Thứ Tư, 23 tháng 10, 2019

Một năm 7 lần sự cố, dự án dùng nhà thầu Trung Quốc thua lỗ nặng

Cập nhật lúc 14:11    

 

Sau khi vận hành trở lại vào đầu năm 2017, thì đến năm 2018 dự án này chỉ chạy máy 117 ngày, tạm dừng 7 lần do sự cố.


Chính phủ mới đây đã có báo cáo gửi Đại biểu Quốc hội khóa 14 Kỳ họp thứ 8 về tình hình và kết quả xử lý tồn tại, yếu kém của 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành Công Thương.
Một năm dừng chạy 7 lần do sự cố
Báo cáo của Chính phủ cho thấy, 6 dự án trước đây có hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng thua lỗ thì đến năm 2018 và 8 tháng đầu năm 2019, đã có hai nhà máy hoạt động sản xuất, kinh doanh có lãi.
Đó là Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng lợi nhuận sau thuế đạt 7,2 tỷ đồng và Nhà máy Thép Việt - Trung lợi nhuận sau thuế đạt 270 tỷ đồng. Tuy nhiên, do khó khăn của thị trường, các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh giảm so với cùng kỳ năm 2018.


Dự án đạm Ninh Bình dùng nhà thầu Trung Quốc vẫn ngập trong thua lỗ. Ảnh: Lương Bằng

Đối với 4 dự án còn thua lỗ đang từng bước khắc phục khó khăn, tiếp tục giảm được lỗ nhưng do tình hình thị trường diễn biến bất lợi nên kết quả chưa bền vững.
So với cùng kỳ năm 2018, 8 tháng đầu năm 2019, Nhà máy đạm Ninh Bình giảm lỗ 284 tỷ đồng nhưng Nhà máy đạm Hà Bắc tăng lỗ 138 tỷ đồng; Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2- Lào Cai tăng lỗ 94 tỷ đồng; Công ty DQS giảm lỗ 46 tỷ đồng.
Nhìn chung, số phận của 12 dự án vẫn khá ảm đạm.
Riêng đạm Ninh Bình (Tập đoàn Hóa chất Việt Nam - Vinachem), sau khi vận hành trở lại vào đầu 2017 thì đến năm 2018 chỉ chạy máy 117 ngày, tạm dừng 7 lần do sự cố, trong đó lần dài nhất từ ngày 10/5 đến ngày 22/8/2018.
8 tháng năm 2019, đạm Ninh Bình vẫn lỗ hơn 400 tỷ đồng (giảm lỗ hơn 284 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2018).
Dự án đạm Hà Bắc (Vinachem) trong quá trình hoạt động cũng liên tục thua lỗ. Lỗ lũy kế đến hết 2016 đã là hơn 1.700 tỷ đồng. Mấy năm nay, dự án tiếp tục thua lỗ. 8 tháng năm 2019 lỗ 342 tỷ đồng, tăng lỗ tới trên 138 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Quá trình vận hành dự án đạm Hà Bắc, hệ thống thiết bị đã xảy ra nhiều sự cố, tuy không lớn, chi phí sửa chữa không nhiều nhưng phải ngừng toàn bộ hệ thống, tốn thời gian vận hành và chi phí chạy thử (10 tỷ đồng/lần).
Dự án xơ sợi Đình Vũ (PVtex) sau khi vận hành trở lại vẫn không thoát cảnh thua lỗ. 8 tháng năm 2019, công ty này tiếp tục lỗ hơn 340 tỷ đồng, tăng lỗ tới trên 138 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2018, chủ yếu do tác động của việc giảm giá bán và giá nguyên liệu đầu vào tăng. Tính đến hết tháng 8/2019, công ty này vẫn lỗ tới hơn 5.100 tỷ đồng, tăng lỗ tới 12% so với năm 2018.
Dự án nhiên liệu sinh học Bình Phước dừng hoạt động từ tháng 4/2013 chỉ sau 1 năm vận hành thương mại. Tính đến hết tháng 8/2019, dự án này lỗ tới gần 1.400 tỷ đồng, tăng lỗ 14,67% so với cùng kỳ 2018.

Công ty công nghiệp tàu thủy Dung Quất lỗ lũy kế đến 31/8/2019 là gần 4.000 tỷ đồng, tăng lỗ 1,4% so với năm 2019.
Hiện còn hai dự án chưa vận hành trở lại là Dự án Nhà máy sản xuất Nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi và Dự án Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bình Phước. Nguyên nhân là diễn biến thị trường không thuận lợi nên các bên quyết định chưa vận hành lại nhà máy.


Dự án đạm Hà Bắc chưa có lối ra, thua lỗ triền miên. Ảnh: Lương Bằng

Không tự phân xử được tranh chấp
Hiện nay, việc giải quyết các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành Công Thương được xác định vẫn đối diện nhiều khó khăn cố hữu, “vắt” từ năm nay qua năm khác chưa giải quyết được.
Trước hết là vấn đề xử lý tranh chấp để quyết toán hợp đồng EPC và quyết toán toàn bộ dự án. Theo báo cáo của Chính phủ, có 7 dự án, doanh nghiệp phát sinh vướng mắc, tranh chấp đối với hợp đồng EPC đến nay vẫn chưa giải quyết được theo tiến độ đề ra.
Một số trường hợp không dàn xếp được và phải đưa ra trọng tài quốc tế phân xử. Điển hình như với 3 dự án nhà máy sản xuất phân bón (đạm Ninh Bình, đạm Hà Bắc, DAP số 2 - Lào Cai), các bên không dàn xếp được nên phải chuẩn bị sẵn sàng phương án giải quyết tranh chấp tại tòa án hoặc trọng tài theo quy định về giải quyết tranh chấp.
Nhóm khó khăn, vướng mắc thứ hai là xử lý vấn đề tài chính để giải quyết khó khăn cho các dự án, doanh nghiệp. Để đảm bảo nguyên tắc Nhà nước không cấp thêm vốn và các dự án, doanh nghiệp, cổ đông phía Nhà nước ở một số dự án, doanh nghiệp lúng túng trong việc quyết định chủ trương góp thêm vốn để có nguồn lực tài chính giải quyết khó khăn cho dự án, doanh nghiêp, nhất là việc xác định nguồn của doanh nghiệp phía Nhà nước dự kiến sẽ góp thêm vào dự án là vốn nhà nước hay vốn của doanh nghiêp.
Cụ thể, một số dự án, đặc biệt là các dự án sản xuất phân bón của Vinachem gặp khó khăn về vay vốn lưu động để phục vụ cho sản xuất, kinh doanh do các ngân hàng thương mại áp dụng cho vay vốn theo phương thức “thu về 10 phần và chỉ cho vay lại 9 phần”, dẫn đến thiếu vốn cho sản xuất, kinh doanh và làm giá thành nguyên liệu tăng cao.
Bên cạnh đó, một số dự án, doanh nghiệp chưa được giãn khấu hao và tái cơ cấu lại các khoản nợ vay nên tiếp tục khó khăn trong bố trí nguồn tài chính để xử lý các tồn tại, vướng mắc và sắp xếp vốn lưu động cho sản xuất, kinh doanh (Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyestes Đình Vũ, Dự án Nhà máy sản xuất Nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi...).
Một khó khăn nổi cộm khác là xử lý việc xây dựng phương án và thực hiên thoái vốn. Ngoại trừ Dự án Nhà máy sản xuất đạm DAP số 1 - Hải Phòng và Nhà máy thép Việt - Trung đang có lãi, các dự án, doanh nghiệp còn lại đều thua lỗ hoặc dừng hoạt động nên không nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Bên cạnh đó, các dự án, doanh nghiệp còn tranh chấp hợp đồng EPC nên chưa quyết toán được toàn bộ dự án, chưa có cơ sở để xác định giá trị dự án, doanh nghiệp thoái vốn.
(Theo VietNamNet) Lương Bằng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét