Báo cáo đánh giá tác động môi
trường của dự án Tam đảo II có nhiều chữ ký khống
Cập nhật lúc 14:40
Quay trở lại chuyện tiếp cận bản báo cáo
đánh giá tác động môi trường của dự án Tam Đảo II thuộc Tập đoàn Sun Group,
cuối cùng, chúng tôi đành chấp nhận thực tế: không thể lấy đầy đủ, nguyên vẹn
bản báo cáo này.
Sau rất nhiều lần “mặc cả” lấy chỗ này,
không lấy chỗ khác, đặc biệt là không được lấy phần ý kiến phản biện của các
nhà khoa học, chúng tôi mới được cho phép chụp khoảng hơn 100 trang tài liệu
bản báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được Bộ Tài nguyên và Môi
trường biên tập, kiểm duyệt kỹ càng. Suốt quá trình “mặc cả” này, chúng tôi
được tiếp xúc với một cán bộ đã trực tiếp thẩm định báo cáo ĐTM của dự án Tam
Đảo II.
Sự tử tế hiếm hoi
Khoảng lần thứ
ba gặp vị cán bộ nói trên ở trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), chúng
tôi được vị này chia sẻ: “Các em lấy ĐTM của dự án Tam Đảo II bây giờ cũng
chẳng có giá trị gì đâu. Bản này hầu như đã được làm sạch hết rồi”.
“Vậy khi chưa
sạch thì nó ra sao?” - chúng tôi hỏi. Vị cán bộ này nói: “Anh còn nhớ, khi
bắt đầu cầm hồ sơ này thì nó chẳng có nội dung gì giá trị cả. Đến hội đồng
khoa học, họ còn lập khống lên, anh hỏi ai cũng ngớ người ra, không biết sao
tên mình lại được nêu trong đó. Anh giật mình khi xem dự án, thấy họ nêu
những dãy biệt thự shophouse 4 tầng, rồi dãy nhà trung tâm, gọi là công trình
điểm nhấn cao 9 tầng... mà những thứ ấy người ta lại xây trên “phân khu phục
hồi sinh thái trong rừng đặc dụng” và “phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng
đặc dụng”. Không luật nào cho phép làm những thứ như thế này cả”.
Vị cán bộ này
nói tiếp: “Họ đã lách điều luật “dưới 50ha” để không phải trình dự án ra Quốc
hội. Anh đã chỉ rất rõ điều này trong báo cáo của mình, yêu cầu làm rõ ý kiến
của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại công văn số 935/BKHĐT-KTNN ngày 12/2/2015,
trong đó dẫn Nghị quyết số 49/2010/QH12 ngày 19/6/2010, quy định công trình
sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất vườn quốc gia, khu bảo tồn
thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan, khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học
từ 50ha trở lên cần báo cáo Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư (trong Báo
cáo ĐTM này, với tổng diện tích khu vực Bến Tắm (131.741m2) và khu vực Tam
Đảo II (367.108m2) là 498.849m2, xấp xỉ 50ha và chưa bao gồm diện tích đất có
thể phải chuyển đổi của các dự án riêng không thuộc phạm vi của báo cáo ĐTM”.
Cục trưởng của anh trước là anh Lợi gạch hết đề xuất của anh. Mọi người trong
cơ quan đều biết”.
Chúng tôi hỏi:
“Sao anh không dừng lại mà vẫn tiếp tục làm bản báo cáo này?”. Vị cán bộ đáp:
“Anh không dừng được, có rất nhiều sức ép, không làm không được. Dự án đã có
ngày khởi công, quan khách cao cấp đã được mời, không còn cách nào khác, anh
đành phải “đẩy xe bò lên dốc vậy”. Chúng tôi hỏi tiếp: “Vậy anh chấp nhận mình
làm sai?”. Vị này liền mở tủ lấy một tập tài liệu đưa cho chúng tôi và nói:
“Đây là tất cả những ý kiến đánh giá của anh đối với dự án Tam Đảo II. Nó chỉ
ra rằng, dự án này không thể thực hiện được vì vi phạm quá nhiều luật định.
Các em cầm lấy mà nghiên cứu”. Chúng tôi hỏi: “Anh đã chuyển tài liệu này đi
đâu chưa?”. Vị này trả lời: “Để tự bảo vệ mình, anh đã gửi nó qua email cho
các lãnh đạo”.
Cầm trên tay
tập tài liệu của một người tốt hiếm hoi, chúng tôi biết, những dòng chữ đầy
trách nhiệm này đã nằm trong email của các lãnh đạo Bộ TN-MT. Có thể, những
nội dung phản biện đúng đắn của anh chưa hoàn thành được sứ mệnh của nó,
nhưng ít nhất, nó đã giúp chúng tôi thấy ấm áp hơn, hy vọng hơn và có động
lực để đi tiếp...
Bất chấp tất cả
Nếu đúng như vị
cán bộ trên nói “bản ĐTM của dự án Tam Đảo II hiện nay đã được làm sạch”, thì
hơn 100 trang tài liệu mà chúng tôi được tiếp cận chắc chắn là “sạch” nhất.
Với hơn 100
trang tài liệu lộn xộn, không đầy đủ này, chúng tôi quyết định đi sâu vào kiểm
tra những yếu tố có tác động đến con người trong đó. Theo Luật Bảo vệ môi
trường, đối với dự án lớn như Tam Đảo II, phải thực hiện việc tham vấn cộng
đồng. Nghĩa là, một trong những điều kiện quan trọng nhất của ĐTM là phải lấy
ý kiến của những người dân chịu tác động của dự án, sống xung quanh dự án.
Người dân phải được biết rõ về dự án, được tham gia ý kiến, đồng ý, không
đồng ý, hoặc những ý kiến khác thông qua những cuộc họp công khai về dự án...
Trong hơn 100 trang tài liệu mà chúng
tôi có được, chúng tôi thấy có biên bản gồm 6 xã đã lấy ý kiến của người dân
xung quanh dự án Tam Đảo II. Theo chi tiết tài liệu, xã lấy ý kiến ít nhất là
của 9 người dân, xã lấy ý kiến nhiều nhất là của 13 người. Kết thúc cuộc họp,
những người dân được lấy ý kiến đều đồng thuận tuyệt đối với dự án. Có 3 xã
chỉ đề tên người dân tham dự cuộc họp mà không có chữ ký, còn 3 xã khác thì
có đầy đủ tên tuổi, kèm chữ ký xác nhận. Biên bản các cuộc họp với ý kiến của
các cá nhân đều na ná nhau.
Nhóm phóng viên
chúng tôi đã lặn lội đến 6 xã được nêu trong tài liệu, gồm Quân Chu, Cát Nê,
Ký Phú (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên), Tam Quan, Đạo Trù, Đại Đình (huyện
Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc). Tiếp cận tất cả người dân có tên trong danh sách
lấy ý kiến tham vấn cộng đồng, thật bất ngờ, tất cả người dân có tên trong
bản danh sách ấy đều không biết gì về dự án Tam Đảo II - Bến Tắm - Thác 75
như biên bản đã ghi. Kể cả những người có chữ ký hoặc không có chữ ký xác
nhận, mặc dù trong biên bản ghi là đã có ý kiến đồng thuận với dự án nhưng
khi được hỏi, họ khẳng định chưa từng nghe đến cái tên của dự án, chứ nói gì
đến việc được tham gia họp bàn và có ý kiến.
Khi chúng tôi
chìa biên bản có chữ ký của khoảng 30 người dân ra, ai nấy đều ngạc nhiên tột
độ khi thấy chữ ký “của mình”. Một trưởng thôn còn nói với chúng tôi: “Đây
không phải chữ ký của bà con đâu. Đa phần người dân ở đây chỉ học hết lớp
Hai, lớp Ba, viết tên mình còn không nổi, huống hồ là ký đẹp thế này”. Thậm
chí, một số người dân còn tự ký tên mình ngay cạnh chữ ký được cho là của họ
trong bản ĐTM của dự án Tam Đảo II để chứng minh chữ ký đó không phải của
mình.
Ngày
27/12/2016, dự án Tam Đảo II được Tập đoàn Sun group tổ chức lễ khởi công
hoành tráng với sự tham gia của nhiều quan chức cấp cao. Truyền thông đưa tin
rầm rộ về buổi lễ khởi công dự án có giá trị 25.000 tỷ đồng này. Trước đó chỉ
một ngày, tức ngày 26/12/2016, Bộ TN-MT mới chính thức ký quyết định
phê duyệt ĐTM của dự án này. Theo quy định pháp luật, sau khi có ĐTM,
các cơ quan chức năng mới có căn cứ để thẩm định hồ sơ, sau đó mới cấp phép
xây dựng. Đến đây, có thể thấy rằng, dự án Tam Đảo II đã khởi công khi chưa
có giấy phép xây dựng.
Điều này cũng
là câu trả lời cho câu hỏi, vì sao suốt quá trình đi tìm giấy phép xây dựng
của dự án này, các cơ quan chức năng đều tìm cách né tránh. Theo luật định,
bất cứ một dự án nào cũng buộc phải có đủ giấy phép, nhất là giấy phép xây
dựng, mới được làm lễ khởi công. Còn nếu làm lễ khởi công mà thiếu các giấy
phép nghĩa là vi phạm pháp luật.
Dự án Tam Đảo
II của Sun Group gần đây đã làm dấy lên những tranh luận trái chiều của nhiều
tầng lớp trong xã hội. Đây là một việc lớn, hệ trọng, có ảnh hưởng đến nhiều
người, nhiều thế hệ, rất cần sự vào cuộc của hệ thống chính trị.
Trong khuôn khổ
bài viết này, chúng tôi chỉ nêu những sai phạm rõ ràng, không thể biện minh
của dự án Tam Đảo II. Mong rằng, các cơ quan chức năng sớm trả lời những câu
hỏi: Tại sao một dự án lớn như Tam Đảo II, được tổ chức khởi công trái phép
mà đến nay, vẫn chưa thấy cơ quan chức năng nào kiểm tra, xử phạt? Tại sao
một dự án lớn như vậy lại dám dựng lên danh sách giả của hơn 60 con người để
từ đó hợp thức hóa những giấy phép quan trọng của dự án, thậm chí, có hơn 30
người đã bị làm giả cả chữ ký? Những con người cụ thể, có địa chỉ hẳn hoi mà
còn bị làm giả ý kiến, quan điểm, chữ ký thì những thông tin quan trọng hơn
liệu còn bao nhiêu điều khuất tất?
Nhóm phóng viên
Báo Phụ nữ TPHCM
|
Thứ Hai, 21 tháng 10, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét