, 7 tháng 10, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét