Thứ Hai, 14 tháng 10, 2019

Lãnh đạo Bình Dương nói gì về phản ứng của "hiệp sĩ" Nguyễn Thanh Hải?

Cập nhật lúc 16:27                                  

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho rằng quy chế đưa ra không nhằm "bó tay bó chân anh em". Nếu quy chế có gì lạc hậu thì nên góp ý, nên vì cái chung.

Sáng 14-10, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động xung quanh thông tin anh Nguyễn Thanh Hải xin rời khỏi mô hình CLB phòng chống tội phạm của phường Phú Hòa, một vị lãnh đạo của Tỉnh ủy Bình Dương - người rất tâm huyết với phong trào phòng chống tội phạm của tỉnh, chia sẻ: "Anh Hải cho rằng quy chế không phù hợp nên không làm nữa. Quy chế là để hướng cho anh em vừa cống hiến công sức của mình, vừa hoạt động không chệch hướng chứ không bó tay bó chân anh em đâu. Thực ra, nếu những quy định trong quy chế có gì chưa phù hợp hay lạc hậu thì hãy góp ý cho hoàn thiện hơn".


Anh Hải cho biết sẵn sàng trở lại mô hình cũ nếu cơ chế được sửa đổi

Trong khi đó, cũng trong sáng 14-10, phóng viên Báo Người Lao Động có cuộc phỏng vấn đối với anh Hải.
Phóng viên: Anh cho biết lý do cốt lõi khiến anh rời CLB?
Anh Nguyễn Thanh Hải: Quy chế hoạt động do UBND tỉnh ban hành năm 2013 bây giờ không còn phù hợp với tôi nữa. Quy chế này yêu cầu "hiệp sĩ" truy đuổi đối tượng ra khỏi địa bàn phải báo cáo ngay. Thử hỏi người dân mất xe, đối tượng chạy về TP HCM, tôi dí theo 100km/h thì sao tôi báo công an. Mà báo công an phường họ có ra liền không? Tôi xin nghỉ sinh hoạt ở CLB của phường để thoải mái ra ngoài hoạt động.
Thực tế trước khi bắt đối tượng có lần nào anh báo cho công an phường nơi xảy ra vụ việc đến hỗ trợ chưa?
Báo rồi chứ. Họ có ra nhưng ra chậm, có khi chậm cả 15-30 phút. Mình bắt trộm cướp là phải lẹ làng, trễ chạy trốn mất sao? 


Sáng 14-10, anh Hải vẫn tiếp người dân tại quán cà phê

Có cán bộ nói rằng quy chế đưa ra như vậy cũng là để "hiệp sĩ" và công an phối hợp đồng bộ. Nếu vụ nào "hiệp sĩ" cứ tự bắt rồi mới giao cho công an thì rất nguy hiểm, có khi không ổn về tính pháp lý. Hơn nữa, ra quy chế là cũng để giám sát "hiệp sĩ", không để lạm quyền. Nhóm của anh bây giờ hoạt động không theo quy chế thì anh có băn khoăn gì không?
Những anh em đi theo tôi, tôi luôn chỉ bảo về nghiệp vụ. Khi bắt đối tượng, tôi luôn đi đầu, không cho anh em nào manh động. Những anh em đi theo tôi mà không nằm trong danh sách thì anh em làm gì sai tôi sẽ chịu trách nhiệm đầu tiên.
Bây giờ tôi ra ngoài hoạt động thực ra cũng lo lắng, sợ mình bắt tội phạm xong cơ quan chức năng không tiếp nhận. Tuy nhiên từ giờ tôi chỉ bắt tội phạm quả tang. Bắt xong tôi gọi ngay cho công an đến hiện trường tiếp nhận chứ không chở đối tượng bàn giao công an như trước nữa. Công an phường nào mà không tiếp nhận tôi sẽ ghi âm lại.
Phải sinh hoạt trong CLB Phòng chống tội phạm mới được sử dụng công cụ hỗ trợ khi bắt tội phạm. Bây giờ anh nghỉ rồi thì tính sao?
Tôi không lo vì trước giờ phần lớn là tay không bắt cướp. Người ta tặng áo giáp, công cụ hỗ trợ tôi cũng bỏ trong tủ chứ không dùng.
Hỏi thật tiền đâu mà anh trang trải chi phí cho cả nhóm đi bắt tội phạm như vậy?
Người ta gọi tôi báo tin rất nhiều. Điện thoại liên tục nên tôi phải trả 6 triệu đồng/tháng để nhờ người tin cậy nghe điện thoại dùm. Anh em bị thương tôi cũng lo tiền thuốc men...Tôi có mặt bằng cho thuê nên lấy tiền từ đó ra trang trải.
Mô hình CLB phòng chống tội phạm là mô hình gây tiếng vang, tạo dấu ấn đẹp cho Bình Dương mà anh lại rời bỏ nó. Bây giờ nếu một vị lãnh đạo tỉnh yêu cầu anh trở lại thì anh có đồng ý không
Tôi sẵn sàng trở lại nhưng phải sửa quy chế hoạt động, có quy chế mới. Tôi là "hiệp sĩ" chứ đâu phải là công an đâu mà ra khỏi địa bàn phải báo cáo? Tôi làm với cái tâm, người dân gọi thì tôi chạy.
(Theo Người lao động) NHƯ PHÚ thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét