Thứ Năm, 10 tháng 10, 2019

Hà Giang đề nghị dỡ 6 tầng Mã Pì Lèng Panorama, kiến trúc sư phản đối, vì sao?

Cập nhật lúc 14:47    

Sở Xây dựng Hà Giang vừa đề xuất phương án xử lý đối với công trình sai phạm trên đèo Mã Pì Lèng là đập bỏ 6 cấp giật theo sườn đèo, cải tạo phần còn lại làm điểm dừng chân ngắm cảnh, ngay lập tức vấp phải sự phản đối của một số kiến trúc sư.



Cận cảnh nhà hàng Panorama trên đèo Mã Pì Lèng - Ảnh: TRẦN CAO BẢO LONG

Mã Pì Lèng là một di sản thiên nhiên thì không nên xây công trình nào hết, không thể giữ lại bất cứ công trình nào lồi lên mặt đất; và nếu có xây công trình thì chỉ là công trình mây tre lá chứ không phải một công trình bê tông”.
KTS NGÔ VIẾT NAM SƠN
Ngày 8/10, Sở Xây dựng Hà Giang có văn bản gửi UBND tỉnh này báo cáo kết quả kiểm tra công trình nhà hàng Panorama tại điểm dừng số 40 dốc Mã Pì Lèng, huyện Mèo Vạc.
Sở Xây dựng Hà Giang đề xuất đập 6 cấp giật theo sườn đèo
Theo báo cáo, nhà hàng Panorama nằm ngoài bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích lịch sử danh thắng Mã Pì Lèng. Nhưng đối chiếu với quy định quản lý của đồ án quy hoạch xây dựng công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn tỉnh Hà Giang đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2017, công trình này nằm trong vùng hạn chế hoạt động xây dựng mới, chỉ xây dựng công trình an ninh quốc phòng, phục vụ du lịch, hạ tầng xã hội thiết yếu; chiều cao các công trình từ 1 đến 3 tầng.
Vì vậy, Sở Xây dựng Hà Giang đề xuất UBND tỉnh giao UBND huyện Mèo Vạc tiến hành cải tạo, chỉnh trang hai đơn nguyên giáp quốc lộ (phần xây bám mặt quốc lộ gồm tầng âm và một tầng nổi sát mặt đất) để phục vụ việc dừng chân, ngắm cảnh của khách du lịch.
6 cấp giật theo địa hình sườn núi chạy xuống phía sông Nho Quế bị đề nghị phá dỡ để cải tạo thành đất trồng cây xanh; thời hạn phá dỡ hoàn thành trước 15-11.
Sở Xây dựng Hà Giang còn đề xuất UBND tỉnh xem xét xử lý các vi phạm đối với chủ đầu tư.
Sở này cũng đề nghị tỉnh Hà Giang tham khảo ý kiến Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch trước khi ra quyết định.


Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch khẳng định bất kể công trình ở đâu phải tuân thủ đúng các trình tự, thủ tục pháp luật dù nó góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương - Ảnh: HOÀNG PHƯƠNG

Hà Giang đang "làm ngược lại những gì cần làm"
Nhận xét về phương án mà Sở Xây dựng Hà Giang đề xuất, KTS Ngô Viết Nam Sơn nói ông không ủng hộ giải pháp này. Ông góp ý 2 giải pháp. Giải pháp hơi cực đoan và triệt để là đập bỏ toàn bộ công trình này, quy hoạch thành một sân ngắm cảnh, chụp hình.
Còn giải pháp thứ hai, dung hòa hơn là giữ lại các phần chức năng ngắm cảnh, phá bỏ hết các chức năng công trình du lịch. Theo đó, sẽ là phương án ngược lại với Sở Xây dựng Hà Giang đang đề xuất: đập bỏ phần công trình nổi và cải tạo phần giật cấp bám theo sườn đèo.
Trong trường hợp giữ lại phần giật cấp này thì phải cải tạo nó thành các sân ngắm cảnh giật cấp, giấu kín các công trình phục vụ vệ sinh, chỉ còn những sân thượng xanh, không được làm lộ ra các vật liệu nhân tạo, ngay cả những tường đá cũng phải được phủ xanh hết.
"Đứng trên góc độ bảo tồn di sản thì một điểm ngắm cảnh chỉ nên là một sân ngắm cảnh và các công trình khác phải ngầm xuống. Đây là một điểm di sản thiên nhiên chứ không phải một điểm du lịch. Nếu đây là một điểm du lịch giống như điểm nhìn xuống thung lũng Đà Lạt thì có thể xây một công trình du lịch ở đây" - KTS Ngô Viết Nam Sơn nói.
Theo ông Nam Sơn, Sở Xây dựng Hà Giang hiểu sai khái niệm điểm dừng chân ngắm cảnh di sản thiên nhiên. Đề xuất của họ là để tạo ra một công trình du lịch chứ không phải một điểm dừng chân ngắm cảnh như chuyên gia UNESCO đề xuất.
KTS Nguyễn Hoàng Phương (Hà Nội) cũng cho rằng giải pháp của Sở Xây dựng Hà Giang là đang làm ngược lại những gì cần làm. Theo anh, cần phải đập bỏ phần công trình nổi bám mặt quốc lộ, để một khoảng sân rộng, nằm ngang mặt đường làm điểm dừng chân ngắm cảnh. Những phần giật cấp theo sườn đèo nếu muốn giữ lại thì phải cải tạo cho "vô hình", hòa hợp với cảnh quan.
Ông Ngô Viết Nam Sơn cũng cho rằng Luật di sản văn hóa đang có lỗ hổng rất lớn khi chỉ bảo vệ vùng bảo vệ 1, 2 của di sản mà bỏ qua các vùng đệm.
Về việc tồn tại hai cái tên Mã Pì Lèng trong cộng đồng bên cạnh tên Mã Pí Lèng, ông Ma Quốc Trường - phó chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc - cho biết tên đúng của con đèo này là Mã Pì Lèng nhưng một số người nhầm lẫn gọi là Mã Pí Lèng.
Ông Trường cho hay ở vùng biên của Hà Giang, từ "pí" theo tiếng Hán lại mang nghĩa không tốt.
(Theo Tuổi trẻ) THIÊN ĐIỂU

Một cách xử lí nửa vời và như chấp nhận sai phạm của tỉnh này chỉ khiến dư luận thêm bức xúc. Cần tháo dỡ hết công trình chứ không phải là cho hoàn thiện thủ tục cấp phép. Nếu cần chố để người qua đường ngắm cảnh chì chỉ làm một khỏang sân nhỏ, có lan can an toàn và tuyệt đối cấm các dịch vụ thương mại, ăn uống…
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét