Rộ vi phạm xây dựng ở Thủ Đức, Bình
Chánh (TPHCM):
Đập nhà dân, chừa nhà… 'quan'
Cập nhật lúc 08:53
Gần 3 tháng kể từ khi TPHCM ban hành Nghị quyết 23,
trong khi nhiều nơi nỗ lực lập lại trật tự, kéo giảm hơn 40% số vụ xây dựng
trái phép, không phép thì tại Thủ Đức, Bình Chánh, vi phạm tăng mạnh, diễn
biến phức tạp do cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu; xử lý vi phạm không kiên
quyết.
Công
trình xây dựng không phép của gia đình ông Lê Hữu Thành
Nhận thông báo cưỡng chế vẫn xây hoành tráng
Theo ghi nhận của Tiền Phong, từ
đầu hẻm 419/14 (thuộc khu phố 6, phường Hiệp Bình Chánh) đi vào hơn 50 m là
một dãy 5 công trình nhà xưởng đang hoạt động. Báo cáo với đoàn công tác,
lãnh đạo UBND phường Hiệp Bình Chánh cho biết 5 nhà xưởng trên đều xây không
phép, trong đó có một căn là của ông Lê Hữu Thành có diện tích khoảng 470 m2
xây từ năm 2012. Các công trình còn lại đều là của các anh chị em trong gia
đình ông Thành là bà Lê Thị Ngọc Phụng, Lê Thị Ngọc Tuyết, Lê Thị Kim Linh và
ông Lê Ngọc Dương được xây dựng trong các năm 2015, 2016, 2017 và 2018.
Cả năm nhà xưởng xây “lụi” trong
khu đất 5.789 m2 do ông Lê Ngọc Lớn (cha ruột ông Thành) đứng tên trên giấy
chứng nhận quyền sử dụng đất và nằm trong khu quy hoạch đất ga dự trữ theo
Quyết định số 4940/2013/QĐ-UB của UBND TPHCM. Nhiều công trình đã được UBND
phường lập biên bản đình chỉ thi công; ban hành quyết định xử phạt vi phạm
hành chính; quyết định cưỡng chế…nhưng chưa tháo dỡ.
Việc xử lý các công trình vi phạm
của chính quyền địa phương gây nhiều bức xúc trong dư luận quần chúng nhân
dân. Theo tìm hiểu của Tiền Phong, giữa năm 2017, các cơ quan chức năng của
quận Thủ Đức và UBND phường Hiệp Bình Chánh đã nhận được thông tin về tình
trạng xây dựng không phép rầm rộ tại khu vực này, trong đó có 2 công trình
của người thân ông Lê Hữu Thành. Điều đáng nói, trong lúc nhiều nhà dân xây
dựng không phép tại ba khu phố 6, 7, 8 bị lực lượng chức năng cưỡng chế tháo
dỡ thì việc xử lý hai công trình của người nhà ông Thành bị kéo dài, hết sức
khó hiểu. UBND phường lập biên bản vi phạm trật tự xây dựng, yêu cầu ngưng
thi công nhưng chủ nhà không
chấp hành.
Tháng 5/2017, UBND phường ban
hành quyết định đình chỉ thi công và thông báo sẽ cưỡng chế sau 3 ngày. Tuy
nhiên, chủ nhà vẫn tiếp tục xây cất lên hoành tráng và đến tháng 8/2017 thì
hoàn thiện công trình.
Quá bức xúc, người dân đã gửi
nhiều đơn thư khiếu nại đến các sở ban ngành chức năng và UBND TPHCM. Thanh
tra Sở Xây dựng vào cuộc, phối hợp cùng Đội Thanh tra địa bàn quận Thủ Đức
tiến hành kiểm tra và có văn bản yêu cầu UBND phường Hiệp Bình Chánh xử lý.
Cuối năm 2017, UBND quận Thủ Đức cũng có văn bản yêu cầu UBND phường kiểm
tra, xử lý trong vòng 15 ngày. Tuy nhiên, gần một năm sau UBND phường Hiệp
Bình Chánh mới thực hiện thủ tục cưỡng chế. Và đến nay, thêm gần một năm nữa,
các công trình không phép của người thân ông Lê Hữu Thành vẫn ngang nhiên tồn
tại và được cho thuê làm nhà xưởng sản xuất.
Được “bảo kê”?
Sau khi ông Trần Minh Tú, Chủ
tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh bị điều chuyển công tác về Ban Dân vận Quận
ủy quận Thủ Đức thì sự thật mới dần được phơi bày.
Trao đổi với báo chí, ông Tú cho
hay các công trình trên được phát hiện kịp thời, lập biên bản vi phạm và ban
hành đầy đủ các quyết định xử phạt. Việc xử lý càng quyết liệt hơn sau khi
Thanh tra Sở Xây dựng và UBND quận Thủ Đức có văn bản chỉ đạo. Tuy nhiên,
trong quá trình thực hiện cưỡng chế, UBND phường đã bị “ngáng chân”. Lãnh đạo
phường đã nhận nhiều tin nhắn có ý can thiệp từ cán bộ lãnh đạo quận.
Ông Lê Ngọc Quí, Chánh Thanh tra
quận Thủ Đức tại thời điểm ấy đã nhiều lần gọi điện, nhắn tin cho ông Tú và
một lãnh đạo khác của phường can thiệp. Các tin nhắn từ số điện thoại của ông
Qúi lúc 11 giờ 25 và 12 giờ 56 ngày 20/9/2018 (trước thời điểm cưỡng chế một
tháng) có nội dung những công trình nói trên là “của đứa em”. Các tin nhắn từ
số máy này còn cho biết “sẽ trao đổi ông X” đang công tác trong một cơ quan
kiểm tra; sau đó khẳng định “X nói không có chỉ đạo xử lý gì hết. X thống
nhất rồi, không đưa vào báo cáo công trình đó rồi nha em. X OK rồi”. “Anh X
nói em điện thoại cho anh trao đổi nha”…
Tuy nhiên,
qua điện thoại, cả ông Lê Ngọc Quí và ông X phủ nhận can thiệp vào việc xử lý
công trình vi phạm của UBND phường. Ông Quí còn nói: “Anh không tin thì cứ
trao đổi với UBND quận. Nếu tôi bao che, tôi bảo kê thì cái nhà đó làm sao mà
bị đập được”.
Khi còn là Chánh Thanh tra quận
Thủ Đức, ông Lê Ngọc Quí cũng có hành vi xây dựng không phép căn nhà cấp 4
diện tích hơn 60 m2 phía sau biệt thự 575/1 đường Kha Vạn Cân (thuộc khu phố
8, phường Hiệp Bình Chánh). Sau khi sự việc bị lộ, Chủ tịch UBND quận Thủ Đức
Đặng Nguyễn Thanh Minh đã trực tiếp làm việc, yêu cầu ông Quí giải trình và
có biện pháp khắc phục. Đến ngày 5/4, sau gần một năm rưỡi tồn tại, gia đình
ông Lê Ngọc Quí mới tự tháo dỡ.
Tin
nhắn từ số điện thoại của ông Lê Ngọc Quí tới lãnh đạo phường Hiệp Bình Chánh
Ông Lê Ngọc
Quí là em ông Lê Hữu Thành. Sau sự cố trên, ông Quí được điều chuyển về làm
Trưởng phòng Tư pháp quận Thủ Đức.
Liên quan đến các công trình xây
dựng không phép của ông Lê Hữu Thành và gia đình không thể không nói đến việc
xử lý rất khó hiểu của lãnh đạo quận Thủ Đức. Cụ thể, ngày 20/2/2019, ông
Đặng Nguyễn Thanh Minh ký quyết định thanh tra việc thực hiện các quy định
pháp luật về phòng chống tham nhũng, thực hiện chống lãng phí tại UBND phường
Hiệp Bình Chánh. Một trong những nội dung được thanh tra là về lĩnh vực trật
tự xây dựng.
Tại quyết định này, Chủ tịch UBND
quận Thủ Đức giao ông Lê Ngọc Quí (đang là Chánh Thanh tra quận) giám sát
hoạt động của đoàn thanh tra. Ông Quí có nhiệm vụ báo cáo với Chủ tịch UBND
quận kết quả giám sát và kiến nghị các giải pháp khắc phục, đồng thời chịu
trách nhiệm về tính trung thực của báo cáo. Hệ quả là Kết luận thanh tra số
534 ngày 3/6/2019 đã không có nội dung nào đề cập đến các công trình xây dựng
không phép của gia đình ông Thành, ông Quí.
Vi phạm trật tự xây dựng tăng
1.900%
Theo báo cáo của UBND quận Thủ
Đức, số công trình xây dựng không phép, sai phép tăng đột biến trong ba tháng
2, 5 và 9/2019 với mức tăng lần lượt 900%, 1.100%, 1.900% so với cùng kỳ năm
2018. 5 tháng còn lại tăng bình quân 300%.
(Theo Tiền Phong) HUY THỊNH
|
Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét